Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Home Page]
Lý Thường-Kiệt sống trong thịnh-thời của đạo Phật. Ông từng chịu Phật-giáo chi-phối một phần. Quả như lời đại-sư Hải-chiếu nói trong bia LX: " ông tuy thân vướng cõi tục, nhưng lòng đã quy-y".
Lý Thường Kiệt với Ðạo Phật 1. Sư Ðạo-dung. Chùa Hương-nghiêm -2. Núi An-hoạch. Chùa Báo-ân -3. Núi Ngưỡng-sơn. Chùa Linh-xứng
Hoàng Xuân Hãn (*) Không biết ông theo đạo Phật đến mực nào. Có điều chắc-chắn là ông che-chở cho các vị sư có danh như Trì-bát, Chân-không (TUTA), Ðạo-dung (HN) và Sùng-tín (LX).
1. Sư Ðạo-dung. Chùa Hương-nghiêm. Năm 1077, Lý Thường-Kiệt đã giúp sư Ðạo-dung chữa chùa Hương-nghiêm ở Thanh-hóa.
Sách TUTA có chép chuyện vị sư này. Nhưng những bản, nay còn, đều chép hiệu sư là Pháp-dung. Ấy vì đời Trần, kiêng húy Trần Hưng-Ðạo (2)
Chùa Hương-nghiêm nay vẫn còn ở xã Phủ-lý, phủ Ðông-sơn, tỉnh Thanh-hóa. Chùa mới được trùng-tu. Chùa còn có hai tấm bia. Một tấm bia lớn, rất xưa. Bia ấy nguyên dựng năm 1124, đời Lý Nhân-tông. Niên-hiệu ở bia là Thiên-phù-duệ-vũ thứ 5, Giáp-thìn. Nhưng sáu trăm năm sau, năm 1726, đời Lê Bảo-thái thứ 7, Bính ngọ, có vị sư ở chùa, là Lê Văn-Nghị, đã thuê thợ đục lại, theo nét chữ xưa. Nhờ đó, bây giờ chữ vẫn rất rõ. Nhưng nhìn kỹ, ta sẽ thấy, có chữ không theo hẳn nét cũ, và có chữ lại đục hơi sai.
Bia ấy dựng trong hạ-đường chùa, tựa vào tường, ở phía trái nếu ta nhìn vào phật-điện. Không biết mặt áp tường có chữ hay không? Còn mặt ngoài có 30 dòng chữ cũ, và một dòng niên-hiệu mới. Mỗi dòng, nhiều nhất, có 45 chữ.
Văn bia kể sự-tích chùa khá kỹ. Về thiền-sư Ðạo-dung, sự-tích chép ở bia khá phù-hợp với sách TUTA, và bổ-túc cho sách ấy. Ðó là một chứng rất quí cho sự cổ-truyền và xác-thực của cuốn sách TUTA.
Bia lại còn nói đến một vị thái-phó họ Lưu, tùng-huynh sư Ðạo-dung, và sống đồng-thời với Lý Thường-Kiệt. Xét rõ, thấy đó là Lưu Khánh-Ðàm, mà ta thấy tên chép ở sử (3) và ở mộ-chí dựng đời Lý, nay vẫn còn ở làng Lưu-xá, huyện Hưng-nhân, tỉnh Thái-bình. Như thế thì vì một sự ngẫu-nhiên đặc-biệt, ta còn có hai bia đời Lý, một sách đời Trần, chép những chuyện về đời Trung-cổ ở nước ta, có liên-quan với nhau. Sự ấy thật là quí. Nhất là, sự các sử-liệu ấy không trái với các sách Việt-sử-lược và Ðại-Việt sử-ký toàn-thư, nó làm tăng giá-trị hai cuốn sử này.
Sau đây, tôi theo bia HN, các sách TUTA, TT và VSL, sẽ kể lai-lịch chùa Hương-nghiêm, thân-thế sư Ðạo-dung và sự liên-quan giữa Lý Thường-Kiệt và Lưu Khánh-Ðàm.
