Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 52

Kinh Bát Thành
( Atthakanagarasuttam  )
 
-  Discourse To A Citizen Of Atthaka -

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

( Từ ngữ quen thuộc )

II.NỘI DUNG BẢN KINH BÁT THÀNH

1. Bản kinh nầy do tôn giả A-nan thuyết cho gia chủ Dasama ở thành Atthaka, triệu phú gia, về pháp môn độc nhất đi ra khỏi các ách phược, khổ ách ở đời;

2. Có bốn thiền Sắc giới : từ mỗi thiền, hành giả có thể có trí tuệ thấy rõ nguy hiểm của các pháp hữu vi mà tinh cần đoạn trừ hết lậu hoặc.

- Có bốn vô lượng tâm ( hành trên cơ sở thành tựu Tứ sắc định ) : từ mỗi công phu hành một trong bốn vô lượng tâm ( từ, bi, hỷ, xả ) mà hành giả có thể thấy rõ nguy hiểm của pháp hữu vi, mà tinh cần đoạn trừ tâm tham luyến hữu vi, đi đến tận trừ lậu hoặc.

- Có ba thiền Vô sắc giới : từ mỗi thiền, hành giả có thể thấy rõ nguy hiểm của pháp hữu vi mà đoạn trừ hết thảy lậu hoặc.

3. Gia chủ Dasama mừng rỡ cho rằng tự thân chỉ muốn tìm kiếm một kho báu, trong khi tôn giả A-nan chỉ cho thấy đến 11 kho báu. Gia chủ Dasna cúng dường ngọ trai cho chư Tăng ở Pataliputta và Vesali, cúng dường y và dâng cho tôn giả A-nan một Tăng xá có 500 Tăng phòng.

Thật là đại hoan hỷ đối với tâm thức trí tuệ của cư sĩ Dasama!

III. BÀN THÊM

1. Tôn giả A-nan là bậc đa văn đệ nhất, sau một thời gian dài được nghe Thế Tôn giảng dạy diệu pháp cho bao nhiêu Hội chúng, bao nhiêu thức giả, đã cô kết tinh hoa về " pháp môn độc nhất " thoát ly khổ ách vào thời pháp dành cho cư sĩ Dasama. Các nhà nghiên cứu Phật học chuyên môn đọc kinh Bát Thành thì thấy ngay nét " tinh yếu " của " con đường ". Đặc biệt của bản kinh là tôn giả đã tránh giới thiệu cõi tứ thiền của Vô sắc giới ( hay Phi tưởng phi phi tưởng xứ ) vì ở đó hành giả khó vận dụng thiền quán để thấy rõ cái nguy hiểm của các pháp hữu vi và do đó thiếu sức mạnh của trí tuệ để đoạn trừ sạch các lậu hoặc.

2. Nét đặc biệt thứ hai của kinh Bát Thành là Tứ vô lượng tâm hành từ tâm thức ở Tứ Sắc định cũng chỉ là pháp hữu vi. Chỉ có các bậc A-la-hán chứng bất động tâm giải thoát an trú vào sự biến mãn Tứ vô lượng tâm khắp mười phương pháp giới mới là pháp giải thoát bất động, vô tướng, vô thủ trước ( # vô vi pháp )

3. Nét đặc biệt thứ ba của kinh Bát Thành là: từ sơ thiền Sắc giới, nghĩa là từ lúc nhiếp phục được " Ngũ cái ", hành giả có thể vận dụng thiền quán để thấy rõ pháp hữu vi, thấy rõ đến nhuần nhuyễn, đến thời điểm chứng đắc vô thoát ly khổ ách. Do vậy, điều mà cư sĩ Dasama gọi là mười một kho báu là nổi bật sắc thái trí tuệ, thiền quán. Qua Thiền quán, cửa bất tử sẽ mở ra cho hành giả ngay sau khi hành giả tẩy sạch tâm cấu uế, khi đang còn sự hoạt động của tầm và tứ ( của tư duy ).

-ooOoo-

( Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện trao tặng)

[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 22-11-2003