Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ ]

Tìm hiểu
Kinh SALEYYAKA

(Trung Bộ, Kinh số 41)

Nguyên Bình


TRÍCH KINH (1):

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn đang du hành trong nước Kosala (Kiều tất la) cùng với Ðại chúng Tỷ-kheo đi đến một làng Bà-la-môn của dân chúng Kosala tên là Sala. 

Các gia chủ Bà-la-môn ở Sala nghe rằng: "Người ta nói Sa-môn Gotama, là Thích Tử, xuất gia từ gia tộc Sakya, đang du hành trong nước Kosala với Ðại chúng Tỷ-kheo, và đã đến Sa-la. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Gotama: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loàiTrời và Người. Khi đã chứng ngộ, Ngài còn tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa.Ngài truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Lành thay nếu được yết kiến một A-la-hán như vậy!" 

SUY TƯ:
1. Nhờ Ðức Phật du hành, nhiều người ở xa có thể tới yết kiến hỏi đạo.

2. Ðầy đủ 10 danh hiệu này là Ðức Phật.

3. Các vị Ðôc Giác Phật sau khi tự chứng ngộ không thuyết giảng điều đã tự chứng ngộ.

4. Ðức Phật Thích Ca là vị chuyển pháp luân nên đã giảng rộng rãi giáo pháp cho những chúng sanh hữu duyên.

5. Sơ thiện, trung thiện, hậu thiện có nghiã là giáo pháp không lời nào là không giúp người thực hành tăng thiện pháp, giáo pháp không có phần nào mâu thuẫn với phần nào về vấn đề này.

6. Phạm hạnh hoàn toàn dầy đủ trong sạch là chỉ cho Thánh Ðạo Tám Ngành của bậc Thánh. Tại gia khó lòng giữ gìn Thánh Ðạo Tám Ngành hoàn toàn trắng bạch như vỏ ốc được. Vì vậy, nếu không đoạn trừ hết kiết sử tại gia, không thể chứng đắc đạo qủa Alahán diệt tận khổ đau do sanh tử luân hồi gây nên.

7. Các gia chủ ở Sala, theo truyền thống rất tôn trọng vị nào được họ coi là Alahán.

TRÍCH KINH (2):

Rồi các gia chủ Bà-la-môn ở Sa-la đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, một số đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên;

SUY TƯ:
Ðây là cung cách yết kiến của những vị hết sức tín ngưỡng Ðức Phật.

TRÍCH KINH (3):

Một số nói lên những lời chào đón, thân hữu xã giao với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số chấp tay vái Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số nói lên tên họ của mình trước mặt Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số giữ im lặng rồi ngồi xuống một bên.

SUY TƯ:
Thành phần đi đến yết kiến Thế Tôn lần này bao gồm nhiều mức độ lòng tin khác nhau, rất có thể có nhiều người vì hiếu kỳ mà đến.

Tuy vậy Thế Tôn đối với tất cả đều xem như bình đẳng và Ngài chỉ an nhiên quan sát họ với từ tâm giải thoát.

TRÍCH KINH (4):

Sau khi ngồi xuống một bên, các gia chủ Bà-la-môn ở Sa-la bạch Thế Tôn:

-- Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, một số hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục? Này Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, đời này?

SUY TƯ:
Các gia chủ đặt câu hỏi này cho thấy họ là những vị có niềm tin vào lý thuyết nhân quả luân hồi nhưng chưa hiểu rõ ràng toàn bộ lý thuyết này nên muốn tìm hiểu xem kiến giải của Thế Tôn về câu hỏi đặt ra như thế nào. 

TRÍCH KINH (5):

-- Này các Gia chủ, do nhân hành phi pháp, hành phi chánh đạo, này các Gia chủ, mà như vậy, ở đây có một số loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Do nhân hành đúng pháp, hành đúng chánh đạo, này các gia chủ, mà như vậy, ở đây có một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung được sanh thiện thú, Thiên giới, đời này. 

-- Chúng con không thể hiểu đầy đủ những gì Tôn giả Gotama thuyết một cách vắn tắt nếu không được giải thích rộng rãi. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho chúng con để chúng con có thể hiểu đầy đủ những gì Tôn giả Gotama thuyết một cách vắn tắt!

-- Như vậy, này các Gia chủ, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng. 

-- Thưa vâng, Tôn giả. 

Các vị gia chủ Bà-la-môn ở Sa-la vâng đáp Thế Tôn. 

