Người Cư Sĩ          [ Trở Về         [Home Page]


Chùa Hương
Hương Sơn - Mỹ Ðức - Hà Tây
Võ Văn Tường
Huỳnh Như Phương
Ngày trước có một người con gái, mùa Xuân theo cha mẹ đi trẩy hội chùa Hương đã phải lòng chàng trai tài hoa phong nhã...

Tâm tình của cô gái ấy với những lời e ấp vụng dại đã được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ghi lại qua một thiên ký sự bằng thể thơ năm chữ nổi tiếng trên đất Việt hơn nửa thế kỷ qua. Ngày nay cảnh vật Hương Sơn có khác đi ít nhiều, nhưng hành trình đến chùa Hương vẫn là một cuộc hành trình trở về thiên nhiên và cội nguồn. Chúng ta hãy lần theo dấu chân cô gái ngày trước mà tìm đến với "Nam thiên đệ nhất động" (Ðộng đẹp nhất trời Nam).

Chùa Hương nằm trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 60km. Thật ra chùa Hương không phải là một ngôi chùa mà là một hệ thống chùa chiền, đền thờ và hang động nằm trong khu vực có những ngọn núi đá vôi và rừng nhiệt đới, diện tích tất cả khoảng chừng 6km2.

Theo truyền thuyết, vùng núi có hang động này được tìm thấy cách đây hơn hai nghìn năm và đã dược đặt tên Hương Sơn - lấy tên một ngọn núi ở phía Bắc Tuyết Sơn trong dãy Himalaya (Ấn Ðộ), nơi Ðức Phật đã ngồi tu khổ hạnh suốt 6 năm ròng rã. Ðời Lê Thánh Tông (1460- 1497) đã có am thờ Phật dựng trên mảnh đất Thiên Trù. Theo sách Hương Sơn Thiên Trù thiên phú  thì chùa Hương được xây dựng từ đời Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680-1705). Bia tại chùa Thiên Trù có ghi rằng việc xây dựng nền đất, bậc đá và tôn tạo Kim Dung bảo điện của chùa được thực hiện vào năm 1686; còn pho tượng chính trong chùa - tượng Bồ Tát Quan Âm - xưa kia vốn bằng đồng được đúc năm 1767.

Hàng năm, hội chùa Hương mở từ ngày mồng sáu tháng Giêng đến rằm tháng Ba Âm lịch, trải dài trên ba tuyến chính: tuyến động Hương Tích, tuyến chùa Tuyết và tuyến chùa Long Vân. Trên thực tế, suốt trong tháng Giêng và tháng Hai cảnh chùa luôn luôn đông vui tấp nập, và khách thập phương chủ yếu vãn cảnh chùa theo tuyến động Hương Tích.

Từ Hà Nội, đi xe vào thị xã Hà Ðông, lên thị trấn Vân Ðình, qua gần 20km nữa là tới Bến Ðục, nằm bên bờ sông Ðáy. Ðây là cửa ngõ vào khu danh lam thắng cảnh. Từ Bến Ðục, khách đi bộ gần 1km sẽ đến bến đò để lên thuyền xuôi theo một dòng suối có tên là Yến Vĩ (đuôi con chim én).

Thuyền đi, Bến Ðục qua
Mỗi lúc gặp người ra
Thẹn thùng em không nói
"Nam Mô A- Di- Ðà !"
Thuyền đưa du khách lướt bên những ngọn núi đá nên thơ như núi Voi, núi Rồng... cùng với nhịp cầu ở phía xa gợi lên khung cảnh non tiên nước Phật:
Réo rắt suối đưa quanh
Ven bờ, ngọn núi xanh
Dịp cầu xa nho nhỏ
Cảnh đẹp gần như tranh.
Ðến đền Trình, thuyền ghé vào để du khách"trình diện" với thần linh trước khi đặt chân lên cõi Phật. Ðền nằm dưới chân một quả núi được đặt tên là Quan Lớn, thờ một bộ tướng của vua Hùng.

Rời đền Trình, du khách tiếp tục cuộc hành trình bằng đường thủy ngắm cảnh hai bên dòng suối:

Sau núi Oản, Gà, Xôi
Bao nhiêu là khỉ ngồi
Tới núi con Voi phục
Có đủ cả đầu đuôi.
Thuyền dừng ở Bến Trò cho du khách bước lên khu vực chùa Thiên Trù (Bếp Trời), tức là chùa Ngoài. Ngày xưa chùa được xây khuất trong bốn vách núi, có đến vài chục gian, nhưng đã bị tàn phá trong chiến tranh. Nam Thiên môn được xây dựng dưới triều Vua Gia long (năm 1809) cũng bị phá hủy. Một kiến trúc cổ còn lại là Viên Công bảo tháp được xây dựng từ thế kỷ XVII, nơi đặt xá lợi Thiền sư Viên Quang, người có công trùng tu chùa Hương sau nhiều năm hoang phế. Nhìn từ xa, tháp như cây bút hồng ngọn vút cao lên trời. - đây còn có Thiên Thủy tháp là một mỏm đá mọc ngược thành một cây tháp thiên tạo, nước mưa trên núi theo tháp chảy xuống. Năm 1986, chùa Thiên Trù đã phục dựng lại gác chuông và đến năm 1989 thì xây xong nhà Tam bảo hai tầng theo kiểu chữ "Ðinh". Ðầu năm 1994, chùa đã xây dựng lại Nam thiên môn (cửa trời Nam) theo nguyên mẫu xưa.

