Phật Lịch 2539 – 1995 TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I Thích Đồng Bổn Chủ biên Th nh Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn h nh |
THÍCH TÂM HOÀN (1924 - 1981) Hòa thượng Tâm Hoàn, thế danh là Nguyễn Hướng, pháp danh Tâm Hoàn, tự Giải Quy, hiệu Huệ Long, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 43. Ngài sinh ngày 12 tháng 02 năm Giáp Tý (1924),tại làng Phú Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình Nho giáo, thân phụ là ông Nguyễn Phước Trì, thân mẫu là bà Lê Thị Chiếu. Cả hai ông bà đều là người phước đức nhân hậu, có lòng kính tín Tam Bảo, thường hay đến lễ bái và nghe giảng tại Tổ đình Thập Tháp Di Đà. Thân phụ Ngài là một hương chức trong làng, được mọi người quý mến. Gia đình Ngài có tất cả chín anh chị em, Ngài là người con thứ tám. Người anh cả đã xuất gia tại Tổ đình Thập Tháp với Tổ Phước Huệ, trú trì chùa Diêu Quang, ấp Nhơn Thọ, xã Thọ Lộc, huyện An Nhơn, Bình Định. Do những thuận duyên sẵn có ấy, Ngài đã sớm thừa hưởng được phước báu từ gia đình trong cả hai lãnh vực, đạo pháp và tri thức. Khi lớn lên, những nếp sinh hoạt mang nặng truyền thống Phật giáo của gia đình, Ngài đều thuần thục. Cũng như hai bậc sanh thành, Ngài luôn ngưỡng mộ nếp sống đạo phong ung dung thanh thoát của các bậc Tăng già phạm hạnh. Năm Ất Hợi (1935) khi Ngài vừa 12 tuổi, thêm một thiện duyên quý báu nữa đưa đến bước ngoặt quan trọng của đời Ngài là việc Hòa thượng Giác Tánh vốn là thân hữu của thân phụ, thường hay gặp gỡ trao đổi đạo tình đã tấn dẫn Ngài bước vào con đường tu Phật. Liền sau đó, được sự chấp thuận của hai đấng sinh thành, Ngài đã đến Tổ đình Long Khánh, cầu đạo xuất gia với Hòa thượng Chánh Nhơn (húy Trừng Chấn). Hôm đó là ngày mùng 8 tháng 4. Năm 1941, Ngài được Hòa thượng Bổn sư gởi đến học tại Phật học đường Báo Quốc-Huế. Thời gian này, Ngài được sự tận tình dạy dỗ của chư Tôn đức giáo thọ nổi tiếng, trong đó có Ngài Đốc giáo Trí Độ và bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám, là hai vị đang nỗ lực đào tạo Tăng tài cho công cuộc chấn hưng Phật giáo. Cùng khóa được đào tạo với Ngài tại Phật học đường này có quý Hòa thượng Trí Quang, Thiện Minh, Huyền Quang, Thiện Siêu, Trí Nghiêm, Trí Thành... Năm 1944, lúc 20 tuổi Ngài thọ Cụ Túc giới tại Tổ đình Hưng Khánh, trong giới đàn này Ngài được chọn là Vĩ Sa di. Năm 1945, Ngài trở lại quê nhà. Do điều kiện đất nước đang dồn tâm lực vào việc chống ngoại xâm, Ngài đã tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc tỉnh Bình Định với tư cách thành viên sáng lập. Từ năm 1945 đến 1954, Ngài liên tục dấn thân vào công việc cứu nước bên cạnh sự nghiệp hoằng hóa. Do đó trong 10 năm liên tục này, Ngài từng là Bí thư Phật giáo Cứu Quốc tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Mặt trận Việt Minh tỉnh, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến tỉnh, Chính trị viên Thị Đội Bộ Dân Quân Quy Nhơn, Ủy viên Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Bình Định (ứng cử đơn vị An Nhơn) và các chức vụ khác. Do những cống hiến đó, Ngài luôn bị theo dõi và không tránh khỏi tù tội, chịu đủ mọi tra tấn cực hình như vào năm 1956 Ngài bị giam bằng gông xiềng tại Ty Công An Tuy Hòa và nhà lao Ngọc Lãn cho đến ngày hiệp định đình chiến Genève được ký kết.