Người Cư Sĩ          [ Trở Về ]

Đại bi tâm
Nhật Duyệt

Nói đến Từ Tâm thì chúng ta nghĩ tưởng đến đức Di Lặc Bồ Tát, ngài còn có danh hiệu là Từ Thị, với nụ cười rộng mở, ngài thể hiện sự an lạc, nguồn vui bao la, không giới hạn. Nói đến Bi Tâm hay Ðại Bi Tâm thì chúng ta nghĩ tưởng đến đức Quán Thế Âm, tay cầm nhành liễu và bình nước cam lộ, hình ảnh này biểu tượng cho sự cứu chúng sinh thoát mọi phiền não và khổ nạn.

Từ tâm tiếng Pali là Metta, tiếng Phạn là Maitri, ngài Di Lặc có tên là Maitreya, và Bi Tâm tiếng Phạn là Karuna, hai tiếng Từ và Bi thường được hiểu là ban vui và cứu khổ. Ở nơi đâu có Từ thì có Bi. Từ và Bi sát cánh, không hề tách rời. Nói một cách dễ hiểu : ví như gặp một người đang khổ sở vì bệnh tật ốm đau, với lòng Từ, chúng ta mong cầu cho người đó được hết khổ sở, bệnh tật nghĩa là chóng lành mạnh, tìm thấy lại trạng thái an vui và với lòng Bi, chúng ta sẽ tìm cách nào cho người đó tiêu trừ bệnh tật, hoặc là nhờ thầy thuốc chữa trị, hoặc là tìm nguyên do của căn bệnh đó mà có lời khuyên bảo, chỉ cho người đó những gì là lợi là hại cho sức khoẻ dể người đó không còn phải mắc vào bệnh khổ đó nữa. Ðó là hành xử theo Bi tâm vậy.

Một thí dụ khác, khi gặp người nghèo khó neo đơn, với Từ tâm, chúng ta sẽ động lòng trước cảnh khổ đó, chúng ta mong muốn cho người đó được ấm no hạnh phúc, với Bi tâm, chúng ta sẽ tìm cách nào để giúp cho người đó thoát khỏi hoàn toàn cảnh khổ nghèo đói, hoặc tìm cách giúp cho người đó có công ăn việc làm, hoặc có chỗ để nương tựa.

Từ Tâm thì động lòng, thương tưởng, hướng về, ước muốn chúng sanh được an lạc hạnh phúc, Bi Tâm thì tìm cách cứu ra khỏi cảnh khổ. Như một kẻ sắp chìm sông, chết đưối thì Từ tâm là ý muốn, lòng mong cầu cho người đó đừng chết đuối, được cứu thoát lên bờ, và bàn tay vội đưa ra để kéo người đó lên bờ chính là hành động của Bi tâm. Như thế, Bi tâm là hành động đưa đến hiệu quả ngay, nhưng hành động này có được là do Từ tâm thúc đẩy. Do đó mà nói Từ và Bi thì sát cánh, hai mà như một vậy.

Như thế Từ Tâm là lòng thương tưởng đến chúng sanh và mong cầu cho tất cả đều an lạc, Bi Tâm là hành động cứu khổ để ban vui, làm cho thoát ra khỏi trạng thái đớn đau ngặt nghèo. Có Từ thì liền có Bi, có Bi là vì đã có Từ. Từ và Bi không tách rời. Khi đã có ý tưởng khởi lên để ban vui thì liền có hành động kèm theo để cứu khổ. Cho nên trong Phật giáo hai chữ Từ Bi ( Metta- Karuna ) luôn đi đôi với nhau.

Nhắc lại bài kinh " Từ Bi "đúng ra phải dịch là kinh Từ (Metta Sutta ) mà chúng ta đã học kỳ trước thì Từ tâm là :

Ðem an vui đến cho muôn loài
Cầu chúng sanh thảy đều an lạc

Và :

Tung rải từ tâm khắp vũ trụ
Mở rộng lòng thương không giới hạn

Chúng thấy rõ trong bài kinh này đức Phật dạy làm cách nào để phát khởi Từ tâm tức là mở rộng lòng thương đến tất cả chúng sinh, xem chúng sinh và ta là như một, không phân biệt kẻ thân người sơ, dù ta quen hay không quen, biết hay không biết, giống ta hay khác ta...Ta vẫn mở rộng lòng ao ước hạnh phúc an lạc cho những chúng sinh này, khi tu tập được nguồn Từ tâm này rồi thì tâm Bi tự nhiên phát khởi. Từ tâm thúc đẩy Bi tâm đến một hành động cụ thể, thiết thực. Tâm Bi là câu hỏi được đặt ra : " Phải làm gì và làm thế nào, hành động bằng cách nào để đem lại an lạc hạnh phúc giải thoát cho chúng sinh " ?

Nói đến Bi Tâm thì không thể nào mà không nhắc đến đức Quán Thế Âm Bồ Tát bởi vì ngài là hiện thân của Bi tâm, là hành động hữu hiệu nhất để kéo chúng sinh ra khỏi cơn đau, nỗi khổ, cảnh hoạn nạn, khốn khó, ngặt nghèo, sợ hãi. Do đó, qua bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu đức Quán Thế Âm ngài là ai cùng các đại nguyện của ngài và tìm hiểu như thế nào là Ðại Bi Tâm.

1. Quán thế âm bồ tát :

Nguyên danh hiệu ngài theo Phạn ngữ là Avalokitesvara, dịch theo âm là A Bà Lô Kiết Ðế, dịch nghĩa là " vị chúa tể có cái nhìn thông suốt xuống thế gian nhờ lắng nghe các âm thanh."

Nhưng vì sao gọi là Quán Thế Âm ? Ðó là bởi xét theo hạnh tu chứng của ngài là do nơi tánh nghe, từ âm thanh mà nhập vào Chơn tánh, từ đó hiện ra các ứng thân để hóa độ chúng sinh. Cũng từ âm thanh mà quán xét chúng sinh như thế nào, hiểu được, thông suốt chúng sinh muốn gì, nghĩ gì, khiến cho giải thoát các khổ não và ban cho sự không sợ hãi, do nhơn duyên này mà ngài có danh hiệu là Quán Thế Âm.

Cũng có nơi dùng danh hiệu Quan Thế Âm thay vì Quán thế Âm song chữ " quan " là quan sát xem xét nhưng không có nghĩa rộng và sâu như " quán " còn mang nghĩa thấu triệt, thông suốt, cái thấy hay cái nhìn bao quát vạn sự vạn vật.

Như thế, Quán Thế Âm là từ nơi âm thanh được nghe mà lại có cái thấy thông suốt. Âm thanh này xuất phát từ đâu ? Từ thế gian là nơi cư ngụ của loài hữu tình tức là chúng sanh trong sáu cõi vậy.

