Hồi 7 - Lục Mạch Thần Kiếm - Nguyên Tác: Kim Dung
Một Trận Ác Ðấu Ngoài Ải Nhạn Môn Quan
Trí Quang đại sư từ từ quay đầu lại, chú ý nhìn Kiều Phong, nói:
-Kiều Bang chúa! Trường hợp mà Bang chúa được tin báo cấp về việc này thì
Bang chúa sẽ hành động ra sao?
Kiều Phong nghe hỏi, bầu nhiệt huyết bốc lên bừng bừng, dõng dạc đáp:
-Trí Quang đại sư! Kiều mỗ kiến thức hẹp hòi, tài đức không đủ để quần chúng
cảm phục, hiệu lệnh không đủ để anh em trong bản bang tuân theo, nói ra càng
thêm hổ thẹn. Dù Kiều mỗ không đủ tài năng nhưng có tấc dạ sắt son, có cốt cách
của một gã nam nhi. Trong phạm vi những công cuộc đại nghĩa khí này, quyết
chẳng đến nỗi không hiểu điều hơn lẽ thiệt. Nhà Ðại Tống ta bị quân Liêu cẩu
lăng nhục, đó là mối căm hờn cho quốc gia, ai là người không nghĩ đến chuyện báo
thù. Giả sử mà tôi không được tín báo về việc này cũng phải tự mình suất lĩnh anh
em bản bang đi suốt ngày đêm đến tiếp viện.
Những câu khẳng khái hiên ngang của Kiều Phong khiến cho mọi người nghe
đều cảm thấy rung động trong lòng và đều cho là bậc đại trượng phu phải thế mới
xứng đáng.
Trí Quang gật đầu nói:
-Bang chúa nói như vậy thì ngày đó chúng tôi ra ngoài ải Nhạn Môn quan phục
kích không phải là một hành động lầm lạc chăng?
Kiều Phong cảm thấy trong lòng tức tối, lẩm bẩm: "Ngươi cho ta là hạng người
nào? Nói thế chẳng hoá ra coi thường ta lắm ru?" Tuy nhiên thần sắc vẫn bình tĩnh,
ông nói tiếp:
-Những sự nghiệp oai hùng lẫm liệt của tiền bối, Kiều mỗ rất lấy làm ngưỡng
mộ, chỉ tiếc mình sinh sau đẻ muộn, không được theo gót các bậc tiên hiền để dự
phần vào những công cuộc nghĩa cử oai hùng, ra tay giết giặc.
Trí Quang chầm chậm nhìn Kiều Phong, nét mặt lộ vẻ khác lạ, thủng thỉnh nói:
-Sau khi chúng tôi được tin, một mặt phái người đến chùa Thiếu Lâm đưa tin,
một mặt cùng nhau kéo thẳng đến Nhạn Môn quan để đánh giặc Hồ. Tôi đi cùng
nhân huynh đây.
Vừa nói vừa trỏ Triệu Tiền Tôn, Trí Quang lại nói tiếp:
-Chúng tôi đi đoàn đầu cả thảy hai mươi mốt người. Trừ vị thủ lĩnh võ công tuyệt
vời ra không kể, còn Uông Bang chúa, Vạn Thắng Ðao Vương Hương Lâm lão anh
hùng, Hoàng Sơn Quán Vận Ðạo trưởng phái Ðịa Tuyệt đều là những tay cao thủ
bậc nhất trong võ lâm lúc đương thời. Hồi đó lão tăng chưa xuất gia đầu phật, tuy
theo gót quần hùng mà thực ra thì bản lĩnh người ta mười, mình chưa được hai,
chẳng qua là vì lòng yêu nước, giết giặc, không dám lùi lại phía sau, mong gom
góp được phần nào hay phần ấy. Chính nhân huynh đây hồi đó võ công cũng còn
cao hơn lão tăng nhiều.
Triệu Tiền Tôn nói:
-Quả vậy! Võ công ngươi hồi đó còn thua xa ta lắm, hay ít ra cũng còn kém hơn
một bực.
