Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 18

Kinh Mật Hoàn
(Madhupindikh Sutta)

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I . GIẢI THÍCH TỪ NGỮ - Hữu: Bhava (Becoming): Cõi hữu vi; hiện tượng giới; thế giới của sự tác thành do các duyên.

- Phi hữu: Abhava (Non becoming; excellent becoming): 

* Một số quan điểm cho rằng cõi Phi hữu là cõi tối thắng, khác cảnh bất toàn của Hữu, gọi là Phi hữu.

* Có quan điểm thì cho rằng cảnh giới thật thì ở ngoài cõi Hữu, khác hẳn cõi Hữu, phủ nhận cõi Hữu nên gọi là Phi hữu.

Hai quan điểm trên chấp nhận cõi Hữu là thường hằng hay phủ nhận nó đều là thiên chấp về thường, đoạn. Ý nghĩa trung đạo là thế giới Duyên sinh.

- Tham tùy miên: Ràganusaya (A propensity to attachment): Khuynh hướng tham trước; xu hướng tham trước; tập khí tham trước.

- Sân tùy miên: Patighanusaya (A propensity to repugnance): khuynh hướng ghê tởm, chán ghét; xu hướng ghê tởm, chán ghét; tập khí sân hận trong tâm.

- Kiến tùy miên: Ditthanusaya (A propensity to views): Khuynh hướng nắm giữ các kiến giải, quan điểm; xu hướng nắm giữ các kiến giải, quan điểm; tập khí nắm giữ quan điểm trong tâm.

- Nghi tùy miên: Vicikicchànusaya (A propensity to perplexity): Xu hướng nghi ngờ, do dự, bối rối trước sự vật; tập khí do dự, nghi ngờ trong tâm.

- Mạn tùy miên: Mànànusaya (A propensity to pride): Xu hướng tự kiêu, tự hãnh; tập khí tự hãnh, tự kiêu, tập khí ngã mạn.

- Hữu tham tùy miên: Bhavaràgànusaya (A propensity to attachment to becoming): Xu hướng tham trước cõi Hữu; tập khí tham trước cõi Hữu ở trong tâm.

- Vô minh tùy miên: Avijjànusaya (A propensity to ignorance): Tập quán vô minh; tập quán chấp thủ ngã; tập khí chấp thủ ngã khiến không nhận thức được sự thật Duyên khởi, Tứ Thánh đế.

II. NỘI DUNG BẢN KINH MẬT HOÀN

1. Kẻ du hành dòng họ Thích Ca tại vườn Đại Lâm, Kapilavatthu, tìm hiểu quan điểm, chủ thuyết của Đức Thế Tôn, hỏi rằng: "Sa môn Gotama có quan điểm thế nào, giảng thuyết những gì". Câu hỏi hàm nghĩa đợi chờ câu trả lời vế triết lý nhân sinh và vũ trụ. Nhưng Sakka, kẻ du hành, lại nghe Đức Thế Tôn dạy: "... Không có tranh luận với một ai ở đời; các tưởng sẽ không ám ảnh, vị Bà la môn sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ, do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với Hữu và Phi hữu".

Sakka thất vọng, lắc đầu, bỏ đi do không nắm được nghĩa lý của lời dạy.

Tiếp đó, Đức Thế Tôn đã cắt nghĩa cho các Tỷ kheo rằng: "Do bất cứ duyên gì, một số hý luận ám ảnh một người. Nếu ở đây không có gì đáng tùy hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thì như vậy là đoạn tận tham tùy miên, đoạn tận sân tùy miên, đoạn tận kiến tùy miên, đoạn tận nghi tùy miên, đoạn tận mạn tùy miên, đoạn tận hữu tham tùy miên, đoạn tận vô minh tùy miên, sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở đây, những ác, bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn".

Lời cắt nghĩa này vẫn còn hàm ẩn một số nội dung chưa khai tỏ, vẫn còn vắn tắt.

a) Tôn giả Đại Ca Chiên Diên (Mahàkaccàna) diễn rộng lời dạy vắn tắt trên như sau:

"Do nhân con mắt và các sắc pháp, nhãn thức khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ. Những gì có cảm thọ thì có tưởng, những gì có tưởng thì có suy tầm, những gì có suy tầm thì có hý luận. Do hý luận làm nhân, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, đối với các sắc pháp do con mắt nhận thức trong quá khứ, tương lai và hiện tại. (Tương tự, với tai, mũi, lưỡi, thân và ý).

Lời giảng rộng này đã được Thế Tôn tán thán.

b) Tôn giả Ànanda, đang hầu quạt Đức Thế Tôn, rất hân hoan nghe từng lời diễn rộng. Tôn giả, bậc đa văn đệ nhất, tán thán lời giảng rộng của Tôn giả Ca Chiên Diên là những lời Pháp ngọt ngào như bánh mật. Do vậy, Đức Thế Tôn đặt tên kinh số 18 là "Pháp Môn Bánh Mật (Mật Hoàn)".

III. BÀN THÊM 

1. Từ xu hướng tư tưởng, triết lý của câu hỏi của chàng Sakka sẽ kéo theo các câu trả lời chuyên chở nội dung tương tự, một nội dung mà sẽ đẩy con người vào thế giới ngã tướng đầy vọng tưởng, đầy ắp tham, sân, si, ngũ cái, đầy kiến thủ về Thường, Đoạn (Hữu và Phi hữu). Đức Thế Tôn đã kéo Sakka và nhân thế ra khỏi thế giới ấy bằng câu lời đáp: "... không có tranh luận với một ai ở đời..." bao hàm hai ý chính.

a) "Không tranh luận...": nghĩa là Ngài không chủ trương triết thuyết đầy ngã tưởng, hý luận. Nắm giữ các triết thuyết, chủ thuyết, quan điểm, là nắm giữ tham ái và chấp thủ các ngã tướng, nuôi dưỡng các cấu uế của tâm, sẽ rơi vào luận tranh, đấu tranh, kháng tranh, chiến tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ chỉ dẫn đến khổ lụy cho mình và cho đời.

b) Rời khỏi thế giới của hý luận, trở về theo dõi và kiểm soát tâm trước xúc, thọ, tưởng, tư để đoạn tận các tùy miên "tham, sân, si, kiến, mạn, vô minh". Đây là chủ trương và thái độ giáo dục của Đức Thế Tôn.

2. Từ tinh thần giáo dục, sống rất hiện thực và trí tuệ trên, Tôn giả Ca Chiên Diên đã dựa vào dòng vận hành của mười hai chi phần Duyên khởi để chỉ rõ dòng vận hành của hý luận dẫn đến khổ não rằng: căn tiếp xúc trần -- thức khởi (xúc - thọ - tưởng, tư v.v...). Đi ra khỏi thế giới hý luận với các ám ảnh của thế giới ấy, là đi ra khỏi "tham, sân, si, kiến, mạn, vô minh" tùy miên, khiến minh khởi, vô minh diệt, dẫn đến khổ não diệt.

3. "Pháp môn bánh mật" chỉ là pháp môn hộ trì các căn, nuôi dưỡng giác tỉnh, dập tắt tham ái khởi lên từ các căn. Pháp môn ấy nghe rất giản dị, nhưng rất tinh yếu hàm ẩn điểm tinh yếu nhất của công phu giải thoát.

Đây cũng là âm thanh "đại sư tử hống".

-ooOoo-

 (Nguyệt san Giác Ngộ, số 79, tháng 10-2002)
Source = BuddhaSasana

[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 17-02-2003