Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Bốn Đôi Mắt Chùa  Swayambunath ở Népal

Võ Quang Yến

Dựa lưng vào dãy Hy Mã Lạp Sơn trùng trùng điệp điệp, tuyết trắng thiên thu, Katmandu, kinh đô xứ Nepal, nằm trong một thung lũng cao gần 1400 m. Chảy ngang qua là hai con sông Vishnumati và Bagmati soi bóng những dãy nhà san sát hai, ba tầng, xen lẫn với các đền miếu, chùa chiền hai, ba mái. Dân tộc bản xứ là người Newar, nguồn gốc Tây Tạng, đến đây trong khoảng giữa những thế kỷ 10 và 6 trước Công nguyên, những nghệ nhân từ lâu đã thực hiện những công trình mỹ thuật độc đáo ở nhà cửa tư nhân cũng như trong các đền Ấn Độ giáo (tôn giáo quốc gia) hay các chùa Phật giáo (tôn giáo thiểu số, cỡ 20% dân cư). Phật giáo ở Nepal theo nhánh Đại thừa nhưng tổ chức bị ảnh hưởng Mật tông rất nhiều, còn nghi lễ thì nhuốm màu đạo sa man, thuyết phiếm thần sơn cước nếu không là Ấn Độ giáo pha Tây Tạng giáo. Kết quả là các đạo thâm nhập lẫn nhau, kể cả thiểu số Hồi giáo và Công giáo. Không ai lấy làm lạ khi thấy một đền Ấn Độ giáo sát cánh một chùa Phật giáo, có khi nằm ngay trong một vườn. Và cũng là lệ thường khi một nhà vua được xem một bên là thần Vishnu hoá kiếp, bên kia là vị Bồ tát giác ngộ chúng sinh. Vì vậy, du khách, dù không chăm chú đến vấn đề tôn giáo, cũng thấy thú vị khi tham quan các đền chùa kia.

Chùa Swayambunath, cách trung tâm thành phố 4 km, có điểm chung với chùa Bonath, xa đến 8km, là ngôi tháp stupa xây theo hình một mạn đà la, biểu thị hình học và chiêm tinh vũ trụ, đồng thời là một "dụng cụ " thiền định. Chân chùa hình vuông tượng trưng Đất, mang một hình bán cầu gharba, sơn vôi trắng, tượng trưng Nước, một khúc tháp vuông tượng trưng Lửa, một cột hình trụ toran tượng trưng Gió và trên cùng một cái lọng tượng trưng Hư Không, tức là ngũ đại Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không cấu thành vũ trụ vật chất. Cả ba phần trên đều mạ vàng. Cột toran ở chùa Swayambunath gồm có 13 vòng kim loại, còn ở chùa Bonath thì là 13 bậc thang, tượng trưng cho 13 tầng nhận thức tối cao Bodhi. Đặc biệt, từ xa, phần chùa ta để ý đầu tiên là khúc tháp vuông với bốn đôi mắt trừng trừng chú mục vào khách thập phương như để thôi miên, quyến rũ. Thật vậy, khi đã bắt đầu thấy đôi mắt ấy rồi thì khó lòng rời nó. Xung quanh mắt không có miệng, không có tai. Ở chỗ lỗ mũi là một cái dấu giống như một chấm hỏi : đấy là chữ "một" viết theo lối chữ phạn mới devanagari, biểu thị tính duy nhất của đức Phật. Ngài không nói mặc dầu Ngài nghe mọi chuyện, thấy mọi nơi, biết mọi điều và tha mọi lỗi.

Tháp chùa Swayambunath được xây trên ngọn đồi cao nhất vùng cho nên đứng trên tháp thấy rõ quanh thung lũng. Tháp cũng được xây lâu đời nhất. Tục truyền cách đây 2000 năm, thung lũng Katmandu là một cái hồ. Đức Phật hiện ra trên một đóa hoa sen nở thành năm hào quang sáng rực gọi là swamyambhu có nghĩa "Người từ hư không ra" tức là Adi-Buddha, đức Phật nguyên thủy, từ đó phát xuất thế gian. Cảm thụ những tia hào quang của đóa hoa sen, đức Văn Thù Sư Lợi Manjushri lại rút gươm xẻ núi cho tháo nước hồ nên vị bồ tát nầy được xem là người khai canh Nepal. Đường lên chùa cao 300 bậc thang. Người hành hương khi lên đến chân tháp, trước tiên gặp một "dụng cụ" khổng lồ cao 1,50 m thường chỉ nhỏ để nắm trong tay, gọi là vajra, hình dáng cái mũ miện vua chúa trong Mật tông cũng như trong các phái bí truyền Á Đông khác, tượng trưng nối liền những vũ lực tinh thần, tính vững bền của tâm thần. Nó cũng còn được xem như là biểu tượng tính dương, đi đôi với ghanta, một cái chuông nhỏ có cán, tính âm, tương đương với cặp linga-yoni ở Ấn Độ giáo. Trong Phật giáo Tây Tạng, vajra biểu hiện uy quyền tối cao và được sử dụng với ghanta trong mọi buổi cúng lễ, chẳng hạn khi các nhà sư tán, tụng. Sau khi quỳ lạy, khấn vái trước cái vajra đó, người hành hương phải đi quanh tháp, theo chiều kim đồng hồ như nghi lễ bắt buộc. Sát với tháp là một dãy "cối xay cầu nguyện" hkor-brten chứa đựng những bản kinh, đặc biệt lời cầu khấn Om, Mani Padme Hum ! (Om ! ngọc mani trong sen). Mani là châu báu, còn có nghĩa là cuộc sống, hạnh phúc, linh hồn. Padme là hoa sen, tượng trưng sự trong trắng, sự từ bỏ đời sống vật chất. Khách vừa đi vừa cầu nguyện vừa lấy tay cho xoay mấy cái cối xay.

