Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]


Về một nhận xét sai lầm của Nguyễn Duy Hinh trong
"Tư tưởng Phật Giáo Việt Nam"

NXB. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1999

Nguyễn Ðức Sơn

Khoảng mười năm trở lại đây, tình hình xuất bản sách nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, đặc biệt là vấn đề Quốc học của chúng ta, có thể nói là tương đối rộn ràng. Ðồng thời với những công trình mới xuất hoàn thành của các nhà khoa học, nhiều tác phẩm nghiên cứu, biên dịch đã ấn hành trước năm 1975 cũng được tái bản dưới nhiều hình thức. Ðiều này thể hiện chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong việc nỗ lực xác định nội hàm của khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc, nhằm làm cơ sở cho phát triển xã hội trong xu thế hội nhập toàn cầu mà không bị thao túng về văn hóa, hòa nhập mà không hòa bị hòa tan.

Tuy nhiên, một thực tế đáng quan ngại là, bên cạnh các công trình nghiên cứu nghiêm túc, có giá trị khoa học nhất định, vốn đã không nhiều, lại thấy những cuốn sách viết cẩu thả, vô thưởng vô phạt hoặc không cung cấp thông tin gì mới ngoài sự lắp ghép và cóp nhặt các công bố trước một cách vụng về lại thiếu tính trung thực, thiếu tinh thần cập nhật, tùy tiện, và tệ hại hơn là tỏ ra sự coi thường lịch sử khách quan. Ở đây, chúng tôi xin nêu làm thí dụ một nhận xét sai lầm của Nguyễn Duy Hinh (NDH) trong cuốn sách " Tư tưởng Phật giáo Việt Nam", một cuốn sách có nhiều lệch lạc trong nhận xét và tùy tiện trong suy diễn đối với các vấn đề tư tưởng Phật giáo và lịch sử dân tộc của ông vừa mới xuất bản.

Ở trang 650, thuộc chương IV: "Phật giáo chấn hưng và cách tân", trong mục I: "Phật giáo thế kỷ XI-XIV", NDH đã không cẩn trọng khi nhận định rằng : "Suốt thế kỷ XV-XVI, là thời kỳ dựng bia tiến sĩ, lập văn miếu, chứ không phải xây chùa đúc chuông."

Trước hết, xin nói rõ tại sao chúng tôi lại nói về nhận xét sai lầm này. Bởi lẽ, trong lời đầu sách, người viết (NDH) đã tự ý thức rằng : "... Nội hàm Phật giáo cũng như kinh lục Phật giáo cực kỳ đồ sộ, theo tác giả, đồ sộ hơn bất kỳ tôn giáo nào, một người không thể hiểu thấu, thậm chí không thể hiểu đúng."... (sđd, trang 7), và " Thực chất [của cuốn sách này-NÐS] chỉ là bước đầu tìm hiểu, hệ thống hóa tư liệu, nêu ra những nhận xét nông cạn để làm cơ sở cho người khác - hiện nay và mai sau - xem xét, tham khảo, tiến tới một nhận thức đầy đủ hơn." (sđd, trang 6). Do đó, thôi thì ở đây chúng tôi tạm chưa đề cập những sai lệch về kiến thức rất cơ bản trong tư tưởng Phật giáo và khái niệm Phật học, mà chỉ nêu một trong những nhận xét sai lầm đơn thuần về mặt tư liệu, mà nếu chỉ bằng một thao tác thống kê đơn giản qua số liệu các văn bia ở thế kỷ XV-XVI, một nguồn tư liệu xưa nay luôn được xem là cứ liệu lịch sử đích thực, thì sẽ không bao giừo có thể nhận định tùy tiện và máy móc như NDH đã viết về tình hình Phật giáo ở thế kỷ XV-XVI như vậy.

Theo những thống kê của Ðinh Khắc Thuân trong bài "Vài nét về văn bia đời Mạc" in ở sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử (trang 201-242), Hội khoa học lịch sử Việt Nam - Viện Sử học - Hội đồng khoa học lịch sử TP Hải Phòng chủ trương, HN, 1996; và cũng tác giả Ðinh Khắc Thuân với những bổ sung trong sách Văn bia đời Mạc, Nxb. Khoa học xã hội, HN, 1996, thì tổng số văn bia có niên đại triều nhà Mạc (1527 - 1592) hiện biết được là 155 chiếc, và trong 147 văn bia + 1 bài minh văn trên chuông đồng chùa Tư Phúc (Thái Bình) mà ông đã dịch, giới thiệu thì nội dung cụ thể như sau :

