Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]


Vài ý kiến góp phần tổng kết Phật Giáo đời Trần

Minh Chi

Có một sử gia người Anh, tên là H.S.A. Smith (1) định nghĩa lịch sử như một từ trường, và những sự kiện lịch sử giống như những mảnh sắt vụn, xuất hiện và bố trí trên từ trường đó không phải ngẫu nhiên, mà một cách có quy luật, do chịu sự tác động của luật từ trường. Tôi rất thích thú với ví dụ của Smith. Nó cho thấy nhiệm vụ của sử gia không phải chỉ là tập hợp nhiều sử liệu, mặc dù việc tập hợp sử liệu cũng có tầm quan trọng của nó, mà có một nhiệm vụ quan trọng hơn của sử gia là tìm xem, những sức mạnh gì từ ở hậu trường, chi phối những sự kiện đó làm cho những sự kiện đó xuất hiện và diễn biến theo chiều hướng nhất định.

Ông ta cho rằng, những sự kiện lịch sử chỉ xảy ra một lần. Chúng là những sự kiện chết, thế nhưng những lực lượng dẫn tới những sự kiện đó, chi phối chúng, vì là phi vật chất cho nên vẫn tồn tại, vẫn tác động. Tìm hiểu được chúng thì không khác gì nắm được cái chìa khóa để giải thích các sự kiện lịch sử, một cách đúng đắn, mà điều quan trọng hơn là nếu biết nắm bắt và sử dụng được những lực lượng đó, thì chúng ta có thể tìm hiểu và chi phối hiện tại và tương lai.

Khi tướng nhà Nguyên là Ô mã Nhi gặp đại sứ nhà Trần Ðỗ khắc Chung ở bên bờ sông Hồng, trước thành Thăng Long, Ô mã Nhi nói: "Bọ ngựa dám chống xe, liệu sẽ ra sao?"

Diễn biến lịch sử cho thấy sức bọ ngựa Việt Nam đã làm đổ lăn kềnh cỗ xe quân sự của Nguyên Mông đã từng dày xéo dẫn đạp tan tành bao nhiêu đế quốc và vương quốc hùng mạnh từ Á sang Âu thời bấy giờ.

Sức mạnh của bọ ngựa Việt Nam chắc chắn không phải là, hay chỉ là sức mạnh vật chất, bởi vì nếu đem so sánh với sức mạnh vật chất của cỗ xe quân sự Mông Cổ thì rõ ràng sức mạnh vật chất của Việt Nam đời Trần là không thấm vào đâu. Tôi nhớ câu của Napoléon, tâm sự với La Fontanes, vào cuối đời mình: "Ông có biết không, điều tôi khâm phục nhứt ở đời này, là sự bất lực của bạo lực để xây dựng nên một cái gì. Chỉ có hai sức mạnh ở đời là thanh gươm và trí tuệ. Về lâu về dài, thanh gươm bao giờ cũng bị trí tuệ đánh bại". (2)

Napoléon, vị hoàng đế của bạo lực quân sự, đã từng vào đầu thế kỷ 19 làm mưa làm gió trên chiến trường Châu Âu, cuối cùng phải thú nhận sức mạnh tinh thần, sức mạnh của trí tuệ, về lâu về dài bao giờ cũng chiến thắng sức mạnh của bạo lực.

Ở nước ta, vào đầu đời Trần cũng vậy, cuộc chiến thắng ba lần của quân dân Việt Nam đánh bại quân Nguyên Mông, xâm lược, trước hết là cuộc chiến thắng của trí tuệ và tinh thần đối với bạo lực vật chất xâm lược.

Tất cả vấn đề đặt ra là ở chỗ này: Sức mạnh trí tuệ và tinh thần đó từ đâu, do đâu mà có? Phải chăng vốn là tự thân dân tộc ta, hay phải chăng đó là sức mạnh của hệ tư tưởng Phật giáo, vốn là hệ tư tưởng chủ đạo của đời Trần.

