Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [Home Page]
Ðiểm sách
Ðức Phật Lịch sử
HT Thích Thiện Châu giới thiệuTác phẩm " Ðức Phật lịch sử " là một công trình nghiên cứu uyên thâm do tiến sĩ H. W. Schumann, một nhà Ấn Ðộ học người Ðức biên soạn và xuất bản đầu thập niên 90, sau 17 năm sống tại Ấn Ðộ để nghiên cứu đạo Phật và du hành khắp vùng đã in dấu chân hoằng hóa của đức Phật cách đây 2.500 năm. Tác phẩm này giới thiệu bậc Ðạo Sư như một vĩ nhân trong lịch sử tư tưởng nhân loại đã đem lại niềm tự hào cho đất nước Ấn Ðộ trước lòng ngưỡng mộ của thế giới Ðông phương cũng như Tây phương trong bao thế kỷ qua.
Ðó là hình ảnh của bậc Ðạo Sư giản dị nhưng trí tuệ siêu việt, đã thuyết giảng giáo lý Trung đạo được thiết lập trên nền tảng vững chắc của Bốn chân lý vi diệu và Mười hai nhân duyên, đưa ra một nhân sinh quan và vũ trụ quan mới cho xã hội Ấn Ðộ cổ đại mang nặng truyền thống Vệ Ðà hàng ngàn năm trước, đã gây bao nỗi chán nản thất vọng cho những người mong cầu các kinh nghiệm tâm linh như thật đem lại ánh sáng giác ngộ chân lý.
Bước đường hành đạo của đức Phật thật sinh động trong khung cảnh Ấn Ðộ cổ đại, được minh họa bằng các trích đoạn kinh kệ từ Tam tạng Pàli nguyên thủy đầy thiền vị hòa lẫn thi vị, cùng một số địa đồ đầy đủ chi tiết các vùng đất xưa từng ghi dấu chân đức Thế Tôn, từ vườn hoa Lumbini, nơi Ngài đản sanh cho đến rừng Sàla ở Kusinàra, nơi Ngài viên tịch trong Niết bàn tối hậu.
Phật giới học xưa nay đã quen thuộc với hình ảnh đức Bôn Sư qua bao kinh điển cùng các tác phẩm nghiên cứu bình luận của nhiều học giả khắp thế giới, nhưng phần lớn các hình ảnh ấy đã được ít nhiều thần thoại hóa hay tiểu thuyết hóa theo quan điểm của mỗi soạn giả. Còn đặc điểm của tiến sĩ H. W. Schumann là đã dày công nghiên cứu và xây dựng hình ảnh của đấng Giác Ngộ như một người sống thật trong khung cảnh thật của Ấn Ðộ cổ đại, với những nhận xét khách quan của một học giả nghiên cứu có hệ thống rõ ràng theo phương pháp khoa học. Cái nhìn của học giả H. W. Schumann về đức Phật có vẻ khác lạ với quan niệm về đức Phật của Phật tử Việt Nam, nhưng đó chính là điều bổ ích làm tăng giá trị của quyển sách trong sự đóng góp vào kiến thức Phật học của độc giả cùng Phật tử Việt Nam.
Riêng tôi được đọc sách này qua bản dịch tiếng Anh của ông M. O' C Walshe , người mà tôi đã gặp và làm việc chung tại Luân Ðôn trong Giáo hội Tăng già Anh quốc (English Sangha Trust) nhiều năm qua. Ông Maurice Walshe là người Anh gốc Ðức, một nhà Phật học nổi tiếng đã dịch quyển "Ðức Phật lịch sử" này; vì vậy quyển sách không những rất giá trị về Phật lý, mà còn giá trị về phương diện ngôn ngữ do sự hợp tác của soạn giả và dịch giả trong sự hiểu biết thấu đáo về Phật giáo nguyên thủy cùng ngôn ngữ Ðức-Anh.
Nhận thấy tác phẩm này có công dụng thực tiễn về phương diện nghiên cứu Phật học rất cần thiết cho Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và giới Phật tử Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, tôi giao phó việc dịch tác phẩm sang tiếng Việt cho cư sĩ Nguyên Tâm Trần Phương Lan, Giáo sư phụ trách môn Anh văn thuật ngữ Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh, cũng là một dịch giả của bộ Jàtaka ( kinh Bổn Sanh hay Chuyện tiền thân đức Phật ) thuộc Tiểu bộ kinh, tạng Pàli, một tác phẩm đặc sắc thấm đậm truyền thống phong tục xã hội đời thường ở cổ Ấn Ðộ từ thời đức Phật tại thế cùng thánh chúng của Ngài cho đến vài thế kỷ sau qua những câu chuyện đầy tình người hòa lẫn hương đạo.
Với niềm mong muốn các giới nghiên cứu Phật học Việt Nam đón nhận một quyển sách có giá trị mới ra đời, cùng cống hiến cho Phật tử và độc giả Việt Nam một công trình nghiên cứu thấu đáo.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu dịch phẩm "Ðức Phật lịch sử" này.
Thích Thiện Châu
Ðức Phật Lịch sử
(The Historical Buddha)
(Thời Ðại, cuộc đời và giáo lý của vị khai sáng đạo Phật)
Nguyên tác : H.W. Schumann
Việt dịch : Trần Phương Lan
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
chịu trách nhiệm xuất bản - 1997
Nhà Xuất Bản Thành Phố Hồ Chí Minh xuất bản
(62, Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 1)
[ Trở Về ]