Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Trang chủ]
Kinh
Nhỏ Màlunkyàputta
( Cùlamàlunkyàputtam
)
- Discourse To Màlunkyàputta -
Hòa thượng Thích Chơn Thiện
I.
GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
- Cùlasuttam : Lesser Discourse : Kinh nhỏ. Ghi chú : Thường các kinh Trung Bộ I, Cùlasuttam dịch là kinh ngắn; mahàsuttam dịch là kinh dài. Ở đây, kinh Cùlamàlunkyàputtasuttam dài đến sáu trang Pàli, mahàmalunkyàputtasuttam chỉ dài năm trang Pali, vì vậy kinh Cùlasuttam trên nên được dịch là kinh nhỏ. Kinh nầy ghi lại mười câu hỏi siêu hình của tôn giả Màlunkyaputtam và thái độ của Thế Tôn đối với mười câu hỏi ấy : đây là vấn đề chỉ là của nhận thức, là thái độ nhận thức của một người thực hành phạm hạnh mà chưa phải là " Con đường ". Kinh Mahàmalunkyàputtasuttam đề cập vấn đề đoạn trừ năm hạ phần kiết sử để hoàn thành công phu của một Tỷ kheo Hữu học nên được gọi là kinh lớn. - Sinh mạng: Jìvam: Life principle: Chỉ mạng sống, tuổi thọ. I I. NỘI DUNG KINH NHỎ MÀLUNKYÀPUTTA 1. Tôn giả Màlunkyàputta thường bị vướng mắc vào tư duy ngã tính nên đặt ra mười vấn đề siêu hình bạch hỏi Thế Tôn : (2) 1.1. Thế giới là thường còn hay vô thường ? (2) 1.2. Thế giới là hữu biên hay vô biên ? (2) 1.3. Sinh mạng và thân thể là một hay là khác ? (2) 1.4. Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết ? (1) 1.5. Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết ? (1) 1.6. Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết ? Nếu Thế Tôn không trả lời mười câu hỏi trên thì tôn giả sẽ hoàn tục. 2. Thái độ của Như Lai đối với mười câu hỏi siêu hình ấy là không trả lời vì các vấn đề ấy thuộc hý luận, không liên hệ đến mục đích của đời sống phạm hạnh; dù có quan điểm như thế nào thì vấn đề sanh, lão, bệnh, tử vẫn còn nguyên ở đó, chưa được giải quyết. Như Lai xác định : "Như Lai chỉ nói khổ và con đường diệt khổ " III. BÀN THÊM 1. Bản kinh số 63 nầy rất quan trọng, tối quan trọng, về ý nghĩa : Thái độ của Phật giáo đối với các vấn đề siêu hình và vô sô các vấn đề triết học thuộc phạm trù "nhị nguyên tính" (Dualism) Tất cả các câu hỏi, các thắc mắc về sự thật của các hiện hữu (existing things) đều là sản phẩm của tư duy ngã tính, cái tư duy chỉ có thể vận hành trên các ý niệm hữu ngã, cho mỗi hiện hữu một ngã tính thường hằng. Tư duy này ngự trị hoạt động tâm lý và văn hoá của nhân loại từ xa xưa đến nay và đang tiếp tục ngự trị. Ở mặt thực tại như thật, tất cả hiện hữu đều do các duyên sinh khởi mà có; các ngã tướng chỉ là sự hiện diện của các tập hợp các nhân duyên ấy nên không có một tự ngã thường hằng, không có tự ngã. Các câu hỏi về các tự ngã vì thế rơi vào hý luận, trống rỗng. Hỏi về sự thật của các hiện hữu (các Pháp) hệt như hỏi về hiện hữu của con người trong giấc mơ, hệt như hỏi về giờ thứ 25, hay lông rùa, sừng thỏ. Câu hỏi về sự hiện diện của con người, về thế giới ngã tưởng cũng thế, cũng rơi vào trống rỗng. Câu hỏi đã tách xa khỏi thực tại thì các câu trả lời càng đi xa hơn nữa. Thế nên, Thế Tôn thường im lặng, không trả lời mười câu hỏi siêu hình mà tôn giả Màlunkyàputta hằng cưu mang. 2. Giả thiết rằng có quan điểm như thế nầy, như thế khác về hiện hữu gọi là Con người, Thế giới, Như Lai, thi điều đó có làm thay đổi gì được các khổ đau sinh tử đang đè nặng nhân sinh , (!).Sanh, lão, bệnh, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não vẫn còn nguyên ở đó! Có giá trị nào cho các câu trả lời! Câu chuyện về một người bị trúng mũi tên độc nói lên rõ rằng: vấn đề cấp thiết của người đời