Theo tôi đấy là sức mạnh tổng hợp của cả hai. Của Phật giáo như là hệ tư tưởng chủ đạo, và của dân tộc Việt Nam như là người đã biết chủ động và sáng tạo, chọn lọc trong hệ tư tưởng Phật giáo đó tất cả những gì là tinh hoa nhứt phù hợp nhứt với hoàn cảnh lịch sử địa lý của Việt Nam thời bấy giờ, biến nó thành chất men hội tụ và xúc tác, làm cho cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, đứng dậy đánh quân xâm lược, làm cho mỗi người Việt Nam, trên những cương vị khác nhau, từ vua và tướng, lãnh đạo cuộc kháng chiến, cho đến từng người chiến sĩ, từng người dân đều phát huy cao độ trí tuệ và dũng khí của mình đối phó với quân Nguyên Mông trong toàn cuộc kháng chiến, cũng như trong từng trận đánh một, to hay nhỏ, đánh chính quy hay là đánh du kích.

Phật giáo Việt Nam không phải là Phật giáo Trung Quốc, cũng không phải là Phật giáo Ấn Ðộ, hay Phật giáo của bất cứ nước nào khác, tuy rằng giữa Phật giáo ở các nước khác nhau vẫn có những điểm cộng thông về mặt giáo lý hay là mặt hành trì.

Thế nhưng, Phật giáo du nhập vào bất cứ nước nào, nhứt là trải qua một thời kỳ lâu dài, đều bản địa hóa, nghĩa là mang ít nhiều sắc thái của nền văn hóa của nhân dân nước ấy, chịu ảnh hưởng ít hay nhiều của hoàn cảnh địa lý - lịch sử nước ấy. Nhưng Trung Quốc bản địa hóa Phật giáo khác với Việt Nam bản địa hóa Phật giáo. Mỗi dân tộc đều làm công việc bản địa hóa theo phong cách riêng của mình, do những nhu cầu thiết thân sinh tử của dân tộc mình. Không thể có một mô hình chung cho tất cả các nước được, tuy rằng, đây là điều không thể phủ nhận, Phật giáo các nước dù là theo Bắc tông hay Nam tông, đều có những nét chung nhứt định.

Vấn đề đặt ra là chúng ta hãy tìm hiểu xem trong Phật giáo đầu đời Trần mà chúng ta xem là đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam. Có những yếu tố tư tưởng gì đã tạo ra sức mạnh thần kỳ của con bọ ngựa Việt Nam, lật đổ cỗ xe khổng lồ của quân đội Nguyên Mông, và những yếu tố đó hẳn đã phải xâm nhập từ lâu vào nền văn hóa của dân tộc ta, trở thành da thịt, xương máu của dân tộc Việt Nam chúng ta, để rồi, khi quân đội Nguyên Mông bắt đầu xâm lược nước ta, khi vận mệnh cả nước như trứng đẻ đầu đẳng thì những yếu tố tích cực đó đã được những người lãnh đạo tài tình, là vua chúa, tướng tá nhà Trần lúc bấy giờ vận dụng triệt để, phát huy cao độ, đồng thời cũng được tất cả mọi người Việt Nam thời bấy giờ chấp nhận như là lẽ sống, chuẩn mức sống. Theo tôi, đó là tính thống nhứt rất đặc biệt của xã hội đời Trần mà Trần hưng Ðạo đã tổng kết bằng những câu ngắn gọn: "Vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước ra sức cho nên bọn giặc phải chịu bị bắt..."

Hãy xem dân tộc Việt Nam đã chấp nhận những yếu tố tư tưởng gì của Phật giáo, khả dĩ giúp họ đương đầu thắng lợi với cuộc thử thách Nguyên Mông.

1 -Yếu tố đoàn kết, thương yêu và đùm bọc nhau trong hoạn nạn:

Vì dân tộc ta từ ngày lập quốc, đã trải qua nhiều cơn hoạn nạn, chủ yếu là ngoại xâm và thiên tai cho nên, nhu cầu đoàn kết thương yêu nhau, đùm bọc nhau để chống trả ngoại xâm và đối phó với thiên tai, bất cứ lúc nào cũng tỏ ra bức xúc và khẩn cấp. Do một vị trí địa lý đặc biệt, nước ta nằm sát cạnh ngay phía Nam của một đế quốc phong kiến Trung Quốc khổng lồ, có tiềm lực kinh tế mạnh, có nền văn hóa và văn minh lâu đời, cho nên nước ta có thể nói là thường xuyên bị đe dọa thôn tính về mặt chính trị và quân sự, và đồng hóa về mặt văn hóa.

