Người Cư Sĩ          [ Trở Về        [Home Page]

Kinh Tham Sân Si
Thích Thiện Châu
I. Giới Thiệu
Bài Kinh nầy được trích trong Tương ưng Bộ kinh (Samyutta-nikaya), tập I, trang 70 (Pali Text Society).

Nội dung Kinh thuyết minh ba pháp:

1. Tham: ưa muốn, ham mê, đắm say, thích thú, cố giữ, keo kiết, ưng được thỏa mãn, mong được khoái lạc, danh vọng,...

2. Sân: chán ghét, giận dữ, thù hận, nóng nảy, chống trả,...

3. Si: ngu dốt, đần độn, lầm lạc, thành kiến, giáo điều, cuồng tín, mê tín,...

là những nguyên nhân gây ra bất hạnh, phiền não và ưu tư cho con người.

Theo đạo Phật, ba thứ độc nầy không phải do thần linh tạo ra, do định mệnh an bài, hay có ra một cách may rủi. Vì tất cả mọi phản ứng tâm lý (tâm sở) đều do nhân duyên, ở đây có nghĩa là do tâm lý và cảnh vật xúc tác với nhau mà phát sinh ra. Có thể nói tham sân si là sản phẩm của tâm lý chủ quan xấu xa và đối tượng khách quan ô nhiễm. Ba pháp nầy được duy trì và phát triển liên tục theo giòng sống của chúng sanh trong hiện tại cũng như trong quá khứ và nếu không được diệt trừ thì chúng vẫn tồn tại và phát triển trong tương lai: phút sau cùng như các đời sau của mỗi chúng sanh. Chúng hiện hữu và phát triển nơi những con người không giác ngộ giải thoát qua hành động xấu ác của thân (như giết hại, trộm cướp, tà hạnh) trong lời nói xấu ác của miệng (như nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói thô ác) trong tư tưởng xấu ác của ý (tham muốn, tàn bạo, hiểu sai).

Chúng có thể được tìm thấy một cách dễ dàng nơi hành động, ngôn ngữ, và ý nghĩ của bản thân cũng như của bản thân cũng như của kẻ khác. Kinh nghiệm cho ta biết bất cứ ở đâu hay lúc nào, nếu tham sân si có mặt và ngự trị thì cuộc sống riêng hay chung đều trở nên xấu xa đau khổ. điều cần lưu ý là không nên xem tham sân si như là những gì trừu tượng, chỉ hiện hữu trong tâm lý con người mà phải tìm thấy sự hiện hữu cựu thể của chúng qua những hành động chiếm đoạt, bóc lột, tàn bạo, giết hại, qua những tư tưởng tối tăm, lầm lạc trong mọi sinh hoạt cá nhân và tập thể.

Tham sân si là sản phẩm của con người và xã hội và chính chúng là nguyên nhân làm hư hại cuộc sống an lành của loài người giống như bông tre nở từ cây tre và là biểu tượng suy tàn của cây tre; nghĩa là khi tre trổ bông là lúc tre tàn lụi.

Trong khi dạy cho con người biết Tham sân si là nguyên nhân của cuộc sống đau khổ, cần phải tiêu diệt, Phật cũng nói cho chúng ta còn có ba pháp vô tham, vô sân, vô si là những yếu tố tâm lý cần nên phát triển để xây dựng cuộc sống an lành.

Muốn phát triển ba pháp thiện này chúng ta phải tu dưỡng theo chánh đạo gồm Giới Ðịnh Huệ.
 

II. Chánh Kinh


Tại Tịnh xá ở Savatthi, lúc bấy giờ, vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nước Kosala đi đến Thế Tôn; sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên rồi, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế tôn:

- Bạch Thế tôn, có bao nhiêu pháp, khi khởi lên trong nội tâm của người sẽ gây ra bất lợi, khổ đau, và bất an cho người ấy?

- Thưa đại vương, có ba pháp khi khởi lên trong nội tâm của người sẽ gây ra bất lợi, khổ đau, và bất an cho người ấy. Những gì là ba? Tham, Sân, Si (*), thưa đại vương, khi khởi lên trong nội tâm của người sẽ gây ra bất lợi, khổ đau và bất an cho người ấy. Ba pháp nầy, thưa đại vương, khi khởi lên trong nội tâm một người sẽ gây ra bất lợi, khổ đau và bất an cho người ấy:

Tham sân si là tâm ác của người.
Chúng hại người như bông tre (hại tre).

(*) Dịch giả dịch gọn lại để khỏi lặp lại.

----------------------

Chân thành cám ơn chị BY đã có thiện tâm giúp đánh máy vi tính (Bình Anson, tháng 2-2001).



[ Trở Về ]