Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Home Page]Khái Luận Tư Tưởng Phật Học Nguyên Thủy
(530 TCN - 370 TCN)Lữ Trưng
Thích Hạnh Bình dịch Việt
Lời người dịch: Ðây là Chương I của quyển "Khái luận tư tưởng Phật học Ấn độ", là một tác phẩm nghiên cứu Phật học của học giả Lữ Trưng, người Trung Hoa. Quan điểm của ông đối với việc nghiên cứu Phật học là chính đáng, vì phương pháp nghiên cứu của ông gắn liền với sử học, nghĩa là tư tưởng và bối cảnh xã hội không thể tách rời nhau. Hiện tại, tuy ông đã qua đời nhưng tác phẩm của ông được xem như là một bó đuốc dẫn đường cho những ai say mê nghiên cứu Phật học, thậm chí người Nhật và người Tây Phương cũng phải kính nể về sự uyên bác Phật học của ông. Tuy ông chỉ để lại một vài tác phẩm , nhưng tư tưởng của ông đã nở rộ ở Ðài Loan qua sự khai thác và kế thừa của Pháp sư Ấn Thuận. Có thể nói đây là một hệ thống, phương pháp mới đối với giới học thuật trên thế giới. Do đó, trong thời gian nghiên cứu, tôi nhín chút thời giờ để chuyển ngữ tác phẩm này sang tiếng Việt để mọi người cùng nghiên cứu.-oOo- Sự phân kỳ của Phật học sử, chúng ta tính từ Phật học xuất hiện vào những thế kỷ trước Công nguyên (TCN) cho đến thế kỷ thứ XI sau công nguyên (CN), tổng cộng có chừng 1500 năm, chia làm 6 giai đoạn: 1. Phật học Nguyên thủy; 2. Phật học Bộ phái; 3. Phật học Ðại thừa sơ kỳ; 4. Phật học Tiểu thừa; 5. Phật học Ðại thừa trung kỳ; 6. Phật học Ðại thừa vãng kỳ.
Thời kỳ Phật học Nguyên thủy, là chỉ cho những học thuyết được truyền thừa tính từ thời gian đức Phật thành đạo và được truyền thừa 3,4 thế hệ cho đến sau khi Ngài nhập diệt, là thời gian nội bộ Phật giáo vẫn chưa phân hóa, tư tưởng vẫn còn thống nhất. Niên đại có thể tính là: Phật nhập diệt vào năm 486 TCN, hưởng thọ 80 tuổi, cho nên năm ngài sanh là năm 565 TCN. Ngài thành đạo năm 30 tuổi, tức năm 530 TCN. Phật học phân thành Bộ phái vào khoảng thời gian hơn 100 năm sau khi đức Phật nhập diệt. Do vậy, chúng ta có thể đi đến xác định niên đại của thời kỳ thứ nhất là năm 530 TCN - 370 TCN.
Những học thuyết chủ yếu của thời kỳ Phật học Nguyên thủy là Kinh và Luật. Kinh gồm có hai loại, Phật giáo Bắc truyền gọi là A Hàm, Phật giáo Nam truyền gọi là Nikàya. A hàm, ngoài 4 bộ: Trường A hàm, Trung A hàm, Tạp A hàm, Tăng nhứt A hàm còn có 'Tạp Tạng'; Nikàya, ngoài 4 bộ tương đương A hàm vừa dẫn, còn có 'Tiểu bộ'. Phật giáo Nam Bắc truyền có 4 Bộ tương đương là Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Nhứt Bộ, và Tạp Bộ. Luật, nội dung cơ bản của Luật là giới điều, về sau thêm phần quảng thích và chú giải duyên khởi của từng sự kiện, như thế luật tổng cộng gồm có 3 Bộ. Những kinh và luật mà hiện nay được lưu truyền là đã được tăng thêm hoặc giảm bớt theo từng quan điểm của mỗi Bộ phái, trong đó không sao tránh khỏi mang sắc thái của mỗi Bộ phái, nếu như chúng ta muốn truy tìm lời dạy nguyên thủy của đức Phật, cần phải tiến hành nghiên cứu và phân tích một cách nghiêm túc.
Những học giả Tây phương đã bỏ không ít thời gian nghiên cứu về vấn đề này, nhưng họ không thể sử dụng được những nguồn tư liệu Hán dịch (Tư liệu Phật giáo Bắc truyền phần lớn được bảo lưu trong Hán tạng), lại thiên nặng Pàli, thậm chí cho Kinh tạng Pàli là những lời chính đức Phật nói, quan điểm này không sao tránh khỏi sự thiên kiến. Về người Ðức, Aó Ðăng Bảo, người Anh, Lợi Tư Ðại Vệ, phương pháp nghiên cứu của hai người này về Thánh điển Pàli là: Từ trong Kinh Luật tìm ra sự sai khác của những gì tân và cựu, sau đó đoán định cái gì gọi là lời dạy của đức Phật. Ðây là phương pháp nghiên cứu xa xưa, cách đây 40 năm về trước, nhưng hiện nay vẫn còn ảnh hưởng. Còn phương pháp nghiên cứu của người Nhật là: Trước tiên, đem những Kinh Luật của Nam Bắc truyền đối chiếu so sánh, tìm xem trong ấy những gì giống nhau giữa Nam Bắc truyền, từ đó mới phán đoán cái gì gọi là Phật học Nguyên thủy, như học giả Tỷ Kỳ Chánh Trị đã sử dụng phương pháp này. Về sau, Vũ Thăng Bá Thọ, ngoài phương pháp so sánh đối chiếu, còn sử dụng phương pháp, tiến hành cụ thể phân tích tính logic trong kết cấu và tính logic của sự phát triển trong từng thể hệ của mỗi học thuyết, từ đó đi đến xác định những gì là Phật học Nguyên thủy và những gì là những cái xuất hiện về sau.
Phương pháp nghiên cứu của Tỷ Kỳ có phần thuyết phục hơn, nhưng cũng rất khó phục hồi diện mạo Phật học Nguyên thủy. Lý do là Phật giáo Bộ phái đã trải qua mấy lần phân hóa, do vậy, những tư liệu cũng đã mấy phen thay đổi, cùng nhau ảnh hưởng, mô phỏng qua lại, không ngừng bổ sung, tức có những điểm tương đồng, do đó, những gì tương đồng ấy, thật khó đi đến xác định là Phật học nguyên thủy. Hiện nay, nếu muốn tìm ra Phật học Nguyên thủy từ trong những Kinh luật hiện có, vẫn còn là vấn đề nan giải.
Chương này, người viết chỉ lấy đức Phật làm trung tâm mà lưu hành những học thuyết, từ đó truy tìm vấn đề trọng tâm của vấn đề, đồng thời thêm phần tổ chức, cho đó là Phật học Nguyên Thủy, phương pháp này không giống những phương pháp phân tích vừa nêu trên của những học giả Tây phương và Nhật Bản.
* * *
1.Thời đại của đức Phật Thích Ca
Thời đại đức Phật Thích Ca là vào thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ V trước công nguyên. Bấy giờ Xã hội Ấn Ðộ theo chế độ chiếm hữu nô lệ, đã hình thành Quốc gia, thành thị, ngành thương nghiệp khá phát triển. Chẳng qua chế độ nô lệ của Ấn Ðộ cùng Tây phương có những điểm không giống nhau, Ấn Ðộ không có quy mô tổ chức chế độ nô lệ, những người nô lệ cũng không bị xâm đoạt nặng nề như Tây phương, do vậy, ở Ấn giai cấp nô lệ không phát sanh hiện tượng phản kháng bạo động giống như Tây phương. Có một số người cho rằng, giai cấp nô lệ ở Ấn chỉ là hình thức chiếm hữu nô lệ ở giai đoạn đầu, rồi đình trệ ở giai đoạn này, không tiếp tục phát triển.
