Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Trang chủ]
Kinh
Kìtagiri
( Kìtagirisuttam
)
- Discourse At Kìtàgiri -
Hòa thượng Thích Chơn Thiện
I.
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
( Các từ ngữ quen thuộc. Riêng các quả chứng của một Tỷ kheo từ tùy tín hành đến Câu phần giải thoát đã được bản kinh ghi rõ, ở đây chỉ lược ghi cho dễ nhớ ) Ghi chú : trong bảy quả chứng, một số quả chứng đi từ thiền chỉ, tâm giải thoát, đến Câu phần giải thoát; một số quả chứng đi từ Thiền quán, tuệ giải thoát đến Câu phần giải thoát; phân làm hai dòng dưới đây : 1. Dòng chứng vào định trước : 1.1. Bậc thân chứng: đắc tịch tịnh giải thoát vượt khỏi sắc pháp và vô sắc pháp, sau khi đã thấy với trí tuệ, một số lậu hoặc đã được đoạn trừ hoàn toàn ( một số lậu hoặc khác chưa được đoạn trừ ). 1.2 Bậc tín giải thoát : đắc tịch tịnh giải thoát, vượt qua các sắc pháp và vô sắc pháp; sau khi đã thấy với trí tuệ, một số lậu hoặc được đoạn trừ hoàn toàn; lòng tin vào Như Lai được xác định, chân thật, ổn định. 1.3. Bậc tùy tín hành : tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp; sau khi đã thấy với trí tuệ nhưng các lậu hoặc chưa được đoạn trừ ; nếu vị nầy có lòng tin và thương Như Lai , thì sẽ có các pháp như Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Tuệ căn. 2. Dòng chứng đi từ chánh kiến, trí tuệ : 2.1. Bậc tuệ giải thoát : Tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp; sau khi đã thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn trừ hoàn toàn . 2.2. Bậc kiến đáo : Tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi sắc pháp và vô sắc pháp, sau khi đã thấy với trí tuệ, một số lậu hoặc được đoạn trừ một cách hoàn toàn; với trí tuệ hiểu rõ các pháp do Như Lai tuyên thuyết và thực hành một cách hoàn toàn. 2.3. Bậc tùy pháp hành : Tự thân không chứng đắc các tịch tịnh giải thoát vượt khỏi các sắc pháp vô sắc pháp; sau khi đã thấy với trí tuệ, nhưng các lậu hoặc chưa được đoạn trừ một cách hoàn toàn ( nghĩa là các lậu hoặc có được đoạn trừ nhưng chưa tận trừ ) ; chấp nhận một cách vừa phải các pháp do Như Lai thuyết giảng với trí tuệ dù có các pháp khác như là Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Tuệ căn. Tất cả sáu bậc ấy đều hướng đến quả vị cao hơn cả là : Bậc Câu phần giải thoát : sau khi chứng đắc các tịnh tịnh giải thoát vượt khỏi các sắc pháp và vô sắc pháp; sau khi đã thấy với trí tuệ các lậu hoặc được đoạn trừ hoàn toàn. II. NỘI DUNG BẢN KINH 70 1. Đức Thế Tôn dạy :" Từ bỏ ăn đêm thì ít bệnh, ít não, khinh an, có sức lực và an trú ". 2. Về các thiện pháp, bất thiện pháp liên hệ đến các cảm thọ ( lạc, khổ, phi lạc phi khổ ): Ghi chú : Bản dịch đoạn 2, trang 295, Đại Tạng kinh Việt Nam, Trung II, 1992, in sót một số từ, xin sửa lại đúng như sau : " Nầy các Tỷ kheo, các ông có hiểu pháp ta dạy như sau :" Ở đây đối với bất cứ người nào cảm thọ một loại cảm thọ thì bất thiện tâm tăng trưởng, thiện tâm suy giảm; đối với bất cứ ai cảm thọ một loại cảm thọ khác thì bất thiện tâm suy giảm, thiện tâm tăng trưởng. ( Tương tự đối với cảm thọ khổ, phi lạc phi khổ ) ". Ở đây Thế Tôn dạy : đối với các cảm thọ : lạc , khổ, phi lạc phi khổ thì có loại lạc ( khổ, phi lạc phi khổ ) khiến bất thiện tâm tăng trưởng, thiện tâm suy giảm, có loại lạc