Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]

Tụng Kinh và Chủ Lễ

Phúc Trung

 I-Dẫn

Tụng kinh là đọc lại những lời Phật dạy, có chuông, có mõ. Từ xưa nơi các tu viện, chùa chiền, chư Tổ đã đặt  ra Nghi thức để cho việc tụng kinh được thống nhất, dù có nhiều người tham dự buổi lễ Phật, việc tụng kinh vẫn được đồng nhất, trang nghiêm, và chí thành.

II - Nghi thức

1 - Vị chủ lễ và những người tham dự : Trong một buổi lễ hay một thời kinh có nhiều người tham dự, có một vị giữ vai trò chánh trong buổi tụng kinh gọi là Chủ lễ, vị Chủ lễ trong thiền môn thường có phẩm vị cao hơn những người tham dự, trong hàng Cư sĩ, vị Chủ lễ cũng nên dành cho những vị cao niên, hiểu biết rành rẽ về nghi thức, nhờ vậy, sẽ tiến hành đúng nghi lễ.  Ngoài vị Chủ lễ ra, còn có hai vị đi (gõ) chuông, mõ.  Nếu không có người đi chuông mõ, hay chỉ tụng kinh có một mình, thì vị chủ lễ đi chuông, mõ luôn.  Những người tham dự có Nam cư sĩ, hay gọi là Ưu Bà Tắc, ở phía tay trái của tượng Phật, Nữ cư sĩ, gọi là Ưu Bà Di, ở phía tay phải của tượng Phật, chia ra gọi là phân ban "Nam tả, Nữ hữu".

2- Nghi-thức chuông mõ: Như đã nói ở bài trước, xin nhắc lại, nếu có hai người đi chuông mõ thì giữ y vị trí chuông bên tay trái tượng Phật, mõ bên tay phải tượng Phật, còn nếu chỉ có một người vừa chủ lễ, vừa chuông mõ thì để chuông mõ bên nào cho thuận tay tùy ý.  Trong chùa có một vị trông nom nhang, đèn gọi là Hương Ðăng, còn trong buổi tụng kinh không có hương đăng thì hai vị đi chuông mõ có nhiệm vụ lo nhang đèn và thắp trước một hay ba cây nhang ở các bàn thờ, vị phụ trách đi mõ chờ cho vị chủ lễ vào vị trí thì đốt ba cây nhang rồi đưa cho chủ lễ, còn trong lúc tụng kinh, vị đi chuông phải để ý, nếu nhang gần tàn thì phải đốt thêm.

3- Nghi-thức tụng kinh: Một thời kinh có thể chia thành 3 phần chính:
a) Niệm hương lễ bái:  Theo thứ tự gồm có những bài:
- Tịnh pháp giới chân ngôn.         Án lam....
- Tịnh tam nghiệp chân ngôn.      Án ta phạ...
- Nguyện hương.                          Nguyện đem lòng thành kính...
- Cầu nguyện.                              Hôm nay chúng con....
- Kệ tán Phật.                               Ðấng Pháp Vương ...
- Quán tưởng.                              Phật, chúng sanh...
- Ðảnh lễ.                                    Chí tâm đảnh lễ...

b) Tụng kinh :  Sau khi Ðảnh lễ, đến phần chính của Tụng Kinh là Vào chuông Mõ, sau đó theo thứ tự, tụng những phần sau đây:
- Bài tán.  Dương Chi... hay Lư hương...
- Chú Ðại Bi.  Thiên thủ thiên nhãn...
- Kệ khai kinh.  Pháp Phật cao siêu...
- Tụng kinh.  Kinh Di-Ðà, Pháp Hoa...
- Bát Nhã Tâm Kinh. Ma ha bát nhã ba la...
- Chú Vãng Sanh. Nam Mô A  Di Ðà bà dạ...
- Tán Phật.  Chúng Thích Tử...
& niệm danh hiệu Phật  Nam Mô Tây Phương...
- Bài Sám.             Ba đời mười phương Phật... hay
Con quỳ lạy Phật ...

c) Cầu nguyện thêm và hồi hướng:  Phần cầu nguyện thêm và nguyện chung cho mọi loài, phần này chỉ có vị chủ lễ nguyện mà thôi, (không đánh mõ), khi chủ lễ chấm dứt lời nguyện (thường là : Âm siêu dương thới pháp giới chúng sanh, tình dữ vô tình, tề thành Phật đạo - hay - Nguyện cho tất cả chúng sanh đồng tròn thành Phật đạo), mọi người cùng tụng: Nam Mô A Di Ðà Phật, mõ gõ theo khi mọi người cùng niệm danh hiệu Phật A Di Ðà.
- Hồi hướng.  Công đức...
- Phục nguyện.  Cầu nguyện thêm lần nữa.
- Phổ nguyện.  Nguyện cho tất cả...
- Tam tự quy.  Tự quy y Phật...
Chấm dứt.

III- Những điểm cần chú ý

1- Chung :  Nếu không phải là ở chùa thì nơi tụng kinh phải được cọn dẹp sạch sẽ, bàn Phật phải trang hoàng cho được trang nghiêm.  Khi tụng cầu an hay cầu siêu chỉ tụng ở trước bàn thờ Phật và lạy Phật mà thôi.  Khi cúng Vong sẽ tụng kinh trước bàn Vong và chỉ có thân nhân lạy vong.

