Phật Lịch 2539 – 1995 TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP II Thích Đồng Bổn Chủ biên Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh |
THÍCH TỪ NHẪN (1899 – 1950) Hòa thượng Thích Từ Nhẫn, pháp húy Như Đắc pháp hiệu Từ Nhẫn, nối pháp đời thứ 39 thiền phái Lâm Tế, dòng Đạo Bổn Nguyên, Ngài thế danh Lê Ngọc Thập, sinh năm Kỷ Hợi – 1899 (năm Thành Thái thứ 11) tại làng Long Hậu Tây, tổng Phước Điền Hạ, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An). Thân phụ là cụ ông Lê Ngọc Trạch, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Hội. Ngài sinh trưởng trong một gia đình mà nội ngoại đều chuyên làm việc thiện, vun trồng cội phúc. Ngày nay, trên đường quốc lộ 50 đi từ quận 8 xuống Gò Công, người ta phải qua một cây cầu nổi tiếng từ lâu. Đó là cầu Ông Thìn. Ông Thìn chính là nội Cao tổ của Ngài, húy danh là Lê Công Thìn. Đương thời dân chúng qua lại sông Rạch Cát ở khu vực này phải dùng đò ngang. Gặp những lúc mưa gió, hai bên bờ sông bùn lầy trơn trượt, để tránh cho bà con thoát khỏi cảnh ấy, ông Thìn đã tự xuất tiền của thuê người, mua cây mua vật liệu, bắc một chiếc cầu để cho mọi người qua lại mà không phải dùng đò ngang nữa. Từ đó, cây cầu được mang tên Ông Thìn. Về sau cầu được người Pháp xây bằng xi măng và ngày nay được Nhà nước xây lại kiên cố, nhưng cái tên cầu Ông Thìn vẫn tồn tại mãi với quê hương. Thân sinh Ngài làm giáo viên trường Cần Giuộc, hết lòng đào tạo lớp hậu tiến, truyền dạy đạo lý làm người, nhất là truyền thống yêu nước của nhân dân ta nói chung, Cần Giuộc nói riêng. Học trò của ông nhiều người thành đạt, có nhân cách. Ngoại Tổ Ngài là bà Huỳnh Thị Sách, là người rất đỗi nhân từ, thương kẻ khó giúp người hiền, cúng chùa chiền, nuôi Tăng chúng, trong lân lý ai cũng quý mến. Đặc biệt bà có lập một bến đò qua sông Rạch Dơi ở làng Long Hậu Tây, để người chèo đò cho dân làng qua lại mà không lấy tiền. Vì vậy, trong làng xóm người ta nói với nhau : “Muốn qua sông thì đến bến đò bà Tổng Sách”. Nguyên từ lúc 4 tuổi, Ngài đã mồ côi mẹ, được bà ngoại đem về nuôi. Kế thừa hai dòng máu đầy từ tâm ấy, Ngài đã sớm giác ngộ con đường giải thoát của Như Lai ngay từ lúc còn nhỏ tuổi. Năm 14 tuổi, khi đến chùa Giác Hải lễ Phật, Ngài đã được Hòa thượng Như Nhẫn – Từ Phong khuyến tấn khai thị pháp môn niệm Phật. Nhờ có tiền duyên ấy, Ngài sớm nhận thấy đời người đắm chìm trong kiếp luân hồi sanh tử, nên không lưu luyến cảnh nhà cao, đất rộng, của cải bạc vàng, vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Ất Mão 1915, lúc được 16 tuổi, Ngài rũ bỏ tất cả, âm thầm ra đi tìm thầy học đạo. Ngài đi đến chùa Linh Nguyên ở Đức Hòa, cầu xin Hòa thượng Chơn Hương – Minh Phương thâu nạp làm đệ tử. Hòa thượng thấy Ngài còn niên thiếu mà đã có lòng mộ đạo, nên chấp nhận thế độ, đặt pháp hiệu là Từ Nhẫn. Từ đó Ngài chuyên cần tu học, sốt sắng công quả hằng ngày, ham tìm học kinh; luật; luận nên Hòa thượng Bổn sư rất thương mến, thường riêng dạy truyền giáo pháp. Năm Mậu Ngọ (1918), nhân dịp chùa An Lạc ở thôn Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, Hòa thượng Chánh Hạnh khai trường Kỳ, Ngài được Bổn sư giới