Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Trang chủ]

Trung Bộ Kinh - Bài Kinh số 11

Kinh Sư Tử Hống
(Cùlasìhanàda Sutta)

Hòa thượng Thích Chơn Thiện


I . GIẢI THÍCH TỪ NGỮ  - Sa môn thứ nhất: Sotàpanna (Stream Enterer): Tu đà hoàn, hay Nhập lưu.

- Sa môn thứ hai: Ekadàgamì (One Returner): Tư đà hàm, Nhất lai.

- Sa môn thứ ba: Anàgamì: (Never Returner): Bất lai, hay A na hàm.

- Sa môn thứ tư: Araham: A la hán.

- Tứ bất hoại tín: Tin Phật, Pháp, Tăng và Giới (hay Học pháp).

- Thuận ứng (trong kinh): Anuruddha (Yielding): Hướng đến tham; do bởi tham.

- Nghịch ứng: Pativiruddha (Hindered): Hướng đến sân do bởi sân.

- Hữu kiến: Bhavaditthi (Views of becoming): Chấp hữu; chấp thường.

- Phi hữu kiến: Abhavaditthi (Views of annihilation): Chấp vô, chấp không, chấp đoạn.

- Dục thủ: Kàmapàdànam (Grasping of pleasures): Chấp thủ dục, nắm giữ lòng dục.

- Kiến thủ: Ditthupàdànam (Grasping of view): Chấp thủ tri kiến, chấp thủ quan điểm, chấp thủ kiến giải.

- Giới cấm thủ: Sìlabbatupàdànam (Grasping of rules and customs): Chấp thủ các giới cấm ngoại đạo (không phải giới luật của bậc Thánh).

II . NỘI DUNG BẢN KINH

Bản kinh trình bày sự khác biệt nền tảng giữa Phật giáo và các tôn giáo, triết thuyết khác, qua một số điểm tiêu biểu như:

1. Chỉ ở Phật giáo mới có tứ quả Sa môn (tứ Thánh quả), ngoại đạo không thể có. Các đệ tử Đức Thế Tôn tin tưởng vào lời dạy của Thế Tôn về sự khác biệt này do có "tứ bất hoại tín" (tin Phật, tin Pháp, tin Tăng (giáo đoàn) và tin Giới.

2. Đã là chân lý thì chỉ có một. Giữa khi ngoại đạo chủ trương hữu kiến (chấp thường), hoặc phi hữu kiến (chấp đoạn) thì Phật giáo vượt ra khỏi thường đoạn (không chấp hữu, không chấp vô) mà tuyên bố sự thật là "Trung đạo", hay Duyên khởi.

Ngoại đạo do vì vướng vào chấp thường, đoạn mà không thể có tuệ tri về sự tập khởi và sự đoạn diệt của hai loại tri kiến ấy. Họ cũng không thể tuệ tri vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi các tri kiến nọ.

Ngoại đạo vướng vào chấp thủ kiến nên vướng vào vòng trói buộc của tham, sân, si, ái, thủ, thiếu trí tuệ, bị rơi vào thuận ứng, nghịch ứng, ưa thích hý luận dẫn đến già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.

Các đệ tử của Đức Phật, hay đệ tử của đệ tử Đức Phật, do vì có trí tuệ về Trung đạo, nên tuệ tri rõ con đường xuất ly khỏi các trói buộc kia, đi đến giải thoát khỏi sinh tử khổ đau.

3. Có bốn loại chấp thủ: dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ. 

Ngoại đạo không thể liễu tri thủ, do vì không thể liễu tri một, hai hay ba trong bốn loại chấp thủ. Khả năng lớn nhất là họ chỉ có thể diễn bày một, hai hay ba loại chấp thủ đầu; còn "ngã luận thủ" thì tuyệt nhiên không thể, bởi đó là vướng mắc chính của họ. Do đó pháp, luật của ngoại đạo là không được "khéo thuyết", không khéo hiển thị, không thể hướng thượng, không thể dẫn đến tịch tịnh, Niết bàn.

Phật giáo thì khác hẳn, không chấp thủ cả bốn chấp thủ trên. Do không chấp thủ nên tâm không dao động; do tâm không dao động nên tự thân chứng đắc Niết bàn.

(Ghi chú: Ý diễn đạt này có nội dung giống nội dung được diễn đạt trong kinh Kim Cang Bát Nhã: "vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm...").

Như tiếng rống của sư tử trong rừng sâu khiến muôn thú run rẩy, im lặng; Cũng vậy, giáo lý Phật giáo nói lên sự thật khiến ngoại đạo run rẩy, im lặng, câm lặng.

Đấy là nội dung được đề cập trong bản kinh số 11 này.

III. BÀN THÊM

1. Sự khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo triết thuyết khác, qua kinh ngắn Sư Tử Hống, có thể biểu thị qua biểu đồ dưới đây:

Phật giáo Các tôn giáo, triết thuyết khác
Trung đạo - Duyên khởi Chấp ngã, chấp thường, chấp đoạn
Vô ngã
(Non-I doctrine)
Hữu ngã
(I doctrine)
- Vô tham, sô sân, vô si
- Đoạn ái, đoạn thủ
- Tuệ tri, không thuận ứng, không nghịch ứng
- Tham, sân, si
- Ái, thủ
- Không tuệ tri, thuận ứng, nghịch ứng
Có Tứ sa môn quả Không có Tứ sa môn quả
Dẫn đến đoạn tận khổ
(Tịch tịnh, Niết bàn)
Dẫn đến sinh, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não
2. Tư tưởng nhân loại thì mênh mông như biển cả; giáo lý của các tạng kinh Phật giáo thì phong phú đến choáng ngợp; giữa cái cảnh mênh mông ấy, kinh ngắn Sư Tử Hống đã cống hiến một sự đối chiếu rất ngắn gọn và rất chân xác như đã được trình bày ở phần trên. Bên cạnh đó, bản kinh còn giới thiệu một số lộ trình "không chấp thủ" giản đơn, nhưng rốt ráo, dẫn đến tịch tịnh, Niết bàn, sau khi đi qua các chặng đường tẩy rửa tâm cấu uế, vào định, vào tuệ (như được giới thiệu ở các kinh trước). Chỉ có trí tuệ toàn giác mới mở ra được lộ trình này.

3. Nếu sự thật Vô ngã được các nhà tư tưởng văn hóa của thời đại đưa vào văn hóa nhân loại thì cuộc đời sẽ vơi đi rất nhiều đau khổ, xóa tan nhiều bi kịch, chấm dứt nhiều xung đột, bạo loạn v.v..., một dòng suối thanh lương sẽ chảy vào cuộc sống. Khó có thể chờ đợi một dòng văn hóa nào khác.

-ooOoo-

 (Nguyệt san Giác Ngộ, số 75, tháng 06-2002)
Source = BuddhaSasana

[Trích giảng Trung Bộ]

last updated: 17-02-2003