Triệu vừa nói vừa giơ hai ngón tay thẳng lên, cao thấp cách nhau đến hơn một
thước. Y cho thế còn chưa đủ, liền đưa hai lòng bàn tay xa nhau đến thước rưỡi. Trí
Quang lại nói:
-Lúc qua ải Nhạn Môn quan thì trời đã hoàng hôn, chúng tôi ra khỏi cửa quan
chừng hơn mười dặm, vừa đi vừa ngơm ngớp phòng bị. Trời mỗi lúc một tối sầm
lại. Ðột nhiên góc tây bắc có tiếng vó ngựa dồn dập, ít ra là hơn chục con, khí thế
rất hùng dũng. Vị thủ lĩnh chúng giơ cao tay mặt lên, cả đoàn đều dừng bước. Ai
nấy vừa mừng rỡ vừa hồi hộp mà chẳng ai nói câu nào. Mừng rỡ vì tin báo quả
nhiên đúng và chúng tôi đến nơi vừa kịp để ngăn cản bên địch. Song ai cũng biết
rằng bọn võ sỹ Khất Ðan này rất lợi hại vô cùng. Ai cũng nghĩ nếu tử tế họ đã
không đến đây, mà họ đã đến chứng tỏ là chẳng tử tế gì.
Ngừng một giây, Trí Quang lại nói tiếp:
-Bọn này đã dám khởi hấn với phái Thiếu Lâm, một phái võ nổi tiếng nhất ở
Trung Nguyên, tất là đã được tuyển lựa kỹ càng trong những tay võ sỹ cừ khôi.
Nhà Ðại Tống đánh nhau với Khất Ðan nhiều trận thua mà ít khi được. Cuộc chiến
đấu hôm nay chưa ai đoán trước được là thắng hay bại. Vị thủ lĩnh vẫy tay một cái,
hai mươi mốt người chúng tôi liền chia nhau mai phục vào phía sau những tảng đá
lớn hai bên đường.
Hang núi này mé tả là một vực sâu, đá mọc lởm chởm, thăm thẳm nhìn không
thấy đáy. Tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần, rồi nghe rõ cả tiếng họ ca hát. Song
những khúc ca Tây Liêu điệu dài thườn thượt, lại giọng khô khan quê kệch, không
ai hiểu gì cả.
Tay phải tôi nắm chặt lưỡi đao, mồ hôi tay ướt đẫm, thò tay xuống đầu gối lau
vào quần cho khô đi, nhưng chỉ được một lát lại ướt đầm. Thủ lĩnh đại ca phục
ngay bên cạnh tôi, anh thấy tôi không nín thở được liền đưa tay ra vỗ nhẹ vào vai
tôi hai cái rồi trông tôi mà cười. Ðoạn anh vung tay trái đánh dứ một đòn, ra điều
tay này sẽ giết hết giặc Hồ.
Tôi cũng nhìn đại ca mỉm cười và thấy vững tâm được nhiều. Con ngựa bên Liêu
đi đầu còn cách chừng hơn năm chục trượng, tôi nấp sau tảng đá lớn, ngó ra xem
thì thấy bọn võ sỹ Khất Ðan này đều mặc áo mền dày, người dáo dài, kẻ đao ngắn,
có người cầm cung đeo túi tên, lại có người để con chim ưng thật lớn đậu trên vai.
Họ vừa đi vừa hát vang, dường như không ai nghĩ đến phía trước có quân địch
mai phục. Lát sau tôi đã trông rõ mặt mày người võ sỹ Khất Ðan, tên nào cũng tóc
ngắn, râu rậm, mặt mũi hung dữ. Khi thấy họ đến gần, trống ngực tôi đánh thình
thịch, dường như trái tim tôi muốn chui qua miệng nhảy ra ngoài.
Mọi người nghe Trí Quang thuật, tuy là việc xảy ra trước đây ba mươi năm mà
trong lòng ai nấy đều hồi hộp.
Trí Quang lại nhìn Kiều Phong, nói:
-Việc thành bại này có liên quan đến quốc vận nhà Ðại Tống, cũng là sự yên
nguy của ức triệu sinh linh. Chúng tôi lại không nắm vững phần thắng, chỉ trông
vào ưu điểm là kẻ địch lộ liễu bên ngoài, còn mình thì nấp trong bóng tối. Theo ý
Bang chúa thì chúng tôi nên làm thế nào?
