Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 58

Kinh Abhaya
( Abbayaràjakumàrasuttam )

- Discourse To Prince Abhaya -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 
 

( Từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH HOÀNG TỬ ABHAYA

1. Nigantha Nàtaputta, ngoại đạo Ni-kiền-tử, luôn có thái độ thù nghịch với Thế Tôn, bởi ảnh hưởng của Thế Tôn đã tỏa sáng như mặt trời, trong khi ảnh hưởng của Nàtaputta thu nhỏ lại như đom đóm. Các thức giả lần lượt đến với Thế Tôn và từ bỏ Nàtaputta. Sau nhiều lần xúi giục luận chiến với Thế Tôn thất bại, lần nầy Nàtaputta lại xúi Hoàng tử Abhaya đến tranh luận để bôi nhọ ảnh hưởng của Thế Tôn.

Làm sao có thể hại được đấng toàn giác ? ( ! )

Câu hỏi Nàtaputta gài bẫy là : " Bạch Thế Tôn, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa không thích chăng ? "

Cái bẫy là :

- Nếu câu trả lời : có các lời nói khiến người khác không ưa, thì Như Lai cũng chẳng khác người phàm.

- Nếu câu trả lời : Không có ; thì tại sao Như Lai đã nói làm Devadatta phẫn nộ ?

Biết rõ ác ý ấy, Thế Tôn đã thanh thản thuyết phục Abhaya bằng sự chân thật và đã thu phục Abhaya quy ngưỡng Ngài.

2. Đức Thế Tôn phân tích có sáu nội dung lời nói mà Thế Tôn có thái độ ứng xử khác nhau:

2.1. Lời phi thật, phi chân, không tương ứng với mục đích, khiến người khác không ưa: Thế Tôn không nói.

2.2. Lời phi thật, phi chân, không tương ứng với mục đích, khiến người khác ưa : Thế Tôn không nói.

2.3. Lời nói như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, khiến người khác không ưa : Thế Tôn không nói.

2.4. Lời nói như thật, như chân, tương ứng với mục đích, khiến người khác không ưa: Như Lai biết giải thích lời nói ấy.

2.5. Lời nói như thật, như chân, tương ứng với mục đích, khiến người khác ưa : Như Lai biết thời giải thích lời nói ấy.

2.6. Lời nói như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, khiến người khác ưa : Như Lai không nói.

III. BÀN THÊM

1. Trên đường mở đạo, đức Thế Tôn đã hứng chịu vô số khó khăn :

- Lúùc Tăng già phát triển mạnh ( có nhiều nghìn Tăng, Ni ) thì sinh hoạt không dễ dàng : phải giải quyết nhiều vấn đề : ăn, ở, y phục, thuốc men, an cư kiết hạ ...

- Nhiều tổ chức xã hội thù nghịch, tà giáo luôn luôn gây trở ngại, thách thức, vu khống ...

- Nội bộ có nhiều vấn đề tương giao, thái độ và ý kiến bất đồng...

- Có nhiều trường hợp tu sĩ và cư sĩ " nằm vùng " để gây rối...

- Nigantha Nàtaputta là trường hợp điển hình.

2. Thành kiến, tà kiến và dục vọng của người đời quá mạnh như vùng lửa hừng, rất khó nhiếp phục. Đạo thì như là những gì luôn luôn đảo ngược các tập quán của đời, luôn đòi hỏi sự tinh cần, nỗ lực. Giáo hội Tăng già thì hầu như hoàn toàn vô sản, không dính líu đến quyền lực thế gian. Thời tiết các mùa của xứ Ấn thì nóng lạnh khe khắt...

Giữa quá nhiều khó khăn cả trong lẫn ngoài Giáo hội, Thế Tôn và các đại đệ tử của Ngài, vẫn trước sau bất động xử sự với lòng từ ái và toả sáng trí tuệ. Đây là một bài học kinh nghiệm rất lớn cho sự nghiệp truyền bá Phật giáo trong thời đại mới, kỷ nguyên mới : cực kỳ nhẫn nại, nhưng luôn luôn bám chặt chân lý và mục tiêu giải thoát khổ, như thái độ ứng xử của Thế Tôn nêu trên.

-ooOoo-

( Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện trao tặng)

[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 22-11-2003