Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ

(Người VN Ở Nước Ngoài)
Tinh Thần Cộng Đồng 
Và Tình Yêu Quê Hương 
Đất Nước Của Kiều Bào 
***

An-Tiêm Mai Lý Cang
(Paris)


Tổ-quốc Việt-Nam
Hiện nay, khoảng cách không gian trong quả địa cầu mỗi ngày đã bị thu hẹp lại do sự văn minh tiến bộ vượt bực của con người. Ngoài những phương tiện di chuyển tối tân mau lẹ giữa các vùng địa lý, tin tức liên lạc viễn thông cực nhanh, thì về nhu cầu xê dịch của con người cũng không còn bị đóng khung ở riêng trong giới hạn của bất cứ một quốc gia nào. Do vậy, sự kiện dưới mọi hình thức về sự có mặt của các những người nước ngoài trên lãnh thổ của một quốc gia nào đó, dù nhiều dù ít thì tự nó cũng đã nói lên được về mối tương quan trong môi trường giao lưu hòa hợp sống còn của hết thảy mọi màu da, chủng tộc. Trường hợp của nước Việt-Nam ta cũng vậy, sau nhiều biến cố về lịch sử hàng thế kỷ đã trôi qua, thì bây giờ nước Việt-Nam đã có được một cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài hiện đang sinh sống ở rải rác khắp nơi trên toàn thế giới. Trải qua bao thế hệ của cha ông tha phương sinh sống rời rạc ở khác nhau vùng địa lý, người Việt-Nam ở nước ngoài bây giờ thực sự đã có đầy đủ phương tiện để tìm đến lại với nhau, để kết thành một mảng cộng đồng thuần nhất, để cùng nhau sinh hoạt tương tế, tương thân, duy trì bàn sắc văn hóa dân tộc, cá tính của giống nòi.

Tuy nhiên, hướng về tổ quốc núi sông yêu dấu trong tim của một con người từng có ý thức trăn trở thiết tha đến vận mệnh tương lai của quốc gia dân tộc ở xa tận quê hương, là cả một đề tài thời sự nhạy cảm khái quát đã nói đến trách nhiệm và bổn phận của hầu hết kiều bào, và không phân chia từng thành phần địa vị cá nhân trong tập thể người Việt-Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài. Do vậy, tinh thần cộng đồng dân tộc và tình yêu quê hương của mỗi con người xa xứ bây giờ đều có những suy tư thầm kín khác nhau. Tất cả, đều muốn cất lên tiếng nói trọn lời niềm tâm huyết, trước hết là để nhằm mục đích đóng góp hữu hiệu vào trong mọi sinh hoạt của cộng đồng mình. Tuy nhiên, vì do những nguyên nhân phức tạp và yếu tố không gian cách trở cho nên mọi ý kiến tương quan đồng thuận đều chưa đạt được tính khả thi hầu cùng chung ngồi lại với nhau để nối vòng tay lớn. Dẫu sao, mẫu số chung mà người ta tìm thấy được ở cuối dạng đường hầm là ánh lửa bừng lên hiện ra hình ảnh quê hương ở tận phương trời xa lắc mà trong những cơn mê ai ai cũng muốn có cơ may lạc bước quay về.

Chính vì vậy mà nếu từ lâu cộng đồng kiều bào từng quan niệm về hình ảnh của quê hương ta như là chùm khế ngọt, nơi đây có bóng dáng mẹ già âu yếm những con thơ, thì người Dân ở trong làng mạc sâu xa lại càng phải được hầu hết mọi người lưu ý đáng yêu nhiều hơn cả. Vì họ chính là thành phần lực lượng nông dân, tiêu biểu cho một sức sống xã hội mà từ lâu quốc gia dựa vào để làm nền tảng. Do vậy, cho dù xưa nay hoàn cảnh không gian quá nỗi vô tình, mà họ luôn luôn lúc nào cũng được đánh giá coi như là hèn mọn hoặc vô danh. Nhưng trong thực tế, thì hình ảnh tay lấm chân bùn của họ lúc nào cũng vẫn được coi như là những móng nền kinh tế ruộng đồng cổ truyền hữu hiệu, cần thiết muôn đời cho sự sinh tồn đất nước. Chính vì thế mà ngoài bổn phận gắn bó với cộng đồng, kiều bào còn có thêm nhiều nghĩa vụ phải đóng góp đối với quê hương, cảnh tỉnh tinh thần yêu nước của mình một cách hết sức thật là đứng đắn, và cũng để cho con tim mình còn có dịp nói lên những niềm tâm sự thiết tha. 

