Người Cư Sĩ          [ Trở Về        [Home Page]


 
Các danh tăng Việt Nam đến đất Phật

TK. Thích Ðồng Bổn
dongbon@hcm.vnn.vn

Bạn có biết ! Ðâu chỉ có Mecca là thánh địa mà mọi người Hồi giáo đều mơ ước hành hương một lần trong đời. Người Phật giáo, không chỉ mơ ước được hành hương về chốn "Tứ động tâm" (Ðản Sinh - Thành Ðạo - chuyển Pháp Luân - nhập Niết Bàn), mà các đệ tử của Ngài ở xứ An Nam còn muốn noi gương Ðường Tăng Trần Huyền Trang thân hành đến đất Phật để học hỏi, nghiên tầm và tu tập ngay chính nơi đức Bổn Sư ghi dấu tích.

Xin lược ghi về hành trạng của một số vị mà tôi sưu tầm được, để chúng ta thấy tấm gương ý chí và hoài bão của  các Ngài : Ðến đất Phật - Tìm dấu Phật- Chiêm bái Phật - Học kinh Phật - Hành hạnh Phật - Truyền bá Phật" ở các vị "Ðường Tăng Việt Nam" đã thành tựu hạnh nguyện này :

1/- H.T. Thiện Quảng (1862 - 1911)

Ngài quê quán ở Bến Tre, có mật hạnh là chỉ độ toàn rau quả chứ không ăn cơm. Ngài có nguyện ước qua bằng được xứ Phật để chiêm bái học hỏi. Năm Nhâm Tuất 1898, Ngài bắt đầu chuyến ra đi trên một chiếc thuyền hai cột buồm, với một ít rau trái làm lương thực.

Sau gần ba ngày lênh đênh trên biển cả, sóng to gió lớn ập đến đây con thuyền của Ngài trôi giạt vào bờ biển Thái Lan, con thuyền bị tan vỡ, Ngài được nhân dân Thái giúp đỡ và họ vô cùng kính trọng khi thấy Ngài chỉ ăn toàn rau. Tiếng lành đồn xa, vua Thái thỉnh Ngài về hoàng cung đàm đạo, vua tỏ lòng kính mộ khi biết rõ hạnh nguyện của Ngài và mong muốn thỉnh Ngài ở lại đất Thái để hóa đạo. Không tiện chối từ, với điều kiện sau khi Ngài hoàn thành ước nguyện đến đất Phật sẽ trở lại hoằng hóa nơi đây. Ba năm sau, đủ nhân duyên, được sự giúp đỡ của Nhà vua Thái. Ngài lên đường với ba người Thái và một người Miến Ðiện dẫn đường. Bằng đường bộ, Ngài đi xuyên qua đất Miến Ðiện, qua ngõ Tây Tạng để vào đất Ấn Ðộ.

Trong năm tháng ở Ấn Ðộ, Ngài đã đi chiêm bái tìm hiểu dấu tích ở tất cả các nơi mà Ðức Phật đã đi qua và truyền bá giáo pháp. Sự tận mắt thấy được, tận tay sờ chạm được Thánh tích là chứng tín lớn nhất về chánh pháp của Phật ở trong Ngài. Thỏa nguyện ước một đời, Ngài đi sang đất Trung Hoa viếng thăm các thắng tích của Bồ Tát Quan Âm ở núi Thiên Thai, phủ Hàng Châu; đến Phúc Kiến, sang Quảng Tây, Quảng Ðông, Vân Nam rồi xuôi xuống Miến Ðiện để về Thái Lan vào năm Nhâm Dần 1902, như đã hứa với Vua Thái Lan.

Ngài chọn hang Kholẽm làm chốn tu hành, tiếng đồn về "ông Thầy Rau" càng được kính trọng vang xa. Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã tìm đến ra mắt và đàm đạo. Cụ Phan rất kính trọng Ngài và trở thành mối tâm giao trong nỗi niềm những người Việt xa xứ. Lòng yêu nước của Ngài đã trỗi dậy cùng cụ Phan, và dấn thân vào hoạt động bằng cách bí mật trở về Việt Nam vận động quyên góp cho phong trào.

Năm Tân Hợi 1911, Ngài lại vì cụ Phan mà lên đường trở về Việt Nam lần thứ hai, bằng đường bộ qua ngõ Tây Ninh. Nhưng Ngài đã gục ngã nơi biên giới bởi lằn đạn chực chờ của thực dân Pháp. Ngài mất năm 50 tuổi. Tại hang Kholẽm ở Thái Lan vẫn còn tấm bia tưởng niệm Ngài với hai chữ gần gũi mà kính trọng : "Thầy Rau".

(Phan Bội Châu toàn tập (13); Chương Thâu dịch - NXB Thuận Hóa 1990).

