Phật Lịch 2539 – 1995 TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II Thích Đồng Bổn Chủ biên Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh |
THÍCH TRÍ ĐỨC (1909 – 1999) Hòa thượng Thích Trí Đức, pháp húy Hồng Phước, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 40. Ngài thế danh là Nguyễn Văn Hai, sinh năm Kỷ Dậu – 1909 tại làng Linh Trung, huyện Thủ Đức tỉnh Gia Định, (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Ngài xuất thân trong một gia đình có căn lành gieo trồng Phật pháp nhiều đời, thân phụ là cụ Nguyễn Văn Bồi, thân mẫu là bà Đặng Thị Khoai. Gia đình có cả thảy năm anh em, Ngài là con thứ ba, cả nhà đều có nhân duyên quy y Tam bảo với Hòa thượng Tổ pháp húy Như Bằng, trụ trì chùa Huê Nghiêm - Thủ Đức và Sắc tứ Từ Ân - Chợ Lớn. Vốn sống trong gia đình thấm nhuần giáo lý Phật đà, nên đến năm 11 tuổi, Ngài quyết chí xin được xuất gia học Phật với Hòa thượng Tổ trụ trì chùa Huê Nghiêm. Năm Mậu Thìn 1928, trải qua 8 năm tu tập Phật học căn bản và Nho học, năm 19 tuổi, Ngài được Bổn sư giới thiệu tòng chúng nhập Hạ và thọ giới Sa di tại chùa Giác Hoàng – Bà Điểm. Hòa thượng Bổn sư lại cho phép Ngài được cầu pháp với Hòa thượng Đạt Thanh ở chùa Long Quang – Bà Điểm, là một bậc cao Tăng thạc đức đương thời. Tổ Long Quang nhận thấy căn khí của Ngài sau này có thể phò trì Phật pháp, tiếp dẫn hậu lai, nên đã tiếp nhận và giáo dưỡng. Để đáp lại công ơn, Ngài càng tinh tấn, dũng mãnh tu hành và phát nguyện năm năm nhập thất trì kinh Pháp Hoa để huân dưỡng đạo nghiệp. Năm Giáp Tuất 1934, đến khi 25 tuổi, Ngài được Tổ cho phép thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Bảo An, Bến Gỗ - Biên Hòa. Trên bước đường tìm cầu tham học các bậc cao Tăng thạc đức, Ngài lại có phước duyên được Tổ Huệ Đăng ở chùa Thiên Thai - Bà Rịa truyền cho pháp lạy Ngũ hối ( ) và trì chú Chuẩn Đề. Năm Ất Hợi – 1935, Ngài về trụ trì chùa Từ Ân, xã Phước Long, huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa. Nơi đây, Ngài được dân chúng địa phương quý mến khâm phục, quy ngưỡng tài chẩn mạch hốt thuốc, chữa trị lành bệnh cho nhiều người trong suốt mười năm. Năm Ất Dậu – 1945, cuộc Cách mạng tháng Tám bùng nổ, thể hiện truyền thống yêu nước bất khuất của Phật giáo Việt Nam, Ngài tham gia phong trào cứu quốc, chống thực dân Pháp với chức vụ Chủ tịch Phật giáo Cứu quốc huyện Long Thành. Năm Bính Tuất – 1946, Ngài lại thành lập chi hội Phật giáo Cứu quốc xã Phú Mỹ. Lúc này, Ngài trụ trì chùa Bửu Thiền ở núi Thị Vải, cũng là cơ sở hoạt động tiếp tế, nuôi dưỡng chiến sĩ cách mạng. Đến năm Quý Tỵ 1953, nhận lời khẩn cầu của các Phật tử, Ngài về trụ trì chùa Long Nhiễu, huyện Thủ Đức. Trong thời gian giáo hóa ở trụ xứ Long Nhiễu, Ngài đã hướng dẫn Phật tử tu pháp môn Tịnh độ, mở đạo tràng chuyên niệm hồng danh đức Phật A Di Đà cầu vãng sinh cực lạc. Năm Đinh Dậu 1957, trước sự tha thiết cầu thỉnh của Phật tử Ban hộ trì Tam bảo Tổ đình Huê Nghiêm, Ngài trở về trụ trì ngôi Tổ đình, nơi ghi dấu bước chân đầu tiên xuất gia cầu đạo của Ngài. Đạo hạnh của một bậc chân tu đã cảm hóa Tăng Ni, Phật tử xa gần, nên mặc dù Ngài trở về dừng chân hành đạo ở Tổ đình Huê Nghiêm sau hơn 20 năm, đi tiếp độ khắp nơi, hàng Phật tử vẫn thiết tha hiến cúng cho Ngài thêm hai ngôi chùa Bửu Lộc và Phước Hưng ở Long Thành. Năm Ất Tỵ – 1965, Ngài ra sức trùng tu hoàn tất toàn bộ Tổ đình Chánh điện, nhà Hậu, nhà Khách, Tăng xá trở thành một ngôi đại già lam khang trang, thanh tịnh, khả dĩ tiêu biểu cho một Tổ đình đã có quá trình lịch sử lâu dài trên hai thế kỷ, và cũng là nơi xuất thân của các vị Tổ từng làm rạng danh Phật giáo như Tổ Huệ Lưu. Liên tiếp ba năm 1970 – 1971 – 1972, Ngài được chư tôn giáo phẩm cung thỉnh vào hàng Chứng minh Đạo sư và đương vi Hòa thượng truyền giới tại các giới đàn được tổ chức ở các nơi. Năm Nhâm Tý 1972, tiếp nối công lao của thầy Tổ, Ngài lại mở rộng thêm một dãy nhà hai tầng bên cạnh chùa để làm trường Sơ Trung đẳng Phật học, mang tên Phật học viện Huệ Lưu. Năm Ất Mão 1975, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Ngài được mời làm cố vấn Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước huyện Thủ Đức. Đến giai đoạn chuyển sang hình thành Ban đại diện Phật giáo huyện Thủ Đức, Ngài vẫn giữ vai trò cố vấn trong hàng Chứng minh cho Ban đại diện. Năm Đinh Mão 1987, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần II, Ngài được suy tôn là Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm Mậu Thìn 1988, trong mùa Phật Đản - Phật lịch 2532, Ngài được cung thỉnh làm Tôn chứng trong Đại giới đàn của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại chùa Ấn Quang – quận 10. Với đức tính hiền hòa, giản dị, khiêm cung... luôn luôn thể hiện trên gương mặt cởi mở, vui tươi của Ngài đã sưởi ấm tâm hồn những người được phước duyên tiếp cận, và ít ai thấy được trên gương mặt Ngài lộ vẻ bất bình, phiền muộn. Trong sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, các đệ tử của Ngài nương vào sự un đúc và dạy dỗ, trở thành những vị hữu dụng cho Phật giáo, trong đó có Hòa thượng Thích Trí Quảng, là Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Điểm nổi bật khác trong nếp sống tu hành của Ngài, là luôn tinh tấn gia công vun bồi đạo hạnh không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, Ngài vẫn chuyên trì kinh Pháp Hoa và lạy sám Ngũ hối. Cơ duyên hành đạo ở cõi Ta Bà đã viên mãn, Ngài thu thần thị tịch vào lúc 18 giờ 15 phút ngày 8 tháng 3 năm 1999 (tức 21 tháng Giêng năm Kỷ Mão). Ngài trụ thế 91 năm, hưởng 65 Hạ lạp. |
[ Trở Về ]