Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Trang chủ]
Kinh Samanamandikà
( Samanamandikàsuttam )
- Discourse To Samanamandikà ('s Son ) -
Hòa thượng Thích Chơn Thiện
I.
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
( Các từ ngữ quen thuộc ) II. NỘI DUNG KINH SAMANAMANDIKÀ 1. Tại Thắng Lâm ( Jetavana ), thành Xá Vệ ( Savatthì ), cư sĩ thợ mộc Pancakanga ghé thăm trú xứ của Hội chúng du sĩ khoảng 300 người của du sĩ Samanamandikà. Uggahamana, con của Samanamandikà nói lên chủ trương của du sĩ rằng ai thành tựu bốn pháp sau đây sẽ là thiện cụ túc, thiện tối thắng, sẽ là Sa-môn thành đạt tối thượng, vô năng thắng : - Không làm nghiệp ác về thân. - Không làm nghiệp ác về lời. - Không có ác tư duy. - Không sinh sống bằng nếp sống ác. 2. Cư sĩ Pancakanga bạch Thế Tôn về chủ trương trên của du sĩ Samanamandikà. Đức Thế Tôn dạy thành tựu bốn pháp trên thì không được gọi là Thiện cụ túc, Thiện tối thắng, không là Sa-môn thành đạt tối thượng, vô năng thắng. - Thế Tôn chủ trương phải đoạn trừ bất thiện giới, không để lại dư tàn: thân, khẩu, ý nghiệp bất thiện khởi lên từ tâm tham, tâm sân và tâm si. - Thế Tôn chủ trương đoạn trừ cả Thiện giới, không để lại dư tàn : thân, khẩu, ý thiện hành khởi sinh từ tâm không tham, tâm không sân, tâm không si. - Đoạn trừ bất thiện tư duy do tưởng sanh: sân tư duy, hại tư duy. Sự trừ diệt bất thiện tư duy không để lại dư tàn là sự chứng đắc Sơ thiền Sắc giới ( ly dục, ly bất thiện pháp ) . - Đoạn trừ thiện tư duy không để lại dư tàn : Thiệnh tư duy là ly dục tư duy, vô sân tư duy và vô hại tư duy. Sự đoạn trừ chúng là sự chứng đắc Nhị thiền Sắc giới ( diệt tầm diệt tứ ) Tu tập như thế thì sẽ có kết qủa khiến ác pháp đã sanh bị hoại diệt, các ác pháp chưa sanh không thể sanh khởi; khiến cắc thiện pháp chưa sanh được sanh khởi, các thiện pháp đã sanh được phát triển dẫn đến diệt trừ các thiện tư duy. Tất cả đó chưa phải là các thiện cụ túc, thiện tối thắng... hành giả cần tu tập tiếp đi sâu vào Thiền chỉ và Thiền quán cho đến khi thành tựu mười pháp dưới đây mới là Sa-môn thành đạt tối thượng,vô năng thắng: - Vô học Chánh tri kiến. - Vô học Chánh tư duy. - Vô học Chánh ngữ. - Vô học Chánh nghiệp. - Vô học Chánh mạng. - Vô học Chánh tinh tấn. - Vô học Chánh niệm. - Vô học Chánh định. - Vô học Chánh trí. - Vô học Chánh giải thoát ( hay Chánh trí giải thoát ) III. BÀN THÊM 1. Dưới thời đức Thế Tôn, ở Ấn có rất nhiều ngoại đạo có chủ trương giáo lý khác nhau: ngoài các thuyết của lục sư ngoại đạo, còn có các chủ trương khác của Hội chúng du sĩ mà nội dung kinh 78 đề cập là một. Các chủ trương của ngoại đạo hầu hết do tư duy " logic " hay kinh nghiệm thường nghệm mà lập nên thường là tà đạo hay khiếm khuyết. Chủ trương của du sĩ Samanamandikà là thiện, nhưng không phải là thiện cụ túc, thiện tối thắng vì chưa có khả năng đoạn trừ các kiết sử, lậu hoặc, chưa thể dẫn đến tâm giải thoát và tuệ giải thoát. Đây là lý do mà cư sĩ Pancakanga khi nghe qua thì không phản đối, nhưng không tán thành. 2. Đức Thế Tôn đã tùy duyên mà giới thiệu Phạm hạnh dưới nhiều hình thức khác nhau. Dù vậy, nội dung vẫn chỉ là một : Vẫn là Giới, Định, Tuệ, giải thoát và Tri kiến giải thoát đoạn sạch các lậu hoặc, cắt đứt trọn mười kiết sử. Nội dung chánh pháp chỉ có một vì " con đường " giải thoát chỉ có một, độc nhất, chỉ nhằm tận trừ khổ đau. -ooOoo- |
[Trích giảng Trung Bộ] last updated: 20-06-2004