Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh 
HÒA THƯỢNG
THÍCH TỪ HUỆ
(1910 – 1997)

Hòa thượng Thích Từ Huệ (Tăng tín đồ thường gọi là Sư Cả), thế danh Tạ Văn Phụng, sinh năm Canh Tuất – 1910, tại làng Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), thân phụ là cụ Tạ Văn Phi và thân mẫu là cụ Thiều Thị Nữ.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình nông dân nhân hậu có nề nếp nho phong. Thân mẫu mất lúc Ngài mới hơn 3 tháng tuổi, nên được bà nội trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi khôn lớn. Như mọi người trong cuộc sống đời thường, năm 21 tuổi Ngài vâng lời bà nội, làm tròn bổn phận người con trai là nối dõi tông đường, trả hiếu dưỡng cho gia tộc.

Năm 23 tuổi (1933), Ngài quy y thọ giới với Hòa thượng Thích Hoằng Thông – chùa Long Hội ở xã Phú Mỹ. Từ đây Ngài trải qua đời sống của người cư sĩ tu học tại gia, vừa mưu sinh phụ giúp gia đình, mà tâm niệm lúc nào cũng suy tư về lý đạo.

Năm 36 tuổi (1946), duyên lành đã đến, một buổi sáng đi chợ Mỹ Tho, tình cờ Ngài được gặp Tổ sư Minh Đăng Quang đang du hành khất thực, giáo hóa độ sanh, ý tưởng xuất gia đã từ lâu ấp ủ, nay càng được thôi thúc. Trở về, Ngài bèn lập một ngôi tịnh thất ở gần nhà, để tự mình tịnh tu học đạo, cũng là cách thoát ly dần cõi đời uế trược.

Sau một lần nghe Tổ sư Minh Đăng Quang thuyết pháp tại chùa Linh Bửu, xã Phú Mỹ nhân dịp lễ Vu Lan Thắng Hội. Ngài tha thiết cầu thỉnh Tổ sư về nơi tịnh thất của mình, để ân triêm pháp nhũ, tham vấn đạo mầu. Lần gặp gỡ này là khởi điểm đầy thiện duyên cho cuộc đời đạo nghiệp sau này. Ngài trở thành một thiện nam cận sự của chùa Linh Bửu và của Tổ sư.

Hơn một năm sau, nhân duyên hội đủ, Ngài xin phép Tổ sư cho xuất gia nhập đạo, và trở thành một trong những vị Tăng xuất gia đầu tiên trong hàng đệ tử của Tổ sư. Năm ấy, Ngài tròn 37 tuổi (1947).

Bước đầu sự nghiệp tu tập, Ngài được tập sự hành đạo tại Tân An, Mỹ Tho, Gò Công rồi ngược lên Tây Ninh, Bình Dương hơn ba tháng. Sau đó, Ngài lại trở về chùa Linh Bửu để thỉnh giáo và phụng sự Tổ sư.

Năm 1948, Ngài lại được Tổ sư cho phép đi hành đạo, hóa duyên tiếp tục. Lúc ở Mỹ Tho, lúc qua Bến Tre, ban ngày khất thực, ban đêm giảng kinh thuyết pháp cho bá tánh quanh vùng. Thời gian này, các tịnh xá chưa thành lập, nên Ngài phải thường tá túc ở miễu hoang, đình vắng như hạnh Đầu đà.

Vốn xuất thân từ giai cấp bình dân, lại thêm tính tình ôn hòa, chính trực, nên đi đến đâu thuyết pháp giảng kinh, Ngài cũng thường dùng những lời lẽ bình dị, đơn giản nhưng thấm sâu vào lòng những tín đồ Phật tử đến với Ngài.

Tháng 7 năm Canh Dần (1950), Ngài được các Phật tử cúng dường một ngôi tịnh thất để an tâm tu học, hoằng pháp lợi sanh. Người có công lao trong việc dâng cúng đất cho Ngài là cô Chín Thanh, một nữ Phật tử về sau cũng xuất gia theo Tổ sư với pháp danh là Hậu Liên. Tịnh thất được thành lập với tên là Tịnh xá Mỹ Đức.

Từ đây trở về sau, Ngài hành đạo nhiều nơi và mở mang thêm nhiều đạo tràng, tịnh xá nên các tín đồ Phật tử mến mộ tài đức, quy tụ về rất đông học đạo tu tập.

Bước vào năm 1952, để thuận tiện cho việc du hóa các nơi, Ngài xin phép Tổ sư được tách giáo đoàn, lập thân hành đạo theo tôn chỉ Khất sĩ hoằng truyền giáo pháp, lợi lạc nhân sinh. Ngài được Tổ sư thuận tình hứa khả.

Đến đầu năm 1954, trong một lần ghé thăm tịnh xá Mỹ Đức (Mỹ Tho) trước khi về tịnh xá Ngọc Quang (Sa Đéc), như đã cảm nhận được nhân duyên hành đạo sắp mãn, Tổ sư đã gọi Ngài đến một bên trao lời giáo huấn nhắn nhủ : “Từ Huệ ở lại ráng tinh tấn tu học, lần này tôi đi, chắc lâu lắm mới gặp lại”, đây cũng là di huấn cuối cùng của Tổ sư trước khi ra đi mãi mãi.