(1) Năm Giáp Ngọ (1954) sau khi đất nước bị chia đôi, Ngài được cử giữ chức Phó Hội trưởng Hội Phật học Trung phần. Năm Kỷ Hợi (1959), Ngài lại được bầu vào chức Phó hội trưởng Hội Phật giáo tỉnh Bình Định. Năm Quý Mão (1963), cũng như nhiều chư sơn khác, dưới sự lãnh đạo của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật giáo, Ngài đã dấn thân tích cực cùng toàn thể Phật giáo đồ cả nước làm nên trang sử đẹp nhất ở cương vị của mỗi người con Phật thời bấy giờ. Năm Giáp Thìn (1964), Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời đáp ứng giai đoạn phát triển mới có tầm vóc, kỷ cương chặt chẽ. Ngài được Đại Hội toàn tỉnh suy cử chức Phó Đại Diện Giáo Hội tỉnh Bình Định. Về mặt đào tạo, Ngài đã từng đảm nhận những trọng trách như từ năm 1947, 1948 là Giáo thọ các Phật học đường Thập Tháp (An Nhơn), Thiên Đức (Tuy Phước)... Từ năm 1956 đến năm 1957, Phó Giám đốc Phật học đường Nha Trang. Năm 1960, Phó Đốc Giáo Phật học viện Nguyên Thiều. Sau năm 1963, là Phó Giám Viện và Giáo thọ tại hai Phật học viện Phước Huệ và Tổ đình Thập Tháp. Năm 1968, làm Hóa chủ Đại giới đàn Bình Định tại Tổ đình Long Khánh. Năm 1973, là Chánh chủ khảo Đại giới đàn Phước Huệ tại Nha Trang, năm 1976 là Giáo thọ tại Đại giới đàn chùa Hưng Long, Bình Định. Về mặt truyền pháp độ sinh, đệ tử của Ngài phần lớn đều được gởi đi tu học và xuất thân từ các Phật học đường danh tiếng, nhiều vị đã trở thành giảng sư lỗi lạc, đang tiếp tục con đường hoằng hóa của Ngài. Kể cả giới Cư sĩ Phật tử tại gia cũng không hiếm người lỗi lạc đang tiếp tục tu học ở khắp mọi nơi, nhiều nhất là ở huyện Hoài Ân- Hoài Nhơn Quy Nhơn và Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng về Tổ đình Long Khánh, do Tổ Đức Sơn từ Trung Quốc đến khai sơn vào khoảng năm 1700, là một danh lam thắng tích và lưu tâm của mọi người. Ngài đã góp phần vào việc trùng tu, phát triển thành nơi trường lớp đào tạo Tăng Ni và Phật tử tại gia nổi tiếng. Các Ngài Thiện Hoa, Thiện Hòa và nhiều vị khác đã từng đến học tại đây trong thời kỳ Tổ Phước Huệ làm chủ giảng. Cả cuộc đời của Ngài thể hiện qua nếp sống tam thường bất túc, giản dị, siêng năng, nhu hòa, nhẫn nhục, lúc nào Ngài cũng nghiêm túc với bản thân, khiêm tốn, nhã nhặn với mọi người. Ngài rất thương yêu đồ chúng và hết lòng phụng sự Tam Bảo, dân tộc, mong sao cho đạo mạch miên viễn, đất nước vinh quang. Chính các hạnh nguyện này của Ngài, là động cơ thúc đẩy Tăng chúng và Phật tử noi gương, sách tấn nhau trên bước đường tu niệm, giải thoát. Cơ duyên đã mãn, sau hơn năm mươi năm sống giữa trần hành đạo, Ngài đã an nhiên thị tịch vào lúc 5 giờ sáng, ngày mùng 7 tháng 3 năm Tân Dậu (1981) tại Tổ đình Long Khánh, thành phố Quy Nhơn. Hưởng thọ 58 tuổi đời, 38 tuổi đạo. |
Chú thích
:
1) Theo thủ bút của chính Ngài. |
[ Trở Về ]