Quanh xa hơn một chút ngôi tháp là những điện chaitya thờ các đức Phật Vasupura (Địa), Nagapura (Thủy), Agnipura (Hỏa), Vayupura (Phong), Shantipura (Không), các vị Phật năm phương Mahavairochana (đức Phật hoàn hảo thiên đỉnh), Akshobhya (đức Phật bất biến phương đông), Amitabha (đức Phật hào quang vô biên phương tây), Ratnasambhava (đức Phật châu báu phương nam), Amoghasiddhi (đức Phật thắng lợi vô tận phương bắc), cùng các vị Phật bổ thể nữ tính shakti Vajradharishvari (Mahavairochana), Lochana (Akshobhya), Pandara (Amitabha), Mamaki (Ratnasambhava), Tara (Amoghasiddhi). Đối diện với vajra, bên kia ngôi tháp, là hai cột trụ mang hai tượng Tara trắng và lục, kèm giữa một con công, chim thần, đang xoè đuôi. Trong những số tượng khác đáng chú ý là tượng Dipankara, xem như là tiền thân đức Thích Ca, thứ 24 theo Nam tông, thứ 52 theo Bắc tông. Một điện gần đây rất được sùng bái, đông khách lại cầu đảo chen chúc nhau, là điện thờ nữ thần Ấn Độ giáo Ajima (theo tiếng Newar), còn được gọi Sitala, với hai mái bằng đồng, dáng điệu thanh mảnh bên ngôi tháp đồ sộ. Thần Ajima bảo vệ con trẻ, đặc biệt chống bệnh đậu mùa. Tuy là một thần Newar, tất cả dân cư trong vùng đề lại thờ cúng. Ngay cả các Phật tử cũng đặt tên Hariti, tương đương với đức Quan Âm Tống Tử bên ta, xem thần như là hiện thân của Maya Devi, đức Phật Mẫu. Người ta tin quyền lực của thần vô cùng hiệu nghiệm đến nỗi nhiều bà mẹ đã đem con đi chủng đậu rồi mà vẫn đưa lại đây nhờ thần phù hộ ! Bên trái ngôi tháp, bước lên vài bậc thang là một tu viện Mật tông. Hằng ngày, vào giữa chiều, các vị la ma làm lễ. Từ trong vọng ra tiếng đọc kinh đơn điệu, trầm trầm, thỉnh thoảng xen lẫn một tiếng còi inh ỏi. Ngoài giờ lễ, khách mục kích các chú tiểu áo vàng, áo đỏ, xung xăng giữa những người hành hương áo quần cũng sặc sỡ không kém gì trước các cửa tiệm hàng hóa la lượt đủ thứ đồ ăn, hành lễ, lưu niệm,... Làm thêm rộn rịp là những bầy khỉ tự do chạy nhảy khắp nơi, bám víu vào bất cứ cái gì, khi vào điện thờ lượm hoa quả dâng cúng, khi giật bánh trái của những người đang soạn ăn bên lề đường, trên sân giữa các điện, sau khi làm xong phận sự cầu cúng. Thành thử bầu không khí không trầm lặng, tỉnh tâm như nơi dành cho thiền định mà là quang cảnh một ngày hội thường xuyên. Âu cũng là một cách thờ Phật.

Nhưng chớ tưởng chùa nào ở Katmandu cũng ồn ào như Swayambunath. Quanh chùa song đôi Bunath với ngôi tháp tương tự, cũng xưa như chùa kia nhưng còn được tôn sùng hơn, một số tu viện gompa dành cho các tu sĩ Tây Tạng đủ phái. Ở đây, vào cửa phải đi chân không để tránh tiếng dày lộp cộp, không được nói chuyện ồn ào. Với lại khách chăm chú mải miết nhìn cảnh , trầm lặng ngắm những tranh vẻ trên tường thì cũng dễ giữ yên tĩnh nơi chốn tu hành. Tu viện nào cũng có ở ngoài cửa hình xe pháp Dharmachakra với hai con nai đứng chầu hai bên, nhắc lại sự tích đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Sarnath. Hầu hết tu viện nào cũng có bốn đức hộ pháp bốn phương : Dhritarashtra (phương đông), Virupaksha (phương tây), Virudhaka (phương nam) và Kuvera (một hình thức của Vaishravana, phương bắc). Ở tu viện gần nhất và cũng là mới nhất (1986), sau một cái "cối xay cầu nguyện" khổng lồ, khách được nhìn một bức tượng đức Phật khá lạ : Ngài không ngồi hai chân tréo nhau "lối hoa sen" hay kiết già Padmasana như thông lệ mà hai chân thỏng xuống theo "lối Âu châu" hay "lối Trung Quốc" Bhadrasana, thường dành ở Á châu cho Maitreya, đức Phật Vị Lai. Khách ắt đặt câu hỏi vì sao cố ý ra khỏi truyền thống ?