Kiều Phong đáp:
-Từ xưa đã có câu "Binh bất yếm trá". Hai nước giao binh thì không kể gì đến
đạo nghĩa giang hồ hay lề luật võ lâm nữa. Quân Liêu cẩu tàn sát già trẻ, lớn bé
con dân nhà Ðại Tống, họ có kiêng dè gì đâu? Theo ý kiến tại hạ thì trong trường
hợp nên dùng ám khí và ám khí cần tẩm thuốc độc cực mạnh.
Trí Quang giơ tay vỗ đùi đánh đét một cái, nói:
-Phải lắm! ý kiến Kiều Bang chúa rất hợp với tư tưởng chúng tôi hồi ấy!
Thủ lĩnh đại ca thấy Liêu cẩu đến gần liền hú lên một tiếng dài để ra hiệu. Sau các tảng đá
lớn, ám tiến tới tấp bay ra: nào cương tiên, nào tụ tiến, nào phi đao, nào thiết chuỳ
đều tẩm thuốc kịch độc. Bỗng nghe những tiếng kêu oai oái vang dậy, bọn Liêu
cẩu nhốn nháo cả lên, ngã ngựa đến quá nửa. Trong bọn cưỡi ngựa này có người vỗ
tay hoan hô nhiệt liệt.
Trí Quang lại kể tiếp:
-Lúc này tôi đã đếm được rõ ràng bọn võ sỹ Khất Ðan có mười tám tên cả thẩy,
mười một tên đã bị trúng ám khí, thế là chỉ còn có bảy. Chúng tôi liền nhất tề xông
ra, khoa đao lên chém một lúc chết sạch cả, không còn mống nào chạy thoát.
Nhiều người Cái bang hoan hô nhiệt liệt, song Kiều Phong và bọn Ðoàn Dự lại
thầm hỏi: "Ông vừa nói bọn võ sỹ Khất Ðan này được tuyển lựa rất kỹ mà sao chỉ
trong khoảnh khắc chúng đã bị giết hết?"
Trí Quang thở phào một cái, kể tiếp:
-Chúng tôi giết một lúc hết sạch mười tám tên, mừng thì mừng thật nhưng lại
càng nghi hoặc: chẳng lẽ bọn võ sỹ Khất Ðan chỉ có bấy nhiêu tên bị thịt này thôi
sao? Mỗi tên mới bị một đao là toi mạng ngay, tuyệt không có lấy một hảo thủ,
chẳng hoá ra người đưa tin không xác thực? Hay là quân Liêu cẩu có ý bày ra kế
dụ địch để nhử bọn chúng tôi?
Trí Quang kể tiếp:
-Còn đương phân vân bỗng lại nghe có tiếng ngựa hí, từ góc Tây
Bắc hai người cưỡi ngựa đi tới. Lần này chúng ta không mai phục nữa, ngang nhiên tiến lại. Hai
người cưỡi ngựa này là một đàn ông và một đàn bà. Người đàn ông thân thể khôi
vĩ, tướng mạo đường đường, cách phục sức sang gấp mấy mười tám tên võ sỹ trước.
Người đàn bà là một thiếu phụ tay bồng đứa nhỏ. Hai người lỏng buông tay
khấu, sánh vai nhau cười cười nói nói ra chiều thân mật, rõ ràng là một cặp vợ
chồng trẻ. Hai người này vừa trông thấy chúng tôi đã hơi lộ vẻ ngạc nhiên.
Khi thoáng nhìn thấy mười tám tên võ sỹ nằm chết la liệt trên mặt đất, gã đàn
ông lộ vẻ hung dữ lạ thường. Gã nhìn chúng tôi cả tiếng quát hỏi, nhưng gã nói
tiếng Khất Ðan chỉ nghe thấy líu lo mà chẳng hiểu gì.
Thiết Tháp Phương Ðại Hùng cử ngọn thục đồng côn, quát lớn:
-Tên Liêu cẩu kia xuống nạp mạng đi!