SUY TƯ:
1.Các vị cư sĩ nên lưu ý, ở nay Thế Tôn đã nói trực tiếp đến vấn đề phi pháp, phi chánh đạo và vấn đề đúng pháp, đúng chánh đạo của các gia chủ.

2.Ðức Phật luôn luôn nhắc nhở các vị muốn nghe pháp một điều: lắng nghe và khéo tác ý khi nghe pháp. Cư sĩ chúng ta nên ghi nhớ để thực hiện bất cứ khi nào nghe pháp.

TRÍCH KINH (6)

-- Này các gia chủ, có ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo, có bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo, có ba loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo. 

Này các gia chủ, thế nào là ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo? 

Ở đây, này các Gia chủ, có người sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.

Người này lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy.

Người ấy sống tà hạnh đối với các dục lạc, giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa.

Như vậy, này các Gia chủ, là ba loại thân hành phi pháp, phi chánh đạo. 

SUY TƯ:
1. Như vậy Ðức Phật đã minh định đối với hàng cư sĩ tại gia có 3 thân hành là phi pháp, phi chánh đạo. Ðó là sát sanh, trộm cắp và tà dâm.

Việc ân ái giữa vợ chồng hợp pháp không được liệt vào phi pháp, phi chánh đạo đối với cư sĩ. Tuy thế để đi đến giải thoát khỏi tái sanh thì việc này là một chướng đạo pháp.

3. Về các hành, Ðức Phật minh định rõ đối với cư sĩ có 3 thân hành phi pháp, phi chánh đạo, 4 khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo, 3 ý hành phi pháp, phi chánh đạo. Tổng cộng là 10 hành động phi pháp, phi chánh đạo.

Các hành động phi pháp, phi chánh đạo thâu tóm lại chỉ nằm trong 10 hành động này.

TRÍCH KINH (7):

Này các Gia chủ, thế nào là bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo?

Ở đây, này các Gia chủ, có người vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: "Này người kia, hãy nói những gì ngươi biết"; dầu cho người ấy không biết, người ấy nói: "Tôi biết"; dầu cho người ấy biết, người ấy nói: "Tôi không biết"; hay dầu cho người ấy không thấy, người ấy nói: "Tôi thấy"; hay dầu cho người ấy thấy, người ấy nói: "Tôi không thấy". Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì. 

Và người ấy là người nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, đến chỗ kia, nói dễ sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy ly gián những kẻ hòa hợp hay xúi dục những kẻ ly gián, ưa thích phá hoại, vui thích phá hoại, thích thú phá hoại, nói những lời đưa đến phá hoại.

Và người ấy là người nói lời thô ác. Bất cứ lời gì  thô ác, tàn ác, khiến người đau khổ, khiến người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến Thiền định, người ấy nói những lời như vậy.

Và người ấy nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chơn, nói những lời không lợi ích, nói những lời phi pháp, nói những lời phi luật, nói những lời không đáng gìn giữ. Vì nói phi thời, nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích. Như vậy, này các Gia chủ, có bốn loại khẩu hành phi pháp, phi chánh đạo. 

SUY TƯ
1. Như vậy 4 loại lời nói phi pháp, phi chánh đạo gồm có: nói láo cáo gian, nói chia rẽ, nói thô ác và nói phù phiếm nhảm nhí.

2. Ðịnh nghĩa của từng loại tà ngữ nêu trên đã được trình bày cặn kẽ trong đoạn kinh này. Người cư sĩ cần học thuộc lòng để suy gẫm mà tránh né trừ diệt.

3. Không phải chỉ lời chửi rủa mới là lời thô ác. Dù chỉ nói nhẹ nhàng mà làm thương tổn người khác vẫn nên tránh xử dụng.

TRÍCH KINH (8):

Và này các Gia chủ, thế nào là ba loại ý hành phi pháp, phi chánh đạo?

Ở đây, này các Gia chủ, có người có tham ái, tham lam tài vật kẻ khác, nghĩ rằng: "Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!"

Lại có người có tâm sân, khởi lên hại ý, hại niệm như sau: "Mong rằng những loài hữu tình này bị giết, hay bị tàn sát, hay bị tiêu diệt, hay bị tàn hại, hay mong chúng không còn tồn tại!" 

Lại có người có tà kiến, có tưởng điên đảo như: "Không có bố thí, không có kết quả của bố thí, không có tế lễ, không có cúng dường, các hành vi thiện ác, không có kết quả dị thục, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trong đời không có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chính hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau".

Như vậy, này các Gia chủ, là ba ý hành phi pháp, phi chánh đạo.