Một ngàn năm Bắc thuộc là chứng minh cụ thể của mối đe dọa đó. Các cuộc xâm lăng của quân Tống vào đời Tiền Lê và đời Lý, ba lần xâm lăng của quân Nguyên Mông vào đời Trần tiếp tục chứng minh mối đe dọa đó.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu công nguyên, đã đem theo những tư tưởng bình đẳng và từ bi, rất là thích hợp để tăng cường khối đoàn kết toàn dân, và mở rộng, làm thêm đậm đà tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong nhân dân Việt Nam, bao gồm cả vua chúa, quan lại, tướng tá cho đến người quân, người dân bình thường. Hội nghị bô lão ở Diên Hồng (1285), Hội nghị tướng sĩ ở Bình Than (1282) là biểu hiệu của tinh thần dân chủ và đoàn kết của quân dân và nhân dân đời Trần.

Chủ thuyết Phật giáo "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh" đều có sẵn mầm giác ngộ để tương lai thành Phật là một chủ thuyết thực sự bình đẳng, nó giúp hạn chế và xóa nhòa ranh giới đẳng cấp của xã hội phong kiến đời Trần. Ðối với những ông vua kiêm Thiền sư như Trần thái Tông, Trần thánh Tông, Trần nhân Tông thì chủ thuyết bình đẳng đó không phải là khẩu hiệu mà thể hiện thành đường lối chính sách, biện pháp và cả trong cung cách ứng xử hàng ngày của những ông vua đó đối với toàn quân và toàn dân. Ðấy là những ông vua từ bi nhứt, hiếu sinh nhứt, bình đẳng nhứt. Sử đời Trần chép những chuyện như Trần thái Tông tha tội cho anh là Trần Liễu mặc dầu Trần Liễu làm phản, Trần Nhân Tông vứt cái tráp đựng thư hàng giặc của một số quan lại nhà Trần, cho rằng đó là chuyện nhỏ, không đáng quan tâm sau khi đại sự chiến thắng quân Nguyên đã thành. Chuyện vua tôi nhà Trần, sau các buổi yến tiệc thường xum họp vui vẻ, nằm chung một giường, gác chân lên nhau, chuyện vua chúa, tướng tá sống gần gũi không cách biệt với nô tì, nô bộc, chuyện đội quân của Phạm ngũ Lão dược mệnh danh là đội quân cha con, vì tướng Phạm ngũ Lão thương yêu quân sĩ như cha thương con... Tất cả những biểu hiện đó rất khác với tinh thần tôn ti trật tự đẳng cấp của Nho gia, trái lại rất gần gũi với tinh thần bình đẳng, vạn vật đồng một thể của Phật giáo.

2 -Nhu cầu tự cường dân tộc, và chủ thuyết nỗ lực tối đa của Phật giáo:

Phía Bắc thì ráp ranh với đế quốc Trung hoa khổng lồ, phía Nam và phía Tây thì không ngừng có người Chiêm Thành và người Ai Lao quấy nhiễu biên cương, phía Ðông thì giáp biển Ðông, dân tộc ta muốn bảo vệ sự tồn tại của mình không còn cách nào khác là phải phát huy tối đa tinh thần tự cường dân tộc, không những tự cường về mặt chính trị và quân sự, mà cả về mặt văn hóa nữa. Những người lãnh đạo nước ta, ngay từ những ngày đầu thoát khỏi vòng Bắc thuộc kéo dài 1000 năm và thành lập nước Ðại Việt, đã nhận thức sâu sắc rằng nguy cơ Trung Quốc xâm lăng và đồng hóa Việt Nam về mặt văn hóa là thường xuyên, còn nguy cơ xâm lăng quân sự chỉ bộc phát trong từng thời kỳ. Hơn nữa, nô lệ, thụ động về mặt văn hóa, dẫn tới giải trang về mặt quân sự và chính trị. Ðiều may mắn là Phật giáo du nhập vào nước ta từ đầu công nguyên đã cung cấp cho dân tộc Việt Nam một hệ tư tưởng khả dĩ đối trị với hệ tư tưởng Nho Lão của Trung Quốc. Chắc chắn là vì lẽ đó, mà các vua chúa Ngô, Ðinh, Tiền Lê trong buổi đầu dựng nước không sử dụng Nho sĩ mà xử dụng rộng rãi các nhà sư làm cố vấn quốc gia.