Chùa Hương-nghiêm ở núi Càn-ni. Ðó là theo bia HN; còn sách TUTA chép núi Ma-ni, vì chữ Càn húy đời Trần. Chùa ở giáp Bối-lý, bây giờ là làng Phủ-lý, phủ Ðông-sơn, tỉnh Thanh-hóa. Ðời Hậu-Ðường (923-937), Lê Lương dựng chùa ấy (HN). Lê Lương thuộc một cự-tộc ở quận Cửu-chân, châu Ái. Ông làm đến chức Trấn-quốc bộc-xạ. Nhà ông giàu, rất có thế-lực trong xứ. Thóc ông trữ đến 110 lẫm. Trong nhà ông nuôi 3.000 người khách. Ông dốc một lòng thiện, rất sùng đạo Phật. Ông là người trước nhất dựng chùa ở giáp Bối-lý. Các bia chùa Hương-nghiêm, Trinh-nghiêm, Minh-nghiêm đều có khắc chép công ông (HN).
Bấy giờ, dân ở châu quận này bị mất mùa đói khó. Ông đem thóc nhà phát-chẩn để cứu dân.
Ðến sau lúc vua Ðinh Tiên-hoàng lên ngôi (968-979), nghe tiếng ông có đạo-đức, vua phong cho ông chức Ái-châu Cửu-chân đô-quốc dịch sứ, tức là chức quan đứng đầu giúp nước ở Ái-châu, quận Cửu-chân. Vua lại ban cho ông hàm Kim-tử quang-lộc đại-phu, và phong ấp ở trong giới-hạn sau này : đông đến Phân-dịch, nam đến Vũ-long, tây đến đỉnh núi Ma-la, bắc đến Kim-cốc (4), và cho đời đời con cháu làm quan coi đất ấy (HN). Sách TUTA cũng có chép rằng ông làm châu-mục Ái-châu đời Ðường và suốt mười lăm đời, họ ông nổi tiếng ở đó.
Ðến khi vua Lê Ðại-hành tuần-du ở Ngũ-huyện-giang, tức là triền sông Lương, sông Mã ở Thanh-hóa, Vua thấy chùa đổ nát bèn chữa lại (HN). VSL có chép : Vua đi chơi Hoan-châu năm 1003, có lẽ vua qua Thanh năm ấy.
Ðến đời Lý, vua Thái-tông đi chơi về phương nam, tới Ái-châu, có qua chùa ấy. TT và VSL chép rằng năm 1031 Lý Thái-tông đi đánh Hoan-châu về, phát tiền thuê thợ chữa nhiều chùa quán ở các hương-ấp (XIV/ cth 5). Chắc rằng vua tới thăm chùa ấy. "Trải mấy đời thờ cúng, rường cột đã đổ nát, vua bèn sai chữa lại. Vua lại ban cho cháu ông bộc-xạ, là Ðạo-quang trưởng-lão làm thiền chủ, cấp cho năm tên giúp việc và sai trụ-trì ở đó." (HN).
Hai tiếng trưởng-lão là một mỹ-hiệu tặng những tăng hay tăng-quan được vua kính-trọng. Tuy tăng-quan ấy coi chùa, nhưng vẫn có gia-đình con-cái.
Theo TUTA thì trưởng-lão này hiệu là Tăng-phán, tên là Huyền-nghi. Trưởng-lão là thân-phụ thiền-sư Ðạo-dung. (HN)
Thiền-sư Ðạo-dung tên gì ? TUTA không chép. Nguyên bia HN có ghi, nhưng nay mòn không thấy chữ nữa.
