Phật Lịch 2539 – 1995 TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II Thích Đồng Bổn Chủ biên Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh |
THÍCH GIÁC NHU (1912 – 1997) Hòa thượng Thích Giác Nhu, thế danh Phạm Văn Nên, sinh ngày Rằm tháng 11 năm Nhâm Tý (1912) tại xã Tân Thạnh Trung, huyện Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên; nay là xã Bình Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ Ngài là cụ ông Phạm Văn Hớn, thân mẫu là bà Trần Thị Tiễn, Ngài là người con thứ ba trong gia đình có 5 anh em. Ngài sinh trưởng trong một gia đình nông dân, tánh tình chơn chất thuần hậu. Năm lên 7 tuổi, Ngài được cha mẹ cho vào trường học chữ, nhưng gặp thời buổi loạn ly, nên phải nghỉ học ở nhà giúp việc đồng áng ruộng nương, đỡ đần cha mẹ. Đến năm 18 tuổi, như có căn duyên nhiều đời nhiều kiếp, Ngài thường xuyên lui tới cảnh chùa, gặp các bậc hiền sĩ đương thời để hỏi han đạo pháp. Và đã có lần Ngài phát tâm Bồ đề xin ông bà, cha mẹ cho xuất gia cầu đạo, nhưng gia đình nhất quyết ngăn cản. Vì thế, Ngài phải vâng lời cha mẹ giữ tròn đạo hiếu làm con, và thực hành nếp sống tu tập cư sĩ tại gia. Gần 40 tuổi đời, duyên lành Ngài được gặp Tổ sư Minh Đăng Quang, vị Tổ khai sơn hệ phái Khất Sĩ tại Việt Nam đi ngang qua hành đạo thuyết pháp, càng thôi thúc hoài vọng xuất gia từ lâu của Ngài. Năm Nhâm Thìn 1952, được sự chứng minh của Tổ sư, Trưởng lão tri sự Giác Như làm Thầy Tế độ, thu nhận Ngài xuất gia học đạo, thọ ký pháp danh là Giác Nhu. Ngày Rằm tháng 7 cùng năm, Ngài được thọ Y Bát, giới Sa di. Hai năm sau, cũng vào ngày này, nhân đại lễ Tự tứ, Ngài được thọ Đại giới Cụ túc, làm Tỳ kheo Khất sĩ du phương hành đạo. Năm ấy Ngài 42 tuổi. Sau khi đắc giới pháp, biết mình sức học kém cỏi, lại mỏng túc duyên cho nên mỗi ngày, buổi sáng Ngài đi khất thực hóa duyên, buổi chiều học đạo nghe kinh, buổi tối hành trì thiền định, quán chiếu tâm linh, gột rửa nghiệp căn nhiều kiếp. Từ những năm 1954 đến 1960, khi Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, Ngài luôn luôn kề cận giúp sức đệ Nhị tổ Trưởng lão Giác Chánh và Trưởng lão tri sự Giác Như, thừa truyền dẫn dắt hành đạo suốt miền Nam, miền Trung, đến tận vùng cao nguyên hẻo lánh; và Ngài còn là một thành viên tinh tấn, đức hạnh của đoàn Du Tăng. Trong những năm này, các Giáo đoàn Du Tăng do chư vị tôn túc đại đệ tử của Tổ sư phân công được thành lập, để đền ơn thầy Tổ, quảng bá chánh pháp, đáp ứng nhu cầu học đạo của bá tánh cư gia, ở hai miền Nam - Trung và cao nguyên... Ngài được giao trọng trách làm Giáo thọ sư, trụ trì các tịnh xá đạo tràng thuộc Giáo đoàn I, ở các vùng như Long Xuyên, Thốt Nốt, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Mỹ Tho, Long An, Tây Ninh, Gia Định v.v... để hoằng hóa độ sanh. Năm Giáp Thìn 1964, do sự vận động của Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên, Ngài và Thượng tọa Giác Tường cùng đứng đơn sáng lập viên xin phép thành lập “Giáo hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam” có pháp nhân, pháp lý mà