Phật giáo là một tôn giáo có một triết lý tự cường rất đặc biệt. Nó phản đối định mệnh luận và túc mạng luận, vì nó không bao giờ tuyệt đối hóa quá khứ, không bao giờ chịu phục tùng số mệnh. Nó chủ trương, bằng một nỗ lực, tối đa trong hiện tại, có thể biến đổi ngược trở lại những việc làm trong quá khứ. Nó khuyến cáo mọi người làm chủ vận mệnh của mình, và đừng phó thác số mệnh cho ai cả. Nó động viên mọi người hãy dựa vào sức mình, trước hết là để chiến thắng mình, chiến thắng ba độc là tham, sân, si, chiến thắng mọi phiền não, nghĩa là chiến thắng tất cả mọi cái gì gây trở ngại cho trí tuệ con người, sức mạnh con người để cho trí tuệ và sức mạnh đó có thể phát huy tối đa, triển khai tột độ, mở đường cho con người trở thành vĩ nhân, anh hùng, bậc thánh.

3 -Ðể tự cường, nhân dân ta cần phải có trí tuệ. Ðạo Phật là Ðạo của trí tuệ:

Ðể tồn tại và phát triển, nhân dân ta cần có trí tuệ. Nằm sát cạnh phía Nam của nước Trung Hoa, khổng lồ, có một truyền thống văn hóa ưu việt và lâu đời, nhân dân ta muốn bảo vệ và phát huy được nền văn hóa có bản chất dân tộc của mình, cũng cần có trí tuệ. Con bọ ngựa Việt Nam muốn đánh đổ cái xe quân sự khổng lồ của Nguyên Mông, càng cần có trí tuệ.

Phật giáo là tôn giáo của lòng từ, lòng bi, nhưng đồng thời và trước hết là tôn giáo của trí tuệ. Ðối với đạo Phật điều nhơ bẩn nhất là vô minh, tức là ngu si. Và để phá tan bức màn vô minh đen tối, thì duy chỉ có ánh sáng của trí tuệ mà thôi. Sống đạo đức, chỉ giúp con người làm điều thiện, tránh điều ác và đuợc tái sanh lên các cõi lành. Nhưng chỉ có trí tuệ mới đưa con người lên hàng bậc Thánh thoát khỏi cảnh sống chết luân hồi.

Ðặc sắc của đạo Phật là khẳng định, mầm giác ngộ, tức là Phật tánh, vốn có sẵn trong mọi người, miễn là biết hướng vào trong mình mà tìm cầu, không mê cầu ở bên ngoài, thì sẽ khắc được. Ba tạng Thánh điển, dù có thiên kinh vạn quyển, cũng chỉ là "ngón tay chỉ mặt trăng", là "cái bè qua sông", là công cụ, là phương tiện để nắm bắt chơn lý, chứ không phải là chơn lý cứu kính. Vì vậy mà Tổ Bồ đề đạt Ma khuyên: "Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật", nghĩa là chỉ thẳng vào tâm, thấy được tánh mà thành Phật. Chỉ thẳng vào tâm, thấy được tánh (tức Phật tánh) đó là thực nghiệm tâm linh, mà bất cứ người nào, muốn đạt tới cảnh giới giác ngộ và giải thoát tối hậu, đều phải kinh qua. Nếu không kinh qua thực nghiệm tâm linh, không trực tiếp thể hội chơn lý, thì chỉ là đứng ở bên lề, bên ngoài cửa của cảnh giới giác ngộ mà thôi.