Khi đi tụng kinh cầu siêu, vì có quen biết tang gia, phải lễ người chết thì phải cởi áo tràng ra vì áo tràng chỉ để lạy tam bảo. Trước khi tụng kinh cũng như lễ Phật, mọi người thân tâm phải thanh tịnh, phải tắm gội, rửa tay, rửa mặt, buổi sáng phải đánh răng, súc miệng, tóc tai phải chải gỡ cho vén khéo.  Nên sắm áo tràng (màu lam hay màu đà cũng được), mặc áo cho chỉnh tề rồi mới đi lễ Phật hay tụng kinh.  Chúng ta thấy một người đi làm việc hay đi dự lễ, ăn mặc tươm tất, chỉnh tề, mục đích là để kính nể, tôn trọng người khác, do đó mà Phật tử chúng ta càng kính trọng chư Phật thì càng phải ăn mặc, chuẩn bị thật chu đáo, trang trọng hơn. Không nên mặc áo tràng vào nhà vệ sinh, nơi ô uế, không nên giặt chung với quần áo khác.

Khi tụng kinh, phải chú tâm vào lời kinh mà mình đang tụng, để hiểu nghĩa từng chữ từng câu lời Phật hay chư Bồ Tát chỉ dạy, để chúng ta tu tập theo đúng phương pháp.

Khi vào chánh điện hay nơi tụng kinh, không nên nói chuyện, mà cũng không nên để tâm vào bất cứ chuyện gì xảy ra chung quanh mình, như vậy tâm mình mới được định và giữ được thanh tịnh cho tất cả mọi người trong buổi tụng kinh.

Tụng kinh có giọng điệu riêng, mọi người cần phải theo giọng điệu này để giọng tụng được đều nhau.  Tụng kinh nhất thiết do sự chí thành, chú tâm chớ không phải co giọng ngâm nga, tuy nhiên có giọng càng tốt.

Mọi người nên quỳ, trừ trường hợp người gìa, tuổi cao, bệnh tật thì mới ngồi.  Ngày xưa, cha mẹ dạy con cháu, con cháu phải quỳ xuống để nghe lời dạy, Phật là một bậc đại giác ngộ, sao chúng ta không quỳ để nghe lời ngài dạy ? Có quy phục Ðức Phật, chúng ta mới có thể vâng lời, làm đúng theo những gì Phật dạy.

2- Chủ lễ: Người chủ lễ có giọng tốt, thì càng quý bởi vì giọng điệu của chủ lễ sẻ làm tăng thêm sự tín ngưỡng, người chủ lễ phải biết những bài nào đọc chậm, đọc nhanh.  Chẳng hạn như Chú bao giờ cũng đọc nhanh, phải biết ở cuối câu người ta thường ngưng tụng để lấy hơi vào, vị chủ lễ phải giữ giọng cho được liên tục ở những nơi mà người ta thường ngưng tụng để lấy hơi này.

Vị Chủ lễ phải giữ cho hành động của mình khi hành lễ được khoan thai, nghiêm chỉnh, và trang trọng.  Dù cho thuộc Kinh cũng nên để quyển Kinh trước mặt vì đôi khi có thể bị quên một chữ, một câu có thể làm chấn động tâm người khác, mất thanh tịnh.

Cư sĩ với nhau khi đi tụng kinh, nên kính nhường vị trí Chủ lễ cho người cao niên, trừ trường hợp vị cao niên vì lý do gì từ chối và yêu cầu người biết rành rẽ về Nghi Thức tụng kinh thì người ấy mới nên nhận đứng ra chủ lễ.

Cố gắng tránh lật sang trang nầy tụng rồi lật trỏ lại trang kia tụng, nhiều người không nghe rõ, không tìm được, hỏi người nọ, hỏi người kia làm cho buổi tụng kinh mất vẻ trang nghiêm, thanh tịnh.

3- Những người dự tụng: Nếu có Nam Nữ thì phải phân ban Nam tả, Nữ hữu. Hay Nam đứng trước rồi Nữ đứng sau, vào tụng kinh vợ chồng cũng phải phân ban cho phân biệt. Khi tụng nên cố hòa giọng với nhau, đừng làm gì động tâm người khác. Cần phải chú tâm và chí thành. Những bài Chú Ðại Bi, Bát Nhã Tâm Kinh (còn gọi là Bở Khuyết Chân Kinh), Chú Vãng Sanh, Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn nên học thuộc lòng.

IV - Kết

Chúng ta tụng kinh để biết những lời Phật đã dạy, biết cho rõ ràng để chúng ta có đức tin ngày càng bền vững, biết rõ những phương pháp tu Ðức Phật đã dạy rành rẽ, theo đó chúng ta hành cho đúng để đạt được kết quả tốt nhất.  Tụng kinh cũng là một phương pháp định tâm bằng cách chú tâm vào từng chữ, từng câu tụng.  Biết rõ và hành đúng theo Nghi Thức Tụng kinh làm cho sự thành kính tăng thêm, đem lại kết quả tốt hơn.

Phúc Trung
Source = Nguyệt San Phật Học


[ Trở Về ]