Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh 
HÒA THƯỢNG
THÍCH HOẰNG THÔNG
(1902 – 1988)

Hòa thượng Thích Hoằng Thông pháp danh Quảng Châu, pháp hiệu Hoằng Thông, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 45. Ngài thế danh là Phạm Ngọc Thạch, sanh năm Nhâm Dần – 1902 tại xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, thân phụ là ông Phạm Văn Ngàn, thân mẫu là bà Mạch Thị Báu.

Thuở nhỏ, Ngài thường đau ốm nên thân mẫu cho xuống chùa Linh Phước, thuộc xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ở học đạo với Hòa thượng Quảng Ân. Sau một thời gian tìm hiểu tánh hạnh, nhận thấy Ngài thiện duyên sâu dày, tuệ căn mẫn tiệp lại thêm ý chí mạnh mẽ nên năm 1914, Hòa thượng đồng ý thế phát xuất gia cho Ngài, đặt pháp danh là Quảng Châu. Lúc này Ngài vừa tròn 14 tuổi.

Sau khi xuất gia, dưới sự hướng dẫn, dạy dỗ của Hòa thượng Bổn sư, Ngài dốc tâm tu học, rèn trau giới đức nên chẳng bao lâu kinh, luật cơ bản Ngài đều thông suốt, thiền môn nghi tắc lại thêm vững vàng. Năm 1919, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại trường Kỳ chùa Hội Khánh.

Năm 1921, nhân chùa Từ Ân mở Đại giới đàn, Hòa thượng Bổn sư đã cho Ngài đăng đàn thọ giới Cụ túc. Và sau đó, Ngài được phép Bổn sư cho đi tham học khắp nơi. Hằng năm Ngài đều đến các tòng lâm lớn ở miền Nam để an cư kiết Hạ.

Năm 1925, Ngài đến cầu pháp với Hòa thượng Thanh Ẩn chùa Từ Ân và được Hòa thượng cho pháp hiệu là Hoằng Thông.

Suốt gần mười năm du phương học đạo, trải khắp các tòng lâm danh tiếng tham học với các bậc cao Tăng thạc đức, với tuệ căn mẫn tiệp sẵn có, chẳng bao lâu Ngài đã khế ngộ được nguồn giáo lý uyên thâm của Phật đà và nhanh chóng trở thành một Pháp sư nổi tiếng, biện tài vô ngại, rất được Tăng chúng và Phật tử đương thời ngưỡng mộ.

Năm 1927, duyên hóa đạo sớm đến, ban hội tề làng Tân Hòa Thành đến chùa Linh Phước cần cầu Hòa thượng Quảng Ân xin thỉnh Ngài về đảm nhiệm ngôi trụ trì chùa Long Hội. Xét thấy Ngài đạo lực đã vững vàng, học hạnh lại kiêm ưu, có thể tuyên dương chánh pháp nên được Hòa thượng Bổn sư bằng lòng.

Chùa Long Hội do dân làng mới tạo dựng còn rất thô sơ, vườn tược ít oi, lau cỏ rậm rạp, bổn đạo thưa thớt, quang cảnh quạnh hiu. Ngài về đây đêm công phu thọ trì, ngày bồi mương dọn cỏ, trồng cây sửa kiểng tôn trí lại ngôi bảo tự càng lúc càng khang trang đẹp đẽ. Chùa không đạo chúng, nhứt Tăng nhứt Tự, Phật sự đa đoan, lại thêm ban hội tề khó khăn mọi lẽ; thế nhưng Ngài vẫn kiên trì nhẫn nại chu tất mọi công việc. Dần dà tiếng lành đồn xa, kẻ Tăng, người tục mến mộ đức hạnh của Ngài về quy ngưỡng mỗi lúc một đông.

Năm 1929, xét thấy thiện duyên đã đủ, Ngài cho khởi công trùng tu lại ngôi Bảo điện và hậu Tổ chùa thêm khang trang, rộng rãi, kiên cố hơn.

Năm 1939, Ngài khai trường Kỳ, cung thỉnh chư tôn Hòa thượng , Thượng tọa, chư Đại đức Tăng khắp nơi về khai đàn truyền giới cho chúng Tăng. Ngài cung thỉnh Hòa thượng Bổn sư làm Hòa thượng Đàn đầu. Đại chúng suy tôn Ngài lên chức vị Hòa thượng chủ Kỳ. Lúc ấy Ngài vừa tròn 38 tuổi.

Và cũng nhân dịp ra kinh đô Huế xin phép Triều đình mở trường Kỳ, Ngài được gặp Từ Cung Thái Hậu và vua Bảo Đại. Đức vua phê chuẩn đơn xin, đồng thời ban hiệu cho chùa là Sắc Tứ Long Hội tự. Năm 1941, sắc phong được gởi về và từ đó chùa có tên là Sắc Tứ Long Hội.

Năm 1952, Giáo hội Lục Hòa Tăng thành lập tại Sài Gòn, Ngài được mời đi dự Đại hội và được suy tôn vào Ban chức sự Trung ương Giáo hội.

Năm 1964, tỉnh Định Tường (nay là Tiền Giang) thành lập Tỉnh Giáo hội, Hòa thượng Quảng Ân được suy tôn làm Tăng trưởng, Ngài được bầu làm Tăng Giám.

Đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, Ngài cũng có nhiều đóng góp. Trong thời kỳ chiến tranh năm 1972, chùa Long Hội nằm trong vùng giải phóng. Ngài luôn tham gia đóng góp công sức cùng nhiều tài vật cho cách mạng, ngoài ra còn vận động đồng bào Phật tử tham gia ủng hộ.

Năm 1974, Hòa thượng Quảng Ân tịch, Ngài được bầu làm Tăng trưởng Giáo hội Lục Hòa Tăng tỉnh Định Tường cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Năm 1981, Ngài được mời đi dự Hội nghị thống nhất Phật giáo tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Trong đại hội, Ngài được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I.

Song song với sự nghiệp đạo pháp – dân tộc, Ngài vẫn không quên việc trùng tu, sửa sang lại ngôi Long Hội tự, mặc dù Ngài lúc này tuổi đã già, sức khỏe yếu kém rất nhiều.

Năm 1983, Ngài lâm bệnh nặng, đôi chân yếu ớt nằm một chỗ, không đi lại được, nhưng tinh thần còn minh mẫn. Tăng Ni, Phật tử đến thăm Ngài luôn nhắc nhở việc tu hành, khuyên Tăng, Ni trẻ phải nỗ lực hành trì giới luật để Phật pháp được trường tồn.

Rằm tháng Bảy năm Mậu Thìn – 1988, lúc 10 giờ đêm Ngài an nhiên thị tịch, hưởng thọ 86 tuổi, giới lạp 66 năm. Tang lễ được Ban Trị sự Tỉnh hội và Ban đại diện Phật giáo huyện Châu Thành đứng ra tổ chức theo di chúc của Ngài, nhục thân được môn đồ nhập tháp tại bản tự.

Ngài là một bậc cao Tăng có nhiều công lao đóng góp vào công cuộc chấn hưng Giáo hội tỉnh nhà, suốt đời phụng sự Phật pháp rất được Tăng Ni, Phật tử tỉnh Tiền Giang kính ngưỡng.



 [ Trở Về ]