Nói cách khác, hướng tìm chơn lý tối hậu là hướng nội, chứ không phải hướng ngoại.

"Phật không có ở trong núi, chỉ có ở trong tâm..." Quốc sư Trúc Lâm đã nói như vậy với vua Trần thái Tông, khi vua lên núi Yên Tử xin xuất gia cầu Phật. Vì vậy, trong cuốn "Khóa hư Lục", mở đầu bài tựa "Thiền tông chỉ Nam", Trần thái Tông viết: "Phật vô Nam Bắc, quân khả tu cầu, tánh hữu trí ngu, đồng tư giác ngộ". Nghĩa là: "Phật không kể Nam hay Bắc, đều có thể tu tập mà cầu được. Người tuy có phân biệt trí ngu, nhưng ai nấy đều sẵn có mầm giác ngộ".

Có thể nói, đạo Phật vũ trang cho tất cả mọi người một niềm tự tin và tự hào vô hạn, tự tin và tự hào rằng, mình có đầy đủ khả năng để thành Phật, và sống thế nào cho xứng đáng với cương vị Phật tương lai đó.

Niềm tin và tự hào đó hẳn đã chi phối và hướng dẫn cuộc sống và hành động của những ông vua đầu đời Trần như Trần thái Tông, Trần thánh Tông và Trần nhân Tông, đều là những ông vua kiêm thiền sư, kiêm tướng chỉ huy quân sự, cả ba chức năng đó họ đều kiêm nhiệm và hoàn thành một cách tốt đẹp phải chăng vì tin rằng mình vốn có đầy đủ trí tuệ, và đức tướng của Phật, họ đã sống và hành động không khác gì Phật. Chính Trần thái Tông viết trong "Khóa hư Lục": "Ngã thân tức Phật thân thi, vô hữu nhị tướng". Nghĩa là thân ta và thân Phật là một, không khác, không có hai tướng. Còn Trần nhân Tông, trong bài Cư trần lạc đạo Phú, cũng diễn đạt tư tưởng đó, nhưng một cách nôm na hơn:

"Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt
Ðến mới hay chính Bụt là ta" (3)
Họ là những ông vua thực sự, nhưng không phải là ông vua bình thường. Họ là mô hình ông vua kiêm triết gia mà ngày xưa Socrate và Platon, hai triết gia cổ đại Hy Lạp mơ ước cho các quốc gia đô thị thời bấy giờ. Cả hai triết gia đó đều qua đời mà mơ ước của họ đều không thấy thực hiện được. Và hình như, họ đã kết luận chua chát: đã là vua thì không thể là triết gia được. Và dã là triết gia thì không thể là vua được. Nhưng đầu đời Trần, nước Việt Nam chúng ta đã có những ông vua kiêm triết gia. Mà không phải chỉ là triết gia, mà là những thiền sư ngộ đạo, chứng đạo.

Sức mạnh của tình đoàn kết, tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau, sức mạnh của trí tự cường, sức mạnh của tinh thần, của trí tuệ... những sức mạnh đó vốn là truyền thống có từ xưa của dân tộc Việt Nam chúng ta hay là những chân giá trị mới, do đạo Phật du nhập vào?

Trong bài, tôi có nói là do cả hai.

Tất yếu lịch sử bắt buộc dân tộc Việt Nam muốn tồn tại như một cộng đồng người sống độc lập tự do, phải chấp nhận, tiếp thu, rèn đúc, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác những chân giá trị quý báu đó. Ngày nào người Việt Nam chúng ta sống buông thả, quay lưng lại những truyền thống lịch sử đó, thì đạo đức xã hội sẽ suy tàn, dân tộc ta có tồn tại thì cũng là tồn tại lây lất, không còn gì đáng tự hào, đáng ngửa mặt lên mà sống với thiên hạ.

Theo tôi, đó là một chân lý lịch sử.
Mọi việc có thể trôi qua, nhưng chân lý đó vẫn tồn tại.