Tình hình phát triển của xã hội Ấn Ðộ là: Từ Tây bắc Ấn phát triển dần đến Ðông Ấn. Trước tiên là vùng thượng du lưu vực sông Hằng, cửa khẩu giòng sông Ấn Ðộ và Diêm mâu na là khu vực bình nguyên, nơi đây hình thành cái gọi là 'Trung quốc' của nước Ấn Ðộ. Vào khoảng thế kỷ thứ VI trước công nguyên phát triển đến vùng hạ lưu sông Hằng, tức miền trung Ấn, ở đây thành lập khá nhiều quốc gia, lấy thành thị làm trung tâm, một số người gọi nó là 16 quốc gia (Kinh tạng Pàli, Tăng nhứt Bộ, kinh thứ 1 và 4, tương đồng Hán dịch, Trung A hàm, quyển 55 "Trì tế kinh "cho đến trong giáo điển của Kỳ na giáo đều có ghi chép 16 quốc gia này). Ðến thời đại đức Phật Thích Ca, hình thế 16 nước này, có sự chuyển biến khá lớn, trong đó những quốc gia cường thạnh là nước Ma Kiệt Ðà ở vùng Nam ngạn sông Hằng, Kiều Tát La vùng Tây Bắc, và Bạt Kỳ ("kinh Duy Ma Cật " lấy nước này làm bối cảnh) vùng Ðông Bắc Ấn.
Tình hình chính trị của mỗi quốc gia không giống nhau, có những nước theo chế độ quân chủ, có những nước theo chế độ cộng hòa. Những quốc gia theo chế độ cộng hòa cũng có người lãnh đạo, chẳng qua có chế độ hội nghị, những việc trọng đại thông qua hội nghị đa số thành viên quyết định, đây là tàn dư của chế độ hội nghị nguyên thủy còn lưu lại. Chế độ cộng hoà chỉ tồn tại ở vùng Ðông bắc Ương Già, Bạt Kỳ, Mạt La và nước Ca Tỳ la Vệ của giòng tộc Thích Ca .. hiện nay những nước này hoàn toàn bị tiêu diệt (Trong "Bổn sanh Kinh "và những Phật truyện về sau, đều có phản ánh tình hình xã hội đương thời).
Trong các nước, thông thường có chế độ chủng tánh (Chủng tánh tức là "Ngoả nhỉ nạp ", ý nghĩa là nhan sắc. Người Ariyan có màu da trắng, chiếm lãnh địa vị thống trị, dân bản địa có màu da đen, là những người bị trị, đây là sự phân chia đẳng cấp trong xã hội Ấn). Ðầu tiên Ấn Ðộ chỉ có hai chủng tộc, về sau những người Ariyan lại tiếp tục phân thành 4 giai cấp: 1. Bà La môn, 2. Sát đế Lợi, 3. Phệ xá, 4 Thủ đà la. Bà La Môn vốn là giai cấp chuyên giúp cho giai cấp thống trị là Sát Ðế lợi, nắm giữ lãnh vực văn hoá, tôn giáo. Ðến thời đại Thích Ca, giai cấp Sát Ðế lợi đối với giai cấp Bà la môn biểu thị sự bất bình về mặt quyền lực, những người ủng hộ tư tưởng phi Bà la môn, hình thành trận tuyến chống lại giai cấp Bà la môn. Giai cấp Phệ xá bao gồm những người nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp, chịu sự áp bức của 2 giai cấp trên rất trầm trọng. Ðương thời xã hội Ấn Ðộ ngành thủ công nghiệp phát đạt, thương nghiệp phồn thịnh (cùng các nước Miến Ðiện, Ba Tư, Á rập đều có qua lại buôn bán), những thương nhân trở thành giàu có, do vậy, đối với việc chính trị sinh ra yêu cầu bức thiết.
Sự hình thành những lực lượng xã hội này, đã làm suy yếu các mặt chính trị, tư tưởng của giai cấp Bà la môn, điều đó đã dẫn đến xã hội đương thời xuất hiện sáu phái triết học, là những tư tưởng đại diện cho các giai cấp không cùng vị trí trong xã hội ("Kinh Duy Ma. Phẩm Ðệ tử", "Trường A hàm. Kinh Sa môn quả"-- Ðơn hành bổn đều có tư liệu liên quan đến tư tưởng của 6 phái này. Trường Bộ kinh của Nam truyền cũng có ghi chép, chẳng qua sự ghi chép của Nam Bắc truyền không đồng nhất).
Trong sáu phái triết học, Phái thứ nhất, là phái có tư tưởng duy vật, người đại diện cho phái này là A xà Ða - Ajita Kesa Kambala, về sau được gọi là Thuận Thế phái. Phái này cho tứ đại: đất, nước, gió, lửa là những nguyên tố độc lập trường tồn, con người và thế giới do 4 đại này tạo thành; không thừa nhận có linh hồn, con người khi chết đi trả về tứ đại. Mục đích sống của con người là truy cầu và thỏa mãn những khoái lạc. Học thuyết này, là sự phản kháng việc tế tự của Bà la môn giáo, là những người đại diện cho giai cấp nô lệ.
Phái thứ hai là Tán Nhã Di - Sanjaya Velatthiputta, là học phái mang chủ nghĩa trực quan, đôí với mọi vấn đề đều không có sự khẳng định, như vấn đề có hay không có đời sau, có hay không có quả báoẨ Phái này cho rằng, nói có tức có, nói không liền không. Do vậy, người ta cho tư tưởng phái này, là phái trường uốn như con lương, thật khó nắm bắt. Phái này chủ trương thật hành thiền định, để mong cầu chơn chánh trí tuệ. Trong những đệ tử đức Phật, ngài Mục Kiền Liên, Xá lợi Phất đều có theo phái này học tập. Học thuyết của phái này cũng hàm ý phản đối chủ trương cho rằng, thế giới do Phạm ngã chuyển hoá mà thành của Bà la môn giáo. Ðến thời đại "Aó nghĩa thư " vẫn còn thừa nhận thuyết nghiệp báo, luân hồi, Tán Nhã Di biểu hiện thái độ không tín nhiệm bằng cách không khẳng định cũng không phủ định.
Phái thứ ba, là Mạt già Lê - Makkhali - Gosala, là người có chủ trương định mệnh luận, tức không thừa nhận có nghiệp báo, không có cha mẹ, tu hành là vô nghĩa, không ích lợi gì cả. Chỉ cần trải qua thời gian 840 vạn đại kiếp, đến thời gian đó không luận là kẻ trí người ngu đều được giải thoát. Phái này cho rằng, con người là do các loại nguyên tố tạo thành, mang chủ nghĩa duy vât. Những người theo phái này tự cho học thuyết mình là chánh kiến, ngoài ra đều là "Tà mạng ngoại đạo" ngay cả Phật giáo.
Phái thứ tư, là Bất Lan ca Diếp - Purana Kassapa. Học thuyết này cùng với học thuyết Mạt già Lê giống nhau, phủ nhận thuyết thiện ác nghiệp báo và những học thuyết Bà la môn giáo, chủ trương phóng túng dục lạc, mang chủ nghĩa hoài nghi. Những người theo học thuyết này đều xuất thân từ giai cấp nô lệ.
Phái thứ năm, là Ba Phù Ðà - Pakudha - Kaccayana, phủ nhận hành vi của con người không có ảnh hưởng gì trong đời sống tương lai, cho rằng thân người là do 7 yếu tố tạo thành, một trong 7 yếu tố xa lìa, con người liền chết, những yếu tố vĩnh này viễn tồn tại, mang tư tưởng duy vật. Ba học thuyết vừa nêu, học thuyết na ná giống nhau, do đó thường ngộ nhận giữa phái này và phái khác, 3 phái này đều tự xưng "Chánh mạng phái", ngược lại, Phật giáo gọi họ là "Tà mạng ngoại đạo". Những người theo phái này, xuất thân từ giai cấp nô lệ, những học thuyết vừa dẫn đại diện cho quyền lợi của giai cấp thứ tư là giai cấp nô lệ.