Từ khu vực chùa Ngoài, du khách lần theo con đường dốc trên các sườn núi đá để ghé thăm chùa Tiên Sơn xây trong động giữa lòng một quả núi, có bốn pho tượng quý bằng hồng thạch. Tiếp đó là chùa giải Oan, nơi có giếng nước trong vắt gọi là "Thiên nhiên thanh trì" hay còn gọi là giếng Long Tuyền. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải Oan. Gần chùa là động Tuyết Kinh và am Phật Tích. Cách đó không bao xa, du khách bước chân đến núi Chấn Song để thăm đền cửa Võng.

Ðích xa nhất mà du khách vãn cảnh chùa muốn đạt đến là Ðộng Hương Tích nằm sâu ở phía trong. Du khách bước qua một cổng lớn ở phía trên, rồi theo những bậc đá rộng đi xuống động. Cửa động trông như hàm rồng, phía trong có năm chữ Hán "Nam thiên đệ nhất động" tạc vào đá, tương truyền là bút tích của Tĩnh Ðô Vương Trịnh Sâm khắc vào năm 1770. Hai hàng cây cổ thụ tầng cao bóng cả chen cành kết lá phủ lên cửa động. Ánh nắng lọc qua lá cây tạo nên một thứ ánh sáng mờ ảo trải trên các bậc đá, cộng với khói hương từ lòng động bay lên tạo thành một không gian huyền diệu như lời ca trong bài hát " Chùa Hương" của nhạc sĩ Hoàng Quý: "Chùa Hương khói trầm ngút bay những khi nắng tàn, phút giây chìm đắm trong mơ màng".

Vào trong động du khách chiêm ngưỡng tượng Bà Chúa Ba (Bồ Tát Quan Thế Âm) cùng nhiều tượng phật Bồ Tát... Trên vách động thạch nhũ rũ xuống muôn hình vui vẻ, màu sắc biến ảo: hình Ðụn Gạo, Ðụn Tiền, Cây Vàng, Cây Bạc, Buồng Tằm, Nong kén, Hòn Cậu, Hòn Cô... Trên trần động thạch nhũ còn nhô ra thành hình chín đầu rồng sinh động gọi là Cửu Long. Ngắm nhìn những dáng hình kỳ tú đó của thiên nhiên , cô gái trong thơ Nguyễn Nhược Pháp đã thốt lên:

Ôi! Chùa Trong đây rồi!
Ðộng thẳm bóng xanh ngời
Gấm thêu trần thạch nhũ
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.
Còn nhà thơ Chu Mạnh Trinh ở thế kỷ trước thì cảm tác thành bài Thú Hương Sơn nổi tiếng:
               Bầu trời cảnh bụt

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
"Ðệ nhất động" hỏi rằng đây có phải!
Nhác trong lên ai khéo họa hình
Ðá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây...

Như trên đã nói, ngoài động Hương Tích, du khách còn có thể rẽ qua rừng mơ thăm chùa Hinh Bồng, theo suối Tuyết vào đền Mẫu Hạ rồi đến núi Thuyền Rồng, núi con Phụng, hòn đầu sư Tử, vách đá Kỳ Sơn Tú Thủy và sau đó đến bến Tuyết Sơn vào chùa Bảo Ðài. Leo núi Bạch Tuyết Môn, vào điện Cô, du khách tới thăm chùa Tuyết Sơn còn có tên là Ngọc Long Ðộng. Nơi đây, vào năm 1770, Trịnh Sâm có làm bài thơ Ðăng Tuyết Sơn hữu hứng.

Ở hướng khác, một nhánh của dòng suối Yến đưa du khách qua núi Ông Sư Bà Vãi, lên thuyền vào thăm chùa Long Vân, leo núi thăm chùa Cây Khế và hang Sũng Sàm, một di chỉ khảo cổ ghi dấu tích người xưa.

Giã từ cảnh đẹp Hương Sơn, du khách có thể mang về làm kỷ vật một cây gậy trúc đã chống trên đường hành hương, và mảnh gốc mơ già để pha nước uống, những quả mơ dày cùi nhỏ hạt và mấy mớ rau sắn nấu canh hương vị thơm ngon. Nhưng cái quý nhất mà người đi chùa Hương có được là một tâm hồn đã tẩy sạch bụi trần, lâng lâng một niềm vui thoát tục với những ấn tượng không phai mờ về một chốn Thiên Thai ngay trên trần gian như ca dao đã miêu tả:

Một vùng non nước bao la
Rằng đây Lạc quốc hay là Ðào nguyên
Hương Sơn là chốn non tiên
Bồng lai mà thấy ở miền nhân gian.
 

Võ Văn Tường
Huỳnh Như Phương


 [ Trở Về ]