Chỉ có các kinh điển Ðại Thừa mới nhắc đến ngài và các kinh được biết đến nhiều nhất là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm thứ 25, tựa là " Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm " và kinh Thủ Lăng Nghiêm nơi chương đức Phật hỏi 25 vị thánh do tu pháp môn gì mà được chứng quả thì Bồ Tát Quán Âm thưa là do nhĩ căn mà được ngộ đạo, có nghĩa là đối với âm thanh không khởi vọng niệm mà lại xoay cái nghe trở lại tự tánh. Vào được Chơn tánh thì hết sanh hết diệt nhưng đầy đủ diệu dụng để cứu vớt chúng sinh, không hề chướng ngại.

Ngài còn có một danh hiệu khác là Quán Tự Tại. Tự tại ở đây được hiểu trong cái nghĩa Tự tại vô ngại, chỉ những vị đã chứng đắc, rời bỏ những phiền não trói buộc. Một địa vị mà Bồ Tát đắc nhập gọi là Tự Tại Ðịa, ở đây Bồ Tát được Tự Tại Lực hay là Sức Tự Tại, ở nơi Lực này, vị Bồ Tát có thể tùy ý hóa sanh bất cứ nơi nào để độ chúng sinh. Vị đắc Tự Tại Lực này thì được gọi là Tự Tại Nhơn. Tự Tại nhơn thì chứng đắc tám đức Tự Tại :

1. Dùng một thân mà thị hiện nhiều thân
2. Thân vi trần hiện khắp cùng Tam thiên đại thiên thế giới
3. Thân nhẹ nhàng có thể bay đi khắp cùng vô số thế giới như số cát của hai mươi sông Hằng
4. Hiện ra vô lượng hình tướng mà vẫn ở một cõi
5. Sáu căn tự tại : có thể dùng một căn mà thế cho các căn
6. Ðắc tất cả pháp mà tâm không chấp là đắc
7. Những lời lẽ thuyết pháp của ngài dù trải qua vô lượng kiếp vẫn không mất
8. Dù người ta chẳng thấy nhưng thân ngài hiện khắp nơi, như hư không.

Do chứng đắc các đức Tự Tại như thế mà Bồ Tát Quán Âm còn được gọi là Quán Tự Tại.

Quán Tự Tại còn có hai nghĩa :

1. Quán rõ các pháp đều do tâm biến hiện nên chứng được quả tự tại
2. Quán biết căn cơ của chúng sinh nên sự giáo hóa được tự tại.

Chúng ta không tìm thấy trong kinh điển nói về nguồn gốc của ngài, từ đâu sinh ra, ở xứ nào, cha mẹ nào...Chúng ta chỉ được biết bổn sư của ngài là đức Phật A Di Ðà nên hình tượng của ngài luôn luôn được tạc với hình tượng đức A Di Ðà trên đỉnh đầu. Và khi nói đến Di Ðà Tam Thánh thì có ngài ở bên phía hữu của đức A Di Ðà, bên trái thì có đức Ðại Thế Chí, đó là hai vị phụ tá đức A Di Ðà để tiếp độ chúng sinh về cõi cực Lạc.

Bồ Tát Quán Âm là nam hay nữ ? Theo truyền thống Tây Tạng, ngài có danh hiệu là Tchènrézi và được sinh ra từ đức A Di Ðà ( hoá sinh mà có ) dưới dạng thân nam và tất cả các đức Ðạt lai lạt ma là hiện thân của ngài, Tchenrézi biểu hiện cho tâm từ bi của hết thảy chư Phật, hình tượng của ngài khi mang dạng người nữ thì có danh hiệu khác là Tara, hóa sinh từ Chenrézi. Ðối với Phật giáo Tây Tạng, A Di Ðà Phật hay Quán Thế Âm Bồ Tát đều cần phải được hiểu như là biểu hiện của Pháp thân, như thế thì nam hay nữ, vấn đề không được đặt ra.

Tại các nước theo truyền thống Bắc tông như Trung Hoa, Nhật Bản và nước Việt Nam ta thì tượng Quán Thế Âm bồ Tát thường đưọc tạc dưới dạng người nữ, có lẽ vì lòng từ bi thường được ví với lòng từ mẫn của người mẹ đối với con. Người đời còn gọi ngài là Phật bà, theo các tích truyện tương truyền đến bây giờ thì đều tả ngài duới hình ảnh người phụ nữ như chuyện Quan Âm Thị Kính. Một hình ảnh khác của ngài còn được tả dưới dạng Bạch Y Quán Âm.

Thật ra hình tướng không phải là điều quan trọng bởi theo bản kinh Thủ Lăng Nghiêm hay Phẩm Phổ Môn đều có dạy là ngài thị hiện các thứ thân hình, tùy mỗi trường hợp, nếu cần hiện thứ thân hình nào mới độ được thì ngài thị hiện thân hình đó. Như thế, thiết nghĩ vấn đề nam hay nữ không cần phải đặt ra.

Tại sao gọi là Bồ Tát ?

Bồ Tát tiếng Phạn là Bodhisattva, dịch âm là Bồ Ðề Tát Ðỏa, dịch nghĩa là chúng hữu tình đã được giác ngộ hoặc đang trên đường tiến đến giác ngộ. Bồ đề nghĩa là " Giác " và "Tát đỏa " là " hữu tình. Với tinh thần đại thừa, bồ tát phải được hiểu đầy đủ qua ba nghĩa là :

1. Tự lợi : tức là " Hữu tình giác ", chúng hữu tình đã giác ngộ nhưng chưa được hoàn toàn như Phật.

2. Lợi Tha : tức là " Giác hữu tình ", phần mình đã giác ngộ rồi liền giác ngộ chúng sanh.

3. Tự lợi và Lợi tha : Tự giác và Giác tha, nghĩa là trên thì cầu Phật đạo để giác ngộ cho mình, dưới giáo hóa chúng sinh.

Theo nghĩ thứ nhứt là Tự lợi thì Bồ Tát đẵ được cái " Trí ", theo nghĩa thứ hai thì Bồ Tát được cái " Bi " vì thương xót và độ chúng sinh. Nghĩa thứ ba thì bao gồm cả Bi và Trí, đầy đủ " Lý, Sự " vô ngại nên được gọi là Quán Tự Tại. Bồ Tát Quán Âm thì có đủ tất cả các tánh đức nói trên và bởi từ nơi Chơn tánh ngài quán xét chúng sanh qua nhĩ căn, nghe tiếng tăm mà cứu độ, ở nơi Vô Vi mà khởi tâm Ðại Bi, dùng vô lượng phương tiện thiện xảo mà tế độ quần sanh không có chướng ngại cho nên ngài còn được gọi là Quán Tự Tại là như vậy.

Ðược gọi là Bồ tát vì vị này không những chỉ tu cho mình mà Phát Bồ Ðề Tâm tức là còn tu vì kẻ khác, giúp kẻ khác được giác ngộ như mình. Ðức Thích Ca trước khi thành Phật, ngài là một vị Bồ Tát vì ngài không chỉ tu cho riêng mình mà vừa tự độ và độ tha vậy.