Phái thứ sáu, là Ni Kiền Tử - Nigantha Nata-putta, phái này về sau phát triển thành Kỳ Na giáo, chủ trương thất cú nghĩa: Trước hết, đem thế giới phân thành hai loại, có sanh mạng và không có sinh mạng; Có sanh mạng mà không được giải thoát, do bỡi hoặc nghiệp trói buột, do đó cần phải ngăn trừ, tiêu diệt chúng để đạt đến giải thoát. Phái này cho rằng, nghiệp báo của con người quá nặng nề, muốn nghiệp báo mau kết thúc, cần phải trải qua tu tập khổ hạnh, cho nên chủ trương khổ hạnh. Tư tưởng này, trên thật tế duy trì thuyết nghiệp báo của Bà la môn. Ni Kiền Tử xuát thân từ giai cấp Sát Ðế lợi, người mẹ là con gái của nhà vua, em gái là vương phi, cho nên có thể nói học thuyết của phái này cũng đại diện cho quyền lợi của giai cấp thống trị. Phái này đối lập với học thuyết đức Phật Thích Ca, đã từng xảy ra sự xung đột giữa hai bên. Phái này tuy duy trì Bà la môn giáo, nhưng trên phương diện giải thoát, cùng Bà la môn giáo chủ trương không giống nhau.
Chủng tộc của Thích Ca vốn không rõ ràng, có người cho là chủng tộc Ariyan, tức là chủng tộc Mông Cổ, nằm phiá nam Nepal, tiếp giáp giòng sông Rapti thuộc đông bắc Ấn Ðộ. Truyền thuyết cho rằng, dưới chân Hy mã lạp sơn, có một vùng đất chiều rộng chừng 20 cây số, chiều ngang 16 cây số, tổng diện tích độ khoảng 320 cây số vuông, nơi đây có 10 thành thị nhỏ, trong đó thành lớn nhất là Ca tỳ la vệ, nhơn đó lấy thành này làm tên nước. Theo truyền thuyết cho rằng, đương thời Ấn Ðộ có 16 nước lớn, nhưng trong đó không có tên Ca tỳ la vệ, có thể bấy giờ nước này chưa thể độc lập, vẫn còn thuộc địa nước Kiều tát la. Ngài Huyền Trang đã từng đến nơi này, căn cứ "Tây Vức ký" ghi rằng, sự đổ nát của thành này vẫn còn tồn tại... Nước này có 80 ngàn hộ, tổng cộng có 500 ngàn người, theo chế độ cộng hòa. Ðương thời, về mặt chánh trị xã hội Ấn đang ở trong trình trạng mạnh hiếp yếu, Ca tỳ la vệ đang bị nước Kiều tát la uy hiếp là một điển hình cụ thể.
Ðứng trước tình hình như vậy, Thích Ca đối với đất nước tất nhiên phải có trách nhiệm, làm thế nào để thoát khỏi sự uy hiếp của Kiều tát la? Vua Tịnh Phạn đương nhiên mong muốn người con của mình là Thích Ca tiếp tục kế vị, để duy trì lãnh thổ là điều tất yếu.
Nhưng, bản thân Thích Ca không muốn kế vị lãnh đạo quốc gia, ngược lại, ngài rời bỏ hoàng cung theo các nhà tư tưởng học tập, cuối cùng Thích Ca tự mình sáng lập học thuyết, truyền bá khắp nơi, phát triển thành tôn giáo. Từ đó, những huyền thoại về ngài tự nhiên càng lúc càng thần thánh hóa. Ðối với những huyền thoại này, đã có nhiều học giả nghiên cứu và hiện nay cũng còn có nhiều người tiếp tục nghiên cứu, cho đến nay, lịch sử về cuộc đời của ngài tương đối rõ ràng.
Những truyền thuyết về đức Phật, một phần được bảo tồn trong Kinh tạng, phần lớn được bảo tồn trong Luật tạng. Luật, mỗi Bộ phái đều có Luật riêng, do đó Phật truyện cũng không giống nhau. Ðại chúng bộ lấy Phật truyện gọi là 'Ðại sự' , Pháp tạng bộ gọi là 'Bổn hành kinh' (Luật của phái này gọi là "Tứ phần luật "). Trong thánh điển Hán dịch, có một bộ Phật truyện tương đối hoàn chỉnh là "Phật bổn hành tập kinh " bao gồm 16 quyển, được dịch vào nhà Tùy, tập hợp những Phật truyện khác nhau từ 5 Bộ. Những Phật truyện trong các bộ luật của các Bộ phái chỉ ghi chép về gia thế, sự kiện xuất gia, thành đạo của đức Phật, và ngay cả sau khi thành đạo 6 năm, ngài trở về hoàng cung, nhưng từ đó về sau những hoạt động của ngài không thấy ghi chép, trong "Phật bổn hành kinh "cũng chỉ ghi chép như thế. Ngài Mã Minh viết quyển "Phật sở hành tán" cũng dựa vào những nguồn tư liệu này, rồi viết thêm cho đến khi đức Phật nhập diệt (Ngoài ra ngài Mã Minh còn viết phần tụng Quy kính trong "Ðại trang nghiêm luận kinh ", quy kính không chỉ một Bộ, trong đó bao gồm Ðộc tử BộẨ). Thích Ca sau khi thành đạo, những người theo ngài xuất gia tổ chức thành đoàn thể, đặt ra nhiều chế độ, trong đó có chế độ an cư.
Căn cứ những tư liệu hiện có, sau khi Phật thành đạo, trong vòng 45 năm, mỗi địa điểm an cư đều có ghi chép, vả lại rất hợp lý, thứ nhất, Phật thường trú tại thành Vương Xá, là thủ đô của nước Ma kiệt đà, thứ hai, hơn 20 năm ở tại thành Xá Vệ, là thủ đô nước Kiều Tát La. Thế thì, dựa trên tư liệu, co thể tường thuật 45 năm đức Phật giáo hoá. Ðiều này, những truyện ký về đức Phật Thích Ca là có sự thật.
Những việc làm trọng tâm của đức Phật, ngang qua tác phẩm "Ấn độ Phật học sử lược", qua đó chúng ta có thể thấy phần nào về cuộc đời của Ngài. Ðại khái như dưới đây: Thuở thiếu thời Ngài được giáo dục một cách nghiêm túc, khi trưởng lập gia đình, sinh con, năm 29 tuổi xuất gia, đến nước Ma Kiệt Ðà tìm thầy học đạo, nhưng không thoả mãn, trải qua 6 năm khổ hạnh vẫn không hài lòng, cuối cùng tự ngài tư duy sáng lập học thuyết mới vào năm 35 tuổi. Từ đó, đức Phật bắt đầu tuyên dương giáo pháp, trải qua tròn 45 năm. Những nơi mà Ngài thường nói pháp là nước Ma Kiệt Ðà, Kiều Tát La và Bạt Sa, đông đến Chiêm Ba, tây đến Ma thâu La, phạm vi khá rộng.
