Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 82

Kinh Ratthapàla
( Ratthapàlasuttam )

- Discourse With Ratthapàla  -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

( Từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH RATTHAPÀLA

1. Một thời ở thị trấn dân Kuru Thế Tôn thuyết pháp và làm phấn khởi các Bà-la môn ở Thullakotthita, thì một nam gia chủ thuộc giai cấp thượng tộc ( có gia đình có nhiều vợ ) tên là Ratthapàla tỉnh ngộ muốn xuất gia dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn. Nhờ quyết tâm cao độ, Ratthapàla được gia đình chấp thuận cho xuất gia. Không lâu sau đó, Ratthapàla đắc quả A-la-hán, Ratthapàla trở về khất thực và thăm gia đình, rồi lại từ giã giữa những tiếng than khóc của các cô vợ trẻ cũ, đi đến tĩnh tọa dưới một gốc cây vườn Lộc Uyển.

2. Bấy giờ nhà vua Koravya, người thường tán thán thanh niên Ratthapàla trước đây, được tin A-la-hán Ratthapàla đang trú ở Lộc Uyển liền đến yết kiến, cung kính đàm đạo.

Nhà vua cho rằng người ta quyết định xuất gia do vì thấy bốn sự suy vong ở đời: Lão suy, Bệnh suy, Tài sản suy và Thân tộc suy.

3. Tôn giả Ratthapàla thì nêu lên đúng bốn lý do, vì chúng mà các vị Tỷ kheo quyết định xuất gia, theo lời dạy của Thế Tôn. Bốn lý do ấy là ( bốn lý do khiến Ratthapàla xuất gia) :

3.1. " Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt "...

3.2. " Thế giới là vô hộ, vô chủ "...

3.3. " Thế giới là vô sỡ hữu, ra đi phải từ bỏ tất cả "...

3.4. " Thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ tham ái "...

Nói tóm lại, Ratthapàla thấy rõ sự nguy hiểm của dục vọng, của sinh tử mà xuất gia.

III. BÀN THÊM

1. Kinh Ratthapàla giới thiệu về sự thật của cuộc đời :

1.1. Thế giới, cuộc đời là vô thường : Tâm lý biến dịch vô thường; sức khoẻ và cơ thể vật lý của các cá nhân thay đổi hướng tới tan rã, hoại diệt; tâm lý tha nhân và thế giới vật lý bên ngoài cũng thế. Nói khác đi, cuộc đời và thế giới đang dẫn dắt con người đi dần vào tan rã, hoại diệt và dấy khởi lên nhiều cảm nhận khổ đau. Đây là một hình ảnh ảm đạm của cuộc đời.

1.2. Thế giới, cuộc đời là vô hộ, vô chủ : Thế giới là vô thường như thế, con người luôn giáp mặt với thay đổi không như ý, khó chịu, khổ sở ( như tai nạn, bệnh tật,... ) nhưng con người không thể bằng vào những thế lực, tiền tài danh vọng và trí lực để ra lệnh nó đổi khác, mỗi người phải gánh chịu mà tha nhân, thân nhân không thể chia xẻ, thay thế hay ra lệnh đổi khác.

Đây là hình ảnh ảm đạm thứ hai của cuộc đời.

1.3. Thế giới là vô sở hữu : Cá nhân không thể làm chủ những gì mình đang có : tâm lý, vật lý, ngoại cảnh. Chết là ra đi và để lại tất cả cho đời. Tất cả đều không phải là sở hữu của con người, nhưng khổ đau, bệnh tật, tai nạn và chết chóc thì mỗi người gánh chịu.

Đây là hình ảnh ảm đạm thứ ba của cuộc đời.

1.4. Thế giới là thiếu thốn, nô lệ khát ái : Lòng ham muốn về ngũ trần, về danh vọng và lợi dưỡng của con người thì vô độ, không có điểm dừng, không có sự thỏa mãn. Sống như chỉ là sự làm theo mệnh lệnh của dục vọng, khát ái, chỉ là nô lệ cho khát ái, một sự nô lệ không có hạn kỳ và không có giới hạn.

Đây là hình ảnh ảm đạm thứ tư của cuộc đời.

Với người trí, trước bốn hình ảnh ảm đạm ấy, chỉ còn một quyết định duy nhất là từ giã chúng, xuất gia để giải thoát tự thân, cho mình và cho người, như là từ bỏ một thứ nấm độc đã biết rõ để tìm kiếm thức ăn khác an toàn. Đó là quyết định tất nhiên, dứt khoát, có sức mạnh.

2. Quyết định giải thoát : Quyết định giải thoát như Ratthapàla đã thực hiện chỉ có khi con người có nhận thức rõ ràng về sự thật nguy hiểm của dục vọng, vô thường và khổ đau của cuộc đời.

Chỉ từ quyết định nầy, quyết tâm giải thoát có mặt mạnh mẽ và quyết liệt mới thực hiện " Con đường phạm hạnh " tốt đẹp, sớm thành tựu.

Nếu một người xuất gia vì lý do lười biếng trốn tránh trách nhiệm xã hội, vì nợ nần, vì nghèo khó, vì bị phụ tình, v.v... thì sẽ không bao giờ tu tập thành tựu bậc Hữu học hay Vô học, nếu không sớm có nhận thức nói trên.

Lý tưởng xuất gia giản dị là thế! Giản dị là thoát ly dục vọng, thoát ly khỏi sự nô lệ lòng khát ái. Sau phần tự độ, phần độ tha là giúp những người khác, bằng kinh nghiệm giải thoát của tự thân, thấy rõ " con đường " và thấy rõ cách thức để thực hiện con đường. Chỉ có thế thôi! Các lập luận khác chỉ là phụ thuộc, mà không phải là nhân tố quyết định.

Giải quyết của tôn giả Ratthapàla và sự thành tựu của tôn giả là một bài học tiêu biểu để lại cho đời sau, tương tự như con đường xuất thế của Thế Tôn và của các đại đệ tử của Ngài. Đây là con đường truyền thống của Phật giáo.

-ooOoo-


[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 10 -10-2004