Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh 
CƯ SĨ
NGUYỄN ĐĂNG THỤC
1908 – 1999

Cư sĩ Nguyễn Đăng Thục sinh ngày 19 tháng 9 năm 1908 (có sách ghi ngày 14.6.1909) tại làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho học và khoa bảng. Thuở nhỏ ông học tiểu học ở trường làng, cấp trung học ở trường Albert Sarraut - Hà Nội.

Năm 1927 ông sang du học ở Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ. Năm 1928-1929 ông đậu tú tài I và II ban Triết học và Toán học, được xếp hạng giỏi tại trường Marseilles – miền Nam nước Pháp. Sau đó ông theo học ngành kỹ nghệ và khoa học tại L’ École Nationale des Arts (Trường Quốc gia Mỹ thuật) và Đại học Lille ở Roubais ở miền Bắc nước Pháp và đã tốt nghiệp Kỹ sư hóa học.

Năm 1934, ông trở về nước. Năm 1935 cùng với các ông Bùi Ngọc Ái và Vũ Đình Di xuất bản tờ báo L’ Avenir de la Jeunesse (tương lai của tuổi trẻ) tại Hà Nội. Năm 1937, ông làm bỉnh bút cho tờ Le travail (Lao Động), nhưng được ít lâu tờ báo này bị đình bản. Ông quay về với nghề chuyên môn đã học là ngành kỹ nghệ, nhận làm kỹ sư hóa học cho Nhà máy dệt Nam Định (S.F.A.T).

Vốn đã được thấm nhuần tư tưởng Khổng Mạnh do truyền thống gia đình nên ông rất thích môn triết học Đông Phương, trong thời gian du học ở Pháp, ông thường đi dự thính các buổi thuyết trình về triết học tại Đại học Sorbonne của các Giáo sư danh htiếng. Trong thời gian làm việc ở Nam Định, ông đã dành nhiều thì giờ nghiên cứu về văn hóa Á Đông và đã viết hai tác phẩm “Bình giải sách Đại học” và “Tinh thần khoa học và đạo học”. Năm 1944, ông xuất bản tạp chí “Duy Nhất” tại thành phố Nam Định với chủ trương dung hòa văn hóa Đông-Tây.

Năm 1945, thời thế thay đổi, ông thôi việc tại Nhà máy dệt Nam Định, về làng Thụy Khê gần hồ Tây – Hà Nội mở nhà máy riêng và tham gia các hoạt động văn hóa. Sau Cách mạng tháng Tám rồi kháng chiến toàn quốc, ông làm kỹ sư cho công binh xưởng Liên khu 3. Năm 1948, ông làm giám đốc học vụ Trường Dân Huấn Vụ. Năm 1949, hồi cư về Hà Nội và qua năm sau, ông được mời dạy bộ môn Triết học Đông Phương tại trường Đại học Văn Khoa Hà Nội, và làm chủ bút tờ “Văn hóa Tùng Biên”.

Năm 1954 ông vào Sài Gòn, sáng lập và làm Chủ tịch Hội Việt Nam Nghiên cứu và Liên lạc Văn hóa Á Châu, đồng thời làm giảng sư tại trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Từ năm 1961 đến năm 1965, ông được mời làm Khoa trưởng Khoa Văn học Việt Nam tại trường này. Ông còn đảm trách chủ nhiệm tạp chí văn hóa Á Châu và Trưởng tiểu ban văn hóa của tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam.

Từ năm 1964, Viện Đại học Vạn Hạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập, ông được mời làm Khoa trưởng phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn kiêm giảng sư môn Triết học Đông phương. Năm 1964 – 1965, ông cùng một số trí thức, nhân sĩ tiến bộ tại Sài Gòn ký một bản kiến nghị yêu cầu chính quyền Sài Gòn trực tiếp thương thuyết với Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam để chấm dứt chiến tranh. Do đó ông bị chính quyền Phan Huy Quát cách chức và buộc thôi dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn.

Năm 1973, ông được Trường Đại học Vạn Hạnh trao văn bằng Tiến sĩ danh dự, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập trường.

Ông mất ngày 3 tháng 6 năm 1999 tại thành phố Hồ Chí Minh, thượng thọ 92 tuổi. Ông để lại cho cuộc đời nhiều tác phẩm rất có giá trị về triết học Đông phương, trong đó đóng góp rất lớn của ông cho triết học Phật giáo qua các tác phẩm :

- Đại học (1940)
- Triết lý nhân sinh Nguyễn Công Trứ (1950)
- Tinh thần khoa học Đạo học (1953)
- Dân tộc tính (1956)
- Triết lý văn hóa khái luận (1956)
- Triết học Đông phương nhập môn (1958)
- Văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á (1961)
- Lịch sử triết học Đông Phương, 5 tập (1956-1962)
- Tư tưởng Việt Nam (1964)
- Lịch sử tư tưởng Việt Nam, gồm 4 tập (1967 – 1970)
- Thiền học Việt Nam (1967)
- Democracy in traditional Vietnamese society (1962)
- Asian Culture and Vietnamese Humanism (1965)
- Thiền học Trần Nhân Tông (1971)
- Khóa Hư lục của Trần Thái Tông (dịch và chú thích 1973)
- Lý hoặc luận của Mâu Bác (dịch và chú thích 1974)
... và nhiều tác phẩm khác chưa xuất bản.

Cư sĩ Nguyễn Đăng Thục là một nhà giáo trọn đời tận tụy với sứ mạng trồng người, nhất là về phương diện đào tạo nhân cách. Học trò của ông đã có nhiều người thành đạt vẫn luôn luôn kính trọng ông là người thầy mẫu mực. Đối với Phật giáo ông có công lớn trong việc truyền bá và thuyết giảng giáo lý cao siêu của đức Phật lồng trong các bài thuyết giảng về triết lý Đông Phương. Đối tượng ngồi nghe ông nói về triết học Đông Phương trong đó có triết học Phật giáo, đều là những người có trình độ trí thức, đủ sức nhận định, phân tích, phê phán và lãnh hội để tự chiêm nghiệm. Hiệu quả của những gì đứng trên giảng đường của ông thật là lớn lao. Các tác phẩm của ông để lại cho chúng ta, cho hậu thế đều là những bài thuyết pháp hữu ích mãi mãi.



 [ Trở Về ]