Như vậy do nhân hành phi pháp, hành phi chánh đạo, này các Gia chủ, ở đây, một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

SUY TƯ:
1. Như vậy ý hành phi pháp, phi chánh đạo có 3:

- Tham lam khiến suy nghĩ thèm muốn của người làm của mình
- Sân hận khiến nghĩ muốn người bị hại
- Tà kiến, không tin nhân quả luân hồi 

2. Những kiến chấp có một linh hồn khác thể xác, nằm trong thể xác, không thể giải thích được cái linh hồn đó có mẹ, có cha hay không.

3. Qủa dị thục là qủa do nhân đã gieo gặp duyên thay đổi khác dần đi (dị), khi thuần thục thì kết thành qủa (thục).

TRÍCH KINH (9):

Này các Gia chủ, có ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo, có bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo, có ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

Này các Gia chủ, thế nào là ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo? 

Ở đây, này các Gia chủ, có người 

-từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loại hữu tình; 

-từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy không lấy trộm tài vật ấy; 

-từ bỏ sống theo tà hạnh đối với các dục, không giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa.

Như vậy, này các Gia chủ, là ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo. 

SUY TƯ:
Ðức Phật tuyên bố "không sát sanh, không trộm cắp và không tà dâm" là 3 loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

Ở đây cần lưu ý rằng trong ý nghĩa của chữ "không sát sanh"bao gồm cả việc tu tập tàm qúi và từ tâm; trong ý  nghĩa của chữ "không tà dâm", hành dâm với người khác phái đều là tà dâm, ngoại trừ trường hợp người đó là vợ hay chồng hợp pháp của mình. 

TRÍCH KINH (10):

Và này các Gia chủ, thế nào là bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo? Ở đây, này các Gia chủ, có người từ bỏ vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giũa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: "Này người kia, hãy nói những gì Ông biết", nếu biết người ấy nói "Tôi biết"; nếu không biết, người ấy nói: "Tôi không biết"; hay nếu không thấy, người ấy nói: "Tôi không thấy"; nếu thấy, người ấy nói: "Tôi thấy". Như vậy, lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì. Từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đi đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia; như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, ưa thích hòa hợp, vui thích hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, những lời nói nhu hòa, đẹp tai, dễ thương, thơng cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, người ấy nói những lời như vậy. Từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, người ấy nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghóa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi. Như vậy, này các Gia chủ, có bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo. 

Một số nói lên những lời chào đón, thân hữu xã giao với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số chấp tay vái Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên; một số nói lên tên họ của mình trước.

SUY TƯ

1. Về phần lời nói vọng ngữ, trong đoạn kinh này chỉ đề cập đến việc làm chứng gian và nêu rõ rằng việc không làm chứng gian là một việc đúng pháp.

Ðiều này có vẻ sai khác với giới nói láo như sau: "Từ bỏ nói láo (vọng ngữ), tránh xa nói láo, chỉ nói những lới chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt, không phản lại lời hứa đối với đời".

Tuy nhiên, nếu suy gẫm sâu xa thì ta thấy ý nghĩa của giới nói láo bao trùm khẩu hành "không làm chứng gian dối" ở đây.

Cũng cần lưu ý là một người nói láo, do nói láo quen miệng hoặc do bị gạn hỏi, sợ bị mất mặt, hay sợ bị thiệt hại quyền lợi, rất dễ dàng trở thành người làm chứng gian dối. Vì vậy, để đề phòng tận gốc, trong kinh Giáo Giới Rahula, Ðức Phật đã dạy "chớ có nói láo, dầu chỉ để nói chơi".

2. Ðối với lời nói hai lưỡi, cần lưu ý là chẳng những phải từ bỏ mà còn phải tu tập tâm "ưa thích hòa hợp, vui thích hòa hợp, thích thú hòa hợp, tập nói những lời đưa đến hòa hợp". Do đó sự chỉ trích, nếu không khéo xử dụng đúng pháp, rất là nguy hại vì đưa đến sự chia rẽ một khi người bị chỉ trích hoặc người nghe chỉ trích chưa bỏ được thân kiến.

3. Lời nói độc ác phải từ bỏ mà lời thô ngữ cũng cần phải từ bỏ, bởi vì đối với lời nói nào "không nhu hoà, không đẹp tai, không dễ thương, không đẹp lòng nhiều người, không vui lòng nhiều người" thì đều cần phải tránh né, phải từ bỏ.

