Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]

Ðạo Phật Nguyên Thủy tại Việt Nam
Bình Anson
Ðạo Phật truyền đến Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ Công Nguyên (1). Ðến cuối thế kỷ thứ hai, Việt Nam đã thành lập được một trung tâm Phật Giáo quan trọng trong vùng, thường được gọi là trung tâm Phật Giáo Luy Lâu, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, phía bắc thành phố Hà Nội. Luy Lâu là thủ đô của xứ Giao Chỉ, tên cũ của Việt Nam, và là một trạm nghỉ chân quen thuộc của các nhà truyền giáo đạo Phật người Ấn Ðộ, trên hành trình sang Trung Hoa theo đường biển của các thương gia Ấn đi từ bán đảo Ấn Ðộ. Một số kinh điển Ðại Thừa và A-hàm đã được dịch sang Hoa văn tại đó, chẳng hạn như kinh Tứ Thập Nhị Chương, An Ban Thủ Ý, Kinh Bổn Sanh, Kinh Mi-lan-đa Vấn Ðạo, v.v.

Trong 18 thế kỷ kế tiếp, vì điều kiện địa lý gần Trung Hoa và hai lần lệ thuộc xứ nầy, Việt Nam và Trung Hoa có chung nhiều sắc thái di sản văn hóa, triết học và tôn giáo. Phật Giáo VN phản ánh nhiều ảnh hưởng của các phát triển hệ Ðại Thừa tại Trung Hoa, với các tông phái Thiền, Tịnh và Mật.

Phần đất phía nam của Việt Nam ngày nay đầu tiên có người Chàm và Cam Bốt (Khơ-me) trú ngụ, và họ theo cả hai truyền thống Ðại Thừa Ấn Ðộ và Phật Giáo Nguyên Thủy, mặc dù có lẽ là người Chàm đã theo truyền thống Nguyên Thủy từ thế kỷ 3 CN và người Cam Bốt chỉ bắt đầu theo Nguyên Thủy vào thế kỷ 12 (2). Người Việt bắt đầu xâm chiếm và thu nhập phần đất nầy vào thế kỷ 15, và đến thế kỷ 18, hình dạng của quốc gia Việt Nam như hiện nay được hoàn tất. Từ đó, sắc tộc Việt theo Phật Giáo Ðại Thừa, trong khi sắc tộc Khơ-me theo truyền thống Nguyên Thủy, cả hai truyền thống nầy cùng chung nhau hiện hữu an hòa.

Trong thập niên 1920 và 1930, ở Việt Nam có nhiều phong trào hồi sinh và canh tân các hoạt động Phật Giáo. Song song với sự chỉnh đốn các tổ chức Ðại Thừa còn có nhiều chú tâm đến các hoạt động của truyền thống Nguyên Thủy, về hành thiền và các kinh sách dựa theo kinh tạng Pali, nhưng viết bằng tiếng Pháp. Trong số những người tiền phong truyền bá đạo Phật Nguyên Thủy vào Việt Nam có một vị bác sĩ thú y trẻ tên là Lê Văn Giảng. Ông sinh ra ở miền Nam, nhưng đi học ở Hà Nội, và sau khi tốt nghiệp, ông được cử sang làm việc tại Phnom Penh (Nam Vang) cho chính quyền Pháp.

Trong thời gian đó, ông bắt đầu để tâm đến đạo Phật. Ông theo học các pháp môn Tịnh độ và Mật tông, nhưng không thỏa mãn. Tình cờ ông gặp vị Phó Tăng Thống Cam Bốt, và được vị sư nầy giới thiệu một quyển sách tiếng Pháp, viết về Bát-Chánh Ðạo. Ông rất xúc động khi đọc những lời giảng rõ ràng trong quyển sách đó và quyết tâm hành trì theo truyền thống nầy. Ông học pháp hành thiền quán hơi thở (anapanasati) từ một vị tăng Cam Bốt tại chùa Unalom và đạt được mức thiền định rất cao. Ông tiếp tục hành trì theo pháp môn nầy và vài năm sau quyết định xuất gia, với pháp danh là Hộ-Tông (Vansarakkhita) (3).

Vào năm 1940, khi được một người bạn thân, ông Nguyễn Văn Hiểu, và một số Phật Tử Việt thỉnh mời, Tỳ kheo Hộ Tông trở về Việt Nam và giúp thiết lập chùa Bửu Quang ở Gò Dưa, Thủ Ðức. Ðây là ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Sau đó, Hòa Thượng Chuon Nath, vị Tăng Thống Phật Giáo Cam Bốt cùng với 30 vị tỳ kheo Cam Bốt đã đến ngôi chùa nầy để làm lễ kết giới Sima. Năm 1947 chùa bị quân Pháp tàn phá, và được trùng tu vào năm 1951 (4).

Tại chùa Bửu Quang, ngài Hộ Tông cùng với các vị tỳ kheo Việt khác, trước đó đã thọ giới và tu học tại Cam Bốt, như quý ngài Thiện Luật, Bửu Chơn, Kim Quang, Giới Nghiêm, Tịnh Sự, Tối Thắng, Giác Quang, Ẩn Lâm, bắt đầu truyền giảng Phật Pháp bằng tiếng Việt. Ngài cũng phiên dịch nhiều kinh điển từ kinh tạng Pali, và từ đó, Phật Giáo Nguyên Thủy trở thành một trong những hoạt động của Phật Giáo Việt Nam.