Ngoài ra, từ lâu sống ở nước ngoài thì người ta lại càng có thêm nhiều phương tiện truyền thông đại chúng rõ ràng để theo dõi những chuyện thịnh suy về vận dân tuần nước của mỗi quốc gia dân tộc. Và chân mạng của một người hùng hay của cả đế vương nếu sinh ra đời không đúng lúc, thì chắc chắn sẽ bị thay đổi vai trò cho kẻ khác hoặc anh minh hơn, hoặc không toàn vẹn hơn. Vậy thì đối với lịch sử của cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài hôm nay cũng vậy. Trước trào lưu chuyển động của một trật tự thế giới trở mình có khả năng lôi cuốn theo tất cả những cái gì chìm sâu dưới dòng thác đổ, và hoàn cảnh của xã hội ngay tại nước nhà sau ngày thống nhất cũng vậy. Tất cả đều đã bị ảnh hưởng xáo trộn then chuyền liên hệ lẫn nhau. Trong quá khứ, Việt-Nam quê hương yêu dấu của chúng ta là một trong những quốc gia hiếm hoi có định mệnh khắc nghiệt nhất trong lịch sử thế giới vì nạn ngoại xâm ngàn năm phương Bắc, trăm năm phương Tây. Và nay, vừa mới thống nhất được nước nhà và hiện đang từng bước làm quen trên đường hội nhập vào tiến trình giao lưu, hòa mình nhập cuộc vào sân chơi quốc tế, mở bung nền kinh tế thị trường tranh thương cùng với các đối tác năm châu. Cùng lúc, với con số kiều bào tự nguyện về thăm lại quê hương càng ngày càng nhiều. Đó là một nhận xét khách quan bằng sự thật. Và sự kiện quan trọng nầy đã thúc hối cộng đồng phải lo tìm cách kịp thời chỉnh bị lại mọi tổ chức kết hợp hoạt động sao cho sớm hoàn tất, và hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu trong tình huống mới. Tuy nhiên, người ta cũng không nên để cho mọi yếu tố thời cơ thuận tiện đó trở thành có tác dụng tiêu cực mà làm cho ru ngủ cả tập thể cộng đồng. Ngược lại, muốn tập hợp được sức mạnh của cộng đồng tản mác hôm nay, người ta còn bắt buộc phải bị trả giá thêm rất nhiều bằng tâm huyết. Trong tinh thần đó, mọi người hãy cố gắng tìm cách hàn gắn lại mọi đổ vỡ oan cừu và mâu thuẫn, để dành lại thời gian nỗ lực gồng gánh cho nhau về những bước vấp ngã sẩy chân.

Đặt lại vấn đề định mệnh phát sinh ra lịch sử đen tối làm cho số phận của cộng đồng bị long đong, chìm lắng vào trong với màu sắc đa dạng ở từng xã hội địa phương. Khi ấy, người ta chẳng những không có được đủ bản năng tự vệ mà còn lại phải bị mất thêm đi một tiềm lực quý giá tích trữ lâu ngày, thì người ta sẽ nghĩ sao về trách nhiệm hôm nay của mỗi cá nhân? Có thể người ta rất đau lòng một khi nhìn thấy hoàn cảnh khắc nghiệt chi phối đã làm cho tâm dạ của con người dễ dàng đổi trắng thay đen trước cuộc đời ô trọc, điều mà con số đông thành phần có ý thức đều có nhiều phản ứng. Xã hội tạm dung nầy, đối với những ai đồng ý nói như vậy, nếu được các khách trú thừa nhận coi như là đã có một sự đổi đời chăng, thì đó cũng chỉ là về phần hình thức bên ngoài của số kiếp thế nhân theo từng giai đoạn của thời gian nổi trôi trong đục. 