Nhiều khi vì cố chấp, vì tà kiến rằng "nói khéo là siểm nịnh hoặc man trá, chỉ cần thật tâm" nên không thể tu tập loại khẩu hành từ hoà mà Ðức Phật chỉ ra ở đây. Do đó đã bỏ mất một phương tiện nhắc nhớ tu tập tâm từ hoà.

Lời nói thô ác, phũ phàng, dù tâm người nói ra thế nào đi nữa, nghe vẫn chói tai, vẫn làm đau lòng người nghe. Cổ ngữ có câu: "Miếng ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời". 

Lời nói thô ác đâm thẳng vào tâm người nghe, cắm chặt vào đó như mũi tên có ngạnh, thật khó mà rút ra cho được và cứ thế, sự đau đớn âm  , dù có mòn dần theo thời gian cũng khó đi đến đoạn tận được.

Chúng ta cũng cần ghi nhớ rằng:

"Phàm con người đã sanh
Sanh với búa trong miệng.

4. Lời nói phù phiếm, tức là những lời nói vô bổ, không đưa đến lợi ích gì cho người nói cũng như người nghe ngoại trừ sự thích thú nhất thời làm gia tăng lòng dục nơi tâm.

Ngược lại, lời nói: đúng thời, chân thật, có ý nghiã, chánh pháp, giới luật, đáng được gìn giữ (thí dụ như một số danh nhân tư tưởng) là những lời nói không phù phiếm.

Nói nhảm nhí (nói đùa, nói giỡn chơi) nhiều khi khi đem lại hậu qủa không thể lường được, có thể rất tai hại nếu nói không đúng chỗ, không đúng thời.

Nghiệp tánh của người nữ khác người nam, vì thế số giới của các vị tỉ kheo ni nhiều hơn các giới của các vị tỉ kheo gần cả trăm giới, có thể vì người nữ hay dễ duôi với các lỗi nhỏ nhặt, hay buông thả theo ý thích của mình, không biết rằng cảm tính khi còn vô minh là còn si ám, chỉ là mặt trái của ái dục, nên dễ bị hệ lụy vì tình cảm, vốn chính là ái dục trá hình, khi vô minh chưa đoạn tận được. Cũng vì tâm dễ duôi, nhẹ dạ này, người nữ thường hay "ba điều bốn chuyện" hết chuyện nhà ra chuyện người. Vì thế đối với giới nói phù phiếm cần hết sức đề cao cảnh giác mới có thể dẹp bỏ được tâm lang thang và phi như lý tác ý.

Người nam thì lại hay rơi vào các câu chuyện "đại sự quốc gia" không phải bổn phận của mình, nói lung tung, phiến diện mà nhìn kỹ ra, cũng chẳng bổ ích gì cho cả người nói lẫn người nghe.

TRÍCH KINH (11):

Và này các Gia chủ, thế nào là ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo? Ở đây, này các Gia chủ, có người không có tham ái, không tham lam tài vật của kẻ khác, "không có" nghĩ rằng: "Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!" Lại có người không có tâm sân, không có khởi lên hại ý, hại niệm, nhưng nghĩ rằng: "Mong rằng những loài hữu tình này sống không thù hận, không oán thù, không nhiễu loạn, được an lạc, lo nghĩ tự thân!" Người ấy có chánh kiến, không có tưởng điên đảo: " bố thí, có kết quả của bố thí, có tế lễ, có cúng dường, các hành vi thiện ác có kết quả dị thục, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trong đời, có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và đời sau". Như vậy, này các Gia chủ, có ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo. Như vậy, do nhân hành đúng pháp, hành đúng chánh đạo, này các Gia chủ, ở đây, một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, đời này.

SUY TƯ:
1. Như vậy 3 ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo có thể tóm tắt, nói gọn như sau:

a. Không tham dục muốn của người làm của mình

b. Không sân hận muốn người bị hại mà lại có tâm từ.Có chánh kiến, nhận thức đúng đắn về nhân quả luân hồi, có sự tin tưởng vững chắc vào lý thuyết này và có sự tin tưởng rằng ngay trong thế gian này vẫn có những bậc tu hành đắc đạo, giảng dạy về các sự thật vi diệu

2. Kết qủa của việc hành đúng pháp, đúng chánh đạo là tái sanh vào cõi lành.

Như vậy danh từ chánh đạo nay có nghĩa là đưa đến cõi lành, chưa phải đưa đến giải thoát sanh tử luân hồi. Tuy nhiên ở cõi lành, chỉ ở cõi lành mới có thể gặp được chánh pháp mà tu tập tiếp đến giải thoát tối hậu, nhập vào Niết bàn giới vô sanh bất diệt.

