Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh 
HÒA THƯỢNG
TĂNG ĐỨC BỔN
1917 – 2000


Hòa thượng Tăng Đức Bổn, đạo hiệu Tôn Nguyên, nối pháp thiền phái Tào Động đời thứ 53, thế dang là Tăng Đức Bổn, sinh ngày 04 tháng Giêng năm 1917, nhằm ngày 11 tháng Chạp năm Đinh Tỵ, tại làng Lâm Hồ, huyện Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, thân phụ là cụ ông Hứa Thế Phương, thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị. Ngài là trưởng nam trong gia đình có 2 anh em trai.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình thế gia vọng tộc, nội tổ từng làm quan của triều đình, gặp thời buổi nhiễu nhương nên treo ấn từ quan, xa lánh thế cuộc ẩn danh tu hành, nên từ nhỏ Ngài được song thân thường dẫn lên chùa thăm viếng và lễ Phật. Từ đó, Ngài đã gieo duyên Tam bảo, sẳn có hạt giống xuất trần, nên đã sớm có ý xuất gia đầu Phật.

Năm Canh Ngọ 1930, nhận thấy cảnh trần gian ảo mộng, “cuộc thế phù vân, giả huyễn vô thường”, lúc 13 tuổi, Ngài xin phép song thân cho xuất gia đầu Phật, thế độ với Tổ Giác Tín – trụ trì chùa Tây Thiền – huyện Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Tổ sư là một bậc danh Tăng trong hàng Tòng lâm thạch trụ của Phật giáo Trung Quốc lúc bấy giờ. Sau khi xuất gia, Ngài được Tổ khai đàn truyền giới Sa di. Từ đó, Ngài tinh tấn trau dồi kinh luật, hằng ngày chấp lao phục dịch thiền môn, gần gũi thầy hiền bạn tốt.

Năm Tân Mùi 1931, khi 14 tuổi, Ngài được Tổ Giác Tín cho tham học tại trường Phật học Nam Phổ Đà, một đại già lam cũng là một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Phúc Kiến, nơi đào luyện nhân tài của Phật giáo Trung Quốc. Sau ba năm tu học tại đây, Ngài quen biết và kết thân với quý Hòa thượng Lương Giác, Thanh Thuyền, Diệu Hoa. . . .

Năm Giáp Tuất 1934, lúc Ngài 17 tuổi thì thân phụ từ trần, còn lại thân mẫu tuổi già chiếc bóng, một mình sống tại quê nhà với bao nỗi vất vả. Để hết lòng kính dưỡng cho tròn hiếu hạnh, Ngài xin phép Bổn sư đưa thân mẫu về sống chung với Ngài tại Tây Thiền Tự, sớm hôm được gần gũi trông nom. Ngài phụng dưỡng được sáu năm thì thân mẫu qua đời.

Năm Ất Hợi 1935, Tổ Giác Tín nhận thấy Ngài là bậc pháp khí Đại thừa, xứng đáng ngôi long tượng của Phật pháp tương lai, nên quyết định cho Ngài thọ giới Cụ túc để viên mãn tam đàn giới pháp, tại giới đàn chùa Tây Thiền do Tổ sư làm Đàn đầu Hòa thượng.

Từ năm 1936 đến 1940, với hoài bão “hoằng pháp vi gia vụ”, Ngài dành hết tâm trí phụ giúp Tổ sư liên tiếp khai mở các lớp gia giáo Phật học để đào tạo Tăng tài, kế truyền mạng mạch Như Lai, được Tổ sư giao cho chức vụ Chánh Đô Giám, quản lý việc sinh hoạt tu học của 1200 Tăng chúng trong chùa.

Năm Đinh Sửu 1937, xảy ra cuộc chiến tranh Trung – Nhật và sau đó là nội chiến ở Trung Quốc. Với ý nguyện “lợi sanh vi sự nghiệp”, được phép của Bổn sư, Ngài cùng các huynh đệ thành lập đội cứu tế Tây Thiền, vận động tài vật giúp đỡ nhân dân đi lánh nạn từ các vùng chiến sự.

Do cuộc chiến ngày càng kéo dài và lan rộng, nhân dân ngày càng lầm than và khổ sở, số nạn nhân cần trợ giúp ngày càng thêm nhiều, hoạt động của đội cứu tế phải phát triển mạnh mới có đủ tài vật giúp đỡ. Ngài phải bôn ba khắp nơi, tiếp xúc nhiều giới để vận động quyên góp. Những việc làm của Ngài đã khiến cho chính quyền thân Nhật lúc bấy giờ nghi ngờ để ý. Nhân có sự kiện chư Tăng môn phái Thiếu Lâm cùng Nghĩa quân nổi lên chống giặc bị thất bại, lính Nhật ra tay khủng bố hàng Tăng lữ, bắt bớ tra khảo, Ngài phải tha phương lánh nạn : năm 1943 vân du xuống vùng Sáng Dầu - Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông; đầu năm 1944 tháp tùng đoàn thuyền buôn men theo bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng của Việt Nam; tháng 12 năm 1944, Ngài đến Cù Lao Phố - Biên Hòa, một vùng đất mà 300 năm trước những cư dân người Hoa đầu tiên đến lập nghiệp và định cư. Tại đây, Ngài vận động đồng bào người Hoa xây dựng chùa Phụng Sơn.