từ khi đức Tổ sư khai sơn đến nay vẫn chưa có. Mãi đến năm 1966, mới được công nhận và ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên (1966 – 1968), Ngài được Giáo hội tín nhiệm cử làm Tổng thư ký suốt ba nhiệm kỳ. Đến năm 1972, Giáo hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam thay đổi danh xưng, Ban Trị sự Trung ương trở thành Viện Hành Đạo, Ngài giao lại cho thế hệ kế thừa và lui về vị trí Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam cho đến ngày đất nước hòa bình, độc lập và thống nhất (1975). Trong thời gian từ 1976 đến 1980, Ngài thường lui tới hành đạo ở các tịnh xá Ngọc Hương, Ngọc Quý (Vũng Tàu) và tịnh xá Ngọc Phước (Bà Rịa). Đầu năm Canh Thân 1980, hưởng ứng việc thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, Viện Hành Đạo Giáo hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam đã cung thỉnh Ngài về làm Chứng minh Đạo Sư tại tịnh xá Trung Tâm, trụ sở của Giáo hội – Hệ phái. Đầu tháng 11 năm 1981, Ngài làm Trưởng đoàn hệ phái Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam, tham dự Hội nghị Đại biểu của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo Việt Nam, để thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại thủ đô Hà Nội. Tại Hội nghị, Ngài được Ban Tổ chức cung thỉnh vào Đoàn Chủ tọa và với tư cách Trưởng phái đoàn Đại biểu hệ phái Khất Sĩ, Ngài đã ký tên vào Hiến chương, văn bản mang dấu ấn lịch sử thống nhất Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tại Hội nghị đã đề cử Ngài làm Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I (1981-1987). Qua nhiệm kỳ II (1987-1992) và nhiệm kỳ III (1992-1997), Ngài được Giáo hội suy tôn vào ngôi vị phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch. Tuổi đời, tuổi đạo của Ngài mỗi ngày mỗi tăng cao. Với tư cách là vị Đạo sư Chứng minh hệ phái Khất Sĩ Việt Nam từ trước ngày thống nhất Phật giáo Việt Nam cho đến sau này khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đa phần các giới đàn hệ phái truyền giới Tỳ kheo và Sa di đều do Ngài làm Đường đầu truyền giới pháp. Trong gần mười năm cuối đời, mặc dù sức khỏe ngày mỗi suy yếu, nhưng tấm lòng tha thiết hộ trì, hiển dương Phật pháp nơi Ngài không hề suy giảm. Tất cả các lễ hội : An Vị Phật, Khánh thành, Trùng tu hoặc những buổi lễ truyền Bát Quan Trai giới, Tam quy Ngũ giới cho Phật tử tại gia ở các miền tịnh xá dù gần hay xa; khi được cung thỉnh, Ngài đều hoan hỷ quang lâm, trực tiếp chủ trì, truyền dạy hướng dẫn tín đồ Phật tử. Bắt đầu qua năm 1995, sức khỏe Ngài thật sự suy yếu, Ngài phải vào bệnh viện điều trị, cho đến cuối tháng 7 năm Đinh Sửu 1997, Ngài an nhiên thị tịch lúc 10 giờ 30 phút ngày 2 tháng 10 năm 1997 (nhằm ngày mùng 2 tháng 9 năm Đinh Sửu) tại tịnh xá Trung Tâm, phường 5, quận Bình Thạnh thành phố Hồ Chí Minh. Trụ thế 85 tuổi, xuất gia tu học 45 năm, Hạ lạp 43 năm. Hòa thượng Thích Giác Nhu là một tấm gương đạo hạnh, một bậc Trưởng lão tôn túc, một người thầy khả kính đã trọn cuộc đời hoằng dương chánh pháp, lợi lạc nhân sinh. |
[ Trở Về ]