Tại sao Thích Ca muốn xuất gia? Qua sự phản ánh trong học thuyết của Ngài, biểu hiện nội dung xã hội như thế nào? Ấn độ xã hội đương thời tự do tư tưởng rất phát triển, những nhà tư tưởng này xuất thân từ giai cấp Sát Ðế Lợi không phải là ít. Trên thực tế, có nhiều vấn đề mà giai cấp Bà La Môn không hiểu phải học tập ở giai cấp Sát Ðế Lợi (Trong "Aó nghĩa thư " có đề cập đến vấn đề này). Như liên quan đến vấn đề Thần ngã, khái niệm này vốn là lý luận của Bà La Môn, thế nhưng về sau bản thân họ giải thích không rõ ràng, phải học tập ở Sát Ðế Lợi. Lại như học thuyết luân hồi, do nhà vua Bát phược ha na thuộc giai cấp Sát Ðế Lợi sáng lập, sau đó những người Ba la môn giũ phần tế tự đối với học thuyết này phát triển thành thuyết nghiệp lực, và được xem như là sự bí mật để phụng thờ. Trước tình hình như thế, Thích Ca cho là, nếu như không thể đề cao được địa vị chính trị nước Ca tỳ la vệ, thì tốt nhất cá nhân cần tranh thủ với mọi người trong lãnh vực tư tưởng học thuật.
Theo truyền thuyết, sau khi ngài sinh ra, tướng sư dự đoán, nếu như Ngài không làm vua chuyển luân thì làm nhà tư tưởng, điều tiên đoán này, phản ánh cục diện đương thời mà Ngài phải đối phó, chỉ có hai con đường là chọn học thuật hay chính trị. Ðó là nguyên nhân dẫn đến Thích Ca xuất gia, ngoài ra còn có nhiều thuyết khác nhau. Như cho rằng, Ngài thấy sự khổ đau của người già, người bịnh và người chết, đồng thời thấy đời sống tự do tự tại của vị Sa môn, dẫn đến sự xuất gia của Ngài; ngoài ra còn có thuyết cho rằng, khi Ngài trông thấy người nông phu cày ruộng, những loài trùng bị chim ăn, nhưng người nông phu vẫn thản nhiên, không tỏ sự thương tâm trước sự chết của một sinh mạng. cảnh tượng này, khiến Ngài động lòng bi mẫn trước cái chết của kẻ khác, đồng thời hiểu rõ ý nghĩa vô thường. Phải chăng sự xuất gia của Ngài là do thấy sự khổ nhọc của người nông phu và sự khổ đau của sinh mạng vô thường? Tại Trung quốc, có một số tư liệu ghi rằng, Thích Ca sống trong hoàng cung không cảm nhận được sự đau khổ, phải ra khỏi hoàng cung, tiếp xúc những hiện tượng sinh hoạt của xã hội, khiến ngài sinh ý niệm thế giới là khổ đau. Tư liệu này, tuy không rõ ràng và xác thực, nhưng cho rằng nông phu là khổ, khái niệm này cùng học thuyết của Ngài có sự tương đồng.
Ðối với việc duy trì và hưởng ứng học thuyết của Thích Ca, một số tư liệu ghi, nhà vua Tần Bà Sa La nứơc Ma kiệt đà rất kính phục, và đem Trúc Lâm tinh xá cúng dường Thế Tôn để làm nơi tuyên dương chánh Pháp. Về sau, Ngài cũng được chủng tộc của Ngài hưởng ứng, và cuối cùng được vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La tín nhiệm. Ngoài ra, Thế Tôn còn được những người thương nhân như Tu Ðạt Ða, Cấp Cô Ðộc v.v. là những vị thí chủ nổi danh đương thời ủng hộ. Còn có thuyết cho rằng, Ðông viên Lộc mẫu giảng đường là do một cô dâu giàu có đem đồ trang sức quí giá của mình bán đi, lấy tiền kiến thiết Giảng đường này. Về sau, Thế Tôn đi đến thành Phệ Xá Ly, ở đây vốn là khu vực của Kỳ Na giáo, hoạt động rất khó khăn, nhưng Ngài cũng được vị trưởng giả An Ma La Vệ cúng dường một Tinh xá (Trong kinh "Duy Ma Cật "có đề cập đến Tinh xá này). Có thuyết cho rằng, An Ma La Vệ là một vị trưởng giả, có thuyết cho rằng là một kỷ nữ, bất luận như thế nào, sự ủng hộ về mặt vật chất vốn từ những giai cấp quí tộc. Trong hàng đệ tử của đức Phật, mở đầu là 5 vị Tỳ kheo, thứ đến là thương nhân Da Xá, ông cùng 60 môn đồ của mình đến qui y đức Phật. Qua đó, chúng ta thấy, những người ủng hộ đức Phật là những người thuộc giòng dõi Sát đế lợi, giàu có, do vậy học thuyết của Ngài là đại diện cho giới quần chúng, và ở đây không đủ lời để dẫn chứng những ví dụ cụ thể.
Sách Tham Khảo:
1. Bách Duy dịch: "Phật tại thế thời Ấn độ thập lục quốc đích chính trị hình thế ", đăng trên 'Hiện đại Phật học', 1960, số 6,7.
2. Dục Hưởng: "Phật Ðà thời đại Ấn độ chư quốc đích xã hội tư tưởng khái huống ", đăng trên 'Hiện đại Phật học', 1956. Số 5.
3. Ðáng Dụng Ðồng: "Ấn độ triết học sử lược", chương 3,4.
4. Lữ Trưng: "Ấn độ Phật giáo sử lược ", chương 1.* * * 2. Sự Kết Cấu Và Hình Thành Phật Học Nguyên Thủy.
Sự kết cấu Phật học nguyên thủy, gồm hai phương diện hình thức và nội dung. Sau đó, những đệ tử của Ngài Phật tin tưởng và duy trì hai tạng Kinh và Luật này. Thế thì, phương thức duy trì như thế nào? Suốt 45 năm, Thế Tôn tuyên dương chánh pháp, những nơi mà Ngài thuyết giảng tương đối khá rộng, không những chỉ có thế, Ngài còn cho phép những đệ tử dùng tiếng địa phương truyền bá, khi tuyên dương chắc chắn có một phương thức cố định. Căn cứ tập quán đương thời, phương thức duy trì những Kinh Luật này là 'khẩu truyền', nương vào ký ức truyền trao cho nhau, thích nghi nhất cho ký ức là dùng hình thức 'Kệ tụng', vì hình thức kệ tụng vừa ngắn gọn, lại vừa có âm vận, thuận tiện cho việc tụng đọc và ghi nhớ.
Trong Luật tạng của các Bộ phái, còn bảo tồn một số tư liệu những đệ tử Phật tụng kinh (Tham khảo Lai Duy "Phật kinh nguyên thủy tụng dọc pháp"), những kinh đề cập đến vấn đề này như "Nghĩa túc kinh "(Hán dịch có đơn hành bản, Pàli văn, được chép trong Kinh tập), "Ba la diên kinh "(Hán dịch trong "Ðại trí độ luận", "Du già sư địa luận" đều có dẫn dụng, Pàli văn được chép trong Kinh tập), "Pháp cú kinh " (Hán, Pàli đều có đơn hành bản) v.v. những kinh vừa nêu trên toàn bộ đều dùng hình thức kệ tụng. Những kệ tụng này, có một số thuộc loại không có câu hỏi mà tự trả lời (vô vấn tự thuyết), có một số thuộc loại vấn đáp. Ngoài ra, còn có một số vấn đề như Phật nói kinh lúc nào, ở đâu và đối tượng là ai v.v., cũng đều được ghi chép, gọi đó là 'Duyên khởi'.