2/- H.T Minh Tịnh - Nhẫn Tế (1888 - 1951)

Ngài quê quán ở Lái Thiêu - Bình Dương, đệ tử Tổ Thiên Thai - Huệ Ðăng được pháp hiệu là Minh Tịnh. Ngài sinh năm Kỷ Sửu 1888. Sau thọ học với Tổ một thời gian, Ngài muốn mở rộng kiến thức hơn nữa về giáo lý và pháp tu, nên quyết tâm lên đường đến đất Phật để thực hiện ý nguyện.

Nhờ các tàu buôn, Ngài đến được đất Ấn vào tháng tư năm Ất Hợi 1935. Ở đây tùy thuận phong tục để dễ bề tham học tu tập, Ngài chuyển sang đắp y theo Phật giáo Nam tông của Sri Lanka. Ðược một thời gian, Ngài vẫn không thấy thỏa mãn với giáo pháp của tông phái này, và lại ra đi tìm đến xứ Tây Tạng để nghiên cứu về Kim Cang Thừa.

Ngài đến Lhasa vào tháng sáu năm 1936. Tại đây, Ngài cầu pháp với Lama Quốc vương và dự cuộc thi tuyển toàn quốc, chỉ có hai người được chọn ứng thí : Một người Tây Tạng và người còn lại là Ngài - Khi đoạn chỉ bên màu đỏ thắt quanh cổ Ngài siết lại, Ngài vẫn bình thản nhìn. Chỉ có Ngài qua được cuộc khảo thí.

Sau một trăm ngày tu học ở Tây Tạng, Ngài được Lama Quốc vương ngụ ý ban cho pháp danh là Thubten Orall Lama, ấn chứng Tâm pháp của Giáo pháp Kim Cang Thừa và sở đắc Thiền học.

Ngài trở về Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 1937, lập nên chùa Thiên Chơn ở chợ Búng - Lái Thiêu. Sau đó, lại xây dựng chùa Tây Tạng hiện nay ở Bình Dương, Ngài mất năm Tân Mão 1951, thọ 63 tuổi đời.

3/- HT. Huệ Quang (1888 - 1956)

Ngài họ Nguyễn, sinh năm 1888 tại Ô Môn-Cần Thơ xuất gia năm 1902, và đắc pháp với HT Từ Văn, năm 1919 được pháp hiệu là Huệ Quang. Năm 1931, Ngài cùng HT. Khánh Hòa và Chư tôn đức lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học, trụ sở ở chùa Linh Sơn - Sài Gòn, xuất bản tạp chí Từ Bi Âm, làm nhân tố cho phong trào chấn hưng Phật Giáo ở miền Nam.

Năm 1934, Ngài lại cùng HT. Khánh Hòa lập nên Hội Lưỡng xuyên Phật học ở Trà Vinh, và ra mắt tạp chí Duy Tâm vào năm 1935 do Ngài chủ nhiệm.

Năm 1953, Ngài được suy tôn ngôi Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, năm 1956 Ngài lại được suy cử Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, cùng xuất bản tập san Phật Giáo Việt Nam do Ngài làm chủ nhiệm.

Ngày 10 tháng 11 năm 1956, Ngài cùng phái đoàn Phật giáo Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị Phật Giáo thế giới lần thứ 4 tại Népal. Phái đoàn dự Ðại hội xong trở về New Delhi đi chiêm bái các Thánh tích. Sau khi đi chiêm bái trở về, như đã có nguyện ước được trở về với Phật tại đất Phật, Ngài đột ngột viên tịch tại đây, nhục thân Ngài được trà tỳ tại xứ Ấn Ðộ. Ngài hưởng thọ 68 tuổi đời với 37 năm hoằng hóa.

4/- HT. Tố Liên (1903 - 1977)

Ngài quê quán Hà Ðông, xuất gia năm 13 tuổi, Năm 1935 trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ, Ngài được mời ra chùa Quán Sứ gánh vác Phật sự và giảng dạy.

Tháng 5 năm 1950, Ngài đại diện cho Phật Giáo Việt Nam đi dự hội nghị thành lập Hội Thế Giới Phật Giáo Liên Hữu tại Tích Lan, một xứ sở được coi là thánh địa của Phật giáo sau Ấn Ðộ. Tại Ðại hội này, Phật giáo Việt Nam là một thành viên, lá cờ ngũ sắc ngày nay được công nhận là Phật kỳ tại đại hội đó, và Ngài được suy cử làm Phó Hội Trưởng Hội Phật Giáo thế giới. Sau đó, Ngài đi chiêm bái các thánh tích.

Chính Ngài đã mang lá Phật kỳ ngũ sắc đầu tiên từ Tích Lan về phổ biến tại Việt Nam.

6/- HT. Minh Châu

Ngài sinh năm 1918, tại nghệ An. Ngài là một trong những người sáng lập " Gia đình Phật Hóa Phổ", tiền thân của gia đình Phật tử ngày nay.

Ngài xuất gia năm 1946, giữ chức Hiệu trưởng trường Bồ Ðề đầu tiên tại Huế năm 1951.