Thiền-sư có một tùng-huynh là Lưu Khánh-Ðàm, cũng là người Ngũ-huyện-giang, ở Cửu-chân, thôn Yên-lãng (Mộ-chí). Nay ở phủ Thọ-xuân và phủ Thiệu-hóa có hai làng Yên-lãng gần nhau ở hai bờ sông Lương. Có lẽ quê ông là vùng ấy. Ông nội Lưu Khánh-Ðàm có năm con trai. Trong đó có Huy-Triết, dời nhà tới ngụ cư ở khách-quán, có lẽ tới ở làng Lưu-xá huyện Hưng-nhân, tỉnh Thái-bình bây giờ. (Bia HN và Mộ-chí Lưu-xá).
"Bấy giờ, vua Lý Thái-tông chọn dân ở quận để cho vào hầu vua. Lưu Khánh-Ðàm "phi thường khác chúng" nên được chọn vào chầu ở nội đình". Kịp đến khi Lý Thánh-tông lên ngôi, ông chầu bên cạnh, rất được vua yêu. Sau khi Nhân-tông lên ngôi, vua nghĩ đến công ông giúp-rập ba đời, có nhiều công, vậy phong cho ông chức thái-phó, kiêm chức nội-dịch trưởng-quan, coi hết các việc quân và việc thường trong cung-dịch. Vua lại ban cho ông chức tước sau này : Nhập-nội nội-thị tỉnh-đô đô-tri, kiểm-hiệu thái-phó, kiêm cung-dịch-sứ, đại-tướng-quân, kim-tử quang-lộc đại-phu, thực ấp 6700 hộ, thật phong 3000 hộ. (HN).
"Thiền-sư Ðạo-dung có hình-thần lạ đẹp, tư khí thanh-cao. Kinh kệ thì không gì không đọc tới (TUTA). Năm Bính-thìn 1076, sư bỏ gia-hương đi tìm bạn. Cưỡi thuyền ra bể, rồi tới Thăng-long. - đó, thiền-sư gặp một vị tăng, hiệu là Cao-tăng. Sư cảm-phục bèn theo học." (HN). Vị Cao-tăng ấy là ai ? Sách TUTA có nói : Lúc nhỏ, sư theo tăng thống Nguyễn Khánh-Hỉ để xuất-gia. Tăng-thống người Cổ-giao, quận Long-biên (thuộc Bắc-ninh bây giờ), trụ-trì ở Từ-liêm, gần phía tây thành Thăng-long. Có lẽ Cao-tăng kia chính là hiệu của tăng-thống Khánh-Hỉ trước năm 1133, khi chưa được triệu vào kinh và chưa được ban chức tăng-thống (5).
"Cao-tăng Khánh-Hỉ để ý đến Ðạo-dung, cho là một kỳ-nhân và dạy cho Phật-pháp (TUTA). Ðạo-dung hỏi : "Ðiều gì cốt yếu trong Pháp ?" Cao-tăng trả lời :"Pháp vốn không phép, ta lấy gì mà bảo ngươi." Bỗng nghe, sư thấy lòng nở-nang, bèn giác-ngộ". (HN).
Một hôm, sư Ðạo-dung hỏi Cao-tăng :"Tôi đã hiểu rõ nghĩa chữ không và chữ sắc. Sắc là bởi kẻ phàm thấy, không là bởi kẻ Thánh thấy. Có phải thế không ?" Cao-tăng trả lời bằng một bài kệ phỏng-dịch như sau này:
"Từ đó sư thích dạo núi sông, không đâu ngại đến." (TUTA).Ở đời chớ hỏi sắc và không,
Học đạo chẳng qua tìm Tổ Tông.
Trồng quế trên trần sao được rậm.
Tìm Tâm ngoài Phật khó lòng mong.
Bao-hàm nhật-nguyệt trong hạt cải,
Thu hết càn-khôn đầu mũi lông.