Qua đó, có thể nói rằng, hình thức bảo tồn kinh luật lấy 'kệ tụng' làm trung tâm, nghĩa lý của nó, hẳn nhiên phải thông qua sự giải thích, tức là tiếp tục có sự phát triển. Sự giải thích này được gọi là A tỳ đạt ma (Abhidharma), ý nghĩa là 'đối pháp'; Kinh là phạm vi của 'pháp', những gì giải thích về 'pháp' được gọi là 'đối pháp'. Hình thức của đối pháp có mấy loại như dưới đây:
1. Ưu ba đề xá (nghị luận), đơn thuần đem lời Phật dạy giải thích, vừa đơn giản vừa rõ ràng, dễ dàng tìm hiểu nghĩa lý. Phương pháp này, chính bản thân đức phật cũng đã sử dụng, như kinh "Ðại duyên phương tiện" trong Trường A hàm, là sự giải thích của đức Phật đối với pháp duyên khởi.Vì có rất nhiều ỳ nghĩa danh tướng giống nhau, để xác định ý nghĩa của nó, cho nên phân chia chủng loại khác nhau. Phương pháp này phần lớn căn cứ vào số chữ nhiều ít mà phân loại, nghĩa là từ pháp thứ nhất cho đến pháp thứ mười, do đó gọi là pháp 'thập thượng' hay pháp 'Tăng nhất'. Pháp thứ mười trở lên cũng có như 'Mười hai nhân duyên' v.v. nhưng rất ít. Như thế, phương pháp phân loại này, vừa thuận tiện cho việc hoằng dương chánh pháp, vừa dễ dàng ghi nhớ.2. Màtrka (Bổn mẫu), đây là phương thức giải thích những điểm chính yếu của toàn văn, gọi đó là 'bổn mẫu', nghĩa là từ trọng điểm đơn giản này, phát sinh nhiều đạo lý, như người mẹ sinh con. Phương pháp này, có một số do chính Phật nói, có một số do đệ tử nói.
3. Quyết trạch, nghĩa là trong những loại nói pháp không giống nhau chọn ra một loại, đây chủ yếu là đề xuất phương thức chọn lựa danh tướng.
Do vì tình hình như thế, có thể nói phương pháp lưu trữ những lời Phật dạy là sử dụng hình thức 'kệ tụng', kế đến là 'duyên khởi', từ đó phát triển thành 'A tỳ đạt ma'. Sau khi Phật diệt độ, những hình thức này trở thành cố định. Theo truyền thuyết cho rằng, sau khi Phật diệt độ không bao lâu, tại động Thất diệp thuộc thành Vương xá, có cuộc kết tập thánh điển gồm 500 vị Tỳ kheo. Lần kết tạp này, được ghi chép trong luật tạng của các Bộ phái, nội dung cơ bản giống nhau, nhưng có một số bộ phận nhỏ không giống nhau, vì mỗi Bộ tự thêm vào hoặc giảm đi. Lần kết tập này, những người tham gia là đệ tử của Phật, do ngài Ca Diếp chủ trì đại hội, phương thức hội nghị là 'tụng đọc', tức trong hội nghị đề cử một người đọc lại những lời Phật dạy cho mọi hội nghị nghe, sau đó do các thành viên trong đại hội thẩm định. Những gì được đại hội thông qua, cái ấy được xem là Phật nói. Phương thức kết tập kinh điển này cũng là hình thức kết tập của những lần sau.
Nội dung Kết tập lần này, theo truyền thuyết, gồm có Kinh và Luật, thậm chí có cả Luận (Abhidharma). Lần kết tập thứ nhất là sự kết tập kinh và luật là điều có tin được, nhưng kết tập luận là điều không thể xảy ra. Ngay cả việc sau khi đức Phật nhập diệt liền có kết tập này cũng là vấn đề khó đi đến xác định, huống hồ là việc kết tập luận tạng, nhưng cũng có thể xảy ra việc này, đặc biệt là vấn đề giới luật, vì cần phải xác định những giới điều. Căn cứ vào những bộ luật mà các Bộ phái truyền thừa, chúng ta có thể tìm ra cái gọi là 'nguyên thủy'; hoặc là cái được sản sinh từ lần kết tập đầu tiên.
Kinh điển mà được kết tập ở lần thứ nhất này phải chăng là A hàm? Dường như là không phải. Vì trong A hàm có đề cập đến hình thức 'Cửu phần giáo' (1. Kinh; 2. ứng tụng; 3. Ký biệt; 4. Kệ tụng; 5. Tự thuyết; 6. Như thị ngữ; 7. Bổn sanh; 8. Vị tằng hữu; 9. Phương quảng), Theo ngài Giác Âm (Buddhagosha) giải thích, hiện còn lưu trữ một bộ phận trong 9 phần giáo là Kinh (Pàli văn xếp vào Tiểu Bộ, Hán dịch là Tạp tạng). Do đó, chúng ta có thể suy đoán, rất có khả năng kinh điển mà được kết tập ở lần thứ nhất là hình thức cửu phần giáo, về sau mới biên tập thành A hàm.
Tiêu chuẩn biên tập A hàm.
Thứ nhất là căn cứ vào sự dài ngắn của kinh mà phân loại: Như những kinh có nội dung dài được xếp vào Trường A hàm; nội dung ngắn xếp vào Tạp A hàm (Tương ưng); nội dung trung bình xếp vào Trung A hàm; ngoài ra, có một loại y cứ vào số mục lớn nhỏ mà phân định, loại này được xếp vào Tăng nhất A hàm. Thứ hai là căn cứ vào nội dung của kinh mà phân loại: Như kinh Trường A hàm, phần lớn nội dung của kinh này là đề cập đến những vấn đề của ngoại đạo, như kinh "Sa môn quả "là bài kinh có nội dung bài xích 6 phái ngoại đạo; Những kinh chuyên giải thích vấn đề học tập, được biên tập vào Trung A hàm; Những kinh trình bày đạo lý tu tập Thiền định, biên tập vào Tạp A hàm; Những kinh, nội dung mang khuynh hướng tuyên truyền rộng rãi, biên tập vào Tăng nhứt A hàm. Sự biên tập và hình thành kinh A hàm vào khoảng 100 năm sau khi Phật nhập diệt.
Từ đó về sau có khá nhiều quan điểm khác nhau về sự biên tập A hàm và luật bộ, có thể nói sở dĩ có sự bất đồng này, do liên quan đến sự truyền thừa. Theo truyền thuyết cho rằng, Kinh là do A Nan tụng, luật là do Ưu Ba Li đọc, đương nhiên mỗi bên đều có hệ thống riêng, đồng thời theo truyền thuyết cũng đề cập rằng, Ngài Phú lâu Na đối với việc kết tập phát sanh ý kiến bất đồng, điều đó nói lên rằng, Ngài cũng có hệ thống riêng. Kết tập kinh điển lần thứ 2, Ngài A Na Luật tự mình lại có hệ thống riêng. Những sự dị biệt này, chắc chắn có ảnh hưởng đến sự phân phái trong Phật giáo.
Liên quan đến nội dung của vấn đề lời dạy nguyên thủy của đức Phật, trong truyện ký của Thích Ca có đề cập đến một số vấn đề như sau: Thích Ca từ khi xuất gia, thành đạo cho đến tuyên truyền giáo pháp, đều không rời khỏi bối cảnh của giai cấp Sát đế lợi. Ngài muốn thay thế cho giai cấp Sát đế lợi giải quyết những vấn đề nan giải về sự hổn loạn tư tưởng của xã hội đương thời, triết học của ngài là triết học thật tiễn (nhân sanh triết học) nhằm phản bát triết học Bà la môn, đây là sự thay thế tổ quốc của ngài là Ca tỳ la vệ để tranh dành địa vị, nhờ vậy mà có được danh hiệu Thích Ca Mâu Ni (Bậc tánh của giòng tộc Thích Ca). Ðiểm này, đối với tiền đồ tổ quốc của Ngài có lợi thế khá lớn. Ví như, vào độ tuổi già yếu Thề Tôn thường tuyên thuyết giáo pháp ở nước Kiều tát la, điều đó đã dẫn đến sự ôn hoà giữa hai nước Kiều Tát La và Ca Tỳ La Vệ thay vì bị uy hiếp.