là nhổ ngay mũi tên độc ra và trị thương cấp cứu, mà không phải là ngồi chờ tìm hiểu cho ra lẽ về chất độc, mũi tên, người bắn mũi tên, người làm ra chất độc, mũi tên v.v... rồi mới trị thương : làm thế này thì chỉ chờ chết ! Cũng thế, vấn đề của người đời là hiểu rõ sự thật của khổ và cấp thời giải thoát khổ, mà không phải là tiếp tục cuộc hành trình vô vọng của hỏi và trả lời của tư duy ngã tính. Đây là thái độ sống rất hiện thực và rất trí tuệ. Nền văn học Phật giáo là nền văn học của hiện thực và trí tuệ ấy, mà không phải của triết lý huyền đàm, của hý luận và của các tri kiến hoang vu. 3. Trước khi xuất gia, tôn giả Màlunkyàputta là một du sĩ lang thang đi tìm kiếm chân lý, đã thường đón đường Thế Tôn để nêu ra những thắc mắc về nhân sinh và thế giới. Sau khi xuất gia, các câu hỏi siêu hình vẫn không nguôi được trong tâm của tôn giả, mãi giục giã tôn giả đến yết kiến Thế Tôn để đón nghe các câu hỏi trả lời ổn thỏa của đấng Toàn giác. Và, một buổi chiều, sau khi xuất định từ trú xứ độc cư, tôn giả thực hiện ý định. Tôn giả Màlunkyàputta thực sự là một đại biểu rất tiêu biểu cho những ai đang tôn thờ tư duy ngã tính, nhất là cho con người của thời đại có nhiều khủng hoảng ngày nay. Bản kinh 63 trở thành bức thông điệp sáng giá của Phật giáo dành cho thời đại. 4. Trong mười câu hỏi siêu hình mà tôn giả Màlunkyàputta neu lên, - Câu hỏi : "Thế giới là thường còn hay không thường còn ?" là câu hỏi về sự thật của yếu tố thời gian của vũ trụ. Câu hỏi "thế giới là hữu biên hay vô biên ?" là câu hỏi về sự thật của yếu tố không gian của vũ trụ ( như người xưa dịch nghĩa vũ trụ là thời gian và không gia :" Tứ phương thượng hạ thị chi vũ; cổ vãng kim lai thị chi trụ " ) - Câu hỏi : "sinh mạng và cơ thể là một hay là khác ?" là câu hỏi về sự thật của hiện hữu con Người. - Câu hỏi : " Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết v.v... là câu hỏi về " chân lý " tối hậu, về Niết bàn và về chân như. Đó là vấn đề lớn của Triết học phương Tây nói riêng, của Triết học nói chung. Tại đây, bản kinh 63, đức Thế Tôn đã cho Màlunkyaputta câu trả lời dứt điểm rằng :" Thế Tôn không trả lời mười câu hỏi siêu hình ấy ". Và nói rõ lý do vì sao không trả lời rằng : " Vì các điều ấy không liên hệ đến mục đích, các điều ấy không phải là căn bản của phạm hạnh, các điều ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn, cho nên Ta không trả lời các điều ấy ". Và Thế Tôn dạy thêm. " Và nầy Màlunkyàputta, điều gì Ta trả lời ' Đây là khổ ' là điều Ta trả lời. ' Đây là khổ tập ' là điều Ta trả lời. ' Đây là khổ diệt ' là điều Ta trả lời. ' Đây là con đường đưa đến khổ diệt ' là điều Ta trả lời. Vấn đề đã trở nên rất rõ ràng và rất sáng sủa là : Thế Tôn ra đời để chỉ cho đời thấy rõ sự thật của khổ đau, nguyên nhân dẫn đến khổ đau, nguyên nhân dẫn đến sự dập tắt khổ đau và con đường sống dẫn đến sự dập tắt khổ đau, hay dẫn đến chân an lạc, hạnh phúc. Thế là đạo Phật! Đạo Phật là thế ! Đó là con đường sống, thực nghiệm, chuyển đổi tâm lý để đi đến Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát. Sau thời Pháp trên, tôn giả Màlunkyàputta tiếp tục đời sống xuất gia dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn mà chúng ta sẽ được giới thiệu trong bản kinh 64. Lời dạy trên của Thế Tôn, kiết tập thành kinh 63, có sức mạnh bằng vạn câu trả lời của triết học, là tiếng nổ lớn có sức mạnh công phá của nhiều quả bom nguyên tử phá đổ kinh thành của thế giới ngã tưởng, vọng tưởng vậy. -ooOoo- |
[Trích giảng Trung Bộ] last updated: 8-02-2004