Chính sức sống ở tâm hồn mới lại là cứu cánh của cuộc đời, khi người ta có dịp được nhìn qua hình ảnh và ý nghĩa cuộc giọt sương tan. 

Do vậy, người ta có bổn phận phải sớm ý thức tự chế về lòng ham muốn, và hãy đề cao về sự công bằng để nâng đỡ cho những phần tử mầm non có thực tài, thiện chí, có ưu thế và thuận duyên trong hoàn cảnh mới. Và sự thành công của tập thể trong trường hợp nầy cũng vẫn hơn là một sự thành công do một định mệnh sắp đặt, vì nhờ vào yếu tố bên ngoài. Ngược lại, nếu còn có những quan niệm vô tình mang cặp kính màu nhìn trời đất sinh voi sinh cỏ, thì vị trí của cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài bây giờ cũng như ở mai sau sẽ rất vô cùng rời rạc, mong manh. Và tổ quốc thân yêu của chúng ta từ ở phương xa cũng sẽ rất đau buồn, khi nhìn thấy còn có những đứa con của dân tộc đang đứng bên lề lịch sử nước nhà! 

Do vậy, để cho có một cái nhìn cụ thể công bằng hơn trong quan niệm về địa vị nhân sinh trong xã hội, mà cây thước đo lường giá trị phẩm cách của con người là qua tư cách của mỗi cá nhân không phân biệt tuổi đời. Vì thế mà người ta hãy can đảm nhìn thẳng vào tấm gương chiếu hậu của đời mình, và nhất là về hình ảnh của nề nếp sinh hoạt con em mình suốt theo chiều dài hành trình cuộc sống, cho dù là khi chúng đang còn ngồi trong ghế nhà trường hay đã ra đời làm việc. Ngoài trừ số lẻ loi, còn lại phần đông chúng rất khó gặt hái được những gì quan trọng hơn trước những xã hội phồn hoa, có thừa khả năng cuối lôi tất cả cùng chạy theo những mốt sống theo nhu cầu đương đại từng ngày, từng buổi. Sự kiện nầy xảy ra là một lẽ tất nhiên thôi, và mặc dù cộng đồng chúng ta hôm nay tuy có thua kém vật chất bạc tiền, địa vị giàu sang đối với người dân bản địa, nhưng nhất định cộng đồng của chúng ta sẽ không thua họ về phương diện đạo nghĩa, tình thương, vốn là những đức tính ưu việt luôn có sẵn ở trong tâm hồn của dân ta. Do vậy, nếu biết khai thác các khả năng sở trường sẵn có, thì mỗi thành viên trong cộng đồng phải cố gắng thực tập yêu thương, đoàn kết lại với nhau để hoàn trả hay vứt thải đi những tàn tích phong hóa, ý hệ không thích hợp vốn không phải là sản phẩm của ông cha mình. Và người ta cũng còn phải biết cách cố gắng hành sử tương giao tế nhị làm sao, đừng để cho còn có những ánh mắt tủi hận, u buồn bên cạnh những tràng cười khiếm nhã, kiêu căng, ngạo nghễ. Hơn thế nữa, chuyện thời sự gắn bó bây giờ là việc tranh thương mở đường đi tìm đối tác, và từ lâu ở trong cuộc sống ngoài đời thì người ta cũng đã thực sự bắt tay trao đổi lợi nhuận cùng nhau. Còn cộng đồng bé nhỏ nầy, liệu người ta cần phải có thêm những yếu tố thời gian thôi thúc con tim để đừng trễ hẹn.

