Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh 
HÒA THƯỢNG
THÍCH BỬU Ý
(1917 – 1996)

Hòa thượng Thích Bửu Ý, pháp húy Hồng Đạo, pháp tự Thiện Đắc, thuộc thiền phái Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 40. Ngài thế danh là Nguyễn Văn Đạt, sinh ngày 03 tháng 3 năm 1917 (nhằm ngày mồng 8 tháng Giêng năm Đinh Tỵ) tại xã Mỹ Hạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn – nay là tỉnh Long An, thân phụ là cụ Nguyễn Văn Tây, thân mẫu là cụ Đỗ Thị Khéo. Ngài là người con thứ 3 trong gia đình có 9 anh chị em, 5 trai, 4 gái.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình trung nông, giàu lòng sùng kính Tam bảo. Trong thân tộc có người cậu ruột xuất gia hành đạo tại chùa Linh Bửu, xã Mỹ Hạnh quê nhà, nên thuở nhỏ Ngài thường theo thân mẫu lên chùa lễ Phật tụng kinh, gieo nhân tích phước sau này.

Vốn là người thông minh hiếu học, lại có chí hướng thượng, nên năm 7 tuổi (1924), Ngài theo học tại trường Tiểu học Đức Hòa, Chợ Lớn, liên tục đến năm 1934, Ngài đã tốt nghiệp bằng Certificat d’Étude Primaire Indigène. Ngưỡng cửa thế gian đang rộng mở để cho Ngài bước lên danh vọng và sự nghiệp như bao lứa tuổi đương thời, nhưng Ngài đã dừng lại và chọn lựa lý tưởng giải thoát khi nhìn thấy cảnh áp bức, lầm than do giặc Pháp gây ra tại quê hương Ngài – vốn là căn cứ khởi nghĩa Tràm Lạc do ông Nguyễn Văn Hóa đề xướng ngày 17.12.1883 trước đây – lại càng thúc đẩy tâm nguyện của Ngài đến gần với Phật pháp hơn nữa.

Năm 1934, khi được 17 tuổi thì hạt giống Bồ đề đã đến kỳ đâm chồi nảy lộc, Ngài xin phép song thân, xuất gia đầu Phật tại chùa Long Thạnh, xã Tân Tạo, Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn; (nay là huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh). Buổi ban đầu khai tâm học đạo, Ngài được Tổ Quảng Chơn, trụ trì chùa thu nhận làm đệ tử và đặt pháp danh là Thiện Đắc và cho thọ giới Sa di tu học, hành đạo tại chùa. Với tư chất thông minh đĩnh ngộ, tánh nết khiêm cung hòa nhã, Ngài đặc biệt được Tổ ân cần chỉ dạy, chẳng bao lâu đã làu thông Nho học, nắm vững giáo lý Phật đà và được cử làm Giám chúng, để hướng dẫn lại Tăng chúng trong chùa.

Nhận thấy Ngài có Tăng phong-Pháp khí Đại thừa có thể xiển dương Phật pháp sau này, Tổ Quảng Chơn đã gởi Ngài xuống chùa Phước Long ở Nha Mân - Sa Đéc tham học một thời gian với Tổ Bửu Sơn – một vị đệ tử xuất sắc của Tổ Minh Hòa - Hoan Hỷ đời thứ 38 thuộc Tổ đình Long Thạnh.

Khi đến chùa Phước Long tu học, Ngài lại càng tỏ rõ tài đức song toàn, giới hạnh trang nghiêm, nên rất được Thầy yêu bạn mến. Sau khi được sự chấp thuận của Tổ Quảng Chơn, Ngài xin y chỉ cầu pháp nơi Tổ Bửu Sơn và được thọ ký pháp hiệu là Bửu Ý, húy Hồng Đạo.

Từ đây, Ngài chuyên cần tấn tu tuệ nghiệp đến ngày 19 tháng 2 năm Kỷ Mão (1939), Ngài được đăng đàn thọ giới Tỳ kheo tại chùa Phước Long, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Sau đó, Ngài tiếp tục tham học với các bậc cao Tăng thiền đức khắp nơi như Tổ Từ Phong, Bửu Sơn, Vạn An, Hồng Hưng... và bắt đầu sự nghiệp hoằng hóa lợi sanh.

Trong thời gian này, khắp nơi nổi lên các phong trào kháng chiến chống Pháp. Tổ Quảng Chơn cũng là một Thiền sư yêu nước trong phong trào Thiên Địa Hội, bị Pháp bắt tra tấn tù đày nên mang nhiều bệnh duyên. Do đó cuối năm 1940, Ngài phải về chùa Long Thạnh để thay Bổn sư đảm nhận công việc sinh hoạt tại chùa.

Năm 1943, Tổ Quảng Chơn thấy sức khỏe yếu dần, nên đã phó chúc lại cho Ngài trụ trì chùa Long Thạnh tiếp tục xướng minh đạo pháp, tiếp dẫn hậu lai, Tổ viên tịch vào ngày mồng 6 tháng 8 năm Quý Mùi.

Năm 1944, sau khi đảm nhận chức vụ trụ trì và kế thừa truyền thống “phụng sự đạo pháp – dân tộc” của chư Tổ căn dặn, Ngài đã mở trường Phật học tại Tổ đình Long Thạnh, để truyền dạy Phật pháp cho Tăng Ni. Trải qua 6 khóa học, trên 300 Tăng Ni thành tài tại đây, nhiều vị trở thành lãnh đạo Phật giáo sau này.

