Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh 
HÒA THƯỢNG
THÍCH HUYỀN ĐẠT
(1903 – 1994)

Hòa thượng Thích Huyền Đạt, pháp danh Như Lợi, pháp tự Giải Lý, thế danh là Trương Thế Kiên, sinh năm Quý Mão (1903) tại xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho giáo, thân phụ là cụ ông Trương Thế Long, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Kim Phụng. Song thân Ngài sinh được 2 người con, Ngài là con trưởng.

Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã được thân phụ cho theo học Nho đạo, Khổng kinh để mong sau này nối nghiệp gia phong. Thế nhưng, với túc duyên Phật đạo sâu dày, Ngài không thích cảnh đời ô trược, trói buộc trong luân hồi, nên Ngài phát tâm xuất gia quy y đầu Phật. Buổi ban đầu khai tâm học đạo, Ngài may mắn gặp được minh sư là Hòa thượng Chơn Trung – Diệu Quang, đệ lục Tổ Thiên Ấn thâu nhận làm đệ tử. Năm ấy, Ngài mới 14 tuổi (1917).

Sau bốn năm thử thách mùi thiền ý đạo, Ngài được thọ giới Sa di tại giới đàn Tổ đình Thiên Ấn do chính Bổn sư của Ngài làm Đường đầu Hòa thượng. Tiếp theo đó, Ngài được theo học tại Phật học viện gia giáo chùa Bảo Lâm thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi do Hòa thượng Vĩnh Thừa làm trụ trì giảng dạy.

Cho đến năm 22 tuổi (1925), Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Bảo Lâm, do Hòa thượng Vạn Thọ làm Đường đầu truyền giới. Từ đây, Ngài xin phép Bổn sư cất bước vân du khắp nhiều nơi để tham cầu học Phật.

Năm 1928, Ngài vào Nam tu học tại chùa Viên Hoa tỉnh Bến Tre. Năm 1930, Ngài lại đến tu học tại chùa Tân Thành, tỉnh Biên Hòa, rồi chùa Tây An, Núi Sam – Châu Đốc. Lòng hiếu học cầu tiến thúc đẩy Ngài sang tận Nam Vang nước Cao Miên để tu học và nghiên cứu thêm giáo lý Phật đà. Ngài ở lại đây được 2 năm, sau đó trở về nước đến Nha Trang nhận lãnh trách nhiệm Giáo hội Phật giáo Nha Trang đề bạt : làm trị sự chùa Hội Phước và trụ trì chùa Linh Phong Cổ tự (chùa Núi) vào năm 1933.

Năm 1945, Cách mạng Tháng 8 thành công, Ngài trở về quê hương và được cử làm tri sự Tổ đình Thiên Ấn, kiêm Giám tự chùa Viên Giác – Thanh Thanh Sơn (núi Thình Thình thuộc huyện Bình Sơn). Từ đó, Ngài tham gia phong trào kháng Pháp của Hội Phật giáo Cứu quốc Liên khu 5.

Năm 1955, Ngài là thành viên Giáo hội Tăng Già Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1963, Ngài là Cố vấn cho Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1964 – 1965, Ngài làm Đặc ủy Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Quảng Ngãi.

Năm 1966, Ngài được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng tại giới đàn Trúc Lâm (Tăng học đường thuộc thị trấn Sơn Tịnh – Quảng Ngãi).

Năm 1968, Tăng Ni tín đồ Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi suy cử Ngài làm Viện chủ Tổ đình Sắc tứ Thiên Ấn cho đến khi viên tịch, và giữ trọng trách Thượng thủ Hội đồng Trưởng lão dòng Lâm Tế Tổ đình Thiên Ấn.

Năm 1972, Ngài lại được cung thỉnh làm Đường đầu Hòa thượng tại Đại giới đàn chùa Bảo Linh (thị xã Quảng Ngãi).

Dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn không sao lãng việc đạo – đời, Ngài vào miền Nam vận động lòng tín tâm của các thiện nam tín nữ phát tâm cúng dường tài vật để trùng hưng các chùa như : chùa Tích Sơn (Tịnh Long, Sơn Tịnh), chùa Trúc Lâm (Tăng học đường thị trấn Sơn Tịnh), chùa Viên Giác Thanh Thanh Sơn (núi Thình Thình, huyện Bình Sơn) và nhất là trụ xứ Tổ đình Thiên Ấn, mà ngày nay chùa đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa của dân tộc, và là đệ nhất danh thắng trên đất Quảng Ngãi miền Trung Việt Nam.

Ngoài ra, Ngài còn đảm nhiệm nhiều Phật sự quan trọng của Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi sau khi thống nhất đất nước, thống nhất Phật giáo; đóng góp nhiều công sức trong phong trào bảo vệ và xây dựng đất nước, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân”.

Tuổi tác càng cao, sức khỏe càng yếu, Ngài an nhiên thị tịch vào hồi 5 giờ 15 phút ngày 12 tháng 1 năm 1994, tức ngày mồng 1 tháng Chạp năm Quý Dậu, tại Tổ đình Thiên Ấn, Ngài trụ thế 91 tuổi, Hạ lạp 70 năm.



 [ Trở Về ]