Phật Lịch 2539 – 1995 TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II Thích Đồng Bổn Chủ biên Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh |
THÍCH THANH KIỂM (1920 – 2000) Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, đạo hiệu Chân Từ, thế danh Vũ Văn Khang, sinh ngày 23 tháng Chạp năm Canh Thân – 1920, tại làng Tiêu Bảng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thân phụ là cụ Vũ Văn Khánh, thân mẫu là cụ Đỗ Thị Thịnh, Ngài là con thứ tư trong gia đình có 5 anh chị em, 3 trai 2 gái. Năm Bính Dần – 1926, khi lên 6 tuổi, Ngài được song thân cho theo học chữ nho với các cụ đồ ở địa phương. Nhờ sinh trưởng trong gia đình có truyền thống sùng kính Tam bảo, có người chị gái đã xuất gia đầu Phật, (sau này là Ni Trưởng Đàm Hữu), nên hạt giống xuất trần cũng đã sớm nảy mầm trong Ngài từ thuở ấu thời. Năm Ất Hợi – 1935, nhân duyên hội đủ với Ngài khi tuổi 15, được song thân chấp thuận, vào ngày mồng 9 tháng Chạp Ngài xin thế phát xuất gia với Sư cụ chùa Liên Đàn, xã Linh Đường, huyện Thanh Trì, Hà Đông. được Sư cụ thế độ, một năm sau đó, gửi Ngài đến y chỉ nơi Hòa thượng Thích Thanh Khoát, trụ trì chùa Bạch Chữ, làng Trung Hậu, tỉnh Phúc Yên (Vĩnh Phú) để cầu pháp học đạo. Năm Mậu Tý – 1938, Ngài được Bổn sư cho phép thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Tây Thiên, làng Trung Hậu, tỉnh Phúc Yên, do Hòa thượng Thích Thanh Khoát truyền trao giới pháp. Năm 19 tuổi (1939), một năm sau khi thọ giới Sa di, để mở mang kiến thức Phật học, làm tư lương tiến tu hành đạo, Ngài lần lượt du phương tham học nơi trường Phật học ở các chốn Tổ : Bằng Sở, Trung Hậu, Hương Hải, Cao Phong... Năm Nhâm Ngọ – 1942, lúc 22 tuổi, để viên mãn tam đàn giới pháp, Ngài được Bổn sư cho thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Linh Ứng, làng Trung Hậu, tỉnh Phúc Yên do Hòa thượng Thích Trừng Thanh làm Đàn đầu truyền giới. Thời gian từ 1942 đến 1950, phong trào chấn hưng Phật giáo đã lan rộng khắp 3 miền, các lớp Phật học để đào tạo Tăng tài làm rường cột cho Phật giáo được mở ra tại chùa Quán Sứ và Bồ Đề ở Hà Nội, do các bậc thạc đức của Hội Bắc Kỳ Phật giáo như Tổ Cồn, Tổ Quảng, Tổ Ngũ và các Hòa thượng Trí Hải, Thái Hòa, Tố Liên... trực tiếp đào tạo giảng dạy. Ngài đã tham dự các khóa học này và đã hoàn tất chương trình Cao đẳng Phật học cùng với huynh đệ đồng môn là Hòa thượng Thích Tâm Giác. Năm Tân Mão – 1951, Giáo hội Tăng Già toàn quốc được thành lập từ Giáo hội Tăng Già ở 3 miền đất nước hợp lại. Riêng với Giáo hội Tăng Già Bắc Việt (là hậu thân của Giáo hội Tăng Ni chỉnh lý Bắc Việt do Hòa thượng Thích Tố Liên đã dày công khởi xướng vận động từ năm 1949), Ngài được đề cử làm Thư ký Giáo hội Tăng Già Bắc Việt, kiêm Giảng sư thay thế cho Hòa thượng Tố Liên đảm nhận chức Tổng thư ký Giáo hội Tăng Già toàn quốc. Năm Quý Tỵ – 1953, trong chương trình đào tạo Tăng tài cho Phật giáo của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, tại cuộc họp liên hội giữa Hội An Nam Phật học và Giáo hội Tăng Già Bắc Việt, đã cử Ngài cùng Hòa thượng Tâm Giác du học tại Nhật Bản. Năm Giáp Ngọ – 1954, Ngài đến Nhật Bản lưu học tại Đại học đường Rissho, hai vị đều kiên tâm trì chí, chuyên tu chuyên học về cả Phật học lẫn thế học. Ngài đã lần lượt hoàn tất các chương trình : Năm 1959, tốt nghiệp chương trình Cử nhân Phật học. Năm 1961, tốt nghiệp học vị Tiến sĩ Phật học. Năm Nhâm Dần – 1962, sau 8 năm du học, Ngài trở về quê hương để phục vụ đạo pháp. Lúc này, do hoàn cảnh lịch sử (sau hiệp định Genève năm 