Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh 
HÒA THƯỢNG
THẠCH KÔONG
(1879 – 1969)

Hòa thượng Brahma Sara, thế danh là Thạch Kôong, sinh năm 1879, nhằm tháng 11 năm Kỷ Mão, tại xóm Som Rôong Êck, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình nông nghiệp thuần hậu, thân phụ là cụ ông Thạch Chănh, thân mẫu là cụ bà Sơn Thị Lăm.

Năm 1891, khi lên 12 tuổi, Ngài được cha mẹ dẫn đến chùa Som Rôong Êck (Ông Mẹc), để học chữ Khmer với Hòa thượng Huôi, trụ trì tại đây.

Năm 1896, khi được 17 tuổi, sau 5 năm học hành chữ nghĩa, Ngài xin phép song thân, cho xuất gia đầu Phật, và Ngài Huôi làm Thầy tế độ cho thọ giới Sa di cũng tại ngay chùa này.

Năm 1901, lúc 22 tuổi, Sa di Thạch Kôong được thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn chùa Som Rôong Êck, do Ngài Huôi làm Thầy tế độ, Ngài Kes trụ trì chùa Pô-thi-vong-sa-ram Chong Top (Bodhi Vansàràma) làm Thầy Yết ma, Ngài Kuch trụ trì chùa Som-Bua-Rit-Thi-Sắc làm Thầy Giáo thọ, Ngài được ban pháp danh là Brahma Sara.

Sau khi thọ đại giới, Ngài tiếp tục ở tại chùa chuyên tâm tu học, phụng Phật hộ Sư trong suốt 5 mùa Hạ. Đến năm 28 tuổi (1907), Ngài xin phép Thầy tế độ đi học pháp môn thiền (Kammatthàna) tại chùa Pháp-nôo Pro Hôth, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, với Thiền sư S-vai. Học khóa thiền được một năm, Ngài trở về bổn tự, tu hành và truyền đạt những điều học được cho các Sư chúng đồng môn, và giảng dạy các đồng bào Phật tử.

Năm 1911, khi Ngài được 32 tuổi, lại xin phép Bổn sư sang nước Cao Miên tiếp tục đi học thiền định (Gandhadhura), tại chùa K-đol, huyện Soong Kêe, tỉnh Bath Đom Boong hết hai năm. Sau đó Ngài chuẩn bị sang Thái Lan học tiếp khóa thiền nâng cao, nhưng gặp được Thiền sư Sao ở chùa Pô-Thi-Lăng-Ka-Ngoài (Bodhi Lanka) tỉnh Xiêm Rệp, Ngài bèn y chỉ vào Thiền sư Sao và về chùa này tu học thiền.

Hơn 8 năm tu học thiền tại đây, nội lực thiền định tăng tiến rất nhanh, Ngài trở thành vị Thiền sư trưởng đoàn hành thiền hạnh Đầu Đà (hành thiền ở chốn rừng núi xa lánh mọi người), nhưng vì lý do an ninh nên mỗi năm Ngài hướng dẫn các thiền sinh vào rừng núi hành thiền chỉ được 2 hoặc 3 tháng.

Ngài phát nguyện hành thiền theo hạnh Đầu Đà được 11 năm, sau đó trở lại chùa Pô-Thi-Lăng-Ka-Ngoài cùng với Thiền sư Sao và các vị trưởng lão hoằng pháp lợi sanh. Trong thời gian ở tại chùa đây, Ngài thường xuyên giảng dạy pháp môn thiền cho các Sư và đông đảo Phật tử. Các Sư ở Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cũng đến thỉnh Ngài về trụ xứ giáo huấn khóa thiền học cho mọi người.

Năm 1932, Ngài đã 53 tuổi, Ngài xin phép Thiền sư Sao để trở về chùa quê xưa, nơi đầu tiên xuất gia với Thầy tế độ là Hòa thượng Huôi. Lúc về, Ngài mang theo 2 phiến đá ở đền Ăng Kôo, và cho thợ tạc thành hai tượng Phật đứng để tôn thờ tại chùa Som Rôong Êck, cho đến nay vẫn còn. Trong năm này, thân phụ Ngài qua đời, Ngài lo việc hiếu lễ một cách chu đáo, sau đó không bao lâu, Ngài lại phải lo tang lễ cho Hòa thượng Huôi trụ trì chùa Som Rôong Êck là Thầy tế độ của Ngài. Sau khi tang lễ xong, Ngài được đồng bào Phật tử đề cử trụ trì chùa Som Rôong Êck, nối tiếp sự nghiệp hoằng hóa độ sanh của Thầy Tổ.