thiệu tới nhập Kỳ thọ Sa di giới. Qua năm sau Kỷ Mùi (1919) tại chùa Diệu Giác ở xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, Hòa thượng Trí Thắng khai trường Kỳ, Ngài cũng được Bổn sư giới thiệu đến nhập Kỳ xin thọ Cụ túc giới. Sau khi thọ giới trở về, Ngài được Bổn sư đặt pháp húy là Như Đắc, nối pháp đời thứ 39 dòng Đạo Bổn Nguyên. Lúc này Ngài vừa tròn 20 tuổi. Vào ngày 27 tháng 10 năm Canh Thân (1920), nhân có lời thỉnh nguyện của các đạo hữu chùa Thới Bình ở làng Phước Lại, quận Cần Giuộc, Ngài được Bổn sư cử về đó trụ trì. Khi Ngài về đây thì chùa đã dột nát nhiều, Ngài đứng ra vận động thập phương đóng góp để trùng tu chùa được khang trang, tạo nên cảnh già lam thắng địa nơi thôn dã. Từ ngôi chùa này, Ngài Từ Nhẫn khởi bước hoằng dương chánh pháp, đem lợi lạc đến cho chúng sinh, được nơi nơi biết đến. Sau đây là đơn cử một số công đức của Ngài: - Năm Canh Thân (1920), Hòa thượng Quảng Phát ở chùa Phú Long làng Phú Nhuận, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ, Ngài được thỉnh làm Đệ lục Tôn chứng. - Năm Tân Dậu (1921) ngày 10 tháng 10 Âm lịch, chùa Thiền Tông ở thôn Bình Thạnh, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ tam Tôn chứng. Cùng năm ấy, Hòa thượng Diệu Đại ở chùa Tịnh Độ làng Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ vào ngày 6 tháng Chạp Âm lịch, thỉnh Ngài làm Đệ nhất Tôn chứng. - Năm Nhâm Tuất (1922), Hòa thượng Hoằng Nghĩa ở chùa Giác Lâm làng Phú Thọ, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ nhất Tôn chứng. Cùng năm đó, ngày mồng 8 tháng 7 Âm lịch, Hòa thượng Ngộ Thông tại chùa Châu Long làng An Bình Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho, mở trường Kỳ thỉnh Ngài làm Đệ nhị Tôn chứng. Tại chùa Tam Bảo làng Vĩnh Thanh Vân tỉnh Rạch Giá, vào tháng 9 Âm lịch, Hòa thượng Trí Thành mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ tứ Tôn chứng. - Năm Quý Hợi (1923), Hòa thượng Minh Giảng chùa Phước Lâm ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ ngũ Tôn chứng. Cùng năm đó, ngày mồng 8 tháng 7 âm lịch, chùa Sắc Tứ Tập Phước tại xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định mở trường Kỳ, thỉnh Ngài làm Đệ nhất Giáo thọ. - Năm Giáp Tý (1924), Hòa thượng Như Hóa ở chùa Đại Giác làng Nhị Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa mở trường Kỳ, cung thỉnh Ngài làm Đệ nhất Giáo thọ. Cùng năm ấy, sau lễ Phật Đản, chùa Khánh Lâm ở làng Tân Sơn Nhất mở trường Hương, thỉnh Ngài làm Phó Trị sự cùng chúng Tăng ở lại an cư kiết Hạ. - Năm Ất Sửu (1925) tại chùa Sắc Tứ Phước Quang làng Phước Lộc, tổng Nghĩa Hạ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung, Hòa thượng Tăng Cang mở trường Hương, mời Ngài làm Phó Duy Na cùng chúng Tăng an cư kiết Hạ. Đến ngày mồng 8 tháng 7 Âm lịch mãn Hạ, chùa mở tiếp trường Kỳ, Hòa thượng Tăng Cang lại mời Ngài làm Thạc đức Giáo thọ. Tại trường Kỳ này, Ngài gặp được Thiền sư Tra Am - Viên Thành, do mến đức tài đã mời Ngài ra kinh đô Huế dự lễ chúc hộ vua Khải Định tại chùa Sắc tứ Báo Quốc, được Hoàng Thái hậu Khôn Nghi hiệp cùng triều đình ban thưởng ngân tiền, nhà vua xuống chỉ phong Ngài phẩm vị Hòa