Dưới chế độ xã hội giai cấp, học thuyết của Thích Ca mang khuynh hướng chống lại chủ nghĩa duy vật là điều tự nhiên. Ngài cực lực phản đối 6 phái triết học đương thời, tư tưởng của Ngài không đi vào con đường cực đoan, ngược lại mang sắc thái ôn hoà. Ðiều đó đã dẫn Ngài đến thành công, vì được các giai cấp trong xã hội ủng hộ, thậm chí có một số tư tưởng gia của Bà La Môn theo Ngài. Một mặt, Ngài không tán thành chế độ chủng tánh của Bà la môn, nhưng mặt khác, Ngài gần như đồng ý chế độ chủng tánh. Chúng ta có thể lấy "Ngũ giới" là căn bản đạo đức của xã hội đương thời làm thí dụ điển hình.
Năm giới vốn là của Bà la môn và Kỳ na giáo, Thích Ca cũng lấy 5 giới này làm tiêu chuẩn đạo đức, nhưng không phải hoàn toàn đồng ý, Ngài lấy giới "ly dục" là một trong 5 giới của Bà la môn đổi thành giời "không uống rượu". Lại, như Ngài chủ trương xuất thế, cho rằng tất cả sự vật trong thế gian vốn không thật có - "Không", tuyên dương Niết bàn, nhưng ở phương diện khác, Thích Ca đối với mọi người lại đề cao bố thí và trì giới, cho rằng, chính sự ưa thích giúp đỡ người khác là niềm hạnh phúc. Có thể nói, phương pháp tu tập của Thích Ca so với cách tu tập khổ hạnh hà khắc, tế tự phiền phức của Bà la môn giáo có phần đơn giản đi nhiều, do đó được mọi người hoan nghênh tiếp nhận, nhất là giai cấp thương nhân.
Thích Ca đã từng tham vấn và học tập qua những học giả nổi danh đương thời, do đó, học thuyết của Ngài có phần hoàn chỉnh, vì Ngài biết kế thừa và chọn lọc cái hay của những học thuyết khác. Do vậy, học thuyết của Ngài có liên quan mật thiết đến những học thuyết khác của đương thời xã hội Ấn. Những học thuyết đương thời có hai khuynh hướng: 1. Tư tưởng Bà la môn, cho rằng sự hình thành vũ trụ là từ một nhân căn bản chuyển biến hình thành những cái khác, tư tưởng này được gọi là thuyết trong nhân có quả. Dùng nó để chỉ đạo thật tiễn, những người theo tư tưởng này lấy tu tập thiền định làm trung tâm, thông qua tu thiền định để nhận thức cái gọi là "nhân căn bản", từ đó có thể đạt đến cảnh giới giải thoát. 2. Tư tưởng phi Bà la môn, cho là sự vật do nhiều nhân kết họp mà thành, phái này được gọi là thuyết "trong nhân không quả". Học thuyết này dùng để chỉ đạo cuộc sống, sau đó phái này lại chia thành hai phái khác nhau, một phái đề cao tu tập khổ hạnh, và phái khác đề cao thỏa mãn dục vọng. Ðối với những lý thuyết trên Thích Ca đều không chấp nhận, cho nên tự mình đưa ra thuyết "Duyên khởi ", Ngài cho rằng, các pháp cùng nhau nương tựa, cùng làm điều kiện sanh diệt cho nhau, chẳng phải do một nhân sanh nhiều quả, cũng chẳng phải nhiều nhân sanh một quả mà là cùng nhau làm nhân làm quả. Mục đích của lý thuyết này nhằm đả phá lý thuyết "nhứt nhân luận" của Bà la môn, có khuynh hướng vô thần luận, nhưng học thuyết của Ngài không triệt để đả phá toàn bộ học thuyết Bà la môn nhưng Ngài lại tin tưởng sử dụng thuyết "nghiệp lực", cho rằng, tác dụng của nghiệp có tầm mức quan trọng trong cuộc sống.
Hai hệ thống học thuyết vừa tường thuật trên đều lấy bản thể luận làm điểm căn cứ, nhưng học thuyết của Thích Ca trên căn bản không đề cập thảo luận những vấn đề liên quan bản thể luận, như "14 vấn đề vô ký " (Ký là phân biệt, nghĩa là 14 vấn đề không giải thích) mà Ngài đề cập: Vũ trụ là thường hay vô thường? Vũ trụ là hữu biên hay vô biên? Sanh mạng sau khi chết còn hay mất? Sanh mạng và thân là một hay khác? v.v. (3 loại đầu, mỗi loại phân thành 4 vấn đề, như thường, vô thường, hữu thường vô thường, phi hữu thường phi vô thường v.v., loại sau lại phân thành hai vấn đề, tổng cộng có 14 vấn đề.), những vấn đề này, đối với giới học thuật đương thời, là đề tài được đưa ra cùng nhau thảo luận, nhưng riêng Thích Ca thì ngược lại, không chịu thảo luận, với lý do là những vấn đề này cùng với đời sống thật tế con người không một tí gì quan hệ, giả như nếu đem chúng thảo luận, cũng không giải quyết giúp ích được gì cho con người. Do đó, trong nhân quả, Ngài không thừa nhận cái gọi là "nhân thứ nhất ".
Học thuyết của Thích Ca có những đặc điểm riêng của nó, như chúng ta thấy học thuyết của Thích Ca từ đầu đến cuối luôn luôn sử dụng thái độ phân tích, so sánh của từng vấn đề. Như ngay từ lúc đầu giữa hai khuynh hướng hưởng thọ dục vọng và khắc khổ của khổ hạnh, Ngài nên lựa chọn con đường nào trong hai cực đoan ấy, cuối cùng Ngài chọn con đường "trung đạo". Con đường trung đạo của Ngài là chú trọng phương diện hành động thật tế, như Ngài cho rằng, quan điểm của những nhà duy vật đương thời, chủ trương thỏa mãn dục vọng là mục đích của nhân sinh là không hợp lý, ngay cả việc Ni kiền tử chủ trương hà khắc trong việc tu khổ hạnh cũng không đúng, ngược lại Ngài cho rằng, chỉ có con đường "Trung đạo", là con đường không khổ cũng không vui mới là con đường chân chính.
Về sau, Thích Ca phát huy tư tưởng này thành hệ thống lý luận, không chấp trước ở một bên. Ngài tự cho rằng, ta là "người phân tích, phân biệt "chẳng phải là người luận bàn thiên về một bên. Tư liệu đề cập đến quan điểm này, một cách sớm nhất là "Kinh Pháp Cú - Phẩm Nê hoàn", nói rằng, "Pháp qui phân biệt, chân nhân qui diệt". Ðây là sự chứng minh nội dung mà Phật nói trong nguyên thủy là "phân biệt luận giả".
Học thuyết của Thích Ca có hay không có người thừa kế? Có người cho rằng, trước Phật Thích Ca vẫn còn có Phật, như Phật Ca Diếp, "Kinh Pháp Cú" là do Phật Ca Diếp truyền thừa. Cũng có người cho rằng, không phải chỉ có một vị Phật mà có tất cả là 4 vị Phật. Vua A Dục đã lấy 4 vị Phật này làm đối tượng tôn thờ.
Sách Tham Khảo:
1.Lại Duy: "Phật kinh nguyên thủy đọc tụng pháp ", "Phật học nghiên cứu ", thiên thứ 2.
2. "Tứ phần luật", Quyển 54.