Năm 1952, Ngài xuất dương du học ở Sri Lanka và Ấn Ðộ. Học Pali và Anh văn tại Sri Lanka, sau đó vào học Viện Ðại Học Phật Giáo quốc tế Nalanda. Năm 1958, Ngài đỗ thủ khoa cao học MA về Pali và Abdhidhamma. Năm 1961, Ngài đỗ Tiến sĩ Phật học, văn học Pali. Ngài là người Việt Nam đầu tiên đạt được học vị Phật giáo quốc tế cao nhất.

Năm 1964, Ngài về nước phụ trách ngành giáo dục Phật giáo, làm Hiệu trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh trước kia, rồi Hiệu trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Hành trạng của Ngài quả là một "Ðường Tăng Việt Nam" tiêu biểu, bởi sự nghiệp lớn nhất là phiên dịch Kinh tạng Pali sang Việt Nam như việc làm của Ngài Huyền Trang thuở xưa.

7/- HT. Thiện Châu (1931 - 1998)

Ngài sinh năm 1931 tại Huế, xuất gia năm 16 tuổi, Ngài học tại Phật học đường Báo Quốc từ 1948 đến 1958, và là Giảng sư khắp các tỉnh miền Trung khi còn rất trẻ, được mệnh danh là "Ngôi sao sáng Phật học Việt Nam" thời bấy giờ.

Năm 1961, Ngài đi du học tại Viện Ðại Học Phật Giáo quốc tế Nalanda, ở bang Bihar, Ấn Ðộ. Năm 1963, Ngài tốt nghiệp cử nhân Pali, đến 1965 tốt nghiệp thêm cử nhân Anh văn. Sau đó Ngài sang Anh Quốc nghiên cứu tại Viện Ðại Học Luân Ðôn.

Năm 1967, Ngài sang Pháp nghiên cứu và đảm nhận Chủ tịch Hội Phật tử Việt kiều hải ngoại. Năm 1977, Ngài đỗ Tiến sĩ tại Ðại học Sorbon Paris. Năm 1980, Ngài xây dựng ngôi chùa Trúc Lâm Thiền Viện ở ngoại ô Paris, một ngôi chùa Việt Nam hoàn chỉnh về kiến trúc văn hóa Việt. Ngài đã viết và phiên dịch một số lượng lớn tác phẩm. Ngài viên tịch năm 1998 để lại bao tiếc thương về một nhân tài Phật giáo thành danh ở hải ngoại.

Còn và còn nhiều nữa những "Ðường Tăng Việt Nam" đã hoàn thành sứ mệnh nơi nước Phật, đem sở học truyền bá chánh pháp Như Lai tại quê nhà và hải ngoại như các vị :

- HT. Huyền Vi, hiện hoằng dương ở nước Pháp với Hội Phật Giáo Linh Sơn có chi nhánh khắp thế giới.

- HT. Chân Thường, từ Pháp đi Ấn Ðộ chiêm bái và du học để hoằng dương tại Pháp.

- HT. Thiện Thanh, từ Việt Nam đi và ở lại hoằng dương tại chùa Phật Tổ nước Mỹ.

- TT. Huyền Diệu, từ Pháp đi Ấn Ðộ nghiên cứu và phát nguyện ở lại đây hoằng dương, dựng ngôi chùa "Việt Nam Phật Quốc Tự" tại Bồ Ðề Ðạo Tràng và một ở Lumbini Nepal.

- TT. Chơn Thiện, sang Ấn Ðộ du học, đạt học vị Tiến sĩ tối ưu, trở về Việt Nam phục vụ, TT. hiện là Phó Hiệu Trưởng Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh và TP. Huế, cũng là Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam là một học giả lỗi lạc với một số tác phẩm biên soạn giá trị.

Có thể nói, Ấn Ðộ là đất thiêng sản sinh Ðức Phật, và các đệ tử của Người ngày nay về đấy để như được sinh lại lần nữa, nối tiếp con đường truyền bá Chánh Pháp như những Như Lai Sứ Giả thuở xưa, nay là những Ðường Tăng của nước Việt góp phần làm rạng danh lịch sử Phật giáo Việt Nam. Từ tựa đề ngẫu hứng của Phan Bội Châu viết truyện "Ðường Tăng nước Nam"làm nẫy sinh trong tôi ý định viết tiếp truyện này. Cho thấy rằng, chứng tích nguyên thủy của Thánh địa là sự phát khởi đại tâm, tục Phật huệ mạng cho tất cả đệ tử của Người, mong ước được một lần trong đời tìm về xứ Phật, tìm lại sức mạnh tự tánh Phật sẳn có trong chúng ta.

                                                                                                                                       Mùa An Cư 2000
                                                                                                                                        TK. Thích Ðồng Bổn
Source : Ðạo Phật Ngày Nay



[ Trở Về ]