Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Home Page]
Ðức Phật đản sinh năm 544 trước Tây lịch tại vườn Lumbini xứ Kapilavatthu, năm 509, Ngài thành đạo dưới cội Bồ đề ở Bodhigaya xứ Magadha. Ðến năm 464 trước Tây lịch thì Ngài đã hoằng hóa suốt 45 năm; như thế Tăng-già (Sangha) đã được thành lập 45 năm. Bấy giờ Ngài đang trú tại Grudhakuta (Kỳ-xà-quật hay núi Linh Thứu, hay núi Kê Túc) gần thành Ràjagaha (Vương Xá) của xứ Magadha (Ma Kiệt Ðà). Ngài đã 80 năm tại thế, đã đến lúc nhập Niết-bàn. Kinh Ðại Niết-bàn (Parinibbana Sutta) của Trường Bộ là bản Kinh ghi khá đầy đủ về những ngày cuối cùng của đức Phật tại thế. Lược thuật sau đây dựa vào bản Kinh ấy.Từ Ràjagaha, sau khi giảng về Giới, Ðịnh, Tuệ, đức Phật cùng đoàn Tỳ-kheo gồm năm trăm vị đi về phía Bắc, hướng về Kapilavatthu đến Amolatthika, rồi lại đến Nalandà, cả hai nơi đức Phật đều giảng về hậu quả tai hại của việc vi phạm giới luật và lợi ích của việc giữ giới đối với một cư sĩ tại gia. Tại Kotigama, đức Phật giảng về sự cần thiết phải hiểu Tứ Thánh đế, rồi lại giảng về Giới, Ðịnh, Tuệ. Ngài cùng đoàn Tỳ-kheo đệ tử tiếp tục cuộc hành trình đến Nàdika. Tại đây, Ngài giảng về sự giải thoát của một vị Tỳ-kheo và về Giới, Ðịnh, Tuệ. Ðến Vesali, Ngài trú tại vườn cây của kỹ nữ Ambapali và lại giảng về Giới, Ðịnh, Tuệ.
Khi đến làng Beluvà của xứ Vesali, nhằm mùa mưa, đức Phật an cư tại đây. Ngài lâm bệnh nhưng Ngài nhiếp phục được cơn bệnh. Tôn giả Ananda đến mừng đức Phật khỏi bệnh và tỏ ý mong mỏi bậc Ðạo sư mãi mãi lãnh đạo Tăng-già. Ðức Phật dạy:
-- "Này Ananda, chúng Tỳ-kheo còn mong mỏi gì ở nơi Ta? Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không phân biệt hiển pháp hay mật pháp. Như Lai không phải là bậc Ðạo sư còn giữ lại cái gì trong nắm tay cho riêng mình. Nếu có thể nghĩ rằng "Chính Ta sẽ lãnh đạo Tăng-già" hay "Tăng-già tùy thuộc nơi Ta" thì kẻ ấy mới cần đưa ra những di huấn liên hệ đến Tăng-già. Nhưng Như Lai không nghĩ như thế thì tại sao Như Lai lại phải để lại di huấn? Này Ananda, Như Lai đã già rồi, đã nhiều tuổi rồi, cuộc hành trình của Như Lai sắp chấm dứt, Như Lai đã đạt trọn ngày tháng vì Như Lai đã tám mươi tuổi.
Vì thế, này Ananda, hãy là ngọn đèn cho chính mình, hãy là nơi nương tựa cho chính mình, chớ nương tựa vào nơi nào bên ngoài mình. Một Tỳ-kheo trở thành ngọn đèn và nơi nương tựa cho chính mình bằng quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức với sự nhiếp phục tham ái và sầu bi của phàm nhân, và luôn nổ lực, tự chủ và chánh niệm. Trong các Tỳ-kheo đệ tử của Ta, ai làm được như thế, thiết tha học tập như thế thì ngay bây giờ, hay khi Ta đã diệt độ, vị Tỳ-kheo ấy sẽ đạt đến quả vị tối thượng."