3. Lữ Trưng: "Ấn độ Phật giáo sử lược", chương 1, tiết 1.
4.Vô bách Duy: "Nguyên thủy Phật giáo đích nhược can vấn đề ", "Hiện đại Phật học" năm 1956, kỳ 10, 1957 kỳ 1.* * * 3. Những Ðiểm Trọng Yếu Của Phật Học Nguyên Thủy
Những tín đồ Phật giáo cho rằng, sau khi Thích Ca thành đạo, lần đầu tiên tuyên thuyết giáo pháp tại vườn Lộc Uyển, gọi đó là sơ chuyển pháp luân. Pháp luân là tỷ dụ, truyền thuyết Ấn độ cho rằng, ai có khả năng thống trị toàn cõi Ấn độ, tự nhiên có 'luân bảo' xuất hiện. Luân bảo này không gì lay chuyển được, vô địch không gì bằng. Nếu ai được luân bảo này, xưng là chuyển luân thánh vương. Khi Thích Ca chưa xuất gia, chính Ngài phải chọn một trong hai con đường, một là làm vua Chuyển luân thánh vương (nhà lãnh đạo quốc gia), hai là làm Pháp luân vương (nhà tư tưởng). Những lời dạy của Phật gọi là chuyển pháp luân, đồng thời biểu hiện chơn lý cao tuyệt của Phật đã giác ngộ.
Tương truyền, lần đầu tiên Thế Tôn chuyển pháp luân, cho 5 anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển, thuộc thành Ba la nại. Nghiên cứu từ trong kinh luật cho thấy, lần đầu Thích Ca nói Pháp, không phải là pháp Tứ đế, mà chính là pháp Trung đạo, điều này phù hợp với sự thật, vì 5 người này vốn là những người cùng ngài tu hành khổ hạnh trước kia, sau đó Thích Ca từ bỏ đời sống khổ hạnh, để lại trong lòng họ suy nghĩ không hay về Ngài. Dĩ nhiên giáo pháp mà Thế Tôn nói với họ đầu tiên phải là phê bình đời sống khổ hạnh, cùng những học thuyết mà họ chủ trương, sau đó cùng họ giới thiệu học thuyết trung đạo, là con đường không khổ không lạc, đồng thời chứng minh khổ hạnh vốn không phải là phương pháp tu tập chơn chánh, chỉ có trung đạo mới là hợp lý. Sau đó nói giáo lý 'Bát chánh đạo' (Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định), sau khi thuyết phục xong, mới tuyên thuyết giáo lý Tứ đế.
Trọng tâm của giáo lý Tứ đế là trình bày sự thật về những hiện tượng trong cuộc sống con người. Toàn bộ đời sống con người không ra ngoài hai phương diện, một là nhiễm (khổ, tập), hai là tịnh (diệt đạo). Phương pháp tổ chức pháp Tứ đế, lấy khổ đế làm căn bản, 'tập' là sự tích tâp của khổ, 'diệt' là diệt trừ khổ đau, 'đạo' là phương pháp diệt trừ khổ đau. Thế Tôn nói pháp Tứ đế, nói đi nói lại pháp này cho đến 3 lần, 3 lần này được gọi là 'Tam chuyển pháp luân'. Chuyển lần đầulà khẳng định pháp tứ đế (nhân sanh là khổ, già chết là khổ v.v.); chuyển lần hai, chỉ rõ tứ đế là ý nghĩa sự thật của cuộc sống con người (khổ nên biết, tập nên đoạn, diệt nên chứng, đạo nên tu); chuyển lần thứ ba, là chứng minh Thích Ca đã chứng ngộ thành đạt được những gì mà tứ đế yêu cầu (Khổ đã rõ, tập đã đoạn, diệt đã chứng, đạo đã tu.).
Trong 3 lần chuyển pháp luân, mỗi một lần đối với một đế đều có 4 loại nhận thức không giống nhau, gọi đó là 'Tứ hành tướng' -- Nhãn, trí, minh, giác, do đó Tứ đế có 12 hành tướng, gọi là 'Tứ đế 12 hành tướng'. Quan điểm này, là sự khẳng định những điểm cơ bản cũa nguyên thủy Phật học. Những tư liệu trong kinh luật được ghi chép như vừa trình bày, vào khoảng 200 năm, sau khi Thế Tôn nhập diệt, những sắc lệnh mà nhà vua A Dục còn lưu lại, đề cập đến việc này cũng như thế (Trong 'pháp lệnh' yêu cầu những tín đồ Phật giáo thường niệm một trong 7 kinh là: "Tỳ nại da tối thắng kinh ", căn cứ vào những tư liệu khảo cổ chứng minh, tức là đề cập đến tam pháp luân.).
Về sau, Phật học phát triển đến giai đoạn Ðại thừa, có thể nói sớm nhất là "Kinh Duy Ma Cật", "Kinh Pháp Hoa" v.v. phần mở đầu của những kinh này, đều đề cập đến pháp Tứ đế, những kinh điển thuộc giai đoạn hậu kỳ đại thừa như "Kinh Giải thâm mật ", phân chia lời Phật nói thành 3 thời, thời thứ nhất cho rằng Phật nói Tứ đế. Từ đó có thể nói, Tứ đế là trung tâm tư tưởng của Phật giáo nguyên thủy, đều này cũng được mọi người công nhận.
Khổ đế trong giáo lý tứ đế, về sau phát triển thành 8 khổ: Sanh, lão, bịnh, tử, oán tắng hội, aí biệt ly, cầu bất đắc, ngũ thủ uẩn. Bốn loại khổ đầu là những loại khổ thuộc về tự nhiên, không ai tránh khỏi, những mong cầu của con người, thường ngược lại những qui luật này, như mong cầu không già, được trường sanh v.v. do đó mà sanh khổ. 3 chi kế tiếp, là những nổi khổ do mối quan hệ không hợp lý giữa người và người trong xã hội tạo thành, như chế độ phân biệt đẳng cấp của xã hội đương thời. Những người không hợp ý mà luôn luôn phải sống với nhau, những người thương yêu mà phải phân tán chia lìa, những yêu cầu vật chất thường không được như ý... những loại này đều được gọi là khổ (Từ góc độ này, chúng ta có thể thấy, Thích Ca phản ánh những hiện tượng xã hội đương thời). Nhưng thử hỏi nguồn gốc cái khổ của con người là gì? Thích Ca cho là 'cầu bất đắc'. Tại sao mong cầu mà không được là nguyên nhân của khổ? Thích Ca lại cho rằng, do bỡi '5 thủ uẩn', tức là Ngài phân tích sự cấu thành con người do 5 loại: Sắc -- Vật chất, thọ -- cảm tình cảm giác (gọi là tình), tưởng -- sự hoạt động của lý tánh khái niệm (gọi là trí), hành -- là hoạt động của ý chí (gọi là ý), thức -- thống nhất mấy loại trước. Nội dung của những loại này rất là phức tạp, sự tích tập của những thứ này gọi là 'uẩn', 5 uẩn cùng với 'thủ' (chỉ loại dục vọng cùng chấp trước) liên kết với nhau, từ đó sinh ra một loại tham dục, do đó cho nên gọi là 'ngũ thủ uẩn'. Căn cứ quan điểm của Thích Ca, con người sinh ra liền có 5 uẩn, có 5 uẩn tức là có khổ, do đó cho nên gọi 5 uẩn là khổ. Nguồn gốc của khổ này do tham dục (tập đế) mà sanh, đoạn trừ tham dục, tức đoạn trừ khổ (diệt đế), liền được giải thoát.
Trong học thuyết Tứ đế của Thích Ca, duyên khởi là đặc tính xuyên suốt biểu hiện sự bất đồng quan điểm với những hệ thống triết học khác về vũ trụ. Khi Thích Ca còn tại thế, trong xã hội Ấn đã có hai loại tư tưởng chỉ đạo cuộc sống nhơn sanh: 1. Bà la môn, họ cho rằng, con người do Phạm thiên sanh, là sự chuyển hóa của thần ngã, gọi đó là thuyết 'chuyển hoá'. 2. Sáu phái triết học, họ cho rằng, con người là do nhiều yếu tố kết hợp mà thành (chủ trương của Thuận thế phái), gọi đó là thuyết 'Tích tụ'. Thích Ca phản đối 2 học thuyết này, chủ tương 'duyên khởi'. Ngài cho rằng, thế giới hiện tượng đều là sự quan hệ mật thiết về nhân quả, cùng làm điều kiện cho nhau trong sự tồn tại. Trong kinh Phật thường lấy bó trúc làm ví dụ để trình bày sự quan hệ của mọi sự vật.