Vừa nói vừa giơ côn đánh xuống gã đàn ông. Thủ lĩnh đại ca trong lòng nghi
hoặc, quát lên:
-Phương hiền đệ không được lỗ mãng! Chớ có giết y, phải bắt sống để tra hỏi
ngọn ngành.
Thủ lĩnh chưa dứt lời thì gã kia vươn tay phải ra chụp được tay Phương Ðại Hùng
đang cầm cây thục đồng côn, vặn đánh "ráu" một tiếng, xương tay Phương Ðại
Hùng đã bị gãy nát. Gã giằng lấy cây côn giơ lên vụt xuống. Chúng tôi la ầm lên
tiến đến giải cứu thì đã không kịp. Lúc ấy có bảy tám người nhằm gã phóng ám khí
tới.
Gã này chỉ giơ giơ tay áo bên trái lên phất một cái, phát ra một luồng kình
phong quạt cả bấy nhiêu ám khí rớt xuống một bên. Chúng tôi biết rõ tính mạng
Phương Ðại Hùng không thể nào thoát chết, thì thấy gã cầm thục đồng còn xâu
người Phương lên rồi quăng cả người lẫn côn xuống bên đường, miệng lý lố chẳng
biết nói gì.
Bây giờ thì rõ ràng tin báo quả đã không sai. Chúng tôi lại lo rằng sau đây còn
có những tay ghê gớm hơn nữa. Chúng tôi đành ỷ bên mình đông người xúm lại uy
hiếp, sáu bảy người nhảy xô lại tấn công gã đàn ông và bốn năm người xúm lại
đánh thiếu phụ. Không ngờ thiếu phụ này chẳng biết chút võ nghệ nào.
Vừa bị chém một đao, cánh tay nàng đã đứt lìa mình. Thiếu phụ bồng con té
nhào xuống đất. Một người khác bồi thêm một nhát nữa, bớt mất nửa đầu nàng. Gã
đàn ông tuy võ nghệ cao cường nhưng bị bảy tám tay cao thủ vây đánh thì tài nào
có thể rảnh tay giải cứu được cho vợ con.
Mấy chiêu đầu gã chỉ dùng thủ pháp kỳ dị để cướp lấy khí giới của chúng tôi
chứ không chém giết ai. Nhưng khi thấy vợ con bị giết rồi thì mắt gã đỏ ngầu, vẻ
mặt hung dữ trông mà phát khiếp. Lúc đó tôi thấy gã mắt nảy lửa thì hồn vía lên
mây không dám tiến lên.
Triệu Tiền Tôn ngắt lời:
-Cái đó không thể trách ngươi được! Cái đó không thể trách ngươi được!
Triệu Tiền Tôn trừ khi nói tới Ðàm bà là có ý nể nang, còn ngoài ra bất luận nói
với ai, y cũng chẳng coi vào đâu, vẫn một luận điệu trào phúng và lên giọng trịch
thượng. Hai câu này thế là y nói tử tế rồi đó.
Trí Quang lại nói:
-Trận ác chiến này diễn ra trước đây ba mươi năm. Trong ba mươi năm trời, tôi
đã không biết bao nhiêu lần nằm mơ thấy hình ảnh đó xuất hiện. Tất cả những chi
tiết trong trận ác chiến dường như in sâu vào tâm khảm tôi. Gã người Liêu kia
vươn hai tay ra quét ngang một cái, không biết gã đã dùng thủ pháp gì mà đoạt
được khí giới của hai người trong bọn tôi, rồi một tay đâm, chém giết luôn hai
người đó.
Thoắt nhảy xuống, thoắt đã lại vọt lên lưng ngựa, gã chẳng khác gì ma quỷ hiện
hình, Quả vậy gã tựa hồ có phép biến hoá xông vào mé bên này giết một người rồi
chuyển vụt sang bên kia chém người khác. Chỉ trong khoảnh khắc, bọn tôi hai
mươi mốt người thì chín người đã mất mạng về tay gã. Bấy giờ ai nấy đều tức giận,hai mắt đỏ ngầu.