Ðại-dụng rõ-ràng tay nắm chặt,
Ai hay phàm thánh, biết đâu cùng."Sư bèn ngược sông Lô (Nhị hà), trèo núi Thứu-đài. Ngắm xem cảnh đẹp ấy, sư dừng chân lại, cho là rất vừa ý. Sư sai thợ chọn hướng, ghép đá làm nền, mà dựng nên chùa. Ðặt tên là chùa Khai-giác". Trên đây là theo bia HN, còn TUTA chép : "Sư đi đạo-hóa, dừng chân ở núi Thứu-phong, tại chùa Khai-giác và dạy học-trò". Sư được công-chúa Thụy-thành, có lẽ là con vua Thái-tông, và Thái-phó Lưu Khánh-Ðàm cấp cho khí-dụng để làm chùa. (HN).
Sư dạy học-trò. Người tới học đầy nhà. (TUTA).
"Năm sau, Ðinh-tị 1077 (bia HN, khi khắc lại, lầm ra Ðinh-mão), sư trở về ấp cũ, thấy chùa Hương-nghiêm đã đồi-hoại. Sư bèn nói với Lưu Khánh-Ðàm rằng : "Kẻ nhân-hiền không quên dấu-tích tiên-tổ. Xin anh chữa lại cho." Lưu-công nghe nói, vui lòng mà thuận." (HN).
Bấy giờ, quân ta vừa đánh lui quân Tống. Lý Thường-Kiệt vừa lập đại-công. Lưu-công, và em là Lưu Ba, cũng vừa được chia phần vinh-dự. Lưu-công thấy chùa chiền bị chiến-tranh làm hư đổ, đang lo sửa-sang tự-tháp. (Mộ-chí Lưu-xá).
"Lưu-công bèn nói với quốc-tướng thái-úy Lý Thường-Kiệt rằng : "Chùa Hương-nghiêm là do tiên-tổ tôi sửa-chữa. Nay đã đổ nát. Ông cùng tôi, chúng ta hãy chữa lại." (HN).
Theo chương trên, ta biết rằng bấy giờ Thường-Kiệt còn ở Thăng-long. Có lẽ Thanh-hóa là thực-ấp của ông từ trước, cho nên Khánh-Ðàm mới bàn cùng ông chữa chùa Hương-nghiêm ở đó. Thường-Kiệt bèn tìm gỗ, sai thợ tới sửa chùa.
Năm Tân-dậu 1081, hai phò-ký-lang, họ Thiều và họ Tô (6), tâu vua xin ruộng đất của bộc-xạ Lê Lương. Vua xét lời tâu, bèn định trả giáp Bối-lý cho họ hàng Lê-công.
Mùa thu năm ấy, Lý Thường-Kiệt đi Thanh-hóa trả ruộng. Ông lập bia đá chia ruộng cho hai giáp. Từ nửa đầm A-lôi trở lên, cho giáp Bối-lý ; từ nửa đầm trở xuống, cho giáp Viên-đàm. Ông lại dặn đi dặn lại hai giáp không được hái một lá lau-lách ở hai bên bờ đầm, vì đó là giới-hạn. (HN).
Hai tên giáp ấy nay đã thay đổi, nhưng đất còn có thể tìm được. Chùa Hương-nghiêm nay ở làng Phủ-lý. Nếu ta xét bản đồ Thanh-hóa ngày nay, ta thấy rằng bên cạnh làng Phủ-lý có những làng Nhân-lý, Mỹ-lý. Theo tục đổi tên ở xứ ta (7), ta có thể chắc rằng ba làng ấy khi xưa là một và sau mới chia ra. Vả làng Phủ-lý có tên nôm là làng Kĩ. Chắc đó là tên giáp Bối-lý cũ. Bên cạnh phía tây làng Phủ-lý, ta lại thấy có hai làng liền nhau, tên là Viên-quang và Hồ-đàm. Ta cũng có thể đoán đó là do làng Viên-đàm cũ mà phân-tách ra. Xem vậy, ta có thể nhận dấu hai giáp Bối-lý và Viên-đàm. Nhưng đầm A-lôi thì không thấy nữa. Ruộng vùng ấy là ruộng sâu. Có lẽ đó là đầm cũ.