1954), Ngài ở lại miền Nam, cùng với các pháp lữ và chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử tham gia cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo năm 1963. Năm Giáp Thìn – 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Ngài được Giáo hội cử làm Vụ trưởng phiên dịch, thuộc Tổng vụ Hoằng pháp (Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Tổng vụ trưởng) kiêm Giáo sư Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn (1964 – 1973). Từ năm này đến năm 1971, Ngài đã cùng Hòa thượng Tâm Giác và chư Tăng Ni, Phật tử Miền Vĩnh Nghiêm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nỗ lực xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm để làm trụ sở cho Miền và môn phái. Chùa đã hoàn thành hết sức trang nghiêm tú lệ như ngày nay. Năm Quý Sửu – 1973, sau khi Hòa thượng Tâm Giác – Chánh đại diện Phật giáo Miền Vĩnh Nghiêm - trụ trì Tổ đình Vĩnh Nghiêm viên tịch, Ngài đã được Giáo hội, Miền cũng như môn phái Tổ đình Vĩnh Nghiêm suy cử làm Chánh đại diện Miền kiêm trụ trì Tổ đình cho đến ngày viên tịch. Năm Ất Mão – 1975, đất nước thống nhất, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh được thành lập, trụ sở đặt tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ngài được cử làm Ủy viên Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố, do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm Chủ tịch. Năm Canh Thân – 1980, để tiến tới thống nhất Phật giáo cả nước, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập, do Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban, Ngài là thành viên Ban Thông tin Tuyên truyền, phục vụ cho công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam. Năm Tân Dậu – 1981, tại Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức ra đời, Ngài được cử làm Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm Nhâm Tuất – 1982, các tổ chức Phật giáo địa phương lần lượt hình thành. Trong đại hội Đại biểu Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh lần thứ I (1982) và lần thứ II (1987), Ngài được đại hội cử làm Ủy viên Kinh tế Nhà chùa và từ thiện xã hội. Năm Ất Sửu – 1985, Ngài được mời làm Giáo sư trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở II tại Thiền viện Vạn Hạnh thành phố Hồ Chí Minh. Năm Mậu Thìn – 1988, khi trường Cơ bản Phật học thành phố Hồ Chí Minh (nay là trường Trung cấp Phật học) được thành lập tại chùa Vĩnh Nghiêm, Ngài được cử làm Hiệu phó đặc trách Giám luật và Ngài giữ trọng trách này đến khi viên tịch. Năm Canh Ngọ – 1990, sau khi Hòa thượng Thích Huệ Hưng (Trưởng ban Phật giáo chuyên môn thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam) viên tịch, Ngài được Hội đồng điều hành Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam mời làm Trưởng ban Phật giáo chuyên môn đến năm 1997. Tại đại hội Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ III tổ chức vào hai ngày 20 và 21.4.1990 ở chùa Xá Lợi, Ngài được suy cử làm Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo. Năm Tân Mùi – 1991, Ngài được cử làm Phó chủ tịch Hội đồng phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam, phụ trách hiệu đính và chú thích về luật tạng. Năm Nhâm Thân – 1992, tại đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III, Ngài được suy cử làm Trưởng ban Kinh tế tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời kiêm nhiệm Phó ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương; Phó ban Phật giáo Quốc tế của Trung ương Giáo hội. Năm Giáp Tuất – 