Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 15

Kinh Tư Lương
(Anumàna Sutta)

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ  - Rừng Bhesakala: Vườn Lộc Uyển (vườn Nai), nơi Đức Thế Tôn chuyển bánh xe Pháp (giảng bài Pháp đầu tiên).

- Tư lương: Anumàna (Measuring in accordance with): Suy diễn từ ..., suy diễn theo.

II. NỘI DUNG BẢN KINH

1. Tôn giả Mục Kiền Liên (Moggallàna) đề cập hai điểm giáo giới với các vị Tỷ kheo ở vườn Nai:

a) Có hai hạng Tỷ kheo: một hạng thì khó nói, khó trao đổi, góp ý; hạng kia thì dễ nói, dễ trao đổi, góp ý.

- Hạng khó nói là hạng đang vướng mắc vào các ác, bất thiện tâm như: ác dục, khen mình chê người, phẫn nộ, hiềm hận, cố chấp, phát ngôn do phẫn nộ, chỉ trích người góp ý, chất vấn, tránh né vấn đề, hư ngụy và não hại, tật đố và xan tham, lừa đảo và lường gạt, ngoan cố và quá mạn, chấp trước thế tục, khó hành xả. Với hạng này, các đồng phạm hạnh không muốn trao đổi, không muốn góp ý, không đặt lòng tin.

- Hạng dễ nói là hạng không có các điểm tâm lý kể trên. Các đồng phạm hạnh đặt lòng tin, muốn góp ý, muốn trao đổi.

b) Biết vậy, mỗi Tỷ kheo nên tự xét mình để tu tập, kiểm soát tâm để trở thành Tỷ kheo dễ nói.

2. Tỷ kheo nên tự quán sát tâm mình có hay không có mặt "Ngũ cái", nỗ lực đoạn trừ; chúng vốn là suối nguồn của các ác bất thiện tâm, các tâm cấu uế.

III. BÀN THÊM 

1. Kinh Tư lương tuy đơn giản ngắn ngủi, nhưng rất thiết thực. Điểm thiết thực thứ nhất là tập thể Tỷ kheo thể hiện "sáu pháp hòa kính" như là sắc thái sinh hoạt đặc thù: "sáu pháp hòa kính" này "chỉ thành tựu khi mỗi Tỷ kheo tẩy sạch cấu uế của tâm (thân hòa, khẩu hòa và ý hòa kính...), biết lắng tai nghe và tôn trọng nhau ở mọi nơi và mọi thời. Nếu không phải là các Tỷ kheo dễ nói thì "sáu pháp hòa kính" khó thực hiện.

2. Điểm thiết thực thứ hai là: Các bước đi giải thoát của một Tỷ kheo diễn ra theo một trình tự mà bước khởi đầu phải lạ bước tẩy sạch "Ngũ cái", hay tẩy sạch tâm cấu uế, trước khi đi tiếp bước thiền định và trí tuệ. Nói khác đi, bước đầu tiên phải là bước trở thành Tỷ kheo dễ nói.

3. Trên thực tế, nhất là thực tế của thời nay, việc một Tỷ kheo đi ra khỏi các lụy về sắc, danh và lợi không phải là việc dễ làm. Nói khác đi, trở thành vị Tỷ kheo dễ nói là hiếm có, hiếm thấy trong thời đại tràn ngập vật chất cám dỗ. Khi mà các thành viên trong tập thể số đông là khó nói, khó góp ý xây dựng thì tập thể thiếu sự đoàn kết nhất trí, không thể "thống lý đại chúng", khó mà phát triển tốt đẹp.

Với thực tế này, thì lời giáo giới giản dị và ngắn gọn của Tôn giả Mục Kiền Liên trở nên rất khế hợp, rất thiết thực, rất thực tế và hẳn nhiên có một ý nghĩa giáo dục rất đáng được suy gẫm.

Đó là những gì mà bản kinh 15 đang giáo giới chúng ta.

-ooOoo-

 (Nguyệt san Giác Ngộ, số 78, tháng 09-2002)
Source = BuddhaSasana

[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 17-02-2003