Năm Ðinh-mão 1087, sư Ðạo-dung được vua Nhân-tông triệu tới kinh, lập đạo-tràng trong cung (HN).
Năm Nhâm-dần 1122, sư trở về thăm quê cũ. "Nhân vật tuy đổi, non nước như xưa. Chùa đã đổ nát, nền móng vẫn còn." Sư liền sai thợ chữa lại. Tô tượng Phật ngồi trên Bàn-đà. Ðào hồ. Giữa hồ, xây bệ ; đặt tượng Phật trên. Chùa cao, cửa rộng, mái ngói. Mé tả có lầu chuông, mé hữu dựng bia đá ghi công. Xung quanh đều xây tường. Vườn trồng hoa cỏ. (HN).
Chữa xong chùa, sư đặt tiệc mừng ; lập đàn cầu tự cho vua, và cầu phúc cho quần-chúng. Sư mời người làm bài ký, khắc vào bia. Chính là bia dựng năm 1124 mà nay hãy còn. Nhưng tên tác giả thì mờ hẳn không đọc được nữa. Có lẽ cũng là vị Hải-Chiếu đại-sư, làm bia Linh-xứng dựng năm 1126 và bia Sùng-nghiêm-diên-thánh dựng năm 1118.
Sau đó sư ở lại chùa cho đến lúc mất. TUTA chép rằng :"Rồi sư trở về nhà, dựng chùa để ở đến lúc già. Sư mất ngày mùng 5 tháng 2 năm Giáp ngọ 1174, đời Thiên-cảm-chí-báu". Chép như vậy chắc lầm, vì rằng năm 1076, sư đã ra Thăng-long. Nếu sống đến năm 1174, thì sư phải ít nhất cũng một trăm hai mươi tuổi. Sau khi sư mất, học-trò là sư Tăng Ðạo-lâm làm lễ hỏa-táng và xây tháp ở núi Càn-ni. (TUTA).
Ngày nay, làng Phủ-lý không có núi. Núi Càn-ni, chép ở bia, có lẽ chỉ là mô đất cao hơn cánh đồng chung quanh.
Chùa nay hoàn toàn mới. Các vật trong chùa đều mới, trừ quả chuông đúc đời Gia-long. Trong vườn không thấy có tháp cổ. Còn có hồ. Nhưng trong chùa và ngoài chùa không thấy vật cổ nữa. Nếu bới đất tìm, trong nền hay dưới hồ, may chi còn thấy cái bia xưa, dựng đời Hậu-Ðường ghi công-đức Lê Lương.
Chú thích (*) Trích từ: "Lý Thường-Kiệt" của Hoàng Xuân-Hãn, nhà xuất-bản Sông-Nhị, Hà-nội, 1949.
BA : Bia chùa Báo Ân (Lý)
HN : Bia chùa Hương-nghiêm (Lý)
LX : Bia chùa Linh-xứng. Hải-chiếu đại-sư Pháp-Bảo (Lý)
TB Tục-tư-trị thông giám trường-biên. Lý Ðào (Tống)
TUTA :Thiền-uyển tập-anh ngự-lục (Trần)
TT : Ðại-việt sử-ký toàn-thư. Ngô Sĩ-Liên (Lê)
VSL : Việt-sử-lược (Trần)(2) Húy đời Trần. - Ðời Trần, không những tên các vua, và cha mẹ vua đều phải kiêng mà thôi. Sau khi cướp ngôi Lý, Trần ban miếu-húy. Vì "Nguyên-tổ tên Lý cho nên đổi họ Lý ra họ Nguyễn, để tuyệt lòng mong nhà Lý của dân" (TT 1232). Ta thấy rằng trong sách, sử viết đời nhà Trần, như VSL, và TUTA, họ Lý đều bị đổi ra họ Nguyễn. Vả trong bia BA, chữ Lý cũng bị đời Trần đục xóa đi.