1994, khi Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam được thành lập tại Hà Nội, Ngài được mời làm Phó ban Tư tưởng Văn hóa đạo đức Phật giáo. Năm Đinh Sửu – 1997, sau đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV, Ngài được suy cử làm Chứng minh Ban Hoằng pháp Trung ương kiêm Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Và tại đại hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh lần thứ V, Ngài được cử làm Phó ban Trị sự kiêm Ủy viên Phật giáo quốc tế, rồi Trưởng ban Phật giáo quốc tế Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Với trình độ quán thông tam tạng giáo điển và triết học Đông Tây cổ kim, Ngài đã từng tham gia công tác giảng dạy, giáo dục và đào tạo Tăng tài cho Phật giáo như : Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn, trường Cao cấp Phật học, Học viện Phật giáo Việt Nam; trường Cơ bản Phật học nay là trường Trung cấp Phật học thành phố Hồ Chí Minh, mà Ngài đã dày công xây dựng và duy trì từ hơn 10 năm qua. Qua giới đức trang nghiêm thanh tịnh, mô phạm chốn tòng lâm, nên từ những thập niên 60 đến 90, Ngài đã được Giáo hội thỉnh làm Giới sư, Tôn chứng sư, Chứng minh sư trong các giới đàn như : - Tôn chứng
Tăng Già Đại giới đàn Quảng Đức (1964, 1977)
Trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Ngài đã dày công biên soạn nhiều tác phẩm văn hóa, giáo dục, Phật học được in thành sách lưu lại hậu thế như : - Diễn Thuyết
Tập, Hà Nội, 1951
Và nhiều bài viết có giá trị đăng trên các báo Phật giáo như : Phương Tiện, Đuốc Tuệ, Vạn Hạnh, Lửa Từ Bi, Giác Ngộ, Tập Văn, Phật Giáo, Tạp Chí Phật Học Hà Nội... Bằng tinh thần giới luật, qui củ tòng lâm, từ năm 1983 đến 1989, Tổ đình Vĩnh Nghiêm được Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh chọn làm nơi mở Hạ an cư cấp Thành phố, Ngài luôn luôn được cử làm Hóa chủ để chuyên lo về việc tu học, tứ sự cho chư Tăng, góp phần thành tựu các khóa kiết Hạ của Thành phố. Từ năm 1990 trở đi, Ngài làm Thiền chủ kiêm Hóa chủ các khóa Hạ do Tổ đình Vĩnh Nghiêm và trường Cơ bản Phật học tổ chức, cho Tăng Ni sinh cùng chư Tăng trong môn phái vân tập về tu học, thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới-Định-Tuệ đều nương nhờ phần lớn công đức của Ngài. Để đền đáp công ơn Sư trưởng nơi chốn Tổ xưa từng nương thân học đạo, Ngài đã cùng Sơn môn pháp phái nỗ lực trùng tu chốn Tổ Trung Hậu, tỉnh Vĩnh Phú được hoàn thành trang nghiêm tú lệ. Ngài còn chăm lo xây dựng Bảo tháp Cộng đồng; Thiền đường; Thanh trai đường tại chùa Vĩnh Nghiêm, thành phố Hồ Chí Minh, để xứng đáng là cơ sở Phật giáo tiêu biểu tại địa phương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với công đức đã cống hiến một đời cho đạo pháp và nhân sinh, xã hội, Ngài được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng Huy chương “Vì Sự Nghiệp Đại Đoàn Kết Toàn Dân” và nhiều Huy chương, bằng khen, giấy khen khác trong đó có bằng “Tuyên dương Công đức” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngày 30 tháng 12 năm 2000, nhằm ngày mùng 5 tháng Chạp năm Canh Thìn, vào lúc 1 giờ 30 phút, thuận lý vô thường, Hòa thượng đã an nhiên thị tịch, trụ thế 80 năm, 58 Hạ lạp. Môn đồ pháp quyến xây bảo tháp an trí nhục thân Ngài trong khuôn viên Tổ đình Vĩnh Nghiêm, thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc đời Ngài là một mẫu mực tài đức vẹn toàn, một bậc Chân sư chốn thiền lâm, danh tiếng Ngài cả 3 miền đất nước đều kính ngưỡng. Đạo hạnh ấy vẫn đọng mãi trong lòng Tăng Ni hậu tấn một hình bóng cao quý để tôn thờ và noi gương học tập. |
[ Trở Về ]