Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 51

Kinh Kandaraka

( Kandarakasuttam )

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

( Từ ngữ quen thuộc )

II. NỘI DUNG KINH KANDARAKA

1. Du sĩ Kandaraka, tại Campa tán thán hội chúng Tỷ kheo của Thế Tôn sinh hoạt trong im lặng. Cư sĩ Pessa được Thế Tôn cắt nghĩa rằng chúng Tỷ kheo im lặng, trang nghiêm do an trú Tứ niệm xứ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời.

2. Đức Thế Tôn giới thiệu có bốn hạng người ở đời :

2.1. Hạng tự hành khổ mình.

2.2. Hạng hành khổ người

2.3. Hạng tự hành khổ mình, vừa hành khổ người.

2.4. Hạng không tự hành khổ mình và không hành khổ người.

- Pessa ưa thích hạng người thứ tư, không ưa thích ba hạng người đầu bởi vì trong khi mọi người đều tìm kiếm hạnh phúc lại làm điều ngược lại.

- Thế Tôn giới thiệu hạng thứ nhất là hạng tà mạng ngoại đạo sống khổ hạnh, ép xác.

- Hạng thứ hai là hạng sát sinh và trộm cắp.

- Hạng thứ ba là hạng vua chúa, quyền thế mà sống tà kiến, tà mạng thực hiện các tế tự tà đạo.

- Chỉ có hạng thứ tư sống đời sống phạm hạnh là tốt đẹp, đáng tán thán.

III. BÀN THÊM

1. Câu chuyện trao đổi giữa Thế Tôn với du sĩ Kandaraka và cư sĩ Pessa nói lên rằng sự gặp gỡ và trao đổi các vấn đề tôn giáo giữa Thế Tôn và người bản xứ đương thời là phổ biến. Tùy theo cấp độ nhận thức và yêu cầu tâm linh của người đối thoại mà Thế Tôn giới thiệu " Con đường " vì lợi ích an lạc của họ. Tại đây, Thế Tôn giới thiệu tổng quát về nếp sống " Không làm khổ mình, không làm khổ người ", hay nói khác đi, giới thiệu nếp sống đem lại an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người.

2. Nếp sống thoát ly khổ đau cho mình và người chỉ có một, gọi là con đường độc nhất, đó là nếp sống hành thiện ba nghiệp thân, khẩu, ý : sống tiết độ, cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác, thể hiện Giới học, Định học và Tuệ học dần dần dẫn đến kết quả loại trừ hết thảy lậu hoặc.

3. Cuộc trao đổi giữa Thế Tôn với các thành phần xã hội ở đời là cuộc đối thoại giữa chân lý và vọng tưởng, giữa thật và hư, giữa hạnh phúc và khổ đau. Những tập quán tư duy hữu ngã, tập quán dục vọng, tập quán thị phi, hơn kém, tập quán vị ngã, phóng dật v.v... của người đời là tất cả vật liệu, nhân duyên tạo ra sinh tử, khổ đau, bất an, sầu muộn, dao động, thất vọng v.v... Con đường giải thoát đi về " vô sinh ", chân hạnh phúc hẳn phải là con đường đi ra khỏi các tập quán đó. Rất rõ ràng và rất giản dị ! Rất tự nhiên, rất người và rất thực ! Hệt như gỡ ra chỗ rối của một " mối " dây. Nếp sống phạm hạnh là nếp sống của con đường đi ra khỏi các tập quán rối rắm ấy, là nếp sống gỡ điểm rối ấy. Ở đây không có gì là thần bí, không có gì là phi khoa học, không có gì là nghiêm khắc, hà khắc cả. Con đường là thế ! không còn có phép lạ nào để chờ đợi cả.

Chỉ có một bí mật duy nhất mà bản kinh 51 đã hé mở ra từ nếp sống của ba hạng người đầu ( tự hành khổ; hành khổ người ; tự hành khổ mình và người ) là con người vừa mong ước, chờ đợi hạnh phúc, vừa nắm giữ khổ đau.

Nhìn lại tự thân mình, một cư sĩ hay một tu sĩ, thì thấy rõ ngay : Vừa thiết tha với hạnh phúc, vừa thiết tha với dục vọng...

Các bản kinh tiếp theo của Trung Bộ Kinh II, sẽ dần dần tiết lộ cái bí mật trên hiện diện trong khắp các giai tầng xã hội.

-ooOoo-

( Nguyên Trừng đánh máy theo ấn bản do Hòa Thượng Chơn Thiện trao tặng)

[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 26-11-2003