thượng và biểu ngạch Sắc tứ Thới Bình tự. Thời gian ở Kinh đô Huế, Ngài đã đến hội kiến Hòa thượng Tâm Tịnh, Hòa thượng Hải Hội và thường lui tới đàm luận đạo lý với Thiền sư Tra Am - Viên Thành ở chùa Ba La Mật. Rời kinh đô Huế, Ngài tiếp tục lên đường vân du ra Hà Thành đất Bắc. Do tiếng tăm đạo đức của Ngài vang xa, lại được các nhựt báo đưa tin vua Khải Định sắc phong, nên đi đến đâu Ngài cũng được nghênh tiếp trọng thể. Viếng thăm các Phật tự, danh lam và yết kiến chư Tôn đức xứ Bắc một thời gian, cuối tháng Chạp năm Bính Thìn (1926), Ngài xuống tàu thủy trở về miền Nam. Chuyến đi vân du Trung Bắc của Ngài trải qua 10 tháng. - Năm Quý Mão (1927) chùa Long Khánh ở thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định mở trường Hương, thỉnh Ngài làm Thiền gia Pháp chủ Kiếm Bố Tát Hòa thượng. Khi mãn trường Hương, chùa mở tiếp trường Kỳ, Hòa thượng Chánh Nhơn thỉnh Ngài làm Đệ nhất Yết ma. Trước đó, nhằm ngày 16 tháng 2, chư Sơn và quan viên, hương chức làng Phước Lại nhất tâm làm tờ thỉnh nguyện, có viên chủ quận Cần Giuộc chứng thực, viên chủ tỉnh Chợ Lớn chuyển đạt lên triều đình chiếu phê tôn tặng Ngài là “Quốc Ân Đại Hòa Thượng”. - Năm Mậu Thìn (1928) tháng 4 Âm lịch, chùa Hưng Long ở ngã 6 Chợ Lớn mở trường Hương, thỉnh Ngài làm Minh Đàn Hòa thượng. Đến tháng Bảy mãn trường Hương, chùa mở tiếp trường Kỳ, Hòa thượng Huệ Quang thỉnh Ngài làm Đệ nhất Yết ma. - Năm Kỷ Tỵ (1929) tháng 4 Âm lịch, chùa Kiến Phước ở làng Vĩnh Kim, tổng Thuận Bình, tỉnh Mỹ Tho mở trường Hương, Hóa chủ là Bửu Thông Yết Ma, Chủ hương là Thiện Niệm Yết ma chùa Viên Giác, cùng thỉnh Ngài làm Thiền chủ Hòa thượng, ở lại cùng Tăng chúng an cư kiết Hạ 3 tháng và chưởng quản thiền môn. - Năm Canh Ngọ (1930) nhằm ngày 19 tháng 2 Âm lịch, tại chùa Sắc tứ Thới Bình có làm lễ lạc thành trùng tu và mở trường Kỳ chúc thọ giới đàn, chư Sơn trong miền hiệp cùng quan viên, hương chức tôn Ngài thăng vị Đường đầu Hòa thượng. Tháng 4 Âm lịch cùng năm, chùa Viên Giác ở Bến Tre mở trường Hương. Chủ Hương là Thiện Niệm Yết ma thỉnh Ngài làm Bố tát Hòa thượng, đồng thời trường Hương ở chùa An Phước ở Sa Đéc, Chủ Hương là Chánh Tín Yết ma cũng thỉnh Ngài làm Bố tát Hòa thượng. Điều đó chứng tỏ đạo hạnh và uy tín của Ngài trong chốn thiền lâm rất là cao trọng. Nửa tháng ở Bến Tre, nửa tháng lên Sa Đéc, Ngài phải hành cước khứ lai đem pháp vũ thấm nhuần cho Tăng chúng, khiến trong giới Tăng già hay hàng tứ chúng thảy đều tán thán công đức của Ngài. Đến ngày 20 tháng 10 Âm lịch, chùa Linh Sơn Tiên Thạch ở núi Điện Bà tỉnh Tây Ninh mở trường Kỳ, Hòa thượng Chánh Khâm thỉnh Ngài làm Chứng Đàn Hòa thượng. - Năm Quý Dậu (1933) vào ngày 12 tháng 3 Âm lịch, chùa Giác Viên ở Chợ Lớn mở trường Kỳ, Hòa thượng Thạnh Đạo thỉnh Ngài làm Chứng đàn Hòa thượng. Ngày 8 tháng 4 năm đó, chùa Giác Hoàng ở làng Tân Thới Nhứt, tổng Bình Thạnh Hạ, tỉnh Gia Định (Bà Điểm) mở trường Hương. Chủ Hương là Yết ma Bửu Đạt thỉnh Ngài tái vị Thiền chủ Hòa thượng chưởng quản bên Tăng giới An cư kiết Hạ ba tháng. Đến ngày 11 tháng 8, chùa Sắc tứ Thiên Tôn ở Thủ Dầu Một mở trường Kỳ, Hòa thượng Từ Phong thỉnh Ngài làm Chứng đàn