Nếu như lấy quan điểm này, giải thích những hiện tượng vũ trụ, thuyết minh quy luật tồn tại của vũ trụ là duyên khởi, như thế rất cụ thể và biện chứng. Nhưng lý thuyết duyên khởi này, không phải xuất phát từ sự quan sát vũ trụ, mà được phát hiện ngang qua đời sống con người, đồng thời cũng lấy nó làm điểm tựa căn bản để giải quyết những vấn đề của nhân sanh. Thích Ca đem con người phân chia thành nhiều chi phần. Theo sự ghi chép trong kinh gồm có 5 phần, 9 phần,10 phần, 12 phần v.v., đặc biệt Bắc phương phân chia nhiều nhất là 12 phần, gọi đó là 12 nhân duyên, về sau đại thừa Phật giáo cố định thành 12 nhân duyên, tức là vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, aí, thủ, hữu, sanh, lão tử. Kết cấu này là vô minh làm duyên dẫn khởi hành. Do đó mà có công thức: "Thử hữu cố bỉ hữu, thử sanh cố bỉ sanh". Dựa vào thứ tự này, cấu thành mối quan hệ nhân quả. Người sau lấy 12 nhân duyên và luân hồi dung hợp thành tam thế lưỡng trùng nhân quả của Tiểu thừa : Quá khứ thế 'nhân' -- Hiện tại thế 'quả, nhân' -- Vị lai thế 'quả'. Thuyết 'lưỡng thế nhất trùng' của Ðại thừa : Quá khứ thế 'nhân' -- Hiện tại thế 'quả', hoặc là Hiện tại thế 'nhân' -- Vị lai thế 'quả'. Lý thuyết này, có phần hợp lý, vì trong hiện tượng, vốn là sự liên hệ 2 đời, trên nguyên tắc này, chúng ta có thể tìm ra mối quan hệ nhân quả của nó. Thí như, lão tử là quả, căn bản nguyên nhân của nó là 'sanh'.
Theo sự ghi chép của kinh điển, Thích Ca quán sát nhân sanh, bắt đầu từ lão, tử' rồi suy diễn quán 12 nhân duyên. Trong Tứ đế lấy tham dục của tập đế làm trọng tâm, 12 nhân duyên lấy ái dục làm căn bản, nếu như muốn được giải thoát trước phải đoạn trừ ái dục. Thích Ca cho là, ái dục là vô cùng, không bao giờ biếy đủ, ngược lại, lòng mong muốn của con người thì vô cùng, chính lòng ham muốn này là nguyên nhân sanh ra khổ đau.
Thích Ca cho là, hành vi và nghiệp lực của con người có sự liên quan mật thiết. 'Hành' là ý chí hành động có mục đích của con người, bản chất của nó là nghiệp. 'Nghiệp' có 3 loại: Thân, khẩu và ý, nếu như chúng ta thử đặt vấn đề, cái gì quyết định thành nghiệp? Lời giải đáp hẳn nhiên là do 'vô minh vô tri'. Chúng sanh vô tri cái gì? Thích Ca cho là, nhân sanh vốn là vô thường, nhưng chúng sanh yêu cầu 'thường', đây chính là 'vô minh vô tri'. Nhân sanh là vô ngã, vì nó vốn không thể tự sanh, do đó không có tự thể, giống như nhà do từ gạch, ngoái, cây, đá kết hợp mà thành, cũng vậy, con người do ngũ uẩn kết họp mà thành, nhưng ngược lại chúng sanh chấp trước có thật ngã, đây gọi là 'vô minh'. Chúng sanh do bỡi những loại vô tri này mà dẫn khởi hành động, là nguồn gốc của khổ đau.
Thích Ca luận chứng, nhân sanh là 'vô thường' 'vô ngã', từ đó đề xuất 3 mệnh đề: Chư hành (chỉ hữu vi pháp) vô thường, các pháp vô ngã, tất cả đều là khổ. Ba mệnh đề này gọi là 'tam tướng', lại cũng gọi là 'Tam pháp ấn'. Ngoài tam tướng này, thêm một chi nữa là 'Niết bàn tịch tịnh', gọi là 'Tứ pháp ấn'. Cho rằng, trong vô thường, vô ngã đã bao gồm khổ, cho nên 'khổ' bỏ đi, vẫn còn lại Tam pháp ấn. 'Tam pháp ấn' lấy duyên khởi làm cơ sở phát triển. Duyên khởi bao gồm hai phương diện 'thuận' và 'nghịch'. Thuận là chỉ cho sự sản sinh đau khổ, nghịch là chỉ cho sự hướng đến Niết bàn. Thích Ca nói, ai hiểu duyên khởi, người ấy hiểu 'pháp'. Có thể nói, thuyết duyên khởi là điểm đặc trưng của Phật giáo.
Tuy nhiên, có một số vấn đề Thích Ca vẫn chưa giải thích rõ ràng, Ví như, Lý thuyết Duyên khởi cũa Thích Ca chỉ nhằm mục đích thuyết minh về những hiện tượng trong đời sống con người, không chú trọng vào những mục đích khác, nhưng nó cũng có thể giải thích những hiện tượng khác, chẳng qua đem nguyên lý này phổ biến hóa mà thôi, như thế ắt hẳn sẽ có sự cải biến kết cấu của nó và lý tưởng Niết bàn. Thí dụ như, Thích Ca một mặt phủ nhận sự tồn tại tự ngã, đồng thời lại thừa nhận tác dụng của nghiệp lực. Thuyết nghiệp lực của Bà la môn là sự kết hợp thuyết luân hồi, nhưng Thích Ca đã phủ nhận chủ thể luân hồi, thế thì lấy gì để luân hồi? Ðây là vấn đề mâu thuẩn nội tại của học thuyết Thích Ca. Vì lý do đó, về sau, những người kế thừa tư tưởng của Ngài đã phát sinh sự phát triển không đồng nhất về tư tưởng.
Thích Ca là người đôn hậu, thuyết nghiệp lực của Ngài cũng được biểu hiện rất cụ thể. Cuộc đời của Ngài phần nhiều thời gian ở tại nước Kiều Tát La, đã 2 lần ngăn cản sự tấn công vua Tỳ Lưu Ly đi với giòng tộc Thích Ca, cuối cùng cũng không sao tránh khỏi Thích Ca tộc bị diệt vong. Ngoài ra, Ngài đối với Bà la môn giáo, chế độ chủng tộc, biểu hiện sự không đồng lòng trong thái độ ôn hòa, điều đó biểu hiện tính từ mẫn của Ngài. Nguyên nhân là, Thích Ca chỉ là một nhà tôn giáo vĩ đại, không phải là một nhà cải cách xã hội.
Sách Tham Khảo:
1- "Tạp A hàm kinh", quyển 15: "Ðế tụng".
2- "Trung A hàm kinh", quyển 7: "Phân biệt thánh đế kinh".
3- "Tạp A hàm kinh", quyển 12: "Duyên khởi tụng".
4- "Trường A hàm kinh", quyển 10: "Ðại duyên phương tiện kinh".
5- Lữ Trưng: "Ấn độ Phật giáo sử lược", thiên thứ nhất, chương 2.Thích Hạnh Bình dịch
Email: m8721015@student.hfu.edu.tw-ooOoo-
Source: Buddhism Today, http://members.nbci.com/budtoday/
[ Trở Về ]