Sau đó đức Phật vào thành Vesali khất thực rồi cùng tôn giả Ananda đến Càpàla. Kinh kể rằng khi ấy Ác ma đến yêu cầu đức Phật diệt độ. Ngài dạy rằng Ngài chỉ diệt độ khi nào Chánh pháp được truyền bá rộng rãi, vững vàng; thế rồi Ngài hỏi tôn giả Ananda có yêu cầu gì không, ba lần bậc Ðạo Sư hỏi thế nhưng tôn giả Ananda vẫn không hiểu ý. Cuối cùng Ác ma lại thỉnh cầu Phật diệt độ, Ngài chấp thuận và bảo tôn giả Ananda rằng ba tháng nữa Ngài sẽ nhập Ðại Niết-bàn. Bấy giờ tôn giả Ananda lại van xin Ngài đừng diệt độ, nhưng Ngài không chấp thuận khẩn cầu ấy.
Ðức Phật cùng đoàng Tỳ-kheo đệ tử đến Kutagara tại đậy, Ngài dạy:
-- "Này các Tỳ-kheo, nay những pháp do Ta chứng ngộ và giảng dạy cho các Ông, các Ông phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho trời và người."
Ðức Phật giải thích thêm các pháp ấy là Bốn Niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi và Tám Chánh đạo, thường gọi chung là ba mươi bảy phẩm Trợ đạo. Ngài căn dặn: "Này các Tỳ-kheo, đây là lời Ta nhắn nhủ các Ngươi: các hành là vô thường, hãy tinh tấn lên để tự giải thoát."
Ðức Phật tiếp tục khất thực tại Vesali, rồi Ngài đến Bhandgàma giảng về Giới, Ðịnh, Tuệ. Ngài tiếp tục lên đường cùng đoàn Tỳ-kheo đến Hatthigàma, Ambagàma, Bhoganagara tại Bhoganagara, Ngài dạy:
-- "Này các Tỳ-kheo, có thể có vị Tỳ-kheo nói: Này Hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Thế Tôn, tự thân lãnh thọ như vậy là pháp, như vậy là luật, như vậy là lời dạy của bậc Ðạo Sư. Này các Tỳ-kheo, các Ông không nên tán thán, không hủy báng của mỗi chữ, mỗi câu, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật thì các Ông có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn và vị Tỳ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm", và này các Tỳ-kheo hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật và nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật thì các Ông có thể kết luận: "Chắc chắn những lời này phải là lời dạy của Thế Tôn, và vị Tỳ-kheo ấy đã thọ giáo chân chính". Này các Tỳ-kheo như vậy là Ðại giáo pháp thứ nhất, các Ông hãy thọ trì."
Ðức Phật cùng đoàn Tỳ-kheo đến Pàvà, trú tại vườn xoài của người thợ rèn Cunda. Tại đây đức Phật bị nhiễm độc do món mộc nhĩ trong bữa cơm mà Cunda cúng dường. Ngài bị kiết lỵ nhưng rồi Ngài nhiếp nhục được con bệnh. Ðến Kusinara, Ngài giảng pháp độ cho Pukkusa của bộ tộc Mallà. Ngài tiếp tục đi đến sông Kakutta, Ngài tắm sông rồi sang gò bên kia sông. Ngài tiếp tục đi và nghỉ từng chặng đường, cuối cùng đến sông Hirnnavati ở Kusinara. Ngài vào rừng Sàla ở bộ tộc Mallà, rồi bảo tôn giả Ananda trải chỗ nằm cho Ngài giữa hai cây sàla, đầu hướng về Bắc, Ngài dạy, "Này Ananda, hãy thành tựu chánh pháp và tùy pháp, sống chân chính trong chánh pháp và hành trì đúng chánh pháp." Kế đến, Ngài giảng về bốn Thánh tích cần chiêm ngưỡng: 1. Nơi Phật đản sinh; 2. Nơi Phật chứng ngộ; 3. Nơi Phật chuyển pháp luân; 4. Nơi Phật nhập diệt. Ngài còn dạy tôn giả Ananda cần phải giữ gìn tâm ý, cần tỏ thái độ nghiêm túc trước phái nữ và căn dặn về việc phân chia xá lợi Ngài. Ngài khuyến dụ:
-- "Này Ananda, hãy tinh tấn, hướng về tự độ, sống không phóng dật, tinh cần, chuyên hướng về tự độ."
