Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Trang chủ]
Kinh
Nalakapàna
( Nalakapànasuttam
)
- Discourse At Nalakapàna -
Hòa thượng Thích Chơn Thiện
I.
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
( Các từ ngữ quen thuộc ) II. NỘI DUNG KINH NALAKAPÀNASUTTAM 1. Tại Nalakapàna, thuộc dân chúng Kosala, giữa lúc có mặt nhiều tôn giả nổi tiếng xuất thân từ danh gia vong tộc và bản thân có tiếng tăm đoanh vây Thế Tôn, Thế Tôn đặt câu hỏi với các đệ tử Tỷ kheo : sống đời sống phạm hạnh có hoan hỷ không ? Các tôn giả đều im lặng. Sau đó, Thế Tôn hỏi đích danh từng vị câu hỏi trên. Các tôn giả xác nhận sống thật sự hoan hỷ. 2. Thế Tôn xác định các đệ tử của Thế Tôn xuất gia vì nhận thức rằng sống ở đời bị sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não áp bức, mong có thể chấm dứt toàn bộ khổ uẩn. Các đệ tử của Ngài không có một ai xuất gia là do mệnh lệnh của vua chúa, mệnh lệnh của kẻ trộm; không xuất gia vì trốn nợ nần; không xuất gia vì sợ hãi; không xuất gia vì thất nghiệp. 3. Thế Tôn dạy tiếp bổn phận của người xuất gia để đạt được mục đích xuất gia : - Ly dục, ly bất thiện pháp để chứng hỷ, Lạc, một trạng thái tâm thức an tịnh. - Lần lượt đoạn trừ các lậu hoặc liên hệ các phiền não làm sanh khởi hậu hữu, hướng đến sanh, già, chết trong tương lai. 4. Các đệ tử của Thế Tôn, cư sĩ và tu sĩ có rất nhiều, rất nhiều vị đã đắc quả Thánh Vô Học, Hữu học : - Với các Tỷ kheo A-la-hán thì theo truyền thống, Ngài đã tuyên bố sự chứng đắc trước Tăng chúng. - Với các vị tu sĩ và cư sĩ đắc quả Thánh hữu học thì Thế Tôn không công khai tuyên bố, nhưng lúc các vị ấy lâm chung thì Thế Tôn tuyên bố quả chứng và sanh thú. Qua đó, có rất nhiều, nhiều lắm các Tỷ kheo đắc A-na-hàm, Tư-đà hàm và và Tu-đà-hoàn. Cũng vậy, có rất nhiều nam cư sĩ và nữ cư sĩ đắc quả Thánh hữu học. Ngài tuyên bố về hạnh nguyện, quả chứng, sanh thú của các vị ấy là vì để khích lệ các đệ tử của Ngài còn sống an trú, chú tâm trên như thật, để sống lạc trú, để được lợi ích an lạc lâu dài. Ngài không tuyên bố như thế vì mục đích lường gạt quần chúng, nịnh hót quần chúng, lợi lộc, tôn kính trọng vọng để nổi tiếng. III. BÀN THÊM 1. Đời sống xuất gia dưới thời Thế Tôn hầu như hoàn toàn vô sản : mỗi tu sĩ chỉ có ba y và vài vật dụng cần thiết hằng ngày; sống bằng hạnh khất thực ăn mỗi ngày một bữa; thường sống dựa vào các cánh rừng, núi, trong các Tịnh xá đơn giản, nghèo nàn; chuyên tâm học đạo và hành đạo. Đối với người đời từ các giai cấp khác nhau, địa vị xã hội khác nhau, không phân biệt tuổi tác, phái tính, việc từ bỏ nếp sống thế gian với nhiều tập quán thoải mái và nhiều tiện nghi vật chất để sống đời sống phạm hạnh là việc rất khó làm. Cả đến việc từ bỏ một thói quen ở đời đã là khó! Nhưng, tại sao lại có rất nhiều thiện nam tử thiện nữ nhơn xuất gia? Làm sao có thể kéo dài đời sống trong điều kiện sống rất đơn điệu,trầm lặng, nghèo nàn vật chất, từ bỏ mọi hưởng thụ (!) Đức Thế Tôn đã tạo điều kiện cho chính đệ tử xuất gia của Ngài nói lên lý do tại sao ấy: tại sao xuất gia ? và tại sao chịu đựng được nếp sống xuất gia vắng lặng, buồn tẻ ấy. Thực sự thì nếp sống xuất gia tưởng như rất khắc khổ lại là nếp sống đem lại vô lượng an lạc, hoan hỷ, thoái mái, tự tại và đem lại rất nhiều lợi ích cho đời. 2. Bản kinh cũng tiết lộ rằng sự chứng đắc các quả Thánh hữu học cũng xảy ra rất phổ biến ở hàng Phật tử tại gia đang vướng bận đời sống gia đình và xã hội, tương tự sự chứng đắc các quả Thánh Hữu học xảy ra ở hàng Tỷ kheo. Một bản kinh khác, khá hiếm, và trong trưởng lão Tăng kệ, Ni kệ có ghi lại một số rất hiếm các trường hợp cư sĩ chứng quả A-la-hán. Thường, theo truyền thống của Giáo Hội Tăng Già, các A-la-hán là các Tỷ kheo. Các cư sĩ Hữu học muốn chứng đắc A-la-hán thì xuất gia làm Tỷ kheo, hay Tỷ-kheo-ni nếu là nữ cư sĩ, do đó kinh hiếm nơi ghi lại các cư sĩ là các A-la-hán. Nói chung, giáo lý giải thoát là dành cho mọi người trong xã hội thực hành Giới, Định, Tuệ không phân biệt tuổi tác, giai cấp, màu da, chủng tộc, phái tính, vị trí xã hội... Sự chứng ngộ cũng dành cho mọi người có điều kiện chứng ngộ, không có một sự hạn chế nào dành cho bất kỳ con đường thuộc thành phần xã hội nào. Sự thật của khổ đau và của hạnh phúc giải thoát là thế ! -ooOoo- |
[Trích giảng Trung Bộ] last updated: 08-02-2004