thì khiến bất thiện tâm suy giảm, thiện tâm tăng trưởng. Đối với loại cảm thọ nào khiến cho thiện tâm tăng trưởng, bất thiện tâm đoạn diệt thì nên chứng và trú cảm thọ ấy. 3. Thế Tôn giới thiệu có bảy hạng đệ tử của Ngài (xếp từ thấp đến cao nhất) : Tùy tín hành, Tùy pháp hành, Tín giải thoát, Kiến đáo, Thân chứng, Tuệ giải thoát, Câu phần giải thoát. Chỉ có Câu phần giải thoát và Tuệ giải thoát là các bậc vô học, năm bậc còn lại là thuộc hàng đệ tử Hữu học. 4. Có sự trình bày gồm có bốn phần nhờ tuệ mà rõ được ý nghĩa ấy là : 4.1. Với một đệ tử có lòng tin giáo pháp của bậc đạo sư và sống thể nhập giáo lý ấy thì hệ qủa nầy có mặt :" Bậc đạo sư là Thế Tôn, đệ tử là tôi. Thế Tôn biết, tôi không biết ". 4.2. Đối với người đệ tử ấy, giáo pháp của bậc đạo sư sẽ phát triển, hưng thịnh, có sức mạnh. 4.3. Đối với người đệ tử ấy, hệ qủa nầy có mặt : " Dù chỉ còn gân, da, xương, dù máu thịt khô đi, mong rằng sẽ nỗ lực để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ sức mạnh, tinh cần, tinh tấn của con người. 4.4. Đối với người đệ tử ấy, một trong hai qủa sau đây sẽ được chứng đắc: Chánh trí ngay trong hiện tại, nếu còn dư y sẽ chứng Bất Lai. III. BÀN THÊM 1. Từ kinh số 61, Giáo giới La-hầu-la, đến kinh 70 Kìtàgìri, là các kinh được kiết tập thành một phần của Trung Bộ Kinh II giới thiệu nội dung mà Thế Tôn và hai đại tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên quan tâm hướng dẫn các tân Tỷ kheo tu tập oai nghi tế hạnh, hộ trì các căn, tinh cần, chánh niệm tỉnh giác và phát triển trí tuệ. Ngài đã biểu hiện sự quan tâm rất mực, cả đến việc ăn uống nên như thế nào để gìn giữ sức khỏe của thân lẫn tâm, như kinh 69 và 70 nầy. 2. Về chủ trương ăn mỗi ngày một bữa ngọ là chủ trương đúng và sáng suốt nhất, ngoài lý do mà kinh Kitàgiri đưa ra, sau khi đức Thế Tôn và nhiều đại đệ tử đã kinh qua, đã thực nghiệm, một số lý do khác mà người đời sau có thể thấy rõ như : - Đời sống khất thực dựa vào hảo tâm của người đời, ăn nhiều bữa trong ngày sẽ gây nhiều phiền hà và mệt mỏi tâm lý cho các tín đồ vốn đã vất vả vì miếng ăn độ nhật. - Lo nhiều bữa ăn trong ngày thì người tu sĩ không còn thời gian để thực hiện Văn, Tư, Tu. - Ăn nhiều sẽ nuôi dưỡng dục vọng, lười biếng, phát sinh nhu cầu "sinh lý " quấy nhiễu tâm tu. 3. Kinh Kìtàgiri có nêu ra hai điểm giáo lý đặc biệt cần thiết cho các hành giả và các nhà nghiên cứu Phật học trầm tư, ấy là : 3.1. Các cảm thọ khổ, lạc, bất khổ bất lạc có tác dụng tâm lý khác nhau tùy loại : có loại phát triển thiện pháp và có loại trừ ác pháp; có loại phát triển ác pháp và làm suy giảm thiện pháp, mỗi loại cảm thọ đều có các tác dụng khác nhau như thế. 3.2. Có hai ngõ công phu thích hợp cho hai loại căn cơ nặng về Chỉ hoặc Quán, hay nặng về Định hoặc Tuệ dẫn đến mục đích phạm hạnh : - Một ngõ đi qua Hiện tại lạc trú và Tịch tịnh trú để đến trí tuệ đoạn trừ hết thảy lậu hoặc. - Một ngõ bám sát Thiền quán, Như lý tác ý, hay trí tuệ, mà không đi qua Hiện tại lạc trú hay Tịch tịnh trú, vẫn có thể phát triển trí tuệ đoạn tận lậu hoặc ( bởi nhiệt tâm giải thoát và nỗ lực giải thoát cùng tín, hỷ, hân hoan, định, xả... phát sinh từ trí tuệ đã là một khả năng thuộc Định ) như đã trình bày ở phần nội dung kinh. -ooOoo- |
[Trích giảng Trung Bộ] last updated: 08-02-2004