Tôn giả Ananda tự thấy mình chưa chứng ngộ, lại thấy bậc Ðại Sư sắp nhập diệt, buồn rầu bỏ đi vào tinh xá dựa cột cửa mà khóc. Ðức Phật cho gọi tôn giả đến và giảng về Vô thường, khuyên nhủ và ngợi khen tôn giả và dạy không bao lâu nữa tôn giả sẽ chứng quả Vô lậu. Sau đó Ngài dạy tôn giả báo cho dân Mallà biết đêm nay Thế Tôn sẽ diệt độ. Bấy giờ Ngài còn độ cho ngoại đạo Subbada thọ giới Tỳ-kheo. Ðây là vị Tỳ-kheo cuối cùng được đức Phật cho gia nhập Giáo hội trong thời gian Ngài tại thế (về sau tôn giả Subbada đắc A-la-hán).
Ngài còn quay sang tôn giả Ananda mà dạy:
-- "Này Ananda, nếu trong các Ông có người nghĩ rằng: "Lời nói của bậc Ðạo Sư không còn nữa, chúng ta không còn có bậc Ðạo Sư", thì này Ananda chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, Chánh Pháp và Luật ấy sẽ là bậc Ðạo Sư của các Ông."
Ðức Phật còn ba lần hỏi xem tôn giả Ananda còn có gì cần hỏi nữa không. Sau đó Ngài dạy: "Này Ananda, trong năm trăm vị Tỳ-kheo này, vị thấp nhất đã đắc Dự lưu, không còn đọa lạc, chắc chắn hướng đến giải thoát."
Và đây là lời dạy cuối cùng của đức Phật:
-- "Này các Tỳ-kheo, nay Ta khuyên các Ông: "Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật!"
Sau đó đức Phật nhập sơ thiền; xuất sơ thiền, nhập nhị thiền; xuất nhị thiền, nhập tam thiền; xuất tam thiền, nhập tứ thiền; xuất tứ thiền, nhập Không vô biên xứ; xuất Không vô biên xứ, nhập Thức vô biên xứ; xuất Thức vô biên xứ, nhập Vô sở hữu xứ; xuất Vô sở hữu xứ; nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ, xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ; nhập Vô sở hữu xứ, xuất Vô sở hữu xứ; nhập Thức vô biên xứ, xuất Thức vô biên xứ; nhập Không vô biên xứ, xuất Không vô biên xứ; nhập tứ thiền, xuất tứ thiền; nhập tam thiền, xuất tam thiền; nhập nhị thiền, xuất nhị thiền; nhập sơ thiền, xuất sơ thiền; nhập nhị thiền, xuất nhị thiền; nhập tam thiền, xuất tam thiền; nhập tứ thiền, xuất tứ thiền lập tức Ngài diệt độ.
Như thế, đức Phật đã nhập thiền định thong dong tự tại trong các cảnh giới của Sắc và Vô sắc, để cuối cùng từ tứ thiền, Ngài xuất định và nhập thẳng Ðại Niết-bàn.
Qua bản Kinh, chúng ta thấy đức Phật đã nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tam học (Giới, Ðịnh, Tuệ) đối với một đệ tử của Ngài. Giáo pháp của Ngài đã được khai thị, truyền dạy một cách cụ thể, rõ ràng. Thực hiện giáp pháp ấy để chứng ngộ rốt ráo như Ngài, người tu sĩ phải tinh tấn học hỏi, phải thông hiểu nó đồng thời phải hộ trì các căn qua việc giữ gìn giới luật. Pháp và Luật được bậc Ðạo Sư nhắc nhở là thước đo giá trị của mọi ý kiến, quan điểm, hành động, từ đó vạch ra đâu là chân, đâu là giả. Tinh thần tôn trọng Pháp và Luật là chủ yếu, nhưng không phải là tôn trọng một cách mù quáng giáo điều. Do đó mà tuệ giác được thẳng tiến nhờ tu tập Thiền định, là ánh sáng chiếu rọi cho hành giả. Ánh sáng ấy phát xuất từ tự thân hành giả là ý nghĩa của "tự mình là ngọn đèn, là nơi nương tựa cho chính mình".