Sau khi Tổ sư vắng bóng, các vị đại đệ tử chia nhau lập thân hành đạo rộng khắp hai miền Nam Trung Việt Nam. Riêng Ngài nỗ lực tu trì, hoằng dương đạo pháp theo hạnh nguyện của mình, lần lượt thành lập được các ngôi đạo tràng tịnh xá như sau :

1. Tịnh xá Mỹ Đức, Mỹ Tho vào năm 1950.
2. Tịnh xá An Đức, Bến Tre vào năm 1951.
3. Tịnh xá Bồ Đề, Mỏ Cày, Bến Tre vào năm 1951.
4. Tịnh xá Thành Đức, Thành Thới (Thơm), Mỏ Cày vào năm 1952.
5. Tịnh xá Long Đức, Trung Lương, Mỹ Tho vào năm 1969.
6. Tịnh xá Bình Phước, Hàm Luông, Bến Tre vào năm 1970.
7. Tịnh xá Ngọc Hiệp, Bình Dương vào năm 1972.
8. Tịnh xá Ngọc Chung, Tân Bình, Sài Gòn vào năm 1972.
9. Tịnh xá Ngọc Bình, Phan Thiết vào năm 1973.
10. Tịnh xá Phước Tu, Long Thành, Đồng Nai vào năm 1974.
11. Tịnh xá Trúc Lâm, Long Thành, Đồng Nai vào năm 1968.
12. Đạo tràng chùa Phước An Cổ Tự, Giồng Tre, Ba Tri, Bến Tre (do Phật tử hộ tự hiến cúng, thỉnh Ngài về hành đạo từ năm 1956).

Năm 1951, khi Giáo hội Tăng Già Nam Việt được thành lập, Ngài được mời tham gia Giáo hội Tăng Già Nam Việt, rồi là thành viên Giáo hội Tăng Già toàn quốc. Ngài đại diện cho hệ phái Khất sĩ hòa nhập cùng Tăng Ni các tôn phái chung sức phát triển ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, tiếp nối phong trào chấn hưng trước đó.

Năm 1964, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được thành lập, Ngài là Thành viên Tỉnh hội Phật giáo Mỹ Tho cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975.

Ngài quan tâm thiết thực đến đời sống tu học của các đệ tử xuất gia và tại gia, nên chủ trương “tự lực cánh sinh” đứng ra tổ chức làm ruộng, xin cấp thẻ tín đồ cho Phật tử, lo việc hoãn dịch cho chư Tăng trong những năm trước 1975.

Đặc biệt, Ngài còn thành lập nghĩa trang tại ấp Long Hưng, xã Long An, huyện Châu Thành, Mỹ Tho chôn cất miễn phí cho đồng bào, Phật tử nghèo; và xây dựng một lò thiêu cũng miễn phí tại khuôn viên chùa Pháp Bảo, dưới sự trợ giúp của Hòa thượng Pháp Lạc và Sư cô Hiếu Liên.

Đối với xã hội, Ngài thành lập Hội từ thiện tại thành phố Mỹ Tho, làm Chủ tịch danh dự của Hội, và mở phòng thuốc Nam trị bệnh miễn phí cho tất cả mọi người.

Năm 1981, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập từ 9 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước tại thủ đô Hà Nội, Ngài được mời làm Thành viên Ban Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang.

Năm 1988, do công lao đóng góp công sức cho cách mạng trong giai đoạn kháng chiến, Ngài được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.

Năm 1992, tại Đại hội Phật giáo Tòan quốc lần thứ III tại Thủ đô Hà Nội, Ngài được cung thỉnh làm Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong hàng đệ tử xuất gia, có những vị đã trưởng thành nối chí của Ngài trên đường phụng sự đạo pháp và dân tộc như các vị : Thượng tọa Giác Toàn (Tp. Hồ Chí Minh); Thượng tọa Huệ Tâm (Mỹ Tho); Thượng tọa Huệ Tấn, Huệ Ngộ (Bến Tre); Đại đức Minh Thuấn (Bình Dương)...

Những năm cuối đời, Ngài vẫn một lòng lo cho đạo pháp và xã hội mặc dù tuổi già sức yếu. Ngài dành hết thời gian cho việc dạy dỗ Tăng chúng, Phật tử; hốt thuốc chữa bệnh cho mọi người. Ngài biên soạn và ấn tống bộ sách “Thuốc Nam gia truyền” (trọn bộ 3 tập, dày hơn 3.000 trang), cùng ấn tống các kinh sách đọc tụng phổ thông đến các Phật tử ở những vùng xa xôi hẻo lánh.

Ngày 27 tháng 6 năm Đinh Sửu, nhằm ngày 31.7.1997, vào lúc 12 giờ 30 phút, Ngài xả bỏ nhục thân thu thần tịch diệt, trụ thế 88 tuổi, giới lạp 50 năm.



 [ Trở Về ]