Phật Lịch 2539 – 1995 TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II Thích Đồng Bổn Chủ biên Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh |
THƯỢNG TỌA THÍCH TIÊU DIÊU (1892 – 1963) Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu, pháp danh Tâm Nguyện, tục danh là Đoàn Mễ, sinh năm Nhâm Thìn (1892) tại làng An Truyền (tức làng Chuồn), quận Hòa Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế (cách thị xã Huế 10km về hướng Đông Nam). Gia đình Ngài luôn được kính trọng trong xã hội, rất giàu có nhưng sống khiêm tốn hòa đồng nên được lòng những người chung làng. Ngay từ thời niên thiếu, Ngài đã sớm chuyên cần trong việc trau dồi kiến thức và đã bộc lộ tính chất thông minh qua các cách lý giải thời cuộc, nhận định thế thái nhân tình, khiến những vị khách của thân phụ Ngài trong những dịp đàm đạo, đối ẩm tại tư gia đều khâm phục. Do đó, Ngài được song thân hết sức thương yêu và luôn đặt để nhiều hy vọng mai hậu. Năm Kỷ Dậu (1909), Ngài phải vâng lời song thân thành lập gia đình khi vừa tròn 18 tuổi. Được vun đắp và thừa hưởng hạnh phúc trong niềm tin tưởng vô biên của một gia đình có truyền thống thuần thành Phật đạo, các người con của Ngài sau này cũng nương thừa phước báu ấy, sống hữu ích cho đời, cho đạo một cách tích cực. Năm Canh Ngọ (1930), nhận thấy các con đều đã lớn khôn, sau khi sắp đặt các mối liên hệ gia đình đầy đủ và ổn thỏa, Ngài liền đến chùa Tường Vân tại làng Dương Xuân Thượng cầu xin xuất gia với Hòa thượng Tịnh Khiết, được ban pháp danh là Tâm Nguyện, pháp hiệu Tiêu Diêu. Năm đó Ngài ba mươi chín tuổi. Thời điểm này, việc chấn hưng Phật giáo phát triển khắp ba miền đất nước, tạo thành một phong trào học Phật rầm rộ sau hằng bao năm dài mờ nhạt tiềm tàng bởi thực dân đô hộ.Vì Ngài xuất gia muộn và đã có gia thế riêng nên Hòa thượng Bổn sư đặt pháp danh cho Ngài là “Tâm Nguyện”, đồng thời chấp thuận ước nguyện tự lực phấn đấu tu học, cho đến nào khi tự thân Ngài cảm thấy xứng đáng với tư cách một Tỳ kheo mới xin thọ giới. Đó là phong cách rất đáng trân trọng nơi Ngài. Năm Nhâm Thìn (1952), Ngài được đăng đàn thọ Cụ túc giới. Để có thời gian tu học, Ngài xin phép Hòa thượng Bổn sư cho lên một nơi thanh vắng ở ngọn đồi sau vườn chùa Châu Lâm, dựng một am tranh nhỏ để tiện nhập thất tu niệm. Ngài chọn nếp sống khổ hạnh thiểu dục tri túc, mỗi hai ngày mới dùng một bữa ngọ. Ngài không ngại gian lao, thường xuyên theo dự học tại các trường Phật học Tây Thiên, Linh Quang... Năm Quý Mão (1963), năm mà tất cả những người lương thiện còn chút lòng tự tôn dân tộc và Phật tử thiết tha với đạo pháp đều không thể đứng ngoài cuộc, Ngài quyết định đến chùa Từ Đàm, là trung tâm lãnh đạo phong trào Phật giáo ở Huế để tiện việc dấn thân, tranh đấu cho 5 nguyện vọng Phật giáo đồ Việt Nam. Không một cuộc biểu tình, xuống đường, tuyệt thực hay cầu an cầu siêu nào cho cuộc đấu tranh và cho những người hy sinh vì đạo pháp mà Ngài không có mặt. Người dân cố đô Huế luôn thấy hình ảnh vị Sư già yếu ấy, có mặt trước tiên và bền bĩ ở khắp mọi nơi có làn sóng biểu thị. Ngài không quên mình là đệ tử của Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam và là đương kim Lãnh đạo tối cao Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, người đã luôn tích cực dấn thân nơi đầu sóng ngọn gió, chẳng quản tuổi cao sức yếu. Tấm gương đó không chỉ để Ngài tự hào, mà phải nghĩ đến việc tự thân phải làm sao cho xứng đáng một người đệ tử của bậc cao Tăng khả kính ấy. Đó vừa là cách báo đáp công ơn tiếp độ, vừa thể hiện trách nhiệm người tu sĩ trước vận mệnh tối đen của đạo pháp, dân tộc. Tình trạng đàn áp Phật giáo đồ khắp mọi nơi của chính quyền Ngô Đình Diệm đã không ngừng mà còn gia tăng khốc liệt. Những tin tức chẳng lành từ khắp nơi liên tiếp đưa về khiến lòng Ngài càng thêm đau buồn lo ngại. Đặc biệt, ngọn lửa hùng lực dũng trí của Hòa thượng Quảng Đức (11.6.1963), tiếp đến là của Đại đức Nguyên Hương (04.8.1963), Đại đức Thanh Tuệ (13.8.1963), Ni cô Diệu Quang (15.8.1963) đã làm chấn động lương tri khắp cả nhân loại yêu công lý, tự do và bình đẳng. Nhưng chỉ riêng gia đình nhà Ngô là vẫn tiếp tục điên cuồng nhắm đến một kế hoạch lớn là thủ tiêu Phật giáo. Thông tư mang tính nhân bản và từ bi của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo ngày 14.8.1963 nhằm “kêu gọi Tăng Ni hạn chế tự thiêu cúng dường Tam bảo” vẫn chưa đủ sức hạn chế sự căm phẫn, xót xa của hàng triệu Tăng tín đồ khắp mọi nơi. Hơn thế nữa, bản thông cáo chung giữa chính quyền và Phật giáo ký kết ngày 26.6.1963 mà người hạ bút ký vào đó không ai khác hơn là Ngô Đình Diệm, nhưng Diệm đã phản bội bản thông cáo chung đó, khiến Phật giáo đồ Việt Nam phải tiếp tục cuộc đấu tranh. Trong những tháng ngày tuyệt thực, đấu tranh, biểu tình, xuống đường và cả những khi bị bắt bớ giam cầm, Ngài luôn nghĩ phải tìm ra một phương cách phản kháng mạnh mẽ nhất : tự thiêu thân để bày tỏ sự phản kháng của mình, hy vọng làm bừng tỉnh lương tâm những kẻ chủ trương kỳ thị và đàn áp Phật giáo. Ngày 16 tháng 8 năm 1963, lúc 4 giờ sáng, ngay tại sân chùa Từ Đàm, nơi lãnh đạo cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo miền Trung, Ngài tự châm ngọn lửa thiêu đốt thân mình, để soi sáng vô minh và nhắn nhủ hậu sinh về sự kiên cường bất khuất, dũng lực trong mọi nghịch chướng. Ngài trụ thế 71 tuổi đời, với 32 tuổi đạo, để lại lịch sử đấu tranh của Phật giáo nét son vĩnh cửu của một bậc Vị pháp thiêu thân hiến dâng cho sự nghiệp chung. |
[ Trở Về ]