Văn bia chùa 110 chiếc
Văn bia quán  9 -
Văn bia cầu 8 -
Văn bia đền  6 -
Văn bia đình  4 -
Văn bia am động 3 -
Văn bia ruộng đất 2 -
Văn bia tiến sĩ  2 -
Văn bia lăng mộ 1 -
Văn từ  1 - 
Ðó là thống kê đã được công bố rộng rãi, còn về văn bia ở thời Lê sơ, tức thế kỷ XV-XVI, chưa thấy ai thống kê. Nay căn cứ những giới thiệu tóm tắc sơ bộ của tập thể tác giả do Nguyễn Quang Hồng chủ biên trong Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, nhà xuất bản Khoa học xã hội, HN, 1993, chúng tôi đã làm một thống kê các văn bia có niên đại Lê sơ, bắt đầu từ văn bia có niên đại 1432 (số thứ tự 1784) đến văn bia có niên đại 1527 (số thứ tự 969), tổng số là 70 chiếc, trong đó:
Văn bia chùa 19 chiếc
Văn bia tiến sĩ  12 -
Văn bia lăng 11 - 
Văn bia đình  4 -
Văn bia đền 4 -
Văn bia lăng mộ 4 -
Văn bia đê điều 3 -
Văn bia cầu cống 3 -
Văn bia từ đường 3 -
Văn bia vách động 3 -
Văn bia núi 2 -
Văn bia miếu mạo 1 -
Văn bia bến đò  1 -
Như vậy, nếu so sánh với văn bia thời Mạc thì quả thật số lượng văn bia chùa ở thời Lê sơ hiện biết được có ít hơn (110/148, 19/70). Tuy nhiên, số lượng văn bia chùa thời Lê sơ vẫn chiếm ưu thế hơn so với các loại văn bia khác như đã thấy qua sự thống kê sơ bộ trên. Ở đây chưa tính đến những ngôi chùa không dựng bia hoặc văn bia chưa được tìm thấy. Qua số liệu thống kê như vậy cho biết rằng, Phật giáo ở nước ta không có hiện tượng gọi là suy thoái. Chùa chiền vẫn được xây dựng, tu bổ, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng không chỉ của đông đảo quần chúng nhân dân, mà cả tầng lớp quan lại, vua chúa.

Chỉ với những số liệu thống kê sơ bộ như vậy đã cho thấy rằng, nhận định của NDH về Phật giáo thế kỷ XV-XVI là hoàn toàn máy móc, hết sức tùy tiện và thiếu tinh thần phê phán, cập nhật thông tin khoa học. Lẽ nào ông NDH lại không biết đến những công trình như Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, cũng do nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1993, trước cuốn sách của ông chào đời có đến ít nhất là những 6 năm ? Ở đây, khó có thể chấp nhận sự viện dẫn rằng "do thiếu tư liệu tham khảo" như các học giả mấy mươi năm trước, càng không thể viện tới lẽ "tri thức nông cạn", vì những nguồn tư liệu trên đã được nhóm cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm giới thiệu đã từ lâu, và đây lại là một nguồn cứ liệu lịch sử mà không một ai khi tìn hiểu lịch sử về giai đoạn này có thể bỏ qua. Không hiểu đây là thái độ làm việc cẩu thả, tùy tiện, máy móc khinh bạc đối với lịch sử khách quan hay là một sự cố tình ? Thái độ này chúng tôi đã hơn một lần gặp ở những cuốn sách của NDH. Ðấy cũng chỉ là một trong những sai lầm về cái gọi là "hệ thống hóa tư liệu" trong nhiều sai lầm khác mà NDH đã viết trong Tư tưởng Phật giáo Việt Nam.

Và, thật đáng tiếc là một cuốn sách về một vấn đề lớn và nghiêm túc nhưng lại quá nhiều sai lầm như Tư tưởng Phật giáo Việt Nam đã qua mặt ban biên tập của nhà xuất bản Khoa học xã hội, một nhà xuất bản mà bạn đọc chúng tôi "chọn mặt gởi vàng" bấy lâu, một cách dễ dàng như vậy. Qua những việc làm như thế này, lớp trẻ chúng tôi ít nhiều mất đi niềm tin, nhất là lúc cái công tác nghiên cứu khoa học xã hội, đặc biệt là vấn đề lịch sử tư tưởng dân tộc, đầy cam go nhưng lại bị "xử bạc" trong thời buổi kinh tế thị trường thao túng như hiện nay.

Ðiều cuối bài viết này, chúng tôi mãi thắc mắc, không hiểu sự khiêm tốn của tác giả trong lời đầu sách là có thực hay chỉ là một sự tỏ ra như vậy ? Vì rằng, không thể chấp nhận một sự tỏ ra khiêm tốn thể hiện qua vỏn vẹn vài chữ "tri thức nông cạn" ở đầu sách để rồi sau đó lại ôm đồm ngót 800 trang giấy với tên sách thật "kêu", bán ra với giá 65000 đồng/1cuốn, nhưng "đóng góp" của nó lại là những thông tin lỗi thời, sai lầm, suy diễn tùy tiện, coi thường lịch sử khách quan, làm nhiễu loạn thêm tình hình nghiên cứu các vấn đề của nền quốc học đã lắm gian truân của chúng ta.

Tôi tin rằng, cái gọi là Tư tưởng Phật giáo Việt Nam của NDH, nxb Khoa học xã hội, HN, 1999, đến tay các bậc thức gỉa chắc chắn họ sẽ giận lắm về một thái độ không cẩn trọng trong việc xử lý và thừa kế tư liệu có phê phán, đồng thời có những suy diễn thiếu căn cứ, máy móc, dẫn đến những nhận xét lệch lạc, sai lầm như thế. Và, chúng tôi sẽ còn đề cập đến những sai lầm của cuốn sách này vào những dịp khác.

Nguyễn Ðức Sơn
(Source : Tuần báo Giác Ngộ số đặc biệt Vu Lan, 8/1999)


 [ Trở Về ]