Sự tinh cần tu học, tự chủ, tự tín, tự độ đưa đến việc đạt Thánh quả như toàn bộ năm trăm Tỳ-kheo quanh đức Phật lúc Ngài sắp nhập Niết-bàn. Việc nêu dẫn năm trăm vị Tỳ-kheo này là lời khích lệ thiết tha của đức Phật cho các đệ tử Ngài, đồng thời là một xác chứng về hiệu năng thành đạt của Tăng-già thời đức Phật. Ngài còn dạy rằng chánh pháp cần được phổ biến rộng rãi vì lợi ích của chúng sinh, do lòng từ bi vô hạn của người đệ tử Phật. Lời dạy cuối cùng của Ngài: "Này các Tỳ-kheo, nay Ta khuyên các Ông: "Các Pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật"", là lời nhắn nhủ thâm thiết của bậc Ðạo Sư vĩ đại, phải được liễu hội, phải là tâm niệm, phải được thực hiện đối với những ai muốn giải thoát khỏi khổ đau, đặc biệt là đối với hàng tu sĩ xuất gia.
Trong bốn mươi lăm năm Tăng-già đã được hình thành, lớn mạnh không ngừng, mang một số nét cơ bản dưới đây:
1. Tăng-già là một đoàn thể do đức Phật sáng lập, giáo dục, huấn luyện trong suốt thời gian từ khi Ngài chuyển Pháp luân lần đầu tiên ở Baranasi (Ba-la-nại) cho đến khi Ngài nhập Niết-bàn ở Kusinara.Ðến đây, tưởng cũng cần bàn thêm về tinh thần hòa hợp, thanh tịnh trong Tăng-già. Tinh thần ấy ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tu tập, sự hưng thịnh của Tăng-già và của Phật giáo.2. Tăng-già gồm đủ mọi thành phần già, trẻ, nam, nữ, mọi đẳng cấp từ vua quan, từ tu sĩ ngoại đạo đến tiện dân ... sống bình đẳng, thanh tịnh, trong giáo pháp của đức Phật.
3. Tăng-già tu tập Giới, Ðịnh, Tuệ trở thành một tập thể vững mạnh, gây ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng nhân dân, gồm nhiều vị đạt Thánh quả nhất là so với các giáo đoàn khác và Tăng-già Phật giáo về sau.
4. Tăng-già gồm những tu sĩ từ bỏ gia đình, sống độc thân, nghèo nàn, giữ hạnh khất thực; ngoài thức ăn, áo mặc và một số ít những vật dụng cần thiết, không cai có tài sản gì riêng.
5. Tăng-già có tổ chức, giới luật chặt chẽ dựa trên tinh thần tự giác, thanh tịnh, hòa hợp và bất bạo động.
6. Tăng-già chủ trương tự giải thoát là chính, đồng thời liên hệ chặt chẽ với xã hội để truyền bá chánh pháp, thể hiện tinh thần độ tha.
7. Tăng-già được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền và của quần chúng nhân dân, đặc biệt của nhiều đại cư sĩ một lòng vì Phật pháp.
8. Tăng-già đã tạo được những nét đặc sắc về tư tưởng, văn hóa, đạo đức, trong xã hội.
9. Tăng-già có đầy đủ ý nghĩa trọn vẹn của ngôi Tam bảo.
Thanh tịnh là sự trong sạch, thuần khiết của tâm hồn do việc hành giới bổn Tỳ-kheo liên hệ đến việc phát triển tuệ giác đưa đến giải thoát tối hậu. Hòa hợp là thái độ hiền hòa, dung thông với mọi người, đấy là tinh thần nhân ái, từ bi, yêu chuộng hòa bình, bất bạo động. Tinh thần ấy thể hiện bằng nguyên tắc lục hòa trong sự sống chung của cộng đồng Tăng-già: 1. Giới hòa đồng tu (cùng hòa hợp tu tập theo cùng một giới bổn); 2. Kiến hòa đồng giải (có cùng chỗ thấy biết, trao đổi bổ túc cho nhau về Phật pháp); 3. Lợi hòa đồng quân (chia đều nhau các vật dụng có được); 4. Thân hòa đồng trú (cùng sống hòa thuận, kính nhường nhau); 5. Khẩu hòa vô tránh (lời nói dịu hiền, vừa ý nhau, không tranh cãi); 6. Ý hòa đồng duyệt (ý tứ hòa đồng, không trái nghịch nhau, vui sống với nhau).