Bồ tát lấy việc lợi ích chúng sanh làm điểm khởi đầu, phàm làm việc gì ngài cũng nghĩ đến lợi tha trước tự lợi. Bồ tát không chán ghét hữu tình, nhờ sự thông cảm, đồng cảm nỗi khổ của hữu tình mà không có lòng sân hận, nuôi dưỡng tánh từ bi để có thể hoà nhập vào thế gian mà không bị thế gian lôi cuốn. Bồ tát do từ trong hạnh lợi tha mà thành Phật. Ðó là thiện xảo của Bồ tát hạnh. Tự lợi và lợi tha thúc đẩy lẫn nhau. Tuy chưa độ mình xong, Bồ tát vẫn có thể độ người trước. Con đường của Bồ tát còn được gọi là con đường "Xuất tục nhập thế" dựa trên sáu pháp tu ( Lục độ ) : bố thí , trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn , thiền định và trí huệ. Sáu pháp này đều dựa trên tâm đại bi nên nói " Bồ tát chỉ sinh ra từ đại bi, không sinh ra từ cái thiện nào khác. " Bồ tát gắn liền với đại nguyện :" Có một chúng sinh nào chưa thành Phật thì quyết không chứng Niết bàn ở cõi này." Tâm lượng của Bồ tát thật vĩ đại như thế nên mới gọi là Ðại Bi Tâm.

Trong bài này chúng ta sẽ dựa vào một số bản kinh để tìm hiểu Bồ Tát Quán Thế Âm.

2. kinh thủ lăng nghiêm và Bồ tát quán âm :

Hãy cùng đọc đoạn kinh sau đây :

" Khi đó, đức Quán Thế Âm Bồ Tát đứng dậy lạy Phật cung kính thưa " rằng : - Bạch Thế Tôn, con nhớ từ hằng hà sa số kiếp về trước, có "Phật ra đời tên là Quán Âm. Con đối trước đức Phật Quán Âm phát "tâm bồ đề. Ngài dạy con từ nơi nghe rồi nhớ và tu mà vào được "chánh định. Khi mới nghe tiếng, không chạy theo thinh trần, xoay "cái nghe trở vào chơn tánh. Vì chỗ vào đã yên lặng, nên động và tịnh "hai món trần cảnh không sanh. Như thế lần lần tăng tấn đến cái "nghe và cảnh bị nghe cũng hết. Cũng không an trụ ở chỗ hết nghe. "Cái biết hết và cái bị biết cũng không còn. " Cái biết " và cái " bị "biết " cả hai đều không, đến cùng tột viên mãn. Song hãy còn cái "không", phải tiến lên một từng nữa là cái " không " với cái " bị "không " cả hai đều diệt hết, thì cái chơn tâm tịch diệt hiện tiền.

Qua đoạn kinh trên Bồ Tát nhờ công phu tu trì, từ nơi Chánh định mà Ngộ được Chơn tâm, từ Chơn tâm khởi ra diệu dụng mà Bồ Tát trình bày tiếp như sau :

" Bạch Thế Tôn, do con tu như vậy, nên vượt ra khỏi thế gian và xuất "thế gian. Vì đã được chơn tâm thanh tịnh sáng suốt viên mãn khắp "cả mười phương cùng với chư Phật và chúng sanh đồng một thể tánh "ấy nên con được hai điều thù thắng : - Hiệp với đức " Từ độ sanh " "của chư Phật. - Hiệp với lòng " Bi ngưỡng mộ " của tất cả chúng "sanh. Và được các món diệu dụng như sau :

" Bạch Thế Tôn, con nhờ chứng được chỗ đồng thể đó, nên cùng với "chư Phật hiệp đức từ, hiện ra 32 ứng thân để tùy thuận theo các "chúng sinh mà hóa độ :

"1. Hiện thân Phật
"2. Hiện thân Ðộc Giác
"3. Hiện thân Duyên Giác
"4. Hiện thân Thanh Văn
"5. Hiện thân Phạm Vương
"6. Hiện thân Ðế Thích
"7. Hiện thân Trời Tự Tại
"8. Hiện thân Ðại Tự Tại
"9. Hiện thân Ðại Tướng Quân
"10. Hiện thân Tứ Thiên Vương
"11. Hiện thân Thái Tử
"12. Hiện thân Vua
"13. Hiện thân Trưởng Giả
"14. Hiện thân Cư Sĩ
"15. Hiện thân Tể Quan
"16. Hiện thân Bà La Môn
"17. Hiện thân Tỳ Kheo
"18. Hiện thân Tỳ Kheo Ni
"19. Hiện thân Ưu Bà Tắc
"20. Hiện thân Ưu Bà Di
"21. Hiện thân bà chúa
"22. Hiện thân đồng nam
"23. Hiện thân đồng nữ
"24. Hiện thân Trời
"25. Hiện thân Rồng
"26. HIện thân Dược Xoa
"27. Hiện thân Càn Thát Bà
"28. Hiện thân A Tu La
"29. Hiện thân Khẩn Na La
"30. Hiện thân Ma Hầu La Già
"31. Hiện thân Người
"32. Hiện thân các Chúng sinh
" Bạch Thế Tôn, con nhờ tu pháp này mà chứng được chỗ đồng thể "với chúng sinh, nên cùng với chúng sinh đồng một lòng bi ngưỡng "mộ. Vì thế khiến cho các chúng sinh đặng 14 món không sợ :
"1. Chúng sinh khổ não, quán tiếng tăm được giải thoát
"2. Vào lửa không cháy
"3. Vào nước không chìm
"4. Quỷ không hại được
"5. Dao chặt không đứt
"6. Quỷ không thể thấy được
"7. Không ai trói cột được
"8. Không ai trộm cướp được
"9. Lìa tâm dâm dục
"10. Lìa nóng giận
"11. Lìa si mê
"12. Cầu nam đặng nam
"13. Cầu nữ đặng nữ
"14. Niệm danh hiệu Quán Âm công đức bằng niệm danh hiệu của "hằng hà sa Bồ Tát.
"Bạch Thế Tôn, con nhờ tu pháp môn này mà đặng bốn món thần "diệu không thể nghĩ bàn :
"1. Hiện nhiều đầu, nhiều tay và nhiều mắt
"2. Hiện hình nói thần chú
"3. Chúng sanh hy sinh tài sản cầu con thương xót
"4. Chúng sanh cầu chi được nấy
" Bạch Thế Tôn, do đó mà đức Phật Quán Âm thọ ký cho con tên là "Quán Thế Âm".
Nguồn gốc của danh hiệu Quán Thế Âm được tìm thấy qua đoạn kinh trên và cũng căn cứ theo đoạn kinh vừa tả trên mà chúng ta còn thấy hình tượng Bồ Tát Quán Âm với nhiều đầu, nghìn tay, nghìn mắt. Có những hình tượng tạc ngài với những con mắt nơi mỗi bàn tay điều này chứng tỏ Ðức tự tại mà ngài đã đạt được : sáu căn tự tại, có thể dùng một căn mà thế cho sáu căn. Cũng như tả ngài khi nghe tiếng tăm mà thấy và hiểu thông suốt chúng sinh, có nghĩa là như nơi lỗ tai mà có con mắt vậy. Cũng nói là " Lục căn hỗ dụng " nên nơi bàn tay mà có con mắt có thể thấy, nơi lỗ tai nghe mà cũng thấy được như có con mắt nơi tai vậy. Thật ra thì Bồ tát do đã vào Chánh định, từ nơi Chơn tánh hay Chơn tâm mà cái nghe, thấy, biết chẳng còn giới hạn nơi sáu căn nữa. Nghe, thấy, biết...đều là do Tâm nghe, thấy, biết.