Danh hiệu Ðức Phật là Thiên Nhân Sư, nghĩa là bậc thầy loài trời và loài người, cũng có nghĩa là chánh pháp giác ngộ giải thoát được truyền dạy ở cõi này, còn gọi là cõi lành.

Các chúng sanh ở đọa xứ do qúa nặng nghiệp nên không thể tu tập được ở các xứ đó, trừ khi nghiệp ác được đoạn tận, cảm thọ đọa xứ tận trừ, tái sanh lên cõi lành do nhờ một nhân lành đã tạo ở qúa khứ xa xôi, mới có thể tu hành chứng qủa được.

Vì thế, việc hành dâm giữa vợ chồng, tuy là chánh đạo, nhưng nếu còn xảy ra, thì chưa thể đoạn tận sanh tử luân hồi được.

TRÍCH KINH (12)

Này các Gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước: "Ôi, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, tôi được sanh vào đại phú gia vương tộc Sát-đế-lị!" Sự kiện này xảy ra, vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào đại phú gia, vương tộc Sát-đế-lị. Vì sao vậy? Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

Này các Gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước: "Ôi, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, tôi được sanh vào đại phú gia Bà-la-môn!" Sự kiện này xảy ra, vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào đại phú gia Bà-la-môn. Vì sao vậy? Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

Này các Gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước: "Ôi, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, tôi được sanh vào đại phú gia gia chủ!" Sự kiện này xảy ra, vị ấy sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào đại phú gia gia chủ. Vì sao vậy? Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo.

Này các Gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo mong ước: "Ôi, mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, tôi được sanh thân hữu với chư thiên Tứ thiên vương... với chư thiên cõi trời Ba mươi ba... với chư thiên Dạ ma với chư thiên Ðâu-suất-đà... với chư thiên Hóa lạc... với chư thiên Tha hóa tự tại... với chư thiên Phạm chúng... với chư thiên Quang thiên... với chư thiên Thiểu Quang thiên... với chư thiên Vô lượng quang thiên... với chư thiên Quang âm thiên... với chư thiên Tịnh thiên... với chư thiên Thiểu tịnh thiên... với chư thiên Vô lượng tịnh thiên... với chư thiên Biến tịnh thiên... với chư thiên Quảng quả thiên... với chư thiên Vô phiền thiên... với chư thiên Vô nhiệt thiên... với chư thiên Thiện hiện thiên... với chư thiên Thiện kiến thiên... với chư thiên Sắc cứu kính thiên... với chư thiên Hư không vô biên xứ thiên... với chư thiên Thức Vô biên xứ thiên... với chư thiên Vô sở hữu xứ thiên... với chư thiên Phi tưởng Phi phi tưởng xứ thiên"! Sự kiện này xảy ra, vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh thân hữu với chư thiên Phi tưởng Phi phi tưởng xứ thiên. Vì sao vậy? Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo. 

Này các Gia chủ, nếu một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo, mong ước: "Ôi, mong rằng, với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí, ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu!" Sự kiện này xảy ra, vị ấy với sự đoạn trừ các lậu hoặc, với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát , tuệ giải thoát vô lậu. Vì sao vậy? Vì vị ấy là vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo. 

SUY TƯ
Trong đoạn kinh này xác nhận rằng đối với một vị hành đúng pháp, đúng chánh đạo thì vị ấy, nếu có mong ước tái sanh vào cõi lành nào, đều được toại nguyện, dù là ở cõi người, gia đình rất giầu có hay ở một cõi trời từ Dục Giới đến Vô Sắc Giới.

Qủa dị thục ở đây thật khó nghĩ bàn được, vì thế ta không nên lý giải về nhân quả tương ứng trong đoạn kinh này.

TRÍCH KINH (13)

Khi nghe nói vậy, các gia chủ Bà-la-môn ở Sa-la bạch Thế Tôn:

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện để trình bày. Và nay chúng con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng, mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng!

SUY TƯ:
Sự qui y hay lễ qui y dưới thời Ðức Phật thật là giản dị và đầy đủ ý nghĩa "tâm phục, khẩu phục".Chúng ta thấy không có hình thức lễ bái rườm rà, chuông trống, hương hoa ở đây. Nhưng các vị gia chủ ở Sala khi qui y tự nguyện, đã được chánh pháp soi sáng tự tâm. Ðiều này thật là quí báu, thật là hiếm có.

-ooOoo-

Chân thành cám ơn anh Trương Văn Hiếu đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 11-2002)
Source = BuddhaSasana

[Trích giảng Trung Bộ]