Tháng 8 năm 1945, Ngài tham gia Ủy viên Mặt trận Việt Minh xã Tân Tạo, huy động Tăng Ni, Phật tử cùng chư Hòa thượng ở vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định với danh nghĩa Việt Nam Phật giáo Tổng hội, tổ chức biểu tình ngày 25.8.1945 để giành chính quyền về tay nhân dân. Ngoài ra, Ngài đã dùng chùa Long Thạnh làm cơ sở hậu cần cho cách mạng, cuối cùng bị giặc phát hiện phá nát cảnh chùa, chúng bắt Ngài tra tấn, giam cầm; nhưng Ngài kiên quyết không khai báo, chúng phải thả về.

Năm 1947, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ được thành lập, Ngài được cử làm Ủy viên Ban chấp hành phụ trách Tăng Ni thiện tín Sài Gòn-Chợ Lớn, trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc Nam bộ đóng tại chùa Thiên Kim, Tháp Mười.

Năm 1949, theo xu hướng chuyển hoạt động Phật giáo vào thành thị, Ban chấp hành Phật giáo Cứu quốc tự giải tán, Ngài lại trở thành Ủy viên Ban chấp hành sáng lập Giáo hội Lục Hòa Tăng Việt Nam và hoạt động đến năm 1954.

Năm 1954, hòa bình lập lại, Ngài khôi phục Tổ đình Long Thạnh và trùng tu Tăng đường để thuyết giảng Phật pháp làm nơi tu học cho Tăng Ni đồ chúng.

Năm 1956, Ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng Đại giới đàn tổ chức tại chùa Linh Nguyên – Đức Hòa để truyền pháp cho các giới tử.

Năm 1957, Giáo hội Phật giáo Lục Hòa Tăng Việt Nam chính thức thành lập, Ngài được suy cử làm Phó Tổng thư ký và sau đó là Tổng Thư ký thay thế Hòa thượng Thích Thiện Hào đi nhận nhiệm vụ khác. Văn phòng Giáo hội đặt tại chùa Phật Ấn, nhà in và trường học Lục Hòa đặt tại chùa Giác Viên.

Đầu năm 1963, Giáo hội Lục Hòa Tăng đã tập hợp Tăng Ni, Phật tử dưới sự lãnh đạo của Ngài, cùng với các đoàn thể tích cực đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.

Đến năm 1969, Ngài vận động chư tôn giáo phẩm thuộc hai Giáo hội Lục Hòa Tăng và Lục Hòa Phật tử hiệp nhất thành Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, cùng thiết lập các trường Phật học Lục Hòa ở các chùa Giác Lâm, Giác Viên, Thiên Tôn, trường Tiểu học Lộc Uyển, Thiên Trường quận 8 để đào tạo Tăng tài, truyền thừa đạo mạch.

Năm 1971, sau khi Hòa thượng Thích Minh Đức, Viện trưởng Viện Hoằng Đạo viên tịch, Ngài được Giáo hội tín nhiệm suy cử làm Phó Viện trưởng, cùng với Hòa thượng Thiện Thuận, Viện chủ Tổ đình Giác Lâm làm Viện trưởng.

Năm 1973, Hòa thượng Thiện Thuận viên tịch, Ngài được Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền đề bạt làm Viện trưởng Viện Hoằng Đạo cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Tổ quốc được thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, tháng 8 năm 1975, Ngài được giao trọng trách Phó chủ tịch Ban liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố và tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố trong nhiều nhiệm kỳ. Tháng 10 năm 1979, Ngài tham gia phong trào vận động thống nhất Phật giáo và làm Trưởng đoàn Phật giáo miền Nam ra thăm miền Bắc.

Tháng 11 năm 1981, Ngài dự Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội và được suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho tới ngày viên tịch.

Với giới đức trang nghiêm thanh tịnh, mô phạm chốn Tùng lâm, nên trong các Đại giới đàn năm 1984, 1988, 1991 do Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh tổ chức, Ngài luôn được cung thỉnh làm Yết ma A Xà Lê, Pháp sư để truyền pháp cho các giới tử. Ngoài ra, Ngài còn giữ chức vụ Phó Trưởng đoàn Đại biểu Phật giáo Việt Nam tham dự Đại hội Phật giáo Châu Á vì hòa bình tại Mông Cổ, Liên Xô vào các năm 1982, 1984, 1991.

Trong những năm cuối đời, Ngài làm việc không lúc nào ngơi nghỉ, lúc thì đăng đàn thuyết pháp giáo hóa độ sanh, dạy dỗ Tăng Ni, Phật tử, khi thì tích cực tham gia Phật sự Giáo hội, các phong trào đoàn thể xã hội, tận lực phục vụ cho đạo và đời ngày càng tốt đẹp.

Những tưởng trên lộ trình phụng sự đạo pháp, bóng đại tùng lâm còn che mát cho thế gian lâu hơn nữa, nào ngờ Ngài đã theo lẽ vô thường, xả báo an tường, thu thần thị tịch vào lúc 23 giờ ngày 29 tháng 11 Ất Hợi (nhằm ngày 19-1-1996). Ngài trụ thế 80 năm, hưởng 56 mùa An cư kiết Hạ.

Hòa thượng Thích Bửu Ý là một bậc cao Tăng thạc đức, một Thiền sư yêu nước nồng nàn, trọn đời sống cho lý tưởng phụng sự đạo pháp – dân tộc. Ngài đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng Bằng tuyên dương công đức, được Nhà nước ghi nhận công lao “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân” và hơn nữa đã tô đậm nét hào hùng cho lịch sử Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn chấn hưng của thế kỷ 20.



 [ Trở Về ]