Thủ lĩnh đại ca cùng Uông Bang chúa và đồng bọn sấn xổ xông vào, không kể gì
sống chết để chiến đấu với gã. Dè đâu võ công gã kỳ lạ không thể tưởng tượng
được, không ai đoán trước nổi những đòn gã sắp đánh về phương nào. Luồng gió
Bắc ngoài ải Nhạn Môn quan thổi hắt hiu hoà lẫn với tiếng kêu gọi của các vị anh
hùng hảo hán lúc lâm chung.
Những chân tay run rẩy, những khí giới nhuốm máu đào phóng lên không trung
loạn xạ. Lúc này ai bản lĩnh có giỏi cũng bảo vệ thân mình chưa xong, không vào
cứu được người chung quanh nữa. Trước tình thế này, lòng tôi quả là vô cùng sợ
hãi. Nhưng mắt thấy anh em chết thảm, bất giác luồng nhiệt huyết sôi sùng sục,căm giận đến quên cả sợ hãi.
Tôi cưỡi ngựa xông thẳng vào trước mặt đối phương, hai tay cử hai đao bổ xuống
đầu gã. Tôi tự biết nếu nhát gươm này không chém trúng gã thì đành mất mạng với
gã. Thanh đao tôi còn cách đầu gã chừng hơn một thước thì đột nhiên tay gã chụp
lấy một người đưa đầu lên để hứng lấy nhát đao của tôi.
Tôi nhìn rõ đó là Ðỗ lão nhị trong Ðõ thị tam hùng ở Giang Tây thì giật mình
kinh sợ. Nếu cứ thuận đà chém thẳng xuống thì còn gì là tính mạng Ðỗ ca? Tôi hấp
tấp rút đao về bỗng nghe "chát" một tiếng, lưỡi đao đã chém đúng vào đầu con
ngựa tôi cưỡi. Con ngựa bị đau quá, vừa hí vang một tiếng vừa nhảy lên.
Giữa lúc này, gã người Liêu kia đánh ra một chưởng. May làm sao, con ngựa
của tôi vừa nhảy lên, không sớm không chậm một giây nào, vừa đúng lúc con ngựa
chạm vào chưởng lực của gã, không thì tôi đã bị gãy xương toi mạng. Chưởng lực
của gã thật là khủng khiếp, cả người tôi lẫn ngựa bắn tung lên rất cao, rớt đúng
xuống một ngọn cây lớn rồi mắc luôn trên đó.
Tôi sợ hãi mê man, chẳng biết mình còn sống hay đã chết rồi và người mình
đang ở chỗ nào. Tôi ở trên cao trông xuống thấy bọn anh em mình bao vây đối
phương mỗi lúc một ít dần, chỉ còn lại năm sáu người, tôi thấy người nhân huynh
đây (trỏ Triệu Tiền Tôn) lạng đi một cái, té lăn xuống vũng máu. Tôi tưởng y cũng
toi mạng rồi.
Triệu Tiền Tôn nói:
-Việc này nói ra thật xấu hổ nhưng chả cần giấu giếm làm gì. Có phải ta bị
thương đâu, vì sợ quá mà ngất lịm đi ngã ra. Ta thấy gã người Liêu hai tay nắm lấy
hai chân Ðỗ nhị ca xé ra một cái đứt đôi, lục phủ ngũ tạng rời cả ra ngoài. Ðột
nhiên ta thấy trái tim ngừng đập, mắt tối sầm lại rồi không biết gì nữa. Phải mà! Ta
là con quỷ nhát gan, thấy gã vừa xé người đã sợ quá ngất đi.
Trí Quang nói:
-Thấy con ác quỷ đó giết anh em mà bảo là không sợ thì thật là nói bậy. Lúc đó
mảnh trăng lạnh lùng cũng đang lơ lửng đầu non rọi xuống như cảnh tượng đêm
nay.
Trí Quang nói đến đây, liếc mắt nhìn lên mảnh trăng lưỡi liềm trên đỉnh núi rồi
nói tiếp:
-Lúc đó bên ta chỉ còn bốn người chiến đấu với gã Liêu cẩu. Anh thủ lĩnh tưởng
mình không tài nào thoát chết, quát hỏi liên thanh: "Ngươi là ai? Ngươi là ai?" Gã
người Liêu không trả lời, xoay tay hai cái lại giết luôn hai người nữa. Thốt nhiên
gã co chân đá vào huyệt đạo trên lưng Uông Bang chúa, rồi chân trái đá theo thế
"Uyên ương liên hoàn" trúng huyệt đạo anh thủ lĩnh.