Từ đây, với cương vị trụ trì, lãnh đạo Tăng chúng, Phật tử, Ngài thường tham vấn với Hòa thượng Mé-Kon Sumangala Silà Sao trụ trì chùa Po-Thi-Lăng-Ka-Ngoài để tiến tu thêm đạo hạnh, và tổ chức hoạt động Phật sự.

Ngài là một vị thầy khả kính, đầy lòng từ bi nhân ái, thường xuyên giúp đỡ mọi tầng lớp dân chúng, khuyến tu cho các hàng đệ tử, trợ giúp xây dựng trường lớp. Ngài đã tạo được một ngôi học đường Pàli, và một ngôi học đường cho các Sư và con em đồng bào Phật tử học chữ Khmer-Pháp. Ngay tại chùa, Ngài tổ chức giới đàn, và cung thỉnh Hòa thượng Thiền sư Mé-Kon Sao làm Thầy Tế độ thay cho Bổn sư Huôi đã viên tịch.

Ngoài ra, Ngài còn xây cất 4 ngôi bảo tháp ở xung quanh chánh điện, một ngôi tháp ở phía dưới và 2 ngôi tháp nằm hai bên sân trước chánh điện cùng tu sửa Tăng xá, Trai đường thêm khang trang. Đặc biệt, Ngài đã viết nhiều quyển sách kinh đọc, kinh học... dày công sao chép nhiều kinh điển bằng lá muôn, như kinh : Mù La, Sùtra, Dhammapada datthakathà, Mangalatthadipanì... và Ngài đã thỉnh bộ Tam tạng bằng Pàli-Khmer ngữ, sung vào tủ kinh sách của chùa.

Năm 1937, lúc này Ngài được 38 tuổi Hạ, 58 tuổi đời, sau khi có văn thư đề bạt của Hòa thượng Mé-Kon Sao gửi đến các vị Đại lão Hòa thượng Nànaranisì Ôok chùa Kh-Tưng và Hòa thượng Visuddhi Vanisà Sơn Ly chùa Bodhisàlaraja Kom Poong, Ngài được các trưởng lão quyết định đề cử lên chức Hòa thượng, đồng thời giao phó cho Ngài thừa kế chức vị Hòa thượng Thiền sư Mé-Kon Sao. Những năm sau đó, Ngài được bầu vào chức Phó Mé-Kon tỉnh Trà Vinh và tiếp tục hoạt động Phật sự cho đến ngày viên tịch.

Trong vòng gần 10 năm cuối đời, tuy tuổi cao sức yếu, nhưng Ngài vẫn miệt mài làm việc phụng sự đạo pháp và dân tộc không ngừng nghỉ. Ngài luôn khuyên bảo các hàng đệ tử xuất gia và tại gia tiến tu học đạo, mở mang kiến thức Phật pháp và thế pháp, ngõ hầu làm tốt đời đẹp đạo sau này.

Ngày 20 tháng 11 năm Kỷ Dậu, tức ngày 29-12-1969, Ngài đã thu thần nhập diệt, trụ thế 90 năm, tuổi đạo 68 hạ lạp – Lễ tang Hòa thượng phó Mé-Kon Brahma Sara Thạch Kôong, được tổ chức long trọng và trang nghiêm trong 5 ngày đêm tại chùa Som Rôong Êck, xã Nguyệt Hóa, Châu Thành, Trà Vinh, và sau đó Lễ trà tỳ được tiến hành vào lúc 15 giờ ngày 24 tháng 11 năm Kỷ Dậu trong sự thương tiếc của hàng ngàn Tăng tín đồ Phật tử, xá lợi được cung thỉnh an vị trong Bảo tháp lớn ngay tại bổn tự lúc sinh thời của Ngài.

Hòa thượng Brahma Sara Thạch Kôong đã cống hiến trọn đời cho đạo pháp vì lợi ích chúng sinh, là một vị Thiền sư mẫu mực, đầy lòng từ bi, nhân ái. Phật giáo Khmer đã mất đi một bậc trưởng lão đức độ, mất đi chỗ dựa tinh thần bi trí vững chắc, và các thế hệ mai sau mãi ghi nhớ, noi gương tu học của Ngài.



 [ Trở Về ]