Ngay trong thời đức Phật, những trường hợp vi phạm giới luật không phải là ít, nhất là khi Tăng-già đã trở nên đông đảo về số lượng, khiến cho giới bổn Patimokkha phải dài thêm ra vì nhiều giới điều được đưa vào để ngăn cấm việc tái phạm. Tăng Chi Bộ Kinh I có kể chuyện một Bà la môn đến tham bái đức Phật và nêu lên dư luận trong hàng vua chúa rằng: "Trước kia các Tỳ-kheo có ít, nhưng trong đó gồm nhiều bậc thượng nhân, nhiều thần thông biến hóa được thị hiện. Ngày nay, các Tỳ-kheo nhiều lại ít có bậc thượng nhân, ít có phép thần thông". Ðức Phật đã giải thích bằng cách phân ra ba loại thần thông là thần thông biến hóa, thần thông biết được tâm ý kẻ khác, và thần thông giáo hóa. Ngài dạy thần thông giáo hóa là quan trọng nhất, là lợi lạc nhất, và các đệ tử hiện có của Ngài phần lớn đều sở đắc thần thông giáo hóa, tức khả năng độ chúng của các vị ấy. Ðấy là một câu giải đáp tế nhị và thiết thực, tuy vậy dư luận mà vị Bà la môn đã nêu cũng là một thực tế. Quả thực, khi hội chúng đã đông thì sự chứng ngộ có ít đi, đấy là lẽ đương nhiên, vì bấy giờ sự đồng nhất về khả năng chứng ngộ khó thể hiện được. Huống chi, thành quả lớn lao trong việc phổ biến Phật pháp, tạo nên một đoàn thể lớn mạnh là một hoàn cảnh tốt đẹp để họp những con người đang nỗ lực giải thoát khổ đau. Cũng không nên lý tưởng hóa một hiện trạng thực tế là cuộc đời với những con người không hoàn thiện, đang lần dò để đến chỗ tối thiện. Do vậy mà luật lệ ghi ra nhiều trường hợp vi phạm giới luật, nhiều Tỳ-kheo thối thất, lừa dối, vu cáo, tham lam, tranh cãi, gây gổ nhau... Thậm chí đã có lần đức Phật đã âm thầm đi vào rừng sâu để sống tĩnh mịch và để cảnh cáo đám đệ tử thiếu thanh tịnh, hòa hợp.
Một trường hợp cần ghi nhận nữa là trường hợp của Tỳ-kheo Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa), vị đệ tử thối thất, gây nhiều phiền nhiễu nhất cho đức Phật và Tăng-già. Devadatta gia nhập giáo đoàn cùng lúc với nhiều hoàng thân khác, khi đức Phật trở lại Kapilavatthu lần đầu tiên sau khi chứng đạo. Vốn là em họ của Phật, ông lại tỏ ra tinh tấn tu hành nên được nhiều người kính mộ, nhưng đến khi về già ông lại thối thất, muốn thay đức Phật lãnh đạo Tăng-già. Ông giục vua Ajatasattu soán ngôi của phụ vương Bimbisara, và xúi vua hại đức Phật. Có lần vua Ajatasattu đã theo lời xúi giục mà cho bọn cung thủ mai phục để bắn vào đức Phật, nhưng do uy lực của Thế Tôn bọn cung thủ đã không thực hiện âm mưu kia. Devadatta lại tự mình xô một tảng đá lớn để đè vào đức Phật, nhưng chỉ có một mảnh đá nhỏ trúng vào chân Ngài. Một lần khác, Devadatta lại thả con voi điên hung dữ ngay đường đi của đức Phật để hại Ngài, nhưng trước uy hạnh của Ngài, voi điên quỳ mọp dưới chân Ngài, chịu quy phục. Cuối cùng Devadatta cùng với nhóm sáu Tỳ-kheo đòi sửa đổi giới luật, tuyên bố đức Phật sống xa hoa, không giữ hạnh thanh bần của tu sĩ. Sự việc còn lôi kéo cả ngàn Tỳ-kheo về với Devadatta, hầu như một Giáo hội thứ hai được thành lập! Thế nhưng uy đức của đức Phật vẫn sáng ngời, và do nỗ lực giải quyết của hai tôn giả Sàriputta và Moggallàna, những kẻ lạc hướng đã trở lại quy phục và Devadatta tự xa lánh, bị cô lập, cô đơn, sầu khổ. Ðến khi quá ân hận, Devadatta toan tìm đến tạ tội với đức Phật, nhưng rủi ro ông bị chết trong khi đang tắm trong một cái ao.
