Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh 
VỊ PHÁP THIÊU THÂN
ĐẠI ĐỨC
THÍCH THIỆN HUỆ
(1948 – 1966)

Thầy Thích Thiện Huệ tục danh Nguyễn Lang, sinh ngày 05 tháng 5 năm 1948 (Mậu Tý), tại ấp Định Nhiên, xã An Nghiệp, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên, thân phụ là cụ ông Nguyễn Cương và thân mẫu là cụ bà Trần Thị Giã.

Thầy sinh trưởng trong một gia đình thuộc thành phần bần nông nhưng nhờ sự giáo dục nghiêm khắc của song thân, dựa vào nền tảng đạo lý truyền thống tín ngưỡng Phật đạo nhiều đời, nên đức tính điềm đạm và sự hiểu biết về mọi nghĩa vụ đã sớm được phát triển.

Năm Quý Tỵ (1953), không như những đứa trẻ khác, khi vừa tròn 5 tuổi, Thầy đã được học thẳng vào lớp 5 (lớp Một ngày nay) mà không phải qua các năm vỡ lòng nơi trường làng, đã khiến nhiều người ngạc nhiên, khâm phục và không ngớt lời ca ngợi sức dạy dỗ của phụ thân Thầy. Từ đó, con em các gia đình chung quanh đều được cha mẹ họ khuyến khích cho chơi thân để phần nào chịu sự ảnh hưởng đáng quý đó nơi Thầy.

Nhờ vào mối quan hệ rộng rãi sớm sủa đó mà trong suốt quảng đời niên thiếu cho đến lúc trưởng thành, Thầy đã huân tập được rất nhiều hiểu biết cần thiết. Những năm trung học là thời gian tìm hiểu Phật học thêm lớn dần theo chí tham cầu học hỏi. Các bạn bè thêm những mối thân mới, nhưng cũng đều gặp nhau trong lý tưởng Phật đà, khiến con đường đến với đạo của Thầy không còn khoảng cách xa nữa.

Năm Quý Mẹo (1963), cùng theo kiến thức Phật học của mình lớn lên với cả một niềm tự hào về một tôn giáo lớn của dân tộc, cũng là nỗi đau khi Phật giáo đang đứng bên bờ vực sự kỳ thị của chính quyền Ngô Đình Diệm, đã làm Thầy và các bạn bật dậy hành động cùng nhau bãi khóa, xuống đường và tham gia tuyệt thực cùng với hàng ngàn tôn đức Tăng ni, Phật tử toàn tỉnh và miền Nam Việt Nam. Đó là quảng đời đáng nhớ nhất của Thầy và bạn hữu. Càng đáng nhớ hơn là tên tuổi Thầy đã bị mật vụ luôn đón lỏng trước cổng trường để hòng bắt Thầy cùng các bạn. Những lúc như thế, Thầy và các bạn như những con sóc khôn lanh, lòn lách theo bản năng của tuổi trẻ năng động. Khi mối đe dọa đến mức phải tạm lánh xa trường học, gia đình, Thầy cùng các bạn phải sống dưới nhiều dáng vẻ, đến cả làm “lũ hành khất trẻ”, khiến mật vụ không ít phen điên đầu khổ nhọc đối phó.

Năm Giáp Thìn (1964), khi chế độ độc tài Ngô Đình Diệm sụp đổ theo tham vọng bạo quyền thì sự an lành tạm đến với Phật giáo, cũng là đến với thời tuổi trẻ của Thầy. Từ đây, Thầy ra sức học hành để bù lại thời gian biến động ấy. Kết quả tiến bộ rõ nét hơn bao giờ hết.

Hình ảnh chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử xả thân vì đạo pháp luôn khắc đậm trong tâm khảm, khiến lòng khâm phục, ngưỡng mộ nơi Thầy thêm rạng rỡ thôi thúc. Đặc biệt các bậc Tử Đạo đã đem thân mình làm đuốc soi sáng nẽo u minh, đã nêu bật lý tưởng về một vị Tăng sĩ ngày thêm cao đẹp nơi Thầy. Từ đây ý nguyện xuất gia đã rạo rực nơi trái tim trẻ trung chân chính của Thầy.

