Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Trang chủ]
Kinh
Ví Dụ Con Chim Cáy
( Latukikopamasuttam
)
- Discourse On The Simile Of The Quail -
Hòa thượng Thích Chơn Thiện
I.
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
( Từ ngữ quen thuộc ) II. NỘI DUNG KINH VÍ DỤ CON CHIM CÁY 1. Tôn giả Udàỳi là vị buổi đầu không giữ được Học giới ăn mỗi ngày một bữa ngọ, về sau giữ gìn và tinh tấn hành phạm hạnh. Tôn giả là người tự thân chứng nghiệm sự nguy hiểm của việc không giữ gìn Học giới ấy, và sự lợi ích của việc giữ gìn Học giới. Cho đến lúc nầy tôn giả mới thật sự vô cùng cảm khái lòng từ bi và sự quan tâm của Thế Tôn đến hạnh phúc giải thoát của các đệ tử trong việc chế định các Học giới, đã bật ra lời cảm thán : " Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều bất thiện pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều thiện pháp cho chúng ta . " 2. Sự vi phạm Học giới ăn mỗi ngày một bữa ngọ, theo cảm nhận của tôn giả Udàyì là do các lý do nầy : - Thói quen cũ của đời sống gia đình là ăn nhiều bữa mỗi ngày. Nhất thời từ bỏ thói quen đó là khó khăn về mặt tâm lý và cả vật lý. - Thực tế đơn giản rằng : thức ăn ngon ( thượng vị ) và bổ dưỡng đem lại cảm giác dễ chịu hơn, vui thích hơn; thức ăn nầy thì thường do các gia chủ sửa soạn cho bữa tối, và một phần ít hơn cho bữa sáng ( mà không phải bữa trưa ) vì ban ngày bận bịu công việc sinh kế : khất thực để độ ngọ vì thế rơi vào khoảng thời gian hiếm có thức ăn ngon, chỉ trừ trường hợp các gia chủ chuẩn bị trước để " để bát ". - Nhưng đi khất thực buổi tối ( từ nhá nhem tối cho đến gần giữa đêm ) thì lại vấp vào một số cảnh tình nguy hiểm : * Đường sá thời ấy thiếu ánh đèn, tối tăm dễ bị rơi vào hàng rào gai, hầm hố, thú vật; dễ chạm mặt các đạo tặc... * Tạo sự sợ hãi, hoảng loạn cho các gia chủ ... * Gặp các cô gái, phụ nữ "ăn sương" mời mọc chuyện "thế tục"... và các cảnh "thế tục" tương tự. * Tư cách giữ giới phạm hạnh dễ bị nghi ngờ, hoen ố... * Bị các gia chủ xấu miệng nguyền rủa... 3. Thế Tôn dạy thêm : - Thế Tôn giữ giới "ăn bữa ngọ" thì một số Tỷ kheo bực bội, oán trách sự nghiêm khắc của Thế Tôn, cho rằng đấy là chuyện tiểu tiết, nhỏ nhặt... - Một số Tỷ kheo bị thói ăn ngon và ăn nhiều bữa trong ngày bị ràng buộc nhẹ, vừa phải thì có thể vì sự tôn trọng Thế Tôn mà vượt qua được các khó khăn của tự thân. - Một số bị thói quen ở đời ràng buộc quá nặng, không thể vượt qua, không thể thực hành Học giới, không thể chế ngự lòng dục... - Một số Tỷ kheo thì dễ dàng vượt qua thói quen, ham thích nếp sống phạm hạnh, "độ ngọ ", cảm nhận được cái thanh thản nhẹ nhàng của nếp sống phạm hạnh ấy. Những vị nầy có thể từ bỏ tất cả của cải lớn, ngũ dục lạc sung mãn ở đời... 4. Thế Tôn chế định Học giới là chuẩn bị kỷ hành trang để chế ngự "ngũ dục lạc", đi vào " Hiện tại lạc trú " và " Tịch tịnh trú ". Từ bỏ thói quen ăn uống, ngủ nghỉ, hưởng thụ các lạc thú ở đời chỉ là bước đi nhỏ khởi đầu. Các Tỷ kheo còn được Thế Tôn quan tâm nhắc nhở đến các " bước đi từ bỏ" quan trọng hơn tiếp theo như : - Từ bỏ tầm, tứ... - Từ bỏ hỷ... - Từ bỏ lạc... - Từ bỏ sắc tưởng ... - Từ bỏ lạc của Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ để chứng đắc và an trú vào Diệt thọ tưởng định, thành tựu mục tiêu cứu cánh phạm hạnh... III. BÀN THÊM 1. Kinh 65 đã đề cập đến Học giới chỉ ăn một lần mỗi ngày. Kinh 66 nói rõ thêm các lý do của sự ăn đêm, ăn nhiều bữa sẽ đem lại các nguy hiểm, các chướng duyên cho sự phát triển tâm lý giải thoát. Đừng xem đấy là Học giới tiểu tiết nhỏ nhặt. Đừng hiểu rằng Học giới được chế định mang tính cách hà khắc. 2. Truyền thống phạm hạnh, ngay đến các Thánh Hữu học cũng sống trong khuôn khổ chung của đời sống một Tỷ kheo,tỉnh giác an trú trong giới bổn Ba- la-đề-mộc-xoa và sợ hãi các lỗi nhỏ nhặt. Pháp giải thoát là như thế, vị Tỷ kheo của thời đại ngày nay cần chiêm nghiệm kỹ kinh 65 và 66, đừng sa đà vào các ý niệm " to lớn " mà lãng quên việc thực hiện các Học giới rất cần thiết, rất thiết thực. 3. Tại kinh 66, đức Thế Tôn xuất hiện trong hình ảnh một Tỷ kheo khất thực hằng ngày, ở các trú xứ vắng lặng của núi, rừng, rất giản dị : hình ảnh đó của Ngài là một bài học rất giá trị cần được người đời nay chiêm nghiệm sâu sắc : ý nghĩa truyền thống về " đạo ", về " giải thoát " có mặt ở đó : đấng Toàn giác, đấng Đại trí tuệ, đấng thấy rõ sự thật của tất cả, đấng đã thương tưởng đời, thương tưởng các đệ tử sống như thế và mong các đệ tử sống như thế. 4. Sự quan tâm lớn nhất, đầu tiên và sau cùng của Ngài là đoạn trừ tất cả kiết sử nhỏ hay lớn : đó là từ bỏ hẳn ngũ dục lạc, lạc Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền Sắc giới, lạc của bốn thiền Vô sắc giới. Tất cả thứ lạc ấy là kiết sử, là hữu vi, vô thường, không thật, che khuất mục tiêu tối hậu của phạm hạnh: trí tuệ toàn giác: tâm giải thoát và tuệ giải thoát: thân giải thoát và Pháp thân. Đây là đối tượng mà trong suốt vô lượng kiếp đệ tử của Ngài cúi đầu, trong suốt vô lượng kiếp Ngài và đệ tử của Ngài từ bỏ tất cả vô lượng " ngai báu ", với tất cả ý nghĩa đen, bóng của từ " ngai báu " để vì hạnh phúc an lạc của tất cả. Tất cả ý nghĩa trên đã được bao hàm trong kinh " ví dụ con chim cáy ". -ooOoo- |
[Trích giảng Trung Bộ] last updated: 08-02-2004