Những sự việc kể trên nhắc nhở cho mọi người rằng dù một tổ chức có chặt chẽ đến đâu, dù có đa số thành viên tốt ... vẫn không thể nào không có phần tử xấu, không có những trở ngại. Nhưng có sự hiện diện đầy uy hạnh của đức Phật, những trở ngại nhanh chóng được giải quyết, thế nhưng về sau này thì vấn đề không còn được dễ dàng như thế, bởi vậy việc tu tập Thiền định, Trì giới, truyền thống yết ma của Tăng-già, sự cảnh giác luôn luôn phải đứng hàng đầu trong sinh hoạt Tăng-già.
Tăng-già thời đức Phật trong hoàn cảnh cơ duyên thuận lợi và ý nghĩa lịch sử, là Tăng-già hoàn chỉnh hiệu năng tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Các pháp hữu vi, theo lời đức Phật dạy, là do duyên sinh, là vô thường cho nên không tránh khỏi sự biến đổi theo hoàn cảnh, theo thời gian. Ðức Phật xuất hiện ở đời, đưa ra thông điệp cứu độ là một đại cơ duyên, Ngài như một vị thầy thuốc, giáo pháp của Ngài là môn thuốc trị căn bệnh trầm kha của chúng sinh, bệnh khổ ải, luân hồi.
Ðức Phật không hề tự nhận là nhà khoa học, là nhà triết lý. Những gì Ngài dạy là thiết thực, là tùy theo căn cơ chúng sinh theo thời điểm xã hội, hoàn cảnh của từng cá nhân. Ngài dùng cả những hệ thống tư duy triết học, cả những tin tưởng của số đông thời bấy giờ, cả nhiều điều mà không hẳn là Ngài chấp nhận, cốt làm sao để dẫn đưa người ta theo con đường mà Ngài khai thị. Giáo pháp của Ngài là tùy cơ, nó linh động đến nỗi trong nhiều trường hợp xem ra có vẻ mâu thuẫn nhau. Giới luật mà Ngài đặt ra cũng là nương vào hoàn cảnh đương thời, ngày nay đương nhiên một số ít cần thay đổi và một số ít cũng có thể cần được thêm vào phù hợp với hoàn cảnh mới. Tinh thần giữ gìn giới luật là luôn luôn cần đề cao, nhưng đấy không phải là sự chấp chặt nội dung hoặc cả từ ngữ - của từng giới điều. Do đó mà quan điểm cho rằng chỉ có giới luật nguyên thủy là đệ nhất, là bất biến, thì quan điểm ấy xem ra đã trái với tinh thần vô ngã, vô chấp của giáo lý đức Phật. Nhưng, những phá bỏ, thay đổi giới luật một cách tùy tiện thì đấy lại là sự cẩu thả, buông lung và thối thất.
Giáo pháp của đức Phật đã được Ngài ví như "Ngón tay chỉ mặt trăng" nó rất thiết thực, rất quý báu nhưng dù sao vẫn mang tính phương tiện. Và cũng vì thế, những tranh cãi về giáo pháp sau thời đức Phật vẫn hình thành và tồn tại. Ba tháng sau kể từ khi đức Phật nhập diệt, tôn giả Maha Kassapa (Ma-ha Ca-diếp), vị đại đệ tử của đức Phật thay Ngài lãnh đạo Tăng-già đã mở hội nghị kiết tập đầu tiên ở gần Ràjagaha, do chính tôn giả Ananda đọc lại các lời Phật dạy, tôn giả Upàli đọc Giới luật, làm cơ sở cho Tam Tạng về sau. Từ đây đã manh nha những bất đồng về Kinh, Luật và Luận, và một số dư luận cho rằng một số A-la-hán không tham dự hội nghị đã nhớ rằng Kinh, Luật không hoàn toàn giống như tôn giả Ananda và Upàli đọc lại. Thế rồi, Phật giáo càng về sau càng phân ra nhiều bộ phái, và đến kỳ kết tập thứ IV, khoảng hơn sáu thế kỷ sau, thì Phật giáo đã phân thành mười tám bộ phái khác nhau.