3. Phẩm phổ môn và bồ tát quán thế âm :

Lời mở đầu của phẩm này là Bồ Tát Vô Tận Ý thưa hỏi Phật " Do nhơn duyên gì mà ngài có tên là Quán Thế Âm ? " và đức Phật dạy rằng : " Như có vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sinh đương chịu các khổ não, nghe được danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, nhứt tâm thiết tha xưng danh hiệu ngài tức thời Bồ Tát Quán Thế Âm liền xem xét tiếng tăm kia mà khiến cho được giải thoát, do nhơn duyên này mà tên ngài được gọi là Quán Thế Âm ".

Như thế thật là đã rõ ràng vì sao mà ngài có danh hiệu là Quán Thế Âm.

- Nếu so sánh với bản kinh Thủ Lăng Nghiêm thì chúng ta tìm thấy một ít sai biệt nơi 32 hóa thân song thiết nghĩ điều này không quan trọng bởi kinh nói " Hiện thân các chúng sinh " thì như thế có bao nhiêu hình tướng của chúng sinh thì ngài đều có thể hiện ra như thế nếu cần phải dùng hình tướng đó để hóa độ chúng sinh. Nói 32 chỉ là tượng trưng một số hình tướng nơi thế gian thôi.

- Như thế nào là hóa độ chúng sinh ? Bằng cách nói Pháp để độ chúng sinh vậy. Trong phẩm Phổ Môn thì dạy rất rõ nơi đoạn Bồ tát Vô Tận Ý hỏi Phật " Bồ Tát Quán Âm dạo đi khắp cõi Ta bà như thế nào ? Ngài dùng sức phương tiện gì để thuyết pháp độ thoát chúng sinh ? " Thì đức Phật trả lời : " Nếu có chúng sanh trong quốc độ cần nhờ thân Phật mới độ được họ thì bồ tát Quán Thế Âm liền hiện thân Phật để vì họ nói Pháp." ( và tiếp tục như thế qua 32 thứ thân hình, dùng phương tiện này để nói Pháp hóa độ chúng sinh )

Ðiểm này rất quan trọng cần ghi nhớ : Bồ tát không phải chỉ cứu chúng sinh thoát khỏi những tai nạn hay cảnh khổ mà mục đích của ngài còn là nói Pháp để từ đó chúng sinh có thể tự mình giải thoát nhờ Pháp vậy. Nghĩa là từ cái " Nhân " mà Bồ tát gieo là nghe tiếng tăm của chúng sinh thì liền có cái " Duyên " để Bồ tát chỉ dạy Giáo Pháp, đưa chúng sinh vào con đường mà chúng sinh có thể tự mình giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau, con đường này phải tự chúng sinh thực hiện, không ai làm giùm cho chúng sinh, ngay cả Bồ tát. Sự cứu độ của Bồ tát cũng có giới hạn của nó, nương sức mình tự nổ lực giải thoát cho chính mình mới là sự giải thoát hoàn toàn, đích thực. Bồ tát chính là người gieo Nhân để kết Duyên giúp chúng sinh vậy.

- Bàn về các thứ tai nạn mà ngài che chở thì cả hai bản kinh đều nhắc đến, nhưng riêng xét về Phẩm Phổ Môn thì ngoài các nạn nước, lửa, đao kiếm, lao tù xiềng xích, ác quỷ, trộm cướp, lại còn thêm các nạn khác như thuốc độc, thú dữ, gió bão, sấm sét, kiện tụng, té từ trên cao xuống.

Thông qua bốn câu kệ sau đây, thì chúng hiểu rằng các tai nạn nêu ra trên cũng chỉ tượng trưng cho một số ít chứ không thể nêu ra vô số khổ nạn mà chúng sinh phải chịu, mà Bồ Tát thì cứu tất cá các khổ nạn không giới hạn :

Chúng sanh bị khổ ách
Vô lượng khổ bức thân
Quán âm sức trí diệu
Cứu đời thoát các khổ.
Nói tóm lại là tất cả khổ nạn nơi bốn nẻo sinh tử : Ðịa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và thân người thì có sanh, già, bệnh, chết và vô lượng phiền não, vô lượng ách nàn thì ngài đều cứu cả.

- Phẩm Phổ Môn được gọi là Phổ Môn là do tính cách phổ cập, phổ quát, rộng lớn, của cánh cửa "Pháp"(môn là nói dến pháp môn tu tập), nhờ tu một Pháp "Quán Thế Âm" này mà có thể thâm nhập tất cả các Pháp khác và độ vô lượng chúng sanh không thể nghĩ bàn như thế mà kinh có tựa đề là Phổ môn.

Lại còn gọi là Phổ môn bởi vì mọi người, ai ai cũng đều có thể tu tập pháp môn này, bất cứ ở trình độ hay căn cơ nào.

Lại nữa, bởi vì Pháp môn tu tập này dựa trên tâm Từ và Bi, là nền tảng và cốt lõi cho sự tu tập, là nền móng của sự phát Bồ đề tâm. Theo tinh thần của Ðại thừa hay Bồ tát đạo thì tâm từ bi là mẫu số chung, là điều kiện thiết yếu của người mong cầu giải thoát, không thể nào có sự giải thoát cho mình nếu không động lòng mong cầu giải thoát cho người. Tâm Ðại Từ Ðại Bi chính là tâm Phật, như thế nếu muốn thành Phật thì cũng phải thành tựu Tâm Ðại Từ Ðại Bi này.

Dù tu tập bất cứ pháp môn nào đều phải có sự phát Bồ đề tâm do đó mà nói Pháp môn " Quán Thế Âm " bao trùm tất cả các pháp môn khác và được gọi là Phổ môn là vậy.

Rốt cuộc Pháp môn " Quán Thế Âm " chính là cánh cửa Pháp dẫn dắt chúng ta đến quả vị Phật vậy. Vì sao vậy ? Vì pháp môn này viên mãn lợi tha và tự lợi, bồ tát hoàn thành đức hạnh nhờ nương vào pháp, nương vào thế gian, nương vào tự sức mình. Bồ tát cùng với người mà thành Phật. Phổ môn cũng là pháp môn không hề lìa thế gian mà thành tựu đạo quả, vừa tịnh hoá nhân sinh vừa viên mãn rốt ráo.

- Xét về hai điều mong cầu, cầu sanh con trai, cầu sanh con gái thì cả hai bản kinh đều có nói.

- Xét về ba điều trừ dâm dục, sân hận và si mê thì cả hai bản kinh cũng đều có nói.

- Xét về điều " Niệm danh hiệu Quán Âm công đức bằng niệm danh hiệu của hằng hà sa Bồ Tát " thì cả hai bản kinh đều có dạy như nhau, chỉ khác ở nơi bản Phổ Môn thì nói rõ là trì niệm danh hiệu của " 62 ức hằng hà sa Bồ Tát ".

- Nơi bản kinh Thủ Lăng Ngiêm dạy rõ " chúng sanh cầu chi được nấy ", nơi bản Phổ Môn chúng ta không thấy câu nầy, chỉ thấy có hai điều mong cầu được nêu ra song cũng chỉ là hai điều tượng trưng cho lòng mong cầu hạn hẹp của chúng sinh, song chúng sinh thì vô lượng khổ bức thân, cho nên có vô lượng điều mong cầu và tất nhiên là Bồ tát sẽ đáp ứng nếu chúng sinh thiết tha, thật lòng tin nơi ngài. Hãy đọc qua mấy câu kệ sau đây :

Diệu Âm Quán Thế Âm
Phạm Âm Hải Triều Âm
Hơn hết tiếng trên đời
Cho nên thường phải niệm
Niệm niệm chớ sinh nghi
Quán Âm bực tịnh thánh
Nơi khổ não nạn chết
Ngài là nơi nương tựa
Ðủ tất cả công đức
Mắt lành trông thế gian
Biển phước lớn khôn lường
Thế nên phải đảnh lễ.
Chúng ta hiẻu rằng với công đức và biển phước khôn lường của ngài thì không thể nào chỉ đáp ứng hai điều mong cầu của chúng sinh được. Dù kinh chỉ có nêu ra hai điều mong cầu nhưng chắn chắn là ngài cũng đáp ứng mọi điều mong cầu của chúng sinh với tâm Ðại Bi của ngài.

- Xét về điều " Ban cho sự không sợ hãi " thì cả hai bản kinh đều có dạy như nhau. Nơi bản Phổ Môn thì nêu rõ : " Vị Bồ tát này gặp chúng sinh sa vào trong nguy cấp kinh sợ thì thường ban cho sự không sợ hãi cho nên trong thế giới Ta bà đều gọi ngài là Ðấng ban cho sự không sợ hãi ".

- Xét về sự trì niệm danh hiệu ngài thì phẩm Phổ Môn dạy rất rỏ ràng, lập đi lập lại nhiều lần, do " cung kính thiết tha xưng niệm danh hiệungài " mà được thoát khỏi các nạn khổ. Kinh Thủ Lăng Nghiêm thì chỉ thấy nơi một câu "chúng sanh hi sinh tài sản cầu con thương xót " nếu có cầu tất nhiên phải có xưng niệm danh hiệu ngài. Song điểm đáng cho chúng ta chú ý là " Cung kính hiết tha xưng niệm danhhiệu" chẳng khác nào trong kinh A Di Ðà là " Trì niệm danh hiệu Phật A Di Ðà cho đến chỗ " Nhứt tâm bất loạn " Phải chăng cả hai đều là pháp Niệm Phật Tam Muội ?

Sự trì niệm danh hiệu này rất là quan trọng bởi có được cảm ứng hay không là do nơi tâm niệm danh hiệu này, phải có lòng thành, lòng tin không thối chuyển và phải thường xuyên trì niệm chứ không phải chờ tới lúc gặp ách nàn mới kêu cứu. Sự thường xuyên trì niệm này sẽ đưa đến " Nhứt Tâm ". Do đó mà có thể so sánh Pháp tu Phổ Môn cũng là Pháp tu Niệm Phật Tam Muội vậy. Mà tu pháp này cũng là tu thiền định không khác. Như nơi bản kinh Thủ Lăng Nghiêm đã trích dẫn ở trên dạy rằng Bồ tát Quán Âm do đã đạt được Chánh Ðịnh mà thể nhập Chơn Tánh. Vào được Chánh định thì phải có công phu thiền định vậy.

4. Quán Thế Âm Bồ Tát và Tâm Ðại Bi :

Phần trên chúng ta đã định nghĩa như thế nào là Bi tâm, nghĩa là lòng thương tưởng, thương xót muốn ban vui và cứu khổ chúng sinh, là hành động thiết thực, tích cực, đáp ứng ngay lòng mong cầu của chúng sinh, là bàn tay hữu hiệu kéo chúng sinh ra khỏi biển khổ ngay một khi đã nghe được tiếng kêu cầu cứu của chúng sinh.

Hàng phàm phu chúng ta đều có thể tu luyện để có Bi Tâm, song chỉ có hàng Bồ Tát mới có Ðại Bi Tâm, như thế nghĩa là gì ?

Bởi vì cái Tâm Ðại Bi thì vô cùng vĩ đại, vô lượng, vô hạn, như trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm đã dạy thì Bồ Tát Quán Âm nhờ tu nhĩ căn và vào được Chơn tánh do đó mà phát ra vô lượng diệu dụng để cứu độ chúng sinh. Bi Tâm của ngài vô cùng bình đẳng, không phân biệt, không bỉ thử, không chọn cứu người này mà bỏ người kia, không vì một lý do này hay lý do kia mà cứu độ, không có lòng mong cầu chờ đợi gì nơi người mình cứu, chỉ vì một lòng thương tưởng chúng sinh trong đường khổ mà cứu thôi. Cững vì đã thể nhập Chơn Tánh, ở nơi Tâm Vô Vi mà cứu độ cho nên tâm này không có chướng ngại, không có sợ hãi mà lại còn ban bố sự không sợ hãi đó cho chúng sinh. Bi Tâm này mới được gọi là Ðại Bi Tâm.

Như thế nào gọi là Tâm Vô Vi ? là Tâm không còn chấp trước, không chấp cả hành vi động tác khi dụng công tu hành hay cứu độ muôn loài, tâm không còn chấp có tu có chứng có thiện có ác có tịnh có nhiễm có chủ thể khách thể có hình tướng không hình tướng có sắc không sắc có thô có tế có xấu có đẹp có thêm có bớt...Tâm như vậy là Chơn tâm, là tâm hợp với trí Bát Nhã vậy. Ðại Bi Tâm thì phải đi đôi với Trí Tuệ là thế.

- Ðại Bi Tâm còn đi đôi với Ðại Nguyện. Bởi vì không những đã có lòng thương tưởng đến chúng sinh mà thôi, Bồ Tát còn phát nguyện lớn cứu độ khắp cùng chúng sinh không giới hạn, chỉ khi nào tất cả chúng sinh thoát khổ rồi thì nguyện của ngài mới cùng tận, ngài luôn luôn sát cánh cùng chúng sinh, ở trong biển khổ trầm luân của chúng sinh mà cứu độ, ngài từ chối không thể nhập Niết Bàn vui hưởng an lạc cho riêng mình.

Ðến đây chúng ta sẽ học qua các lời nguyện của Quán Thế Âm Bồ Tát để thấy tấm lòng lân mẫn vĩ đại vô biên của ngài.

Theo kinh Bi Hoa ( Karunapundarika ) có ghi lại câu chuyện về tiền thân của ngài :

" Cách đây hằng hà sa số kiếp về trước, ở thế giới San-Ðề-Lan "(Santirana) có vị Chuyển Luân Thánh Vương tên là Vô Tránh Niệm

"(Aranemin) dưới triều vua này, có vị quan đại thần phụ tá tên là "Hải Sa ( Samurarenu ), vị đại thần này có con tên là Hải Tạng "(Samudragarbha ) xuất gia tu hành đắc đạo thành Phật hiệu là Bảo "Tạng ( Ratnagarbha ).

" Bấy giờ vua Vô Tránh Niệm cùng đại thần Hải Sa, các vị vương tử "và thần dân tiến đến đạo tràng cúng dường đức Phật Bảo Tạng. Sau "khi nghe đức Phật giảng dạy, vua cùng vị đại thần đồng thời phát "tâm bồ đề. Ðức vua phát nguyện : " Nguyện thành Phật để độ chúng "sanh, lập một thế giới trang nghiêm để tiếp đón những chúng sanh".

"Quan đại thần lại phát nguyện : " Thành Phật nơi cõi uế trược để "điều phục, cảm hóa chúng sinh".

" Vị hoàng Thái tử tên là Bất Huyền ( Animisa ), bấy giờ lại phát "nguyện như sau : " Sau nầy, khi tôi tu hạnh Bồ tát, có chúng sanh "nào gặp các sự khổ não, sợ hãi...sầu lo bơ vơ không có ai cứu khổ, "không chỗ nương cậy, những kẻ ấy nhớ đến tên tôi, xưng danh hiệu "tôi, được thiên nhĩ tôi nghe đến, thiên nhãn tôi trông thấy, liền đó tôi "sẽ cứu những kẻ ấy ra khỏi các sự khổ não khủng bố".

Vua Vô Tránh Niệm là tiền thân dức Phật A Di Ðà, đại thần Bảo Hải chính là đức Phật Thích Ca, vương tử Bất Huyền chính là bồ tát Quán Âm trong thuở còn tu nhơn.

5. quán thế âm bồ tát và các đại nguyện :

- Trong kinh " Ðại Bi Tâm Ðà Ra Ni " có ghi lại tiền thân tu nhơn của ngài Quán Âm trong thuở đức Phật Thiên Quang Vương Tịnh Trụ, ngài có phát mười đại nguyện như sau :

- Mau chóng thông đạt tất cả pháp
- Mau chóng được mắt trí huệ
- Mau chóng cứu độ tất cả chúng sinh
- Mau chóng được phương tiện khéo léo
- Mau chóng được lên thuyền Bát Nhã
- Mau chóng vượt qua bể khổ
- Mau chóng lên núi Niết Bàn
- Mau chóng hội nhà Vô Vi
- Mau chứng thân Pháp Tánh
- Lại theo một tài liệu khác, trình bày về nhân duyên mà Bồ Tát nói thần chú Ðại Bi, chúng ta được biết thêm :

" Một thuở nọ, đức Phật Thích Ca ở trong đạo tràng nơi cung điện của "đức Quán Thế Âm tại núi Phổ Ðà, đức Như Lai muốn đem các bộ "Tổng trì Ðà ra ni ra nói cùng các đại Bồ Tát thì ngài Quán Âm bí "mật phóng thần thông chói sáng rực rỡ khắp mười phương thế giới, "cõi tam thiên đại thiên hóa thành sắc vàng ngời, long thần cung điện "chuyển động. Ðức Bồ Tát Tổng Trì Vương thấy điềm lành hiếm có, bạch Phật rằng : " Cái thần thông như vậy do ai phóng ra ?" Phật dạy " rằng : " Ở trong pháp hội này có một vị đại Bồ Tát hiệu là Quán Thế " Âm Tự Tại, từ vô lượng kiếp trước lại đây, đã thành tựu cái đức Ðại " Từ Ðại Bi, thường hay tu tập không biết bao nhiêu pháp môn Ðà Ra " Ni, nay vì muốn chúng sanh an vui nên mới bí mật phóng thần "thông oai lực ra như vậy.

" Bấy giờ đức Quán Thế Âm Bồ Tát đứng dậy chắp tay bạch rằng : "Thưa Ðức Thế Tôn, tôi có Ðại Bi Tâm Ðà Ra Ni, nay tôi muốn nói "chú ấy ra để làm cho chúng sinh được an vui, khỏi tất cả bịnh hoạn, "được sống lâu, giàu có, diệt trừ hết tất cả tội nặng, nghiệp ác, khỏi "hết thảy các tai nạn chướng ngại, khiến tất cả các công đức của tất "cả pháp lành càng thêm lớn, hết thảy căn lành đều thành tựu, xa lìa "tất cả điều sợ hãi, thường các việc hy cầu dều được mau đầy đủ. Cúi "xin Thế Tôn rũ lòng từ thương xót mà nghe tôi nói vậy".

" Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát lại bạch rằng : " Thưa đức Thế Tôn, tôi "nhớ hồi không biết bao nhiêu ức kiếp đã qua, có đức Phật hiệu Thiên "Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai ra đời. Ngài thương tôi và vì tất cả "chúng sinh mà nói ra môn Ðà Ra Ni Quảng Ðại Viên Mãn Vô Ngại "Ðại Bi Tâm. Ngài mới dưa cánh tay sắc vàng ngời thoa trên đảnh tôi "mà nói rằng : " Này gã thiện nam ! ngươi phải thọ trì chú Ðại Bi "Tâm và làm cho tất cả chúng sinh trong đời hung ác về sau đều được "điều lợi lạc".

" Trong khi ấy tôi ở bậc Sơ Ðịa Bồ Tát, vừa nghe thần chú, vượt "chứng lên bực Bát Ðịa. Bấy giờ tâm tôi vui mừng, liền phát thệ rằng " Tôi nguyện đời sau gánh vác làm việc lợi ích cho chúng sinh thảy "đều an vui, bằng được như vậy thì cho thân tôi sanh ra đầy đủ ngàn "tay ngàn mắt".

" Tôi phát nguyện vừa xong thì nơi thân tôi có đủ ngàn tay ngàn mắt, "khiến đất liền trong mười phương chuyển động, ngàn Phật đều "phóng hào quang rực rỡ chiếu đến thân tôi và soi khắp vô biên thế "giới trong mười phương...

" Từ đó về sau, dầu ở đâu tôi cũng thường trì tụng chú ấy chưa từng "phế bỏ. Nhờ thế nên những lúc sanh ở xứ nào, tôi hằng được gặp "Phật và khi sanh thì hóa sanh nơi hoa sen chớ chẳng sanh trong bào "thai. Bằng ai muốn trì tụng chú ấy, phải phát lòng từ bi đối với "chúng sanh và theo tôi phát nguyện rộng lớn bài kệ sau đây :

Kính lạy đức Ðại Bi Quán Âm
Nguyện lực rộng sâu thân tốt đẹp
Ngàn tay trang nghiêm khắp hộ trì
Ngàn mắt sáng ngời khắp soi xét
Nói thần chú với lời chân thật
Khởi bi tâm trong niệm vô vi
Khiến mong đầy đủ mọi mong cầu
Vĩnh viễn tiêu trừ các tôi nghiệp
Thánh chúng Thiên Long đều ủng hộ
Trăm ngàn Chánh định chóng huân tu
Thân thọ trì là quang minh tràng
Tâm thọ trì là thần thông tạng
Biển nguyện tế trần lao rửa sạch
Phép phương tiện siêu chứng bồ đề
Con nay xưng tán nguyện qui y
Nguyện được tùy tâm đều viên mãn.
Kế đến ngài cũng dạy lập lại mười lời nguyện như trên mà ngài đã lập trước đức Phật Thiên Quang Vương Tịnh Trụ, sau dó ngài dạy bài kệ hồi hướng :
Nếu hướng về núi đao
Núi đao tự gãy nát
Nếu hướng về lửa đốt
Lửa đốt tự tiêu diệt
Nếu hướng về địa ngục
Ðịa ngục tự khô kiệt
Nếu hướng về quỷ thần
Tâm ác tự điều phục
Nếu hướng về súc sanh
Tự được trí huệ lớn.
" Phát nguyện như vậy rồi, một lòng xưng niệm danh hiệu của tôi và "cũng phải chuyên cần niệm danh hiệu A Di Ðà là Bổn sư của tôi, sau "đó tụng thần chú Ðà Ra Ni ấy".

- Tâm Ðại Từ Ðại Bi và hạnh nguyện của đức Quán Thế Âm Bồ Tát lại được nêu rõ qua bài kệ 12 lời nguyện sau đây :

Kính lạy đức Quán Âm Như Lai

Hiệu Viên Thông danh Tự Tại

Nguyện hết lòng khuyến độ khắp cùng.

Kính lạy đức Quán Âm Như Lai

Giữ một niềm không quái ngại

Nguyện thường cư Nam Hải đời đời.

Kính lạy đức Quán Âm Như Lai

Cõi Ta bà u minh giới

Nguyện nghe kêu cứu khỏi tai nàn.

Kính lạy đức Quán Âm Như Lai

Thâu tà ma trừ yêu quái

Nguyện tiêu trừ hết mọi hiểm nguy.

Kính lạy đức Quán Âm Như Lai

Nước cam lồ nhành dương liễu

Nguyện rưới tan phiền não trong lòng.

Kính lạy đức Quán Âm Như Lai

Thương người đời hay tha thứ

Nguyện thường tu bình đẳng vô tư.

Kính lạy đức Quán Âm Như Lai

Suốt ngày đêm không tổn hoại

Nguyện diệt trừ ba nẻo đường mê.

Kính lạy đức Quán Âm Như Lai

Dùng pháp thuyền qua biển khổ

Nguyện tận cùng cứu độ quần sinh.

Kính lạy đức Quán Âm Như Lai

Trông núi Nam siêng lễ bái

Gông cùm giải thoát nguyện.

Kính lạy đức Quán Âm Như Lai

Trước phướng dài sau lọng báu

Nguyện đón đưa về cõi Tây Phương.

Kính lạy đức Quán Âm Như Lai

Cảnh giới Phật Vô Lượng Thọ

A Di Ðà thọ ký nguyện.

Kính lạy đức Quán Âm Như Lai

Thân trang nghiêm trên tất cả

Nguyện tu tròn công quả mười hai.

- Qua các bài kệ phát nguyện trên thì chúng ta đủ thấy rằng Ðại Bi Tâm là không thể nghĩ bàn, không đâu mà không hướng về, không tai nạn nào khổ nào mà không dang tay cứu độ chở che, không pháp nào mà không am hiểu, không phương tiện nào mà không dùng đến, không chúng sinh nào mà không độ, không nghiệp nào mà không tiêu trừ, không mong cầu nào mà không được, tất cả bụi trần rửa sạch, tất cả nguyện đều viên thành, viên mãn.

- Không những đã cứu vớt chúng sinh ra khỏi ách nàn mà còn giác ngộ chúng sinh, làm tăng trưởng phước đức và trí tuệ, giúp cho chúng sinh thành tựu Pháp tánh hay Phật đạo nên đó mới được gọi là Ðại Bi Tâm.

- Như chúng ta biết thì Bổn Sư của Quán Thế Âm Bồ Tát là Phật A Di Ðà do đó mà ngài còn có lời nguyện là đón chúng sinh về cõi Tịnh độ của đức A Di Ðà, không những thế rồi mà còn nguyện thọ ký cho chúng sinh thành Phật nữa .

- Qua bài kệ 12 đại nguyện trên của Bồ Tát Quán Âm chúng ta được biết ngoài danh hiệu Quán Tự Tại ngài còn có danh hiệu là Viên Thông. Như thế nào gọi là Viên thông ? Có nghĩa là viên dung và thông nhập Như lai tạng, Chơn tánh và diệu dụng của các pháp. Dù tu bất cứ một pháp nào mà chứng được chơn như tất cả Pháp thì đều gọi đó là Pháp Viên thông. Cũng như đã bàn ở trên về đặc tính của Phổ môn thì Pháp " Quán Thế Âm " chính là Pháp Viên Thông vậy.

- Cũng qua bài kệ trên chúng ta sẽ đặt câu hỏi vì sao bài kệ được mở đầu bằng câu" Kính lạy Ðức Quán Âm Như Lai " mà không phải là Quán Âm Bồ Tát ? Phải chăng nên hiểu rằng Quán Thế Âm thật ra ngài đã thành Phật rồi song vì lòng từ bi muốn cứu độ chúng sinh nên ngài vẫn được xem như là một vị Bồ Tát luôn có mặt và gần gủi bên chúng sinh ? Bồ tát Quán Thế Âm hẳn phải là một vị đã chứng đắc mới có đủ diệu dụng để ứng thân hóa độ chúng sinh như thế do đó mà bài kệ lại bắt đầu bằng câu " Kính lạy đức Quán Âm Như Lai " vậy.

6. Chú đại bi và bồ tát quán thế âm :

- Do có Tâm Ðại Bi mà Bồ Tát Quán Âm đã nói thần chú " Vô Ngại Ðại Bi " còn có tên là " Quảng Ðại Viên Mãn ", " Tốc Siêu Thượng địa Ðà Ra Ni " hay nói gọn là Chú Ðại Bi. Chỉ nguyên một bài chú này đã có công đức thù thắng diệt trừ nghiệp chướng, tiêu tai giải ách, tăng trưởng trí tuệ, thành tựu, viên mãn Phật đạo.

Tu tập Tâm Ðại Bi cũng là tu trì thần chú này, tánh Từ đức Bi sẽ rộng mở, như nước cam lộ dập tắt nhà lửa của chúng sinh, làm cho mát mẻ, tan biến mọi khổ não của muôn loài, dẫn dắt chúng sinh về Cực Lạc.

Nên nói Tâm Ðại Bi thì cũng nói Chú Ðại Bi bởi vì trong Chú đã mật ẩn cái Tâm từ bi vô lượng sáng chói và thể hiện muôn vàn diệu dụng. Hành giả tu tập Tâm Ðại Bi thì không thể quên trì Chú Ðại Bi là vậy. Tất cả các thiện pháp như bố thí, giúp người giúp vật nếu được dựa trên Ðại Bi Tâm thì công đức mới thật là vô lượng, không thể nghĩ bàn.

Và như chúng ta đã được biết thì Thần chú Ðại bi này là do từ nơi miệng của dức Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai nói ra cho Bồ Tát Quán Thế Âm nghe và dặn dò ngài phải trì chú này để làm cho các chúng sinh hung ác đời sau đều được lợi lạc, từ đó Bồ Tát đã trì chú này và trao truyền lại cho chúng ta cho đến ngày hôm nay.Thật là một nhơn duyên thù thắng cho chúng ta. Sau đây là Thần chú với bản Phạn ngữ :

MAHA KARUNA DHARANI

NAMO RATNATRAYAYA NAMO ARYA AVALOKITESHAVARAYA BODHISATTVAYA MAHASATTVAYA MAHAKARUNIKAYA OM SAVALAVATI SUDDHA NA TASYA NAMASKRITVA NIMAM ARYA AVALOKITESHAVARA LANTABHA NAMO NILAKANTHA SRIMAHAPATASHAMI SARVADVATASHUBHAM ASHIYUM SARVASATTVA NAMO PASATTVA NAMO BHAGAMABHATE TU TADHYATHA OM AVALOKA LOKATE KALATI ISHIRI MAHABODHISATTVA SABHO SABHO MARA MARA MASHI MASHI RIDHAYU GURU GURU GHAMAIN DHURU DHURU BHASHIYATI MAHABASHIYATI DHARA DHARA DHIRINI SHVARAYA JALA JALA MAHABHAMARA MUDHILI EHYEHI SHINA SHINA ALASHINBALASHARI BHASHA BHASNIN BHARASHAYA HULU HULU PRAHULU HULU SHRI SARA SARA SIRI SIRI SURU SURU BUDDHAYA BUDDHAYA BODHAYA BODHAYA MAITRIYE NILAKANSTA TRISA RANABHAYA MANE SVAHA SITAYA SVAHA MAHA SITAYA SVAHA SITAYAYE SHVARAYA SVAHA NILAKANTHI SVAHA PRANILA SVAHA SHRISIMHAMUKHAYA SVAHA SARVAMAHASASTAYA SVAHA CHAKRA ASTAYA SVAHA PADMAKESHAYA SVAHA NILAKANTEPANTALAYA SVAHA MOPHOLISHANKARAYA SVAHA NAMO RATNATRAYAYA NAMO ARYA AVALOKITESHVARAYA SVAHA OM SIDDHYANTU MANTRAPATAYA SVAHA .

- Ngoài thần chú này, chúng ta còn được biết câu thần chú ngắn gọn hơn gồm sáu chữ : " OM MANI PADME HUNG " của Phật giáo Tây Tạng ( tiếng Việt đọc là " ÚM MA NI BÁT DI HỒNG " ). Thần chú này cũng có công dụng phá trừ phiền não nghiệp chướng và khai mở tâm từ bi, dọn đường cho sự tu tập của tất cả bồ tát.

- Qua bài này chúng ta chỉ dừng lại nơi sự tìm hiểu Tâm Ðại Bi được thể hiện qua hình ảnh của Quán Thế Âm Bồ Tát và các Ðại nguyện của ngài, trong một dịp khác chúng ta sẽ bàn sâu hơn về biểu tượng Quán Thế Âm trong tinh thần Phật giáo nghĩa là sẽ tìm hiểu biểu tượng này dù đã được thần thánh hóa trong dân gian, được tôn thờ cung kính lễ lạy như thế có phù hợp với tinh thần tự lực tự độ tự chứng đắc của đức Phật Thích Ca chăng, chúng ta sẽ bàn đến sự tu tập theo hạnh từ bi của Quán Thế Âm, cũng như tìm hiểu sâu xa hơn nữa ý nghĩa của phẩm Phổ Môn.

Nhật Duyệt

tài liệu tham khảo :

- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm
- Phật Học Phổ Thông
- Kệ Ðại Bi Tâm
- Ðại Bi Sám Pháp
- Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm (HT Tuyên Hóa giảng giải)
- Quán Âm Hạnh ( CE giảng giải )
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ( HT Thích Thanh Từ giảng giải )
- Pháp Hoa Huyền Nghĩa ( Chánh Trí Mai Thọ Truyền )
- Phổ Môn Thị Hiện ( Sưu tập tích truyện, Chùa Khánh Anh xuất bản )
- Tứ Vô Lượng Tâm ( Narada Maha Thera, Phạm Kim Khánh dịch )
- Bồ Tát Ðạo ( Narada Maha Thera, Hồ Ðắc Thắng dịch )
- Bồ Tát Ðạo ( HT. Tuyên Hóa )
- Mẹ hiền Quán Âm ( HT Thích Mãn Giác )
- Khái niệm về Bồ Tát Quán Thế Âm ( Viên Trí )
- Le Sutra du Lotus ( Jean- Noel Robert )
- Tchenrézi, clés pour la méditation des divinités ( Bokar rinpoché )
- Dictionnaire de la sagesse orientale ( Ed. R. Laffont )
- Phật học Từ điển ( Ðoàn Trung Còn )
 

lời kinh cầu

Hôm nay người con hiếu
Biển luân hồi sinh tử
Cất cao lời kinh cầu
Thật lắm điều đáng sợ
Vu Lan không thể thiếu
Ngưỡng mong ngài che chở
Niềm tin trong đạo mầu.
Không sợ thoát lên bờ.
Hỡi mẹ hiền Quán Âm
Hỡi mẹ hiền Quán Âm
Ngưỡng mong ngài che chở
Ở những nơi đáng sợ
Cửu huyền cùng thất tổ
Sẽ có ngài che chở
Kẻ thân quen cùng sơ.
Chúng con ghi ơn thâm.

y châu


Trở Về