Phật Giáo cuối đời Trần

Tổng kết Phật giáo đời Trần mà không đả động gì đén tình hình Phật giáo cuối đời Trần sẽ là một thiếu xót lớn. Tôi không muốn né tránh vấn đề này, mặc dù tôi không bao giờ nói đạo Phật suy. Ðạo không suy, chỉ có con người suy. Ðạo Phật như là một tổng hợp những chơn giá trị đạo đức nhân bản, thể hiện một nhân sinh quan và vũ trụ quan đúng đắn, đã được Phật Thích Ca minh định từ ngày Phật còn tại thế và sau đó được kiết tập và lưu lại trong ba tạng thánh điển... đạo Phật ấy không bao giờ suy.

Thế nhưng, khi mà những chân giá trị đó của đạo Phật không còn được tăng ni Phật tử coi trọng nữa, không còn dược họ chấp nhận như chuẩn mức của sự truyền đạo và hành đạo nữa, thì dù còn chùa chiền, còn tăng sĩ, còn tín đồ nhưng đạo Phật cũng chỉ tồn tại trên hình thức mà thôi.

Tôi thực không thể hiểu được hành vi của thiền sư Ðại Than cuối đời Trần đồng thời là Quốc sư, mà lại đốc xuất tăng ni đi đánh Chiêm Thành (theo Ðại Việt sử ký toàn thư). Tôi cũng không hểu được sự kiện nhà sư Phạm sư Ôn, nổi loạn, tụ tập quân sĩ ở Quốc Oai, về chiếm thành Thăng Long. Như vậy, thì tăng sĩ thời bấy giờ quên mất đạo đức hiếu sinh của Phật giáo rồi chăng.

Nếu là cư sĩ như Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ, như các vua Trần thái Tông, Trần thánh Tông, Trần nhân Tông mà đốc xuất quân sĩ đánh giặc trong một cuộc chiến tranh tự vệ thì vấn đề đó vẫn hợp đạo lý. Nhưng sự kiện một thiền sư, là quốc sư, lại đốc xuất quân sĩ đánh giặc, thì quả là không chính danh, nếu nói theo lời Khổng Tử. Nghĩa là tăng không ra tăng.

Tình hình này cũng tương tự như một văn bia đời hậu Lê do học giả Lê mạnh Thát phát hiện, nói: "Tăng thống và vợ, tên là Mỗ bán đứt số ruộng cho người trong làng tên Mỗ với giá mấy trăm quan tiền".

Nhà sư là Tăng thống cai quản tăng sĩ cả một nước, cũng đứng tên với vợ để bán ruộng, lại đem sự kiện này chép vào văn bia như là chuyện rất bình thường.

Trong văn chương Phật giáo, có ảnh dụ gọi là "Sư tử trùng". Sư tử là con thú khỏe nhất, là vua của loài thú, không có con dã thú nào có thể ăn thịt được nó. Nhưng chỉ có những con sâu trùng, sống ký sinh trên thân con sư tử mới có thể vật ngã con sư tử được. Giáo hội Phật giáo ở nước ta cũng như các nước cần suy ngẫm nhiều về ảnh dụ sư tử trùng này.

Ðó là cái chìa khóa để chúng ta hiểu về tình hình Phật giáo cuối đời Trần.

Tôi thấy không còn cách giải thích nào khác, logich hơn, tuy rằng, tôi thừa nhận, có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng vấn đề là tìm cho ra nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân chủ yếu, thưa quý vị là sư tử trùng.

Minh Chi
(1) Iron Filings and Magnetic Fields, tác giả Andrew Bongiorno. Dẫn bài "Reflexions on Reading Action của A.Smith".

(2) "Savez vous ce que j'admire le plus au monde, c'est l'impuissance de la force à fonder quelque chose. Il n'y a que deux puissances au monde: le sabre et l'esprit. A la longue, le sabre est toujours vaincu par l'esprit" Rút trong bài "Les amendiers" của A.Camus.

(3) Trần Nhân Tông "Cư trần lạc đạo"



 [ Trở Về ]