Trừ một số lý do phụ, lý do chủ yếu của việc phân chia bộ phái phát xuất từ quan điểm khác nhau về một số ý nghĩa của giáo lý và về pháp môn tu tập. Các bộ Luận này càng ngày càng nhiều, giáo lý của đức Phật được phân tích, được triển khai rất chi li. Cái tinh thần triết lý, luận bàn đã làm giàu nền văn hóa tư tưởng Phật giáo, nhưng cũng có thể có khi đã đi xa tính chất thiết thực là nhằm giải thoát khỏi khổ đau của đức Phật. Trước hết, Phật học đã trở thành một môn hữu thể học, tâm lý học, hiện tượng luận, vũ trụ luận ... Khởi đầu từ sự xuất hiện của phát A-tỳ-đạt-ma Câu-xá, phái Không luận, phái Duy thức, các luận sư đều đã chứng tỏ các vị đều là những bộ óc lớn, những phân tích của các vị đã giúp ích cho những người học hỏi, nhưng một người học Phật pháp phải là một hành giả, và quả thực có những tri thức sâu sắc, cặn kẽ, có thể chỉ là những hí luận, những lý luận suông đối với rất nhiều người, có thể chỉ đưa đến những tranh cãi vô ích.
Do tính cách vô thường của vạn pháp hữu vi, những biến đổi về phương pháp tu tập, cả về một số ý nghĩa Phật pháp là không thể không xảy ra, và đương nhiên Tăng-già cũng có một số nét thay đổi theo thời gian và không gian. Từ khi đức Phật nhập Ðại Niết-bàn, từ khi có sự phân hoá thành các bộ phái, những trường hợp tu sĩ chứng ngộ càng lúc càng hiếm hoi. Ðứng về mặt đạo đức mà nói, nguyên nhân ấy là do sự thiếu ổn định trong tổ chức sinh hoạt vật chất và tâm linh của con người trong xã hội, và tất nhiên của cả Tăng-già (và đây mới là nguyên do cụ thể, thiết thực nhất!).
Một điểm cần nhấn mạnh là tinh thần giới luật trong Tăng-già thực chưa có thống nhất, chưa chặt chẽ. Ðây chỉ nói đến tinh thần giới luật, chứ chưa nói đến nội dung cụ thể của giới luật, thủ tục Tăng-già yết-ma đã không được áp dụng triệt để, sự truyền dạy, trao đổi về Giới, Ðịnh, Tuệ không còn mang tính chất truyền thống, tính hòa hợp, thanh tịnh, chưa được nổi rõ trong Tăng-già, chưa có sự hài hòa giữa cái chung và cái riêng của Tăng-già trong trú xứ, giới trường, địa phương với Tăng-già của bốn phương.
Chứng ngộ phải là truyền thống của Tăng-già, sự thăng tiến về tuệ giác, về tâm linh phải là truyền thống của Tăng-già. Nếu không được như thế thì trên mặt ý nghĩa, tu sĩ và cư sĩ có khác gì nhau?
Tam Bảo là lý chung của vạn pháp. Tam Bảo đầy đủ trong một vị Tỳ-kheo, trong Tăng-già, trong một cư sĩ Phật giáo và cả trong một người không phải Phật tử, ý nguyện xây dựng một cuộc sống hòa bình an lạc, giảm thiểu khổ đau là ý nguyện chung của mọi chúng sinh. Ðể thực hiện ý nguyện ấy, để thực hiện thông điệp cứu độ của đức Phật, tự bản thân Tăng-già, tự bản thân mỗi Tỳ-kheo phải là nhân tố tiên phong trong hành động và trong thành tựu phạm hạnh.
Chân thành cám ơn anh Nguyễn Quang Trung đã có thiện tâm đánh máy lại bài viết nầy (07/97).Thích Chơn Thiện
trích từ "Tăng-Già Thời Ðức Phật", Sài Gòn, 1991
Source Buddhasasana
[ Trở Về ]