Bây giờ chuyện trước mắt là tình trạng mà người ta đang nghĩ thế nào, về cuộc sống trên đất khách quê người. Có mấy ai bằng lòng, và có mấy ai không bằng lòng về cuộc sống hằng ngày của mình? Ở đây có giá trị tự do, dân chủ, bình đẳng, nhưng về giá trị đồng đẳng thì lại vẫn còn là một ẩn số phải tùy thuộc vấn đề. Do vậy, người ta thành thật mang ơn chính phủ và nhân dân các quốc gia giàu có, vì nhu cầu cần đến bàn tay lao động, cho nên đã mở cửa tiếp đón những người di dân lao động đến tìm việc mưu sinh. Nhưng không vì thế mà người ta không biết phẫn nộ, đau buồn trước những hành vi kỳ thị chủng tộc trắng trợn của những những phần tử địa phương chủ trương cực đoan luôn luôn gieo tai họa, và thường xuyên khủng bố tinh thần các di dân. Bên cạnh đó, người ta lại cũng không quên còn có cả thêm những chủ nhân ông kiểu mới lợi dụng mướn rẻ nhân công ở các nước nghèo để mà bóc lột trá hình. Và mặc dù không bao giờ người ta có ý định vô lý, là khi đang sinh sống làm ăn ở xứ người mà còn muốn đòi hỏi phải có thêm một sự giá trị đồng đẳng về chủng tộc, nhưng thật tình người ta cũng không muốn mình tiếp tục phải bị trả giá cho mọi sự đau khổ tinh thần. Chính sự giày vò, ray rức nầy mà từ lâu đã khiến cho nhiều thành viên kiều bào phải vướng mang chứng bệnh kém lần trí thông minh, sáng suốt. Tuy nhiên, có điều đáng nói ở đây là đã từng có những nạn nhân không may như vậy nhưng họ cũng chưa có đủ yếu tố thời gian để mà tìm về lại với mái ấm cộng đồng. Người ta ước ao rằng, rồi cũng sẽ có một ngày nào họ được bình tâm trước hình ảnh ý nghĩa của đời người, và lúc đó, chắc chắn sẽ không còn gì có thể ngăn cản được ý muốn tìm nhau để cùng trao đổi tâm tư, tình cảm đồng hương. 

Trong tinh thần dân tộc đó, mọi người sẽ có cơ hội vui vẻ, hàn huyên, để cùng nhau ôn lại hầu hết những chuyện xưa tích cũ. Và tác phong, tư cách của con người trong tình huống mới nầy chính lại là những cái cắm mốc khởi điểm cho những sự liên hệ thân hữu lâu dài, hay ngắn hạn. Vì vậy, mà đối với những tâm hồn phục thiện, thì trái tim cởi mở của họ lúc nào cũng chỉ biết lắng nghe theo lời nói có ý nghĩa của những kẻ nhún nhường. Và như vậy, nếu những ai vô tình khinh suất về tác phong, tư cách của mình thì vô hình trung sẽ bị mang lại nhiều hậu quả là đánh mất đi lòng thương mến của bạn hữu đồng hương. Nhưng chúng ta nên trở về với những nguyên nhân đầu mối, đã vô tình gây nên định mệnh cho sự hình thành của mảng cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài. Và người ta luôn luôn lúc nào cũng muốn tìm nhiều dịp, để làm sáng tỏ thêm những điều khúc mắc có liên quan về lịch sử của cộng đồng mình. Do vậy, hiện nay có mấy vấn đề chi tiết siêu quan trọng vẫn còn có tính cách thời sự, cần được đào sâu dưới dòng lịch sử để thử nêu lên đặt thành nghi vấn: 

Đặt vấn đề, nếu các quốc gia có dính líu đến chiến cuộc Đông-Dương biết tôn trọng triệt để và áp dụng thi hành nghiêm chỉnh những hiệp định trên bàn hội nghị? 

Đặt vấn đề, nếu các nhược tiểu không biết kiên trì đấu tranh ôn hòa, bất bạo động cũng như làm cách mạng giải phóng dân tộc, thì liệu khi ngồi khoanh tay mà có thể giành lại được tự do, độc lập cho chủ quyền quốc gia? 

