Phật Lịch 2539 – 1995 TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II Thích Đồng Bổn Chủ biên Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh |
THÍCH CHÁNH QUẢ (1885 – 1956) Hòa thượng Thích Chánh Quả, pháp hiệu Ngộ Giác, truyền thừa đời thứ 40 dòng Lâm Tế Đạo Mẫn. Ngài thế danh Phạm Văn Ngưu, sinh năm Canh Thìn 1880 tại làng Tân Hòa, tỉnh Vĩnh Long. Năm Ất Mão 1915, giác ngộ thế gian vô thường, Ngài tìm đến chùa Giác Hải (Chợ Lớn) xin quy y thế phát với Hòa thượng Tổ Thích Từ Phong, được Tổ cho pháp danh là Chánh Quả, pháp hiệu là Ngộ Giác. Sau khi xuất gia, dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của Tổ Từ Phong, Ngài chuyên tâm tu học kinh luật thiền môn, rèn trau giới hạnh. Năm Bính Thìn 1916, Ngài được Tổ trao truyền Sa di giới tại chùa Giác Hải. Kế đến, được Tổ cho đăng đàn thọ Tỳ kheo-Bồ tát giới tại trường Kỳ chùa Giác Lâm cùng trong năm này. Năm Mậu Ngọ 1918, nhờ học lực uyên thâm, giới đức minh tịnh, Ngài được Tổ đề cử giảng bộ Long Thơ Tịnh Độ tại đạo tràng chùa Giác Hải. Từ đó danh tiếng của Ngài được Tăng Ni, tín đồ khắp lục tỉnh biết đến. Năm Nhâm Tuất 1922, Ngài được cung thỉnh giảng dạy Luật học cho Tăng Ni an cư tại trường Hương chùa Long Phước, Vĩnh Long. Từ năm Kỷ Tỵ 1929 đến năm 1950, Ngài về trụ trì chùa Kim Huê (Sa Đéc). Tại đây, Ngài mở lớp gia giáo giảng dạy kinh luật cho chư Tăng khắp lục tỉnh quy ngưỡng về tu học rất đông. Đạo tràng đào tạo nhiều bậc cao Tăng đã góp phần rất lớn trong phong trào chấn hưng Phật giáo như : Hòa thượng Hành Trụ, Thiện Tường, Thới An, Huệ Hưng, Từ Nhơn... Năm Tân Mùi 1931, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học do chư Hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, Thiên Trường, Bổn Viên... thành lập, Hội quán đặt tại chùa Linh Sơn (Sài Gòn). Ngài được mời làm hội viên sáng lập. Năm Giáp Tuất 1934, Ngài được bầu làm Hội trưởng Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học đến năm 1935. Trong thời gian này, Ngài tham gia giảng dạy tại các trường Hương ở miền Tây. Ngoài ra, Ngài cũng cộng tác viết bài cho tạp chí Từ Bi Âm, tiếng nói của Hội. Năm Đinh Sửu 1937, khi Hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập tại Trà Vinh, Ngài được mời làm Chứng minh và cộng tác viết bài cho báo Duy Tâm, cơ quan ngôn luận của Hội. Năm Bính Tuất 1946, do Ni chúng theo học rất đông mà chùa Kim Huê chỉ đủ chỗ cho Tăng chúng, Ngài thành lập Phật học Ni viện tại chùa Phước Huệ (Sa Đéc) để tập trung giảng dạy cho Ni chúng. Năm Mậu Tý 1948, để tục diệm truyền đăng, Ngài khai Đại giới đàn truyền giới cho học Tăng tại Phật học viện chùa Kim Huê, giới tử có Hòa thượng Huệ Hưng, Trí Châu... thọ Cụ túc giới trong đàn giới này. Đương thời, Ngài là một bậc cao Tăng rất nổi danh khắp miền Tây lục tỉnh Nam kỳ nên Tăng Ni quy ngưỡng tựu về tu học rất đông. Đệ tử xuất gia, cầu pháp với Ngài cũng rất nhiều, đa số đã trở thành trụ cột của phong trào chấn hưng Phật giáo như : Hòa thượng Huệ Hưng, Huệ Phát, Huệ Thông, Huệ Hòa... chư Ni như : Ni trưởng Như Thanh, Như Ngọc, Chí Kiên, Như Hòa, Như Nhẫn, Phước Hiển... Năm Bính Thân 1956, tuổi hạc đã cao, nhận biết duyên sắp mãn, Ngài thu xếp mọi việc, phó chúc Phật sự cho đệ tử rồi niệm Phật chờ ngày vãng sanh. Vào buổi trưa lúc 12 giờ ngày 13 tháng Giêng năm Bính Thân, Ngài an nhiên thu thần thị tịch tại chùa Kim Huê, trụ thế 76 năm, công hạnh tròn 40 Hạ lạp. Sự nghiệp hoằng hóa Phật pháp suốt đời của Ngài đã trợ duyên rất lớn cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Tây Nam bộ, góp phần phát triển Phật giáo rộng khắp ở giai đoạn nửa sau của thế kỷ. |
[ Trở Về ]