Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Home Page]
Kinh Sợ khổ
Thích Thiện Châu
I - Giới Thiệu Bản Kinh này rút ra từ Pật tự thuyết kinh (Udâna - trang 51, Pâli Text Society), một trong 15 quyển và bộ thuộc "Tiểu bộ kinh" (Khuddaka Nikâya). Thượng tọa Minh Châu đã dịch đầy đủ và Tu thư Phật học Vạn Hạnh, thành phố Hồ chí Minh đã ấn hành năm 1978. Ngoài ra còn có bản dịch chữ Anh của F.L.Woodward do PTS ấn hành năm 1935.
Nội dung kinh thật là rõ ràng : "Phật gặp các thiếu niên đang hành hạ các con cá và hỏi các em ấy có sợ khổ không. Các em trả lời có. Phật khuyên : không thích khổ thì chớ làm nghiệp ác vì làm nghiệp ác thì phải chịu quả báo đau khổ, không thể tránh được."
Bài thuyết pháp này rất ngắn, chỉ là một bài kệ. Bài kệ này lại nói cho các em thiếu niên đang còn tuổi nô đùa, tuy đã có ít nhiều suy nghĩ về cuộc đời nên chữ khổ được giới hạn trong nỗi khổ thông thường, khổ - khổ (dukkha - dukkha) mà không bàn rộng đến những nỗi khổ triết lý như hành khổ (Sankhâradukkha) và hoại khổ (viparinamadukkha) mà Phật thuyết cho 5 bạn đồng tu ngày trước trong bài thuyết pháp đầu tiên ở vườn Lộc Uyển.
Tuy nhiên mục đích đạo Phật là diệt khổ nên bất cứ lời dạy nào của Phật cũng nhắm đến giải thoát khổ đau. Do đó chúng ta tìm thấy dễ dàng tinh thần 4 chơn lý cao cả ngay trong bài kệ ngắn này :
Thường thường thì ai cũng sợ khổ song vẫn tạo nghiệp ác, ai cũng không thích khổ song không biết dừng ngay các nghiệp ác mà mình đang làm. Vì thế nếu sợ khổ và không thích khổ thì không nên tạo nghiệp ác, nguyên nhân cuả khổ. Nghiệp ác thể hiện nơi hành động, ngôn ngữ và tâm ý. Phải sáng suốt mới thấy được hết tất cả nguyên nhân gây ra khổ đau cho mình cho người. Vi tế nhất là nghiệp ác trong tâm ý. Ðơn giản mà nói thì có 10 nghiệp ác cần phải ý thức và tiêu trừ :Khổ (quả)
Nghiệp ác (nhân)
Hết khổ (quả)
Không tạo nghiệp ác (nhân)A- Về thân :
1. Giết hại
2. Trộm cướp
3. Tà hạnhB- Về miệng :
1. Nói dối
2. Thêu dệt
3. Hai lưỡi
4. Thô ácC- Về ý :
1. Tham lam
2. Tàn bạo
3. Tà kiếnMuốn tiêu trừ các nghiệp ác một cách hữu hiệu còn phải hiểu rõ đạo lý nhân quả, quy luật thiên nhiên, áp dụng cho tất cả mọi người mọi vật. Hễ gây nhân nào thì phải chịu quả ấy. Một khi đã tạo nghiệp ác dù rõ ràng hay kín đáo, dù công khai hay bí mật, thì phải chịu lấy khổ đau ngay tức thời hoặc trong đời hiện tại hay các đời về sau. Quả báo đau khổ thể hiện dưới nhiều hình thức làm cho sự sống ngắn lại và cuộc sống xấu đi; mau và gần nhất là tư cách con người bị thấp xuống hay mất đi. không ai có thể trốn tránh được quả báo đau khổ. Thần thánh cũng không thể tha tội cho người đã tạo nghiệp ác.
Công việc diệt khổ bằng cách đình chỉ nghiệp ác là bước đầu trong quá trình tu dưỡng. Chúng ta còn có thể diệt khổ bằng cách phát triển nghiệp thiện. Và cuối cùng là vượt lên trên cả Ác lẫn Thiện. Dù sao, bước đầu bao giờ cũng là quan trọng và thiết yếu. Ðình chỉ nghiệp ác luôn luôn phải bắt đầu từ cá nhân, rồi lan rộng đến tập thể và đi sâu vào mọi cấu trúc xã hội. Có thế thì khổ đau mới được tận diệt một cách chắc chắn và dài lâu.
Ngoài phương diện trí tuệ : thấy khổ diệt khổ, lời dạy cuả Phật còn có thêm quan điểm từ bi : thương yêu mà không gây khổ cho nhau. Trong khi phát triển lòng từ bi chúng ta không những thương yêu giúp đỡ đồng loại, đồng bào mà còn thương yêu giúp đỡ loài vật. Người Phật tử lúc ăn chay, không ăn thịt, cá tôm và cả trứng nữa.
Lòng từ bi của Phật bao trùm tất cả các loài động vật thấp kém chỉ biết bò bay máy cựa.
II - Chánh kinh Tôi nghe như vầy. Một thời Thế tôn trú tại Sâvatthi, trong rừng Jeta vườn Anathapindika. Lúc bấy giờ, nhiều thiếu niên đang hành hạ những con cá ở giữa Sâvatthi và rừng Jeta. Rồi Thế tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi vào Sâvatthi khất thực. Thế tôn thấy nhiều thiếu niên đang hành hạ những con cá ở giữa Sâvatthi và rừng Jeta, đến nói với chúng rằng
Này các thiếu niên, các em có sợ khổ không ? Các em không thích khổ phải không ?
Vâng bạch Thế tôn, chúng con sợ khổ, chúng con không thích khổ.
Rồi Thế tôn, sau khi hiểu ý nghĩa nầy, ngay lúc ấy nói lên lời cảm hứng nầy :
"Nếu thật không thích khổ, chớ tạo nghiệp ác bất cứ lúc nào, rõ ràng hay kín đáo. Nếu đã tạo, sẽ tạo nghiệp ác thì không thoát được khổ dù nhẩy vọt hay chạy trốn."
( Chân thành cám ơn Ðh Ðoàn Viết Hiệp đã có thiện tâm giúp đánh máy vi tính )
[ Trở Về ]