Tháng 3 năm 1945, Ngài đến Sài Gòn và ở tại chùa Ông Bổn - Chợ Lớn, Ngài cùng các huynh đệ sớm hòa nhập vào cuộc sống mới trên đất nước Việt Nam, hàng ngày giữ nếp sinh hoạt thiền gia của một hành giả Như Lai, đem giáo lý Phật đà truyền bá cho cộng đồng người Hoa sinh sống ở Sài Gòn - Chợ Lớn và các vùng lân cận.

Năm Đinh Hợi 1947, Hội đồng hương Phúc Kiến Sài Gòn kiến tạo kiến tạo nên ngôi chùa Phụng Sơn ở chợ Dân Sinh – quận Nhất, thỉnh Ngài về trụ trì, và Ngài đã dừng chân tại trú xứ tại đây cho đến cuối đời.

Năm Giáp Ngọ 1954, Hòa thượng Thanh Thuyền khởi công xây dựng chùa Nam Phổ Đà, để kỷ niệm một Đại già lam của Phật giáo Trung Quốc và cũng để có nơi tu học của chư Tăng người Hoa tại Việt Nam. Với tình pháp lữ và nghĩa đồng tông, Ngài nhận lời tham gia trong ban kiến thiết, tích cực vận động tài lực ủng hộ. Sau khi khánh thành chùa Nam Phổ Đà, Ngài được thỉnh cử vào chức Giám viện tại đây.

Năn Canh Tý 1960, Ngài hợp lực cùng Hòa thượng Diệu Hoa kiến tạo chùa Vạn Phật tại An Đông - Chợ Lớn để hoằng hóa đạo pháp tại vùng này.

Năm Giáp Thìn 1964, Ngài thành lập Ban Từ thiện Cứu tế chùa Phụng Sơn Sài Gòn, để cứu trợ giúp đỡ dân nghèo trong khu vực.

Năm Kỷ Dậu 1969, Hội đồng hương Phúc Kiến thỉnh Ngài Chứng minh cho Ban Bảo trợ Bệnh viện Phúc Kiến, sau này đổi tên là bệnh viện Nguyễn Trãi.

Năm Tân Hợi 1971, Ngài sáng lập và khởi công xây dựng tịnh xá Di Đà trên phần đất của Bệnh viện Phúc Kiến hiến tặng.

Năm Quý Sửu 1973, tại Đại hội thành lập Giáo hội Phật giáo Hoa Tông Việt Nam, Ngài được đại hội tấn phong Hòa thượng và suy tôn làm Chứng minh cố vấn của Hội.

Tháng 8 năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Giáo hội Phật giáo Hoa Tông tiến hành Đại hội bất thường và bầu lại Ban điều hành mới. Ngài được suy cử làm Phó chủ tịch Giáo hội Phật giáo Hoa Tông, cùng với Chủ tịch là Hòa thượng Phước Quang lãnh đạo Tăng Ni, Phật tử người Hoa tham gia hoạt động các phong trào công ích xã hội.

Năm Kỷ Mùi 1979, Ngài kiến tạo Bảo tháp Hòa Đồng trong khuôn viên chùa Nam Phổ Đà để phụng thờ xá lợi các Trưởng lão tiền bối từ Trung Quốc sang Việt Nam hành đạo, cùng tạc dựng văn bia lưu truyền hậu thế về đạo hạnh và công lao khai sáng của chư tiền bối.

Năm Mậu Thìn 1988, sau khi Hòa thượng Phước Quang viên tịch, Ngài được Tăng Ni hệ phái Hoa Tông suy tôn làm Tăng trưởng Phật giáo Hoa Tông. Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh cũng bổ nhiệm Ngài làm Chánh đại diện Phật giáo quận 5.

Năm Kỷ Tỵ 1989, Ngài được mời làm Ủy viên Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc quận 5, nhiệm kỳ 4.

Năm Nhâm Thân 1992, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ III, Ngài được suy cử làm Thành viên Hội đồng Chứng minh và Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài ở ngôi Giáo phẩm này liên tiếp hai nhiệm kỳ đến cuối đời.

Năm Đinh Sửu 1997, ở Đại hội kỳ 5 Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Ngài được suy tôn trong ban Chứng Minh của Ban Trị sự cho đến ngày viên tịch.

Ngài là bậc cao Tăng thạc đức, trọn cuộc đời phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sinh, là ngọn thiền đăng dẫn dắt Tăng Ni, Phật tử Hoa Tông trên đường tu học giải thoát.

Ngày 28 tháng 8 năm Canh Thìn, tức ngày 25 tháng 9 năm 2000, Hòa thượng xả báo an tường, thâu thần thị tịch. Ngài trụ thế 85 năm, giới lạp 66 mùa Hạ, để lại lòng kính tiếc vô hạn cho Tăng Ni, Phật tử Hoa Tông tại Việt Nam.



 [ Trở Về ]