Ngô Sĩ-Liên còn cho ta biết rằng: "Vua Trần Minh-tông đối với họ-hàng rất hậu, mà đối với người họ thuộc bậc tôn-quí, thì lại càng tôn-kính. Phàm bầy tôi có ai trùng tên, thì bắt đổi đi. Ví như tên Ðộ thì đổi ra Sư-Mạnh, (chắc là Phạm Sư-Mạnh), vì kiêng tên Trần Thủ-Ðộ; Tung thì đổi ra Thúc-Cao vì kiêng tên hầu Hưng-Ninh. Vả mỗi khi nói chuyện, để tránh nói đến tên các bực chú, bác, cô, cậu, vua lại soạn tấm thiếp nhỏ kê những tiếng kiêng nói, để trao cho các con-cái và cung-nhân." (TT 1315)
Vì lẽ ấy, cho nên chữ Càn phải kiêng. Sách TT (1312 đời Trần Anh-tông) có chú-thích rằng: "Cửa Cần ở huyện Quình-lưu, thuộc Nghệ-an, vốn tên là cửa Càn, vì húy nên đổi." Cũng vì lẽ ấy mà điện Càn-nguyên, đời Trần đổi ra điện Triều-nguyên; núi Càn-ni đổi ra núi Ma-ni. Mà chính-âm của chữ ấy là Kiều, nay ta thường đọc Càn có lẽ cũng là tị-húy từ đời Trần.
Chữ Ðạo chắc cũng vì tên của Trần Hưng-Ðạo mà đổi. Không những Ðạo-dung thành Pháp-dung, mà tên Lý Ðạo-Thành trong VSL (1073), đã đổi ra Nguyễn Nhật-Thành. Có lẽ cũng vì kiêng húy, mà trong tên Tô Hiến-Thành, VSL (1139) đã đổi chữ Hiến ra chữ Linh, và hiệu Sùng-Tín của đại-sư Mãn-Giác đã bị TUTA (21b) đổi ra Hoài-Tín.
(3) Tên Ðàm mỗi nơi chép một khác. Mộ-chí và TT 1161 đều chép với chữ Ðàm là nói chuyện; nhưng vào năm 1127, 1129, 1136, sách TT lại chép với chữ Ðàm là sâu dài, tức là nửa bên phải chữ Ðàm kia.
Sách TT có chép những chuyện sau này về Khánh-Ðàm:
Năm 1127, vua Nhân-tông triệu thái-úy Lưu Khánh-Ðàm để trao di-chiếu. Năm 1129, Thần-tông sai thái-úy Lưu Khánh-Ðàm đi bắt hươu trắng ở rừng Giang-để. Năm 1135 ông chết. Nhưng đến năm 1161, TT lại chép thái-úy Lưu Khánh-Ðàm chết một lần nữa. Có lẽ đó là em Lưu Khánh-Ðàm, tức là thái-úy Lưu Ba.
(4) Các tên đất này, nay không còn. Nhưng ta cũng biết được một vài điều. Phân-dịch có lẽ là phần đất huyện Quảng-xương, ở bờ nam sông Mã. Bia Báo ân cũng nói tới đất ấy (XV/1) - Tên núi Ma-la, về cuối đời Trần vẫn còn. Sách Lam-sơn thật-lục chép rằng Lê Lợi trốn quân Minh ở đó, gặp xác một người đàn bà mặc áo trắng.