Ngày 18 tháng 4 năm 1964, khi 16 tuổi, Thầy được phép song thân cùng vài bạn hữu khác đến chùa Từ Ân ở Tuy An xin xuất gia, được Thượng tọa Thích Từ Viên, đặt pháp danh là Quảng Trí, pháp tự Thiện Huệ. Nhờ vào căn bản Phật học vốn đã có từ lâu, cộng vào lòng thiết tha với Phật đạo, nên khi đã thọ giới xuất gia Thầy tỏ ra vượt trội hơn bạn đồng tu, khiến thầy Tổ, pháp lữ càng thêm tin tưởng hy vọng.

Năm Ất Tỵ (1965), Bổn sư đã gởi Thầy vào tu học tại chùa Tu Bông, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây sở học của Thầy càng được củng cố và được sự quý mến của Tăng chúng. Tuổi 17 tận dụng sức khỏe đang thời sung mãn, Thầy tự nguyện gánh vác các công việc nặng nhọc thay cho chư huynh đã lớn tuổi hoặc bận học ở cấp cao hơn.

Năm Bính Ngọ (1965), Thầy được phép đăng đàn thọ Sa di giới tại ngôi chùa đang trú xứ. Bổn sư truyền giới cho Ngài là Hòa thượng Thích Thiên Sơn.

Đó cũng là năm Phật giáo đang lâm vào cuộc khủng hoảng mới, Giáo hội cũng đang đi đầu trong cuộc đấu tranh cho một nền dân chủ lập hiến và vận động chấm dứt chiến tranh, Thầy có đủ nhận thức để nhìn sâu vào cục diện đất nước và Giáo hội hiện thời. Do vậy mà đã không ít lần Thầy phải tự hỏi tại sao Phật giáo – một tôn giáo vốn dĩ thiết tha yêu hòa bình và thực thi hạnh từ bi cao đẹp của nhân loại, lại phải luôn gặp những chướng duyên ? Lúc này đây, máu xương Tăng tín đồ lại tiếp tục đổ và đã có không ít ngọn lửa tự thiêu thân làm hồi chuông cảnh tỉnh. Những người vốn thiết tha với tiền đồ chánh pháp sẽ không còn đủ thời gian để tự vấn hoặc đơn lẻ buông mãi lời tiếc than, khi hàng loạt sự kiện đau lòng liên tục đổ ập vào thân phận Phật giáo Việt Nam.

10 giờ 30 phút sáng ngày 1.6.1966, tin Thượng tọa Thiện Minh bị ám sát hụt đã lan nhanh mọi nơi, khiến tất cả những người con Phật đều bàng hoàng sửng sốt, trong đó có Thầy. Và như một động lực mạnh mẽ thôi thúc, Thầy quyết định về Sài Gòn để thực hiện một việc có ý nghĩa. Tiếc rằng ý định đó, Thầy không thể thực hiện được ở đó, vì chính quyền đã chốt chặt mọi nơi để ngăn ngừa, nên ngay buổi trưa hôm ấy, Thầy đến Gò Giếng Nước Nóng tại ấp Tân Phước, xã Vạn Phước, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, đã tự châm ngọn lửa thiêu thân, làm ngọn đuốc ngưỡng vọng từ phương xa, gởi chư tôn đức kính yêu và soi đường cảnh tỉnh nẽo u minh mà chính quyền đang bước sâu vào tội ác.

Hôm ấy nhằm ngày 13 tháng 4 năm Bính Ngọ (1.6.1966) – Phật lịch 2510, Ngài đã hiến dâng tuổi trẻ đầy hoài bão của mình cho chân lý Phật giáo, Thầy hưởng dương 18 tuổi xuân, với 2 tuổi nhập đạo, và hạnh nguyện Vị pháp thiêu thân của Thầy là tín hiệu nhập lưu thánh chủng ở mai sau.

Khi tổ chức lễ an táng của Thầy, Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa đã phát hiện ba bức thư Thầy viết tự bao giờ để gửi :

- Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa.
- Bổn sư Thích Từ Viên.
- Và gởi cho gia đình.



 [ Trở Về ]