Hòa thượng. Năm Giáp Tuất (1934) chủ chùa Đông Thạnh, ở làng An Đông Xã, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định là Tỳ kheo ni Diệu Thọ hiệp với bà Montel thiết lập thủy lục trai đàn cầu siêu cho những kẻ bạc số chết đuối trên các sông rạch từ Tây Ninh, Gò Dầu, Trảng Bàng, Lộc Giang, Bến Lức, Thủ Thừa, Nhựt Tảo, Bến Ba, Bao Ngược, kinh Nước Mặn, Thủ Bộ, Cần Giuộc, rạch Cát Hạ, Chợ Lớn đến Thị Nghè, cầu Bình Lợi, Gò Vấp, Thủ Dầu Một, Bến Thế, Thủ Thiêm. Vì trai đàn quá lớn, phạm vi cử hành lễ cầu siêu quá rộng, nên phải xin phép và được sự chấp thuận của các viên chủ tỉnh Tây Ninh, Gia Định, Thủ Dầu Một, chủ quận Hóc Môn, Thủ Đức. Trai chủ đã cung thỉnh Giáo thọ Thiện Huệ chùa Giác Tánh làm chủ sự, Ngài Từ Nhẫn làm Hòa thượng Chứng minh. Trai đàn kéo dài trong 5 tháng 20 ngày, tổng cộng 23 tuần lễ. - Năm Mậu Dần (1938) chùa Phước Thạnh ở Trảng Bàng mở giới đàn do Giáo thọ Thiện Toàn chủ trì, thỉnh Ngài làm Chứng minh kiêm Bố tát Hòa thượng. - Năm Kỷ Mão (1939) chùa Phước Chỉ ở Trảng Bàng, Yết ma Quảng Vân mở giới đàn, thỉnh Ngài làm Chứng minh kiêm Trị sự Hòa thượng. - Năm Canh Thìn (1940) chùa Thái Nguyên ở làng Bình Trưng, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định mở giới đàn. Hòa thượng Thiện Huệ làm Chủ Hương, thỉnh Ngài làm Chứng minh Trị sự kiêm Bố tát Hòa thượng. Trên đây lược kê công đức hoằng pháp độ sinh của Ngài Từ Nhẫn, khắp trên các miền đất nước, từ Thừa Thiên – Huế vào đến miền Đông, miền Tây lục tỉnh. Trong lúc đó Ngài cũng không quên kiến tạo và trùng tu các ngôi Tam bảo để có nơi cho Tăng Ni tu hành và Phật tử chiêm bái tụng kinh, nghe pháp. Ngoài việc trùng tu chùa Thới Bình ở làng Phước Lại khi Ngài mới tới đây làm trụ trì năm 1923, Ngài còn trùng tu chùa Linh Nguyên ở Đức Hòa, là nơi Ngài xuất gia đầu Phật và là chùa Tổ nơi Bổn sư Ngài hành đạo, đã bị mối mọt xuống cấp nhiều vào năm 1936. Về khai sơn tạo tự, Ngài đã lập ngôi chùa mới là Chưởng Phước tự tại làng Long Hậu Tây là nơi sinh quán của Ngài vào năm 1935, và chứng minh cho hàng Cư sĩ lập chùa mới Kỳ Viên ở làng Phú Nhuận. Ngài còn lập hai ngôi tịnh thất trong khuôn viên chùa Thới Bình năm 1932 và chùa Chưởng Phước năm 1936, cả hai ngôi tịnh thất này đều được Ngài đặt tên là “Linh Thoại Ứng tịnh thất” và “Từ Tâm tịnh thất” là nơi hàng năm Ngài nhập thất khi không dự các trường Hương. Năm Canh Dần (1950) sự vô thường sanh tử chợt đến với bậc cao Tăng khả kính giữa lúc phong trào chấn hưng Phật giáo đang nở rộ ở Nam kỳ lục tỉnh. Ngài thị tịch vào ngày 19 tháng 9 năm Canh Dần (1950), trụ thế 52 năm, giới lạp 31 mùa Hạ, để lại bao thương tiếc cho thiền lâm tứ chúng. Bảo tháp của Ngài được dựng tại chùa Linh Nguyên, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa. Linh vị Ngài được tôn thờ cho đến ngày nay tại Tổ đường chùa Giác Lâm, quận Tân Bình. Chính do công lao đóng góp của Ngài cho Đạo pháp mà đương thời tên tuổi Ngài được ghi vào thành tích hóa độ cùng với nhiều danh nhân, thượng trí, đại đức trong một cuốn sách nhan đề : “Kim Bửu Thư” với bức chân dung của Ngài phía dưới ghi dòng chữ “Đại Giác Chí Tôn Quốc Ân đại Hòa thượng”. |
[ Trở Về ]