(5) TUTA chép rằng Khánh-hỉ mất ngày 27 tháng giêng, năm Ðại-định thứ ba, Nhâm-tuất 1142, thọ 76 tuổi. Theo đó mà tính, thì ông sinh năm 1067, và ông mới có 10 tuổi, lúc Ðạo-dung tới Thăng-long. Làm sao ông làm thầy cho Ðạo-dung được? Sách TT lại có chép, vào năm 1135, việc hầu Khánh-hỉ mất. Chắc rằng nguyên là chữ tăng, mà TT chép lầm ra chữ hầu. Người chú-thích sách TUTA, in đời Vĩnh-thịnh, cũng nói rằng: theo Sử-ký thì tăng Khánh-hỉ mất năm 1135. Nếu theo thoại sau thì lúc bấy giờ Khánh-hỉ cũng chỉ mới 17 tuổi mà thôi. Tôi nghĩ rằng TUTA chép lầm năm mất và tuổi thọ. Có lẽ thọ 96 tuổi, vì chữ Cửu và Thất rất dễ lẫn. Với chữ Cửu, thì lúc sư Ðạo-dung ra học với Khánh-hỉ, vị này đã 37 tuổi. Như thế mới hợp lý.
(6) Phò-ký-lang là một chức quan có lẽ gần như phò-mã. - Thanh-hóa có họ Thiều lớn ở làng Doãn-xá, thuộc phủ Ðông-sơn. Ðời Trần, họ này có Thiều Thốn làm quan Lạng-giang phòng-ngữ-sứ. Ðời Lê có Thiều Qu -Linh đậu hoàng-giáp khoa 1505. Trong vùng này, còn có vài làng tên Thiều-xá, nghĩa là làng họ Thiều.
(7) Ở nước ta, lúc đổi tên một xứ nào, thường vẫn giữ lấy một phần tên cũ, để dễ nhớ và dễ nhận trong giao-thời. Tên đất thường gồm hai tiếng; lúc đổi thì hoặc giữ tiếng trên, hoặc giữ tiếng dưới. Cho đến chữ bị đổi, trong tên mới, cũng thường được giữ lấy hoặc hình-dáng, hoặc nghĩa, mà nhiều khi được giữ cả hình, cả nghĩa. Ví dụ chữ Minh đổi ra chữ lãng. Hai chữ đều nghĩa là sáng và tự-dạng hơi giống nhau.
Sự đổi tên có nhiều cớ. Cớ thường là vì kiêng chữ húy của các đời vua; ví dụ đời Lê, đổi An-bang ra An-quảng, Thanh-đàm ra Thanh-trì; đời Nguyễn đổi Kim-hoa ra Kim-anh, Nam-chân ra Nam-trực Một cớ rất thường là để trừng-phạt hay khen-thưởng đất ấy. Ví-dụ làng Trung-lễ ở Hà-tĩnh đã bị đổi ra Qui-nhàn. Có lúc vì dân làng tự cho tên làng mình không hay, cho nên dân tự xin đổi. Như làng Bần-điền ở Nghệ-an đã đổi ra Phú-điền. Một cớ rất thường là vì phân-tách một đơn-vị to ra nhiều mảnh, rồi thay tên cũ bằng nhiều tên mới. Trong trường hợp chia đôi đất, người ta thường lấy chữ đầu nguyên-danh làm chữ đầu cho một tên mới, và chữ cuối nguyên-danh làm chữ cuối cho tên mới thứ hai. Lúc họp hai đơn-vị thì lấy chữ đầu của một tên và chữ cuối của tên kia mà chắp lại, ví dụ tổng-đốc Hà-Ninh là tổng-đốc Hà-nội, Bắc-ninh. Trong trường-hợp chia ra nhiều mảnh, thì người ta lấy một chữ làm gốc (ví dụ tên tục) có sẵn trong nguyên-danh, rồi thêm một chữ mới lên trên hay xuống dưới để làm chỉ-định-tự, để mà phân-biệt. Ví-dụ làng Sét thành Thịnh-liệt, Thanh-liệt, Tử-liệt; làng Mơ thành Bạch-mai, Hoàng-mai, Tương-mai, Mai-động.
[ Trở Về ] [ Trang kế tiếp ]