Vào năm 1949-1950, ngài Hộ Tông cùng với ông Nguyễn Văn Hiểu và một số cư sĩ thiện tâm đứng ra xây dựng chùa Kỳ Viên tại Bàn Cờ, Quận Ba, Sài Gòn. Từ đó, Kỳ Viên Tự trở thành một trung tâm chính của các hoạt động Phật Giáo Nguyên Thủy, và càng ngày càng thu hút nhiều Phật tử. Năm 1957, Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam chính thức được thành lập, và Tăng đoàn Nguyên Thủy đề cử ngài Hộ Tông làm vị Tăng Thống đầu tiên của Giáo Hội.

Trong thời kỳ đó, các hoạt động Phật sự được tăng cường với sự hiện diện của Hòa Thượng Narada đến từ Tích Lan. Ngài Narada đã từng đến Việt Nam vào thập niên 1930 và có mang nhiều nhánh cây bồ đề để trồng tại nhiều nơi trong toàn xứ. Trong những lần viếng thăm vào thập niên 1950 và 1960, ngài đã thu hút được nhiều Phật tử đến với truyền thống Nguyên Thủy, trong số đó có một nhà dịch giả nổi tiếng là ông Phạm Kim Khánh. Ông Khánh đã xin quy y Tam Bảo với ngài, với pháp danh là Sunanda. Ông đã từng dịch nhiều sách của ngài Narada, trong đó có quyển Ðức Phật và Phật Pháp, Phật Giáo Tóm Lược, Kinh Tứ Niệm Xứ, Kinh Pháp Cú, Cẩm Nang Vi Diệu Pháp, Tứ Vô Lượng Tâm, Những Bước Thăng Trầm, v.v. (5). Ông Khánh hiện đang ngụ tại Hoa Kỳ, dù đã trong tuổi 80, vẫn tích cực dịch thuật các sách Phật Pháp của các vị thiền sư nổi tiếng Thái Lan, Miến Ðiện và Tích Lan.

Từ Sài Gòn, đạo Phật Nguyên Thủy được truyền bá đến các tỉnh thành khắp miền nam và miền trung nước Việt và nhiều chùa được thiết lập. Theo thống kê năm 1997, có tất cả 64 chùa Nguyên Thủy, trong đó có 19 chùa tại Sài Gòn (6). Ngoài chùa Bửu Quang và Kỳ Viên, còn có nhiều chùa nổi tiếng khác như chùa Bửu Long, Giác Quang, Phổ Minh, Tam Bảo (Ðà Nẵng), Thiền Lâm và Huyền Không (Huế), và Thích Ca Phật Ðài ở Vũng Tàu.

Trong thập niên 1960 và 1970, nhiều vị tỳ kheo được gửi đi tu học nước ngoài, đông nhất là tại Thái Lan, và một vài vị khác tại Tích Lan và Ấn Ðộ. Chương trình tu học nầy được thiết lập trở lại trong những năm gần đây, và hiện có khoảng 20 vị đang tu học tại Miến Ðiện.

Trong lịch sử, có một sự liên hệ khắng khít giữa tăng đoàn Việt Nam và Cam Bốt. Cũng cần ghi nhận ở đây là vào năm 1979, sau khi nhóm Khơ-me Ðỏ bị đánh đuổi ra khỏi Phnom Penh, Hòa Thượng Bửu Chơn và Giới Nghiêm cùng với một đoàn tỳ kheo Việt Nam đã đến thành phố này để tái truyền giới cho 7 vị tỳ kheo Cam Bốt và phục hồi Tăng đoàn Cam Bốt, vốn đã bị nhóm Khơ-me Ðỏ tiêu diệt khi họ nắm quyền (7).

Kinh điển Phật Pháp bằng Việt ngữ được dịch ra từ 2 nguồn: Tam tạng Pali và Hán tạng A-hàm, cùng với nhiều kinh điển Ðại Thừa khác. Từ thập niên 1980, một chương trình phiên dịch và ấn hành Ðại Tạng Kinh Việt Nam đã được thành lập và xúc tiến, với sự đóng góp của nhiều vị cao tăng học giả của Bắc tông lẫn Nam tông. Ðến nay, 27 quyển kinh dịch từ 4 bộ Nikaya, do Hòa Thượng Minh Châu dịch, và 4 bộ A-hàm, do Hòa Thượng Trí Tịnh, Thiện Siêu, và Thanh Từ dịch, đã được phát hành. Công tác dịch thuật bộ Nikaya thứ 5 hiện đang được tiến hành. Thêm vào đó, toàn bộ 7 tập Vi Diệu Pháp (A tỳ đàm, Abhidhamma) do Hòa Thượng Tịnh Sự dịch cũng đã được phát hành, cùng với các bộ Kinh Pháp Cú, Mi-lan-đa vấn đạo, Thanh Tịnh Ðạo, Thắng Pháp Tập Yếu Luận, và nhiều tác phẩm khác.

Tóm lại, mặc dù Phật Giáo Việt Nam chủ yếu là theo truyền thống Ðại Thừa, truyền thống Nguyên Thủy cũng được công nhận và hiện nay có nhiều quan tâm đến các pháp hành thiền Nguyên Thủy, kinh điển Nikaya và A-hàm, và bộ Vi Diệu Pháp.

Bình Anson,
tháng 6, 1999
Tham Khảo

(1) Nguyễn Lang, 1973. Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển 1.
(2) Andrew Skilton, 1994. A Concise History of Buddhism.
(3) Lê Minh Qui, 1981. Hòa Thượng Hộ Tông.
(4) Nguyễn Văn Hiểu, 1971. Công tác xây dựng Phật Giáo Nguyên Thủy tại Việt Nam.
(5) Phạm Kim Khánh, 1991. Narada Maha Thera.
(6) Tuần báo Giác Ngộ, số 63, 14-06-1997, Sài Gòn.
(7) Thích Ðồng Bổn, 1996. Tiểu sử Danh tăng Việt Nam.

-oOo-


 [ Trở Về ]