Dĩ nhiên, tiền đề trăn trở đó sẽ không làm cho người ta cứ ngồi ngó mãi ở ngược dòng lịch sử. Trái lại, sự trưng bày không muộn màng nầy ra là chỉ để nhằm vào mục đích chí công vô tư, để giúp cho hầu hết mọi người cùng nhau am hiểu tỏ tường về trường hợp nguồn gốc điển hình của một phó sản chiến tranh. Chính vì vậy mà nếu yêu mến cộng đồng, thì người ta chớ nên đứng ở bên lề tập thể. Hãy đến với nhau, thành thật lẫn nhau. Và nên dành tình cảm cho nhau nơi góc nhỏ ở tâm hồn như để làm lại cuộc đời trên đường xa xứ lạ cho tình bạn trong trắng được dịp nảy sinh, cho thế hệ kế thừa sẵn có được môi trường tốt để sớm biết ý thức về tình dân tộc sau nầy. Hãy bỏ đi những tánh xấu đã hấp thụ do hoàn cảnh xã hội gây ra, đừng nhìn nhau cay đắng bằng cặp mắt vùng miền. Hãy tập thứ tha cho tất cả, vì đồng bào mình là một trong những dân tộc trên thế giới đã chịu đựng đau khổ quá nhiều về bao nỗi bất hạnh triền miên. 

Trong hiện tại, đối với những con người muốn có điều kiện thuận duyên để sinh hoạt về lãnh vực văn hóa, xã hội thì vai trò trách nhiệm của họ thật là nặng nề. Bởi vậy, một ý nghĩ hiểu lầm, một phút giây chểnh mảng là có thể bị lôi cuốn theo cả một hệ thống tâm tư đi vào con đường phá sản, băng hoại nhiệt tình vì sức mạnh của cộng đồng nầy vốn đã mong manh. Ngay cả với người dày kinh nghiệm, thì họ cũng phải luôn luôn cảnh giác, rút tỉa bài học qua những tấm gương thất bại của kẻ khác để cố tránh được mọi sai lầm có thể xảy đến cho mình. Nói chung, trong tập thể cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài của chúng ta hôm nay cũng vậy. Muốn ra công đóng góp xây dựng tương lai, thì ngay bây giờ chúng ta phải lo chỉnh bị lại hàng ngũ hầu kịp thời cứu vãn những nguy cơ có thể sẽ bị rạn nứt, hao mòn. Trong tinh thần đó, chúng ta phải thành tâm bỏ hẳn mọi quan niệm độc quyền chân lý để dung hòa những tinh hoa ý kiến của cá nhân đã được sự ủng hộ hưởng ứng của con số đông người. Chúng ta nên nghĩ đến những ý nghĩa của sự nghiệp tự nguyện hi sinh phục vụ phúc lợi xã hội cộng đồng, để cố gắng bảo vệ cộng đồng hơn là vì quyền lợi của riêng tư. Vả chăng, hiện nay hoàn cảnh làm người của kiều bào chúng ta mà đa phần đang bị bao quanh bởi một thứ hình thức tập quán địa phương thực tiễn trong tinh thần không có kẻ thù muôn thuở, không có bạn cũ muôn đời, và chúng ta nên coi đó như là những lời cảnh báo rõ ràng để tùy nghi thích ứng vào môi trường không gian xã hội hầu giữ riêng được bản sắc của mình. Hơn thế nữa, ngày nào mà bản sắc của cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài chưa phải là một thực thể duy nhất, thì tức là ngày đó niềm tin của nhân dân ở trong nước sẽ không thể nào trao hết cho chúng ta một cách trọn vẹn được. 

Nhưng dầu sao, xuất phát từ ở điểm khởi hành bằng con số "O" cho đến ngày hôm nay được kết tinh hành số lượng. Điều đó, chứng tỏ cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài quả thật là một bộ phận thực thể lớn mạnh có tầm vóc, có đầy đủ tư cách chứng nhân cho sắc áo màu cờ dân tộc trên những quốc gia trong tinh cầu. 

Và phần thưởng xứng đáng của cộng đồng người VN ở nước ngoài trong tương lai, sẽ là khi nhìn thấy tấm lòng mãi mãi vẫn còn mong nhớ nước non ngàn dặm ở phía bên kia nửa phần trái đất…*
 

An-Tiêm Mai-Lý-Cang
(Paris)