Ở tu viện Sakya-Pa, xây dựng năm 1071, chuyên dạy theo lời giảng huấn của vị Bồ tát Manjushri và nhà triết học Ấn Độ Najarjuna (thế kỷ 2), đặc biệt có hình vẽ mạn đà la "Vũ trụ các la ma" và nhất là "Bánh xe cuộc sống" hay xe luân Bhavachakra, tượng trưng chu kỳ tái sinh vô tận. Đấy là hình vẽ một vòng tròn chia làm bốn lớp. Ở trung tâm là ba "nọc độc", ba con vật cắn đuôi nhau nghĩa là luôn liên kết với nhau : một con gà (tham), một con rắn (sân), một con heo (si). Bao quanh là một vòng nửa trắng (vùng giải thoát) nửa đen (vùng luân hồi). Trong vòng thứ ba, tương đối lớn nhất, sáu phần lục đạo : cõi Phật, cõi A Tu La, cõi người (ba cõi lành), cõi súc sinh, cõi quỷ đói, cõi địa ngục (ba cõi ác). Vòng ngoài cùng trình bày 12 hình vẻ người và vật tượng trưng 12 nhân duyên. Một makara, chúa tể thời gian, trên dùng miệng, dưới dùng móng, nắm giữ bánh xe như để xác nhận chúng sinh luôn bị thời gian siết chặt, khó lòng thoát khỏi vòng luân hồi. Đúng ngoài các vòng, bên mặt là đức Phật dang tay chỉ bánh xe, bên trái là xe pháp Dharmachakra.

Thấy ra đời sống tâm linh cũng sâu đậm. Du khách đi mau qua có thể chỉ thấy bên ngoài và hấp tấp phán đoán không đúng. Nhất là vào những năm thập niên cuối 60, đầu 70, một số thanh niên Âu Mỹ, mang tên hippy, tóc dài, áo cụt, kéo nhau lại Katmandu tìm một lối sống "ngoài thời gian và không gian", thỏa thích với đủ loại thuốc hút, ma túy, để lại một hình ảnh không chút lành mạnh. Ngày nay, loại thanh niên ấy không lảng vảng trong thành phố nữa nhưng dư vang một thời còn lắng đọng trong thung lũng nầy. Riêng phần tôi còn giữ một kỷ niệm cá nhân. Một hôm, nhân được đưa lên núi xem mặt trời trên các đỉnh Everest, Anapurna, tôi mất tự nhiên khi thấy một ông sĩ quan đội quân Nepal canh giữ biên thùy cứ chòng chọc nhìn tôi. Hỏi ra mới biết ông cho tôi là người Newar mà lấy làm lạ chỉ nghe tôi nói tiếng ngoại quốc. Biết đâu tôi lại thuộc dân tộc Newar mà không hay ! Gần đây, trong một tập Nhớ Huế, tác giả Tô Kiều Ngân có viết dưới chân Hy Mã Lạp Sơn có một bộ lạc nói tiếng Huế. Những cuộc gặp gỡ bất ngờ nầy phải chăng đã phát xuất từ một cơ duyên nào đây ! Sau đấy, làm quen nhiều hơn, ông sĩ quan cho mượn ống nhòm nhà binh để mặc sức nhìn trời, ngắm núi, một cảnh đẹp thiên nhiên ít thấy vì Hy Mã Lạp Sơn cũng như Phú Sĩ San bên Nhật Bản, mây mù quanh năm, những đỉnh cao khi ẩn khi hiện, không phải lúc nào muốn là chiêm ngưỡng được dung nhan. Trầm ngâm một buổi chiều trên "đồi" (đồi ở đây cao hơn 3000 m, phải cao quá 5000 m mới được mang tên núi), tôi cảm thông tín ngưỡng của người bản xứ, sống trong một dải núi dài 800 km, rộng 50-230 km, ép mình giữa Ấn Độ và Tây Tạng, đã thấm nhuần những giáo lý nguyên thủy để chế biến ra một đạo Phật riêng biệt, chứng minh một đặc điểm của Phật giáo, bất cứ chỗ nào trên thế giới cũng biết thích ứng với nơi thâm nhập.

1999-2006


Trở Về  ]