Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 90

Kinh Kannakatthala
( Kannakatthalasuttam )
 

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

Lời dạy quan trọng của Thế Tôn, trong kinh 90, về Nhất thiết trí đúng như sau:

Pàli : " Na ' tthi so samano và bràhmano và yo sakideva sabbannassati sabbam dakkhìti, n' etam thànam vijjatìti ".

English : " I, sire, claim to have spoken the words thus : There is neither a recluse nor a brahman who at one and the sametime can know all, can see all, this situation does not exist ".

Việt dịch ( Đại tạng kinh VN, 1992 ): " Thưa đại vương, Ta tự xem là đã nói những lời sau : ' Không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào có thể trong một lúc, biết hoàn toàn và thấy hoàn toàn ', không thể có sự tình như vậy."

Ghi chú của bản dịch Anh ngữ ( Footnote ) về từ Pàli : Sakideva :" MA.iii.357 says " who, with one 'adverting' ( of the mind ). On thought, one ' impulsion ', can know and see the whole past, future and present '.

Như thế từ sakideva cần được dịch là trong một niệm thay vì trong một lúc ( không được rõ ràng).

II. NỘI DUNG KINH KANNAKATTHALA

1. Lúc Thế Tôn trú tại Ujunna, gần Lộc Uyển, đại vương Pasenadi nhân có công việc đi đến gần Lộc Uyển, đến yết kiến Thế Tôn, thực sự, từ thâm tâm như chúng ta có thể cảm nhận, là để chiêm ngưỡng tôn nhan Thế Tôn, để hầu thăm sức khỏe của Thế Tôn, nhưng theo truyền thống " Nói năng như Chánh pháp và im lặng như Chánh pháp ", đại vương thường cầu thỉnh Thế Tôn chỉ dạy một số vấn đề Phật Pháp.

2. Đại vương Pasenadi đã hỏi về bốn vấn đề :

2.1. Về Nhất thiết trí :" Không có ai trong một niệm có thể thông rõ cả quá khứ, hiện tại và vị lai ".

2.2. Hỏi về thanh tịnh, bình đẳng giữa bốn giai cấp mà xã hội Ấn đương thời " phân biệt ".

Về mặt sự thật của tâm lý hướng đến giải thoát, không có sự khác biệt, sai biệt nào giữa bốn giai cấp ( về tín tâm, về quân bình tâm sinh vật lý, về lòng chân thật, về tinh cần tinh tấn và về trí tuệ sinh diệt )

2.3. Hỏi về chư thiên ( Dục giới Thiên ):

- Chư Thiên nào có não hại tâm thì sanh về cõi đời.

- Chư Thiên nào không có não hại tâm, không sanh tại đây.

2.4. Hỏi về Phạm Thiên ( Sơ Thiền Sắc giới ):

- Phạm Thiên nào có não hại tâm thì sẽ sanh lại tại đây.

- Phạm Thiên nào không có não hại tâm thì sẽ không sanh tại đây.

Các câu trả lời của Thế Tôn đã khiến đại vương Pasenadi thoải mái, hoan hỷ chấp thuận.

III. BÀN THÊM

1. Có năm kinh, trong số 10 kinh từ kinh 81 đến kinh 90, liên hệ đến đại vương Pasenadi ( Ba-tư-nặc ).

Kinh số 89 là kinh đặc biệt diễn đạt tâm tư của đại vương Pasenadi đối với Thế Tôn và Tăng già : Vua Pasenadi từ chỗ không chấp nhận Thế Tôn và từ chỗ tham cứu tất cả các Hội chúng ngoại đạo đương thời, đi đến chỗ trân trọng chấp nhận, cung kính Thế Tôn, Chánh pháp và Tăng già. Có thể xem các phát biểu của đại vương Pasenadi là một sự đánh giá mẫu mực của trí thức Bác học của xã hội Ấn đương thời về Phật giáo và về các tổ chức tôn giáo, triết học phi Phật giáo. Vì thế bản kinh 89 sẽ là tài liệu tham khảo rất cần cho công tác nghiên cứu, đối chiếu học về tôn giáo Ấn.

2. Nhận định, đánh giá của đại vương Pasenadi vào tuổi 80 sau nhiều chục năm quan sát, theo dõi, tham cứu trực tiếp là một nhận định, đánh giá rất có giá trị.

Thế Tôn và Tăng già đã được đại vương Pasenadi đánh giá vào thời điểm Thế Tôn sắp vào Niết Bàn, sau nhiều thập kỷ quan sát, tiếp cận, tham cứu, trao đổi, được xem như chính nội dung Giáo hội Phật giáo được đánh giá vậy và được đánh giá rất toàn diện.

3. Câu hỏi về Nhất thiết trí trong kinh 90 nầy là một câu hỏi rất đặc biệt và đã nhận được lời dạy rất đặc biệt của Thế Tôn :

- Sự đính chính lời phản ảnh về sự tuyên bố của Thế Tôn và Nhất thiết trí nói lên sự xác nhận rằng : toàn kiến, toàn tri, Nhất thiết trí thì các Sa-môn và Bà-la-môn hành đúng phạm hạnh thì có thể đạt được.

- Lời tuyên bố chính thức của Thế Tôn thì xác nhận rằng : Không thể có sự kiện chỉ trong một niệm có thể thấy biết rõ tất cả, biết rõ quá khứ, hiện tại và vị lai, dù đối với bất cứ ai ở đời nầy ( đối với Thế Tôn, bậc Toàn giác, muốn biết rõ bất cứ đối tượng nào trong thế giới, Ngài cũng phải tác ý, hướng tâm về đối tượng đó mới có thể thấy biết )

- Lời tuyên bố về bốn giai cấp của Thế Tôn nói lên rõ rằng :

* Sự phân biệt, kỳ thị bốn giai cấp là vấn đề xã hội, chính trị, mà không phải là vấn đề của thực tại, của giải thoát.

* Lời tuyên bố của chư Thiên Dục giới và Phạm Thiên ( Phạm Thiên là đấng giáo chủ của Bà-la-môn giáo hay Ấn giáo ).

Có thể sanh lại cuộc đời nầy hay không sanh lại là tùy theo nghiệp lực tạo ra có tâm lý não hại hay không có tâm lý não hại : họ không phải là các đấng sáng thế, những thực thể ở ngoài sinh tử.

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 10 -10-2004