Những cử động điểm huyệt, đá huyệt của gã tôi trông rõ cả. Lấy chân đá mà
điểm trúng huyệt đạo, cước pháp của gã thật vô cùng kỳ dị, tôi không thể tưởng
tượng được. Giả tỷ tôi không biết mình sắp chết đến nơi thì khi trông thấy hai
người bình sinh tôi rất kính ngưỡng đang gặp nạn, đã buột miệng la lên.
Gã người Liêu thấy đã giết hết bọn cường địch liền chạy lại bên thi thể vợ, ôm
lấy thây nàng khóc rống lên, tiếng khóc cực kỳ bi thảm. Tôi nghe tiếng khóc không
khỏi mủi lòng, thì ra tên Liêu cẩu này ác như quỷ sứ, dữ như ác thú mà hãy còn có
nhân tính. Giọng thống khốc bi ai của gã tưởng chả kém gì người Hán chúng ta.
Triệu Tiền Tôn nói:
-Loài dã thú còn có thâm tình giữa cha con và vợ chồng, vị tất nó đã thua loài
người. Thế thì người Liêu cũng là người, Hán cũng là người, sao nó lại không
thương xót bằng người Hán?
Mọi người nghe Triệu Tiền Tôn nói, nổi lên la ó:
-Quân Liêu cẩu bạo ngược hung dữ, tệ hại hơn rắn độc, mãnh thú. Sao lại đem
ví với người Hán ta được?
Triệu Tiền Tôn chỉ cười lạt mà không đáp. Trí Quang lại nói tiếp:
-Gã người Liêu khóc một hồi rồi ôm lấy xác đứa nhỏ nhìn một lúc rồi đặt xác
đứa nhỏ vào trong lòng xác mẹ. Ðoạn gã chạy đến trước mặt anh thủ lĩnh quát
tháo. Song anh thủ lĩnh không chịu khuất phục, trừng mắt nhìn gã. Có điều anh bị
điểm huyệt nên không nói ra lời quát mắng lại được. Gã người Liêu đột nhiên ngửa
mặt nhìn trời, hú lên một tiếng dài rồi thò đầu ngón tay ra viết chữ vào vách đá.
Lúc đó trời đã tối mịt, tôi lại ở đằng xa nên không nhìn rõ gã viết những gì.
Triệu Tiền Tôn nói xen vào:
-Gã viết gì cũng viết bằng chữ Khất Ðan, dù ngươi có trông thấy cũng chẳng
hiểu cóc gì.
Trí Quang đáp:
-Ðúng rồi! Tôi có trông thấy thì trông chứ cũng không hiểu được. Gã viết xong
quay lại ôm lấy thây vợ con, chạy ra sườn núi nhảy tòm xuống vực sâu! Biến cố
này thật tôi không ngờ đến. Tôi vẫn tưởng một người võ công cao cường như gã tất
phải là một bậc cao cả ở nước Liêu, chuyến này vào Trung Nguyên tập kích chùa
Thiếu Lâm chắc gã đứng vào địa vị đại thủ lĩnh và là một nhân vật tối quan trọng
trong đoàn võ sỹ mới phải.
Gã bắt giữ anh thủ lĩnh cùng Uông Bang chúa còn thì giết hết, có thể nói là gã
đã toàn thắng và sẽ thẳng tiến vào Trung Nguyên. Dè đâu gã lại nhảy xuống vực
thẳm tự tận. Lúc trước, tôi đã nhìn xuống khe núi, chỉ thấy mây toả mịt mù, sâu
không rõ đáy. Gã đã nhảy xuống thì dù võ công cao đến đâu, cái thân thể bằng
xương bằng thịt cũng nát ra như cám.
Tôi giật mình kêu rú lên một tiếng thất thanh. Trong chuyện kỳ dị lại xảy ra
việc khác còn kỳ dị hơn. Tôi vừa kêu rú lên, bỗng nghe tiếng trẻ nít khóc oe oe từ
dưới khe núi vọng lên, tiếp theo là một vật đen sì ở dưới khe bay vọt lên không, rơi
nhẹ đánh "xạt" một tiếng vào chỗ Uông Bang chúa ngã ra còn nằm đó, tiếng trẻ nít
vẫn khóc thét lên không ngớt.
Té ra cái vật rớt xuống bên mình Uông Bang chúa chính là đứa nhỏ lúc nãy. Bấy
giờ tôi hết sợ rồi, liền từ trên ngọn cây nhẩy xuống, chạy lại xem thì thấy đứa nhỏ
nằm ngang trên bụng Uông Bang chúa khóc hoài. Tôi nghĩ một lúc mới hiểu rõ:
nguyên lúc thiếu phụ Khất Ðan bị giết, đứa con nàng tuy ngã xuống đất, nhắm mắt
ngừng thở nhưng thực ra chưa chết.
Gã người Liêu trong lúc xót thương khóc vợ, đặt tay lên mũi đứa nhỏ không thấy
hơi thở, tưởng là vợ con cùng chết cả rồi, liền ôm cả hai cái xác nhảy xuống vực.
Ðứa nhỏ bị chấn động, đột nhiên hồi tỉnh bật lên tiếng khóc. Gã người Liêu chân
tay mau lẹ phi thường, không muốn chôn sống con dưới vực sâu, liền quăng đứa
nhỏ lên theo đúng phương vị vào chỗ Uông Bang chúa, thì quả nhiên đứa nhỏ rớt
trúng bụng Uông Bang chúa nên không bị thương.
Thế là gã người Liêu trong lúc mình đang lơ lửng chưa xuống đến đáy vực mới
phát giác ra con mình chưa chết. Gã liền lập tức quăng con lên, tâm linh gã mau lẹ
đã đành, nhưng tung con đúng chỗ không sai mảy may thì võ công này ai mà
không khiếp sợ. Tôi nhìn anh em chết thảm, khóc ròng một lúc rồi nhấc đứa nhỏ
lên, toan đập nó vào tảng đá cho chết đi.
Nhưng vừa toan liệng vào, bỗng nghe nó khóc thét lên, tôi nhìn mặt nó một cái,
thấy má nó bụ bẫm đỏ hây, mắt nó đen láy và trong sáng đang nhìn tôi. Nếu tôi
không trông vào mặt nó thì đã quật chết tươi rồi, chả còn chuyện gì nữa. Nhưng tôi
trông bộ mặt khả ái không nỡ hạ độc thủ. Tôi nghĩ thầm trong bụng: "Quật chết
một đứa nhỏ chưa đầy năm là một cử động hèn nhát, đâu phải là hành vi của bậc
đại trượng phu".
Quần chúng Cái bang có người la lên:
-Trí Quang đại sư! Bọn Liêu cẩu giết đồng bào người Hán chúng ta không biết
bao nhiêu mà kể. Chính mắt tôi trông thấy bọn dã man nầy lấy mũi dáo dài xâu trẻ
con người Hán rồi cưỡi ngựa cầm bêu khắp phố phường để diễu võ dương oai! Bọn
chúng giết trẻ con mình được tại sao mình lại không giết nó đi?
Trí Quang đại sư thở dài, nói:
-Quả đúng như vậy, song tấm lòng trắc ẩn ai mà không có? Hôm ấy tôi trông
người thảm tử đã nhiều, quả là không nỡ trông thấy đứa hài nhi chết thảm nữa. Các
bạn bảo tôi làm việc sai lầm cũng được, hay bảo tôi là nhát gan tôi cũng đành chịu,
tôi vẫn để nó sống, rồi đi giải những huyệt đạo cho anh thủ lĩnh cùng Uông Bang
chúa. Một là bản lĩnh tôi quá thấp kém, hai là gã người Liêu có những tuyệt kỹ dị
kỳ, tôi đã gia công nào nắn, nào vỗ, nào thoa, nào dẫy, nào bóp gân cốt hì hục tay
đẫm mồ hôi, dùng đủ mọi cách mà anh thủ lĩnh cùng Uông Bang chúa vẫn không
nhúc nhích và không mở miệng nói được.
Trí Quang lại nói tiếp:
-Tôi chưa có cách nào giải cứu hai người, lại phập phồng lo sợ bọn tiếp viện bên
Liêu kéo đến, liền dắt ba con ngựa lại, xốc anh thủ lĩnh rồi Uông Bang chúa để lên
lưng ngựa. Mình tôi cưỡi một con, một tay bồng đứa nhỏ Khất Ðan, một tay dắt hai
ngựa đi ngày đêm về Nhạn Môn quan tìm thầy thuốc giải huyệt cũng chẳng ăn
thua gì.
May sao đến tối hôm sau là đủ mười hai giờ, huyệt đạo hay vì tự nhiên được giải
phóng. Anh thủ lĩnh cùng Uông Bang chúa nhớ ngay đến việc bọn võ sỹ nước Liêu
đến tập kích chùa Thiếu Lâm, nên vừa khai thông huyệt đạo, lập tức hai vị cùng tôi
lại ra ngoài ải Nhạn Môn quan dò xét.
Chúng tôi thấy máu đổ thịt rơi trên mặt đất vẫn còn y nguyên như hôm qua. Tôi
lại nhìn xuống vực thẳm, song thuỷ chung vẫn không thấy đáy. Lúc đem mai táng
thi hài anh em bị uổng mạng, chúng tôi kiểm điểm lại thì chỉ thấy có mười bẩy tử
thi, mà tính ra chết mất mười tám người, thế thì đi đâu mất một cái xác?
Nói tới đây, đại sư đưa mắt nhìn Triệu Tiền Tôn. Triệu Tiền Tôn nhăn nhó cười,
nói:
-Trong đám này có một xác chết sống lại, đi đi lại lại được cho đến ngày nay.
Cái xác ấy là Triệu Tiền Tôn Lý, Chu Ngô Trịnh Vương này.
Trí Quang lại nói:
-Bấy giờ chúng tôi chẳng lấy gì làm lạ, tưởng rằng trong lúc hỗn chiến, nhân
huynh đây đã chết mất xác lăn xuống dưới vực thẳm cũng là chuyện thường.
Chúng tôi mai táng anh em xong, mối căm hờn vẫn còn nung nấu trong lòng, liền
đem những xác người Liêu quăng hết xuống vực thẳm. Anh thủ lĩnh thốt nhiên
quay lại hỏi Uông Bang chúa: "Này Kiếm Nhiêm! Gã người Liêu kia mà muốn
giết hai ta thực dễ như trở bàn tay. Sao gã lại đá trúng các huyệt đạo mà không
giết chúng mình?"
Uông Bang chúa đáp: "Vụ này thật khó hiểu quá! Hai ta là nhân vật đầu sỏ, bọn
ta lại giết cả vợ con yêu dấu của gã, đáng lý gã phải giết sạch bọn ta mới phải". Ba
người bàn đi tán lại mãi vẫn không ra lẽ. Anh thủ lĩnh hỏi: "Gã viết chữ vào vách
đá kia, hoặc giả có thâm ý gì chăng?"
Khốn nỗi cả ba chúng tôi đều không hiểu chữ Khất Ðan. Anh thủ lĩnh quệt máu
ở dưới đất bôi lên vách đá rồi xé mảnh áo bạch bào in vào đó. Chúng tôi thấy nét
chữ Khất Ðan sâu vào trong đá đến một tấc, mà gã chỉ lấy ngón tay vạch ra.
Riêng chỉ lực này chúng tôi thấy thế mà ghê sợ, liên tưởng đến hiện tượng hôm
trước, bất giác trong lòng cả thẹn. Chúng tôi về quan ải, tìm đến người lái buôn
ngựa, thường qua nước Liêu mua ngựa có biết chữ Khất Ðan, cầm mảnh bạch bào
in chữ đưa cho y coi để y dịch ra chữ Hán viết vào giấy.
Trí Quang thuật đến đó, ngẩng đầu nhìn trời, