Người Cư Sĩ [ Trở Về ] [ Trang Chủ ]
Tiết II Liên hệ giữa Chư Tăng và Cư Sĩ |
Giáo
hội Phật giáo hiểu đúng là gồm có năm chúng xuất gia (Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo-ni, Sa-di, Thức-xoa-ma-na và Sa-di-ni) và hai chúng cư
sĩ tại gia (cận sự nam và cận sự nữ).
Chúng xuất gia thì ròng học Phật pháp, thực hành Thiền định và hướng dẫn tu tập, nói pháp cho chúng tại gia. Chúng tại gia thì hằng ngày gần gũi chúng xuất gia để học hỏi giáo lý giải thoát và lo ủng hộ chúng xuất gia bốn thứ cần thiết hằng ngày cho đời sống: y phục, ngọa cụ, thực phẩm và y dược. Cả hai chúng xuất gia và tại gia đều là đệ tử của Thế Tôn. Cả hai đều nương tựa Thế Tôn và đều ở trên đường về giải thoát. Chỉ có một điều khác biệt giữa hai chúng đệ tử này là chúng xuất gia thì có đủ điều kiện đi sâu vào giải thoát, còn ở chúng tại gia thì bên cạnh việc tu tập giải thoát còn mang nặng gánh gia đình và xã hội. Vì thế, Thế Tôn đã thiết lập giới luật riêng thích hợp với hai chúng đệ tử này. Giáo lý giải thoát như Duyên khởi, Tứ Ðế v.v. được Thế Tôn dạy chung cho cả hai chúng. Riêng chúng tại gia, Thế Tôn dạy riêng pháp bố thí trước khi đi vào học hỏi và tu tập Ba mươi bảy phẩm trợ đạo và một số giáo lý thực tiễn khác, như làm thế nào để sống có hạnh phúc trong hiện tại và tương lai với đời sống gia đình. Nguyên tắc giáo dục của Thế Tôn là tùy theo điều kiện sống, điều kiện nhận thức và nhân duyên giải thoát của từng cá nhân mà dạy pháp môn thích hợp. Theo nếp giáo dục ấy, chư Tăng cũng nói pháp, giảng giải giáo lý cho hàng tại gia. Một hôm, cư sĩ thôn trưởng Asibandhakaputta bạch hỏi Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, vì sao đối với một số người, Thế Tôn thuyết pháp một cách hoàn toàn trọn vẹn, đối với một số người, Thế Tôn thuyết pháp không hoàn toàn trọn vẹn?" (Tương Ưng IV, tr. 35). Thế Tôn đã trả lời cho câu hỏi của thôn trưởng bằng một ví dụ về ba thửa ruộng: một thửa ruộng tốt, một thửa ruộng trung bình, và một thửa ruộng xấu với đất độc, cứng và có chất muối, phèn. Với ba thửa ruộng ấy thì người nông dân sẽ gieo trồng thửa ruộng tốt trước tiên; rồi đến lượt gieo trồng thửa ruộng bậc trung; sau hết là thửa ruộng xấu. Cũng thế, Thế Tôn ví thửa ruộng tốt với hàng xuất gia, thửa ruộng bậc trung với cư sĩ, và thửa ruộng xấu với hàng ngoại đạo. Cả ba thửa ruộng lần lượt sẽ được gieo trồng theo thứ tự ưu tiên với đầy đủ sự chăm sóc và kỹ thuật gieo trồng. Cũng thế, cả ba hạng người kể trên đều được Thế Tôn thứ tự giáo hóa với đầy đủ thiện pháp với đầy đủ giáo lý giải thoát, vì cả ba đều cần nương tựa Thế Tôn như là ánh sáng, như là nơi ẩn trú, nơi che chở. Về đám ruộng thứ ba, Thế Tôn dạy dù nó có xấu nhưng ít nhất cũng dùng nó để cung cấp thức ăn cho trâu bò. Rồi Thế Tôn lại ví ba hạng người trên với ba cái bình đựng nước: một cái tốt hoàn toàn; cái thứ hai không bị nứt rạn nhưng bị thấm nước ra ngoài; cái thứ ba vừa vị nứt rạn vừa bị thấm nước. Nếu phải chứa nước thì người ta phải chứa đầy cái bình thứ nhất trước, rồi đến lượt cái thứ hai và thứ ba, để có nước mà sử dụng. Cũng thế, Thế Tôn phải giáo hóa hàng đệ tử xuất gia trước. Như thế, ngoài Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa được áp dụng ở đoàn thể chư Tăng, các cư sĩ có thể nghe, hiểu và thực hành những giáo pháp mà Thế Tôn đã dạy cho chư Tăng, ngoài giáo lý bố thí và sống đời sống gia đình hạnh phúc được dành riêng cho cư sĩ. Các cư sĩ có thể nghe thuyết giảng từ Thế Tôn hay từ chư Tăng, chư Ni. Theo Nikàya, cư sĩ có thể đắc quả Thánh từ Tu-đà-hoàn (sơ quả) cho đến A-la-hán (tứ quả). Lại có chỗ, như Trung Bộ Kinh bảo rằng nếu ở tại gia thì nam cư sĩ chỉ đắc quả cao nhất là A-na-hàm, nữ cư sĩ đắc quả cao nhất là Tư-đa-hàm. Nhưng cũng ở Nikàya, Tiểu Bộ Kinh thuật trường hợp hoàng hậu Khemà, vợ của vua Tần-bà-sa-la đắc đến quả A-la-hán trước khi xuất gia. Lại nữa, theo Kinh Ðại Bổn (Trường Bộ Kinh), vua Tịnh Phạn đắc A-la-hán ngay khi xả báo thân. Thường thì cư sĩ sau khi đắc quả A-na-hàm liền xuất gia để tiếp tục chứng đắc A-la-hán. Quả vị A-la-hán, theo truyền thống, luôn luôn phải ở hàng ngũ của chư Tăng và chư Ni xuất gia thọ Cụ túc giới. Cư sĩ được phép cúng dường trai tăng cho Tăng chúng, Ni chúng; hoặc giới hạn một số chư Tăng và chư Ni xuất; cũng được phép biệt thỉnh chư Tăng, Ni thụ trai ở tư gia. Mỗi kỳ Bố-tát, các cư sĩ được phép nghe Bát quan trai giới. Sau khi nghe giới, có thể nghe thuyết giảng kinh trước khi trở về nhà riêng để tự mình hành "Bát quan trai giới" trong vòng một ngày một đêm. Ðấy là sống một ngày xuất gia. Có hai trường hợp mà chư Tăng kiết giới ngăn chư Tăng đến nhà một cư sĩ. Trường hợp một cư sĩ rất hảo tâm cúng dường, nhưng vì quá nghèo, nên chư Tăng họp mặt làm phép Yết-ma không đến nhà cư sĩ đó. Lý do duy nhất là vì thương tưởng đến cư sĩ đó. Nhưng, nếu có điều kiện thừa các vật cúng dường, thì chư Tăng có thể đem biếu tặng cư sĩ nghèo này, tạo điều kiện cho cư sĩ học hỏi và hành đạo. Trường hợp thứ hai, một cư sĩ ác giới, gây nhiều tai tiếng cho chư Tăng, thì chư Tăng làm pháp Yết-ma không chấp nhận cư sĩ ấy là Phật tử, không tiếp và không đến nhà cư sĩ ấy. Tại gia đình, một Phật tử tại gia (dù nam hay nữ, lớn hay nhỏ, không phân biệt giai cấp và trình độ) có thể tự mình thực hành những lời Thế Tôn dạy, tùy theo nguyện vọng và khả năng của mình. Phật tử tại gia có thể hành ngũ giới, thập giới, bát quan trai giới, hành bố thí và Thiền định. Ngoài ra, để sống đời sống gia đình được hạnh phúc, người cư sĩ còn thực hiện thêm một số lời dạy khác của Thế Tôn. Bây giờ, chúng ta đi vào tìm hiểu các pháp hành trì của người Phật tử tại gia qua sử chỉ dạy, hướng dẫn của chư Tăng, chư Ni. Các Kinh đề cập đến sự tu tập của cư sĩ thì có rất nhiều, đại để chúng ta có thể dựa vào một số Kinh căn bản của A-hàm và Nikàya, như kinh Singàla (Trường Bộ IV, số 31), Kinh Thiện Sinh hay Thi-ca-la-việt (Trường A-hàm số 16), kinh Ưu-bà-tắc (Trung A-hàm, số 135; Trung A-hàm số 128); (Tăng Chi Bộ II và III; Kinh Trì Trai; Trung A-hàm số 202) và (Thiên Ba, Kinh Trung A-hàm, số 37). Ngũ giới: (Kinh Singala và Kinh Thiện Sinh) Năm giới mà cho đến nay vẫn là giới căn bản của mỗi Phật tử tại gia, thường được chư Tăng truyền thọ trong lễ Quy y Tam Bảo là: 1. Không được sát sinh (với người cư sĩ thì chỉ giữ phần chính là không được giết người; nếu giữ không giết loài vật nữa thì càng tốt).Trong hai Kinh Singàla và Thiện Sinh thì chỉ đề cập đến bốn giới đầu, nhưng các Kinh khác thì có đề cập thêm giới thứ năm, giới thứ năm ở trên cũng là giới thứ năm của "Bát quan trai giới". Thế Tôn đã cắt nghĩa cho Singàla (Thiện Sinh) rằng có bốn động cơ thúc đẩy người ta gia phạm năm giới cấm trên; người Phật tử thì giữ năm giới ấy không để vi phạm dù vì lý do nào: - Ðộng cơ thứ nhất gây ra phạm giới là tham dục; động cơ thứ hai là sân hận; động cơ thứ ba là si mê; động cơ thứ tư là sợ hãi.Người Phật tử giữ năm giới trên thanh tịnh thì tránh được nhiều phiền muộn, khổ đau gây ra trong hiện tại và khỏi rơi vào địa ngục; giữ vững tư cách của con người. Ngoài lợi ích cho tự thân người giữ giới, việc gìn giữ năm giới cấm trên còn đem lại an lạc và nhiều lợi ích cho tha nhân. Tha nhân nhờ việc giữ giới của mình mà tránh khỏi bị hại sinh mệnh, tránh khỏi bị mất trộm, mất cắp, tránh khỏi những đổ vỡ tình cảm của gia đình do đệ tam nhân gây ra, tránh khỏi bị lừa đảo và tránh khỏi các hậu quả không lường được do người say rượu gây ra. Giữ được giới thứ nhất là người Phật tử nuôi dưỡng tình người và nuôi dưỡng lòng từ bi. Tình thương và từ bi được nuôi dưỡng có nghĩa là xua tan dần đi sân hận, ganh ghét. Giới này vừa đem lại an lạc cho người hành trì và cho xã hội, vừa làm trong sáng tâm hồn, tình cảm con người. Giữ giới thứ hai, người giữ giới khỏi rơi vào vòng tù tội, khỏi bị người đời khinh chê, trong khi đó, những người khác không bị sầu muộn vì mất của cải, xã hội được an ổn hơn. Giữ giới thứ ba, người giữ giới không lo sợ đổ vỡ tình cảm của gia đình tự thân, không lo sợ bị tình địch hãm hại và không bị người khác khinh chê; trong lúc đó các gia đình khác cũng được sống trong bình yên, không bị xáo trộn do các vụ đổ vỡ tình cảm gây ra. Xã hội được thêm phần ổn định ở mặt xã hội. Giữ giới thứ tư, người giữ giới được người khác tin cậy, không bị nghi ngờ lòng thành thực, không bị khinh chê, và giữ được tính tình ngay thẳng, trung trực. Trong khi ấy, tha nhân tránh được các hậu quả không lường trước được do việc nói dối, nói lừa đảo gây ra. Giữ được giới thứ năm, người giữ giới nuôi dưỡng được tánh tình trầm lặng, ổn định, phát triển được tư duy và tránh được các hậu quả tai hại do sự thác loạn, đập phá do cơn say gây ra cho tự thân, gia đình và tha nhân. Giữ được giới này, tư cách của người giữ giới trở nên đứng đắn, nghiêm chỉnh, biết xấu hổ về các điều làm sai quấy của mình. Nếu các Phật tử tại gia hành trì năm giới cấm trên, thì đã có thể đóng góp khá nhiều vào một đời sống an ổn và hạnh phúc cho tự thân, cho gia đình và xã hội. Tương lai, theo kết quả của nghiệp, có thể sanh lại làm Người. Thập Thiện giới: Ðược Thế Tôn dạy rất nhiều qua các Kinh, dưới hình thức hộ trì ba nghiệp thân, khẩu, ý. Mười giới này dành chung cả hàng xuất gia và tại gia. Tuy nhiên, với hàng tại gia thì mức độ hành trì được giới hạn nhẹ hơn cho thích hợp với căn cơ và điều kiện sống của mình. Nhưng, nếu cư sĩ nào có điều kiện để hành trì sâu thập thiện giới này thì kết quả đem lại cho đời hiện tại và cho cả đời sau tốt đẹp hơn và giải thoát hơn. 1. Có ba giới về thân là bất sát, bất đạo và bất dâm. Ba giới này tương tự ba giới đầu của ngũ giới.Thường thì các giới chỉ tập trung vào thân và khẩu, vào sự tướng. Ở đây có thêm ba giới về ý. Tham, sân và si được đề cập trong ba giới cuối không đòi hỏi người giữ giới phải hoàn toàn đoạn trừ, mà chỉ cần đoạn trừ ở phần thô. Với người xuất gia thì thập thiện giới có nghĩa là giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý cho thanh tịnh và đi đến đoạn trừ hoàn toàn tham, sân, si. Ðặc biệt Kinh Phân Biệt Ðại Nghiệp (Trung A-hàm, số 174; Ðại 1, 176-b) và Kinh Ðại Nghiệp Phân Biệt (Trung Bộ Kinh, số 86) nêu lên một điểm rất đặc biệt rằng Thế Tôn dùng thiên nhãn thấy rõ có một số chúng sanh tuy đời này phần lớn hành mười điều ác nghiệp, nhưng nhờ thiện nhân đời trước, cuối cuộc đời khởi lên các cảm thọ lạc và phát khởi tín tâm vào Tam Bảo, có chánh kiến về các pháp, và trước khi mệnh chung vẫn giữ lòng tin và chánh kiến ấy thì được sanh về thiên giới; trong khi đó, một số chúng sanh tuy phần lớn ở đời này hành mười thiện nghiệp, nhưng vì nghiệp bất thiện quá khứ khởi lên cảm thọ khổ vào cuối cuộc đời, và trước khi chết không có chánh kiến và chánh tín vào ngôi Tam Bảo, nên phải đọa vào ba đường dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Bên cạnh việc hành mười nghiệp thiện, người Phật tử cần có chánh kiến và cận tử nghiệp tốt (có chánh kiến và chánh tín). Chánh kiến, chánh niệm lúc mệnh chung là yếu tố quyết định cảnh giới thác sinh cõi trời. Tà kiến, tà niệm lúc mệnh chung là nhân tố chính quyết định đi xuống ba đường dữ. Bát quan trai giới: (Phẩm Ngày Trai Giới, Tăng Chi III Ð, 1981, tr. 232-234; Kinh Trì Trai, Trung A-hàm, số 202). Ngày trai giới (Uposatha) là ngày mà một Phật tử tại gia tu tập hạnh xuất gia thanh tịnh theo hạnh của một bậc A-la-hán. Có tám giới để giữ gìn, hành trì trong ngày trai giới gọi là Bát quan trai giới. "Do vì coi tám chi phần (hay tám giới) này như thuộc bậc A-la-hán, ngang bằng, không khác nên gọi là trai". (Trung A-hàm, Kinh Trì Trai). Thế Tôn dạy nếu một ngày một đêm tu tập Bát quan trai giới này thì sẽ có kết quả lớn, lợi ích rất lớn. Thế nào là có kết quả lớn, lợi ích lớn? Thế Tôn giải thích: "... Ở đây, có nam hay nữ Phật tử nào, sau khi thực hành, thành tựu tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại, vô cùng hạnh phúc" (Tăng Chi III-A, tr. 236). Cõi trời Tha Hóa Tự Tại có tuổi thọ là mười sáu ngàn năm. Mỗi năm của cõi trời này có mười hai tháng; mỗi tháng có 30 ngày. Mỗi ngày đêm của cõi trời này tính bằng một ngày sáu trăm năm của cõi người. Thọ mạng của chư Thiên Tha Hóa Tự Tại tính ra thời gian của con người là: (1.600x30x12x16.000) = 3.216 triệu năm hay 9,2 tỷ năm (xem Tăng Chi và Trung A-hàm). Thế nào là Bát quan trai giới? - Giới thứ nhất: "Cho đến trọn đời, các vị A-la-hán đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Hôm nay, đêm này và ngày này, tôi cũng đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình". - Giới thứ hai: "... Hôm nay, đêm này và ngày này, tôi cũng đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh không có trộm cắp". - Giới thứ ba: "... Hôm nay, đêm này và ngày này, tôi cũng đã đoạn tận phi Phạm hạnh, hành Phạm hạnh, sống từ bỏ dâm dục hèn hạ". - Giới thứ tư: "... Hôm nay, đêm này và ngày này, tôi cũng đoạn tận nói láo, chỉ nói những lời chân thật y chỉ nơi sự thật, chắc chắn đáng tin cậy, không lường gạt đời". - Giới thứ năm: "... Hôm nay, đêm này và ngày này, tôi cũng đoạn tận đắm say rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu". - Giới thứ sáu: ".... Hôm nay, đêm này và ngày này, tôi cũng dùng mỗi ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ không ăn ban đêm, không ăn phi thời". - Giới thứ bảy: "... Hôm nay, đêm này và ngày này, tôi cũng từ bỏ không đi xem múa hát, nhạc, diễn kịch, không trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa và các thời trang". - Giới thứ tám: "... Hôm nay, đêm này và ngày này, tôi cũng đoạn tận không dùng giường cao, giường lớn, từ bỏ không dùng giường cao, giường lớn". Ðây là tám giới được giữ gìn trong ngày trai giới. Hạnh phúc của một người có quyền lãnh đạo cả mười sáu quốc độ (một diện tích rộng lớn ở Trung Ấn) với đầy đủ châu báu, uy quyền được xem còn là nhỏ nhoi so với hạnh phúc của cõi Dục giới thiên thứ nhất (Tứ Thiên Vương thiên) huống nữa là so với cõi thứ sáu của Dục Giới thiên (Tha Hóa Tự Tại thiên). Bát quan trai giới như thế là pháp tu rất truyền thống của người Phật tử tại gia, đã được kiết tập rõ ràng trong A-hàm và trong Nikàya, hai Tạng kinh được xem là gần nguyên thủy nhất. Tu Bát quan trai giới vừa gây được nhân giải thoát xuất thế, vừa thể hiện được tinh thần đạo ở trong đời, lại vừa là một ngày sống quân bình tâm lý, một ngày sống đầy giác tinh mở hướng đi lên cho tâm hồn, cần được thực hiện thành ngày tu truyền thống. Ngày Bát quan trai, như được ghi ở Tăng Chi Bộ Kinh I, được Thế Tôn ấn định vào sáu ngày trong mỗi tháng: 1, 8, 23, 14, 15 và ngày 30 Âm lịch. Ðặc biệt của sáu ngày này là: vào ngày 8 và 23 thì thường có các đại thần của Tứ Thiên Vương thiên hạ trần; ngày 14 và 30 thì các thiên tử của Tứ Thiên Vương thiên hạ trần; ngày 1 và 15 thì chính Tứ Thiên Vương thiên hạ trần để quan sát sự biểu hiện thiện ác của người đời. Sự hưng vong của Tứ Thiên Vương thiên có liên quan mật thiết tới cõi Người: Nếu người đời tu thiện nhiều thì cõi Trời ấy hưng thịnh; nếu cõi Người đi vào ác hạnh thì cõi Trời kia đi vào suy vong. Do lẽ đó mà Tứ Thiên Vương thiên đặc biệt quan tâm nhìn xuống cuộc đời trần thế. Tương giao xã hội: (Kinh Singàla, Trường Bộ Kinh IV; Kinh Thiện Sinh, Trường A-hàm, số 16; và Trung A-hàm, số 135, đã đề cập sơ lược ở chương Phật Bảo). Ðức Thế Tôn, bên cạnh việc giảng dạy con người giải thoát khổ đau, sinh tử. Ngài rất quan tâm đến hạnh phúc của người đời, những người sống ở gia đình, có nhiều trách nhiệm gia đình và xã hội. Thế Toân, trong Kinh Singàla và Kinh Thiện Sinh, nhìn mối tương hệ của con người là tương hệ thiêng liêng, đáng tôn kính. Ngài xem mối tương hệ này là tương hệ Phạm thiên. Có sáu mối tương hệ đáng tôn kính, đáng đảnh lễ của người đời. Trong khi chàng thanh niên Singàla đảnh lễ sáu phương trời, thì Thế Tôn dạy chàng nên quay về đảnh lễ sáu phương trong giáo pháp của bậc Thánh, của Thế Tôn. Ðây chính là sáu mối liên hệ ở đời. 1. Tương hệ giữa cha mẹ và con cái: Phương Ðông là cha mẹ. Cha mẹ là thiêng liêng, cao cả, đáng tôn kính đảnh lễ của con cái. Ý nghĩa của đảnh lễ là nhấn mạnh bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Thế Tôn rất thiết thực, đưa Singàla trở về thực tế với những bổn phận đối với cha mẹ mà không phải là hình thức lễ bái. Khi cha mẹ còn sống, người con phải biết vâng lời, làm vui lòng cha mẹ; phải biết hầu hạ giúp đỡ cha mẹ một số công việc khi cha mẹ cần đến; phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già, phải biết giữ gìn gia phong, tiếng tăm, danh dự của gia đình, phải biết bảo vệ tài sản của cha mẹ để lại; phải biết giới thiệu đạo giải thoát đến với cha mẹ; nếu có thể, phải lo tang lễ cho cha mẹ hẳn hoi. Ðáp lại, cha mẹ có bổn phận nuôi dưỡng và giáo dục con cái tốt; lo cho con học chữ và học nghề; giúp đỡ con gần bạn lành và xa bạn xấu; đưa con vào điều thiện và xa điều ác; lo việc cưới gã con vào các gia đình tốt; chia tài sản cho con cái đúng lúc. 2. Tương hệ giữa thầy giáo và học trò: Phương Nam chính là thầy giáo. Tương hệ giữa thầy và trò là một tương hệ cao cả, đẹp đẽ, đáng tôn kính. Học trò cần kính trọng và vâng lời thầy; cần học hành chăm chỉ và thực hiện tốt các điều thầy chỉ dạy; giúp đỡ và phục vụ cho thầy giáo trong những khi thầy giáo cần sự giúp đỡ. Ðáp lại, thầy giáo có bổn phận phải dạy tốt, cung cấp kiến thức chuyên môn tốt; giúp học trò thấy rõ bổn phận và hướng đi của tự thân trong xã hội; giúp học trò chọn nghề nghiệp thích hợp và tạo điều kiện cho học trò có cơ sở làm ăn khi rời khỏi nhà trường. Thật là thực tiễn khi Thế Tôn dạy thầy giáo hướng nghiệp cho học trò và kiếm việc (nhiệm sở) cho học trò sau khi học xong!. 3. Tương hệ giữa chồng và vợ: Phương Tây là chỉ mối quan hệ giữa vợ chồng. Mối tương hệ này là thiêng liêng, đáng được tôn kính đảnh lễ. Ý nghĩa thực sự của đảnh lễ chính là công việc xây dựng mối tương hệ tốt và hạnh phúc giữa hai người. Người chồng cần phải yêu thương, kính trọng và trung thành đối với người vợ, săn sóc chu đáo đời sống kinh tế của người vợ với sự cung cấp đầy đủ các tiện nghi vật chất; nuôi dưỡng tình cảm, thường tặng quần áo, đồ trang sức. Qua lời dạy này, chúng ta thấy rõ mối quan tâm của Thế Tôn như thế nào đến hạnh phúc lứa đôi. Thương yêu chưa đủ, hạnh phúc còn đòi hỏi các nhu cầu thực tiễn hơn thế nữa. Thông thường thì khi đã là vợ chồng, có người thường thiếu sự cảnh giác trong thái độ đối xử với nhau; đây là một thiếu sót. Kính trọng là một thái độ cần thiết trong tương giao của vợ chồng; thái độ này nói lên sự kính trọng đầy tính người, vừa làm cho tình yêu rực rỡ thêm trong đón nhận an lạc và hạnh phúc. Thái độ kính trọng cần được thực hiện từ đáy lòng và bền chặt; do vì kính trọng nên không được gây tổn thương đến danh dự, giá trị của nhau bằng bất cứ việc làm nào; yêu người khác là gây một tổn thương lớn cho người bạn đời, do đó đòi hỏi phải trung thành với nhau. Hạnh phúc giữa hai người còn thực tế liên hệ đến đời sống vật chất, kinh tế gia đình; người vợ cần được người chồng bảo đảm các tiện nghi sống. Khi lòng yêu thương và kinh tế gia đình ổn định, mối tình cảm, tương hệ cũng cần được nuôi dưỡng liên tục; thỉnh thoảng sắm quà tặng cho người vợ, đấy là cách tỏ bày tình thương yêu, quý mến và lòng trung thành của người chồng. Ði đâu xa về mà người chồng có quà dành cho người vợ thì người vợ sẽ yên tâm rằng người chồng luôn luôn nghĩ đến mình và không để lòng yêu thương người khác. Thế là tương giao đã thắm thiết trở nên càng thắm thiết. Áo mặc và đồ trang sức là món quà rất phù hợp với mong chờ của phái nữ. Quà loại này vừa nói lên tính thực tế trong việc sử dụng nó, vừa nói lên tính tâm lý làm phát khởi niềm hoan hỷ và thiện cảm nơi người nhận. Ðáp lại, người vợ phải thương yêu, kính trọng và trung thành với chồng. Ðây là đòi hỏi tất yếu. Trong khi người chồng bận rộn với công việc xã hội, thì bổn phận người vợ là quản lý giỏi các công việc và của cải làm ra của gia đình, khéo điều hành và khéo đối xử; niềm nở đón tiếp những người ở gia đình chồng với sự kính trọng; vui vẻ với láng giềng. Người vợ không được ỷ lại vào sự săn sóc yêu thương của chồng; lại không được ngoại tình, không được sai khiến chồng như bà chủ, không được phung phí tài sản. Nếu người vợ ngoại tình, sai khiến chồng và phung phí tài sản thì sau khi chết sẽ đoạ địa ngục (Tăng Chi III, phẩm Bảy Pháp). Người vợ cư xử với chồng trong tư cách của người vợ, người yêu, người bạn, và có khi như là vai trò của người mẹ, người chị hay người em gái của chồng. Với các thái độ cư xử này, sau khi chết, người vợ sẽ được hưởng phước báo sanh thiên. Qua những lời dạy trên của Thế Tôn (Trường Bộ IV, và Tăng Chi III), vợ chồng cư xử với nhau hiện rõ trong ba vai trò: người chồng (hay vợ), người yêu và là người bạn. Vai trò của người chồng (hay vợ) như là vai trò của bổn phận; vai trò của người yêu là vai trò tình cảm đặc biệt của đôi vợ chồng; vai trò người bạn là vai trò nói lên tính bền bỉ và chia xẻ của tương hệ của vợ chồng. Ba vai trò đó cần được thường xuyên vận dụng hợp thời và hợp chỗ. Khi một người bị bệnh, thì người kia đóng vai trò săn sóc của người cha (hay mẹ), của anh, em (hay chị, em). Trong các công việc gia đình, xã hội thì cần sự bàn bạc, hợp tác, chia xẻ; bấy giờ cặp vợ chồng xuất hiện như là hai người bạn. Lúc yêu thương, đấy là vai trò của người yêu. Vai trò này cần được duy trì cho đến trọn đời, chứ không phải trong buổi đầu gặp gỡ. Về hạnh phúc gia đình trong đời sống hiện tại, Thế Tôn dạy cả hai người cần thực hiện bốn điều: 1. Làm việc giỏi, siêng năng, quản lý giỏi, giàu nghị lực.Hoặc thực hiện bốn điều này: 1. Tháo vác, làm ra nhiều của cải.Về hạnh phúc gia đình cho mai sau (cho kiếp sau), Thế Tôn dạy cần thực hiện bốn điều: 1. Tín: Có lòng tin vào ngôi Tam Bảo. Tin rằng Thế Tôn là bậc giác ngộ hoàn toàn. Tin rằng Pháp đã được Thế Tôn khéo thuyết giảng có khả năng đoạn trừ tham, sân, si, tất cả khổ đau. Tin rằng chúng Tăng là đoàn thể hoà hợp, sống cao thượng trong Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, đáng được tôn kính, cúng dường và học hỏi.Thực hiện được các lời dạy trên thì người Phật tử sẽ tìm thấy hạnh phúc tương đối trong hiện tại và trong các đời sau. (Theo Tăng Chi II, phẩm Bốn pháp). Người Phật tử xây dựng một nếp sống như vậy thì rất thiết thực và vừa với cấp độ giá trị của con người, có thể tìm thấy hạnh phúc rất là người và vừa có thể hướng về giải thoát cao hơn. 4. Tương hệ bạn bè: Phương Bắc chỉ bạn bè. Mối tương hệ này cũng cao cả, cần được tôn kính. Con người cần đối xử nhân từ với nhau, nói năng từ ái, hòa nhã; phải sống hòa hợp mà không gây gỗ, cãi vã; giúp ích cho nhau trong những khi cần, và không bỏ nhau khí khó. Tương giao như thế là mối tương giao đầy tình người. Bạn bè cũng là một như cầu sống của con người. Hẳn sống ai cũng cần có bạn, và bạn phải là bạn tốt để đem lại an vui cho nhau. Tình bạn được xây dựng tốt cũng là một thứ hạnh phúc của tương giao. 5. Tương hệ giữa chủ và người cộng sự: Phương Dưới chỉ liên hệ giữa chủ và người cộng sự. Mối liên hệ này cũng cao quý, thiêng liêng. Người chủ nhà (hay chủ cơ sở) có nhiều bổn phận đối với các cộng sự: giao công việc vừa khả năng và sức khỏe; trả tiền thù lao thích đáng; cung cấp các thuốc men trị bệnh; và thỉnh thoảng an ủi, khích lệ và tưởng thưởng hay tặng quà. Ðáp lại, người cộng sự cần phải làm việc cần mẫn, giỏi dắn, lương thiện, thành thực và không xảo trá. Liên hệ này cũng thể hiện đầy tình người, đầy tình tương thân tương ái, tạo nên một không khí tương giao của cuộc sống rất nhẹ nhàng và an lạc. Ai cũng có thể đón nhận một cảm giác rằng sống là để hạnh phúc, xây dựng mà không phải là để làm việc, để khổ đau cho dù có phải làm việc trọn ngày. 6. Tương giao giữa các tu sĩ và cư sĩ: Phương Trên là chỉ các tu sĩ và mối tương giao giữa các tu sĩ và cư sĩ. Ðây là liên hệ thiêng liêng, là liên hệ Phạm thiên, đáng tôn kính. Các Phật tử thì săn sóc ủng hộ các tu sĩ các nhu cầu vật chất tối thiểu (y áo, thuốc men, giường chiếu và thực phẩm) và biểu lộ chân thành lòng thương yêu, kính trọng. Các tu sĩ thường bị ràng buộc bởi giới luật nên không nói rõ các Phật tử các nhu cầu trên. Các Phật tử cần rõ điều này, đến gần các tu sĩ để biết các vị đang cần gì để hộ trì. Hộ trì tu sĩ có nghĩa là hộ trì Chánh pháp, mong muốn Chánh pháp được tồn tại lâu dài giữa đời. Chánh pháp tồn tại lâu dài thì cuộc đời được thêm phần an lạc. Hộ trì tu sĩ như thế có nghĩa là đóng góp vào việc xây dựng an lạc cho cuộc đời, cho chính tự thân người hộ trì. Ðáp lại, người tu sĩ vốn là vô sản, trọn ngày chỉ học Phật Pháp, khất thực và hành Thiền định, chỉ có trao cho người cư sĩ tấm lòng từ mẫn, lân mẫn, các hiểu biết về các pháp, và giới thiệu các cư sĩ con đường chân chính đoạn khổ, xây dựng hạnh phúc ở đời. Tương hệ này là đầy tình đạo và tình người. Vị tu sĩ chỉ trao truyền kiến thức và kinh nghiệm tu tập cho các Phật tử, cung cấp các kiến thức, trao truyền năm giới, mười giới, bát quan trai giới, và khích lệ các Phật tử giác tỉnh vô thường mà phát khởi tinh tấn tu tập. Thiếu lòng từ mẫn, thiếu kinh nghiệm của học hỏi và tu tập Phật pháp thì dù có đầy đủ ý thức trách nhiệm đối với cư sĩ, các tu sĩ cũng không đóng được vai trò của mình, cũng không giữ được thiên chức thiêng liêng cao cả của mình. Nhận sự hộ trì của các tu sĩ là nhận lãnh trách nhiệm giáo dục của mình, là chấp nhận mối tương giao rất hợp lý, đầy tình người và tình đạo, như Thế Tôn đã dạy về mối tương hệ ấy. Mối tương hệ đó như là sự trao đổi hai chiều các nhu cầu của mỗi phía một cách công bằng và có tính cách tự nguyện mà không ràng buộc nhau, không gây thiệt thòi cho phía nào. Người tu sĩ không phải chỉ giảng dạy Phật pháp và con đường tu tập, mà còn đảm trách thêm việc giáo dục hướng dẫn về kinh tế, quản lý gia đình và các tâm lý cá nhân, xã hội, những gì trực tiếp ảnh hưởng đến hạnh phúc cá nhân, gia đình và xã hội. Tóm lại, nhu cầu người cư sĩ chờ đợi ở tu sĩ là nhu cầu giáo dục (theo nghĩa rộng), và nhu cầu người tu sĩ chờ đợi ở cư sĩ là nhu cầu kinh tế. Hai nhu cầy ấy bổ sung cho nhau trong một hòa điệu của sự hưng thịnh của Phật giáo và sự an lạc, hạnh phúc, phồn vinh của cuộc đời. Sáu mối tương quan trên còn có ý nghĩa rằng sống là tương quan tương duyên, rằng con người là con người của tương giao xã hội, và xã hội là xã hội của các cá nhân con người. Ðấy là mối tương hệ không thể cắt xén: không thể sống mà chỉ biết có cá nhân, cũng không thể sống mà cá nhân bị đánh mất hoàn toàn. Về giải thoát, thì phải là vấn đề cá nhân; nhưng về hạnh phúc tương đối ở đời thì phải là hạnh phúc của tương giao. Lo cho hạnh phúc tương giao là vấn đề lo cho hạnh phúc của tập thể, toàn thể. Khi dạy về hạnh phúc cá nhân, chính Thế Tôn lại nói đến hạnh phúc của gia đình và tập thể. Thiết lập tương giao tốt giữa con người, đấy là một nghệ thuật sống. Nghệ thuật này được xây dựng trên các yếu tính: kính trọng nhau, chấp nhận nhau, thành thực với nhau, và thương yêu giúp đỡ lẫn nhau vì hạnh phúc chung. Nếu trước đây Thế Tôn đã cặn kẽ dạy chàng thanh niên Singàla hướng về tôn kính, xây dựng sáu mối tương giao kia, thì ngày nay người tu sĩ cũng cần hỗ trợ cho các Phật tử tại gia công việc tương tự. Ðể thể hiện tốt vai trò hướng dẫn, chỉ đạo của mình, vị Tỷ-kheo cũng cần có kiến thức về tâm lý, về kinh tế, xã hội. Ðời sống vị Tỷ-kheo, qua mối tương giao này, không chỉ giới hạn trong khuôn viên nhà chùa, mà cần phải đi vào sự quan tâm đến hạnh phúc của người đời với thái độ dấn thân tích cực hơn. Kinh nghiệm lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam, cho thấy thời đại nào mà có nhiều tu sĩ Phật giáo chân chính hành đạo với kiến thức uyên bác, dấn thân giúp đỡ xã hội thì Phật giáo hưng thịnh và dân tộc cũng hưng thịnh, như đời Lý, Trần; thời đại nào các vị Sư thu mình về trong khuôn viên nhà chùa, trong tinh thần lánh thế, hay đi xa con đường thực hành Giới, Ðịnh, Tuệ thì thời đại ấy Phật giáo suy vong, hay đi vào suy vong, và dân tộc cũng không hùng cường, như cuối đời Lý, cuối đời Trần và qua triều Lê, Nguyễn. Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa cần được hiểu một cách sáng tỏ là làm dậy sức sống giải thoát trong mỗi người, đem lại an lạc cho mình và người, chứ không phải để buộc chân người cứu thế, độ đời. Người tu sĩ và người cư sĩ đều cùng lúc có hai bổn phận chính yếu: một bổn phận đi vào giải thoát và một bổn phận xây dựng hạnh phúc cho đời. Xây dựng được mối tương giao thứ sáu tốt đẹp là làm tròn hai bổn phận đó. Và ngược lại. Sáu mối tương hệ trên có thể được học đường ngày nay đem vào nền giáo dục nhân bản, giáo dục con người rất người bên cạnh các kiến thức chuyên môn. (Xin xem tiếp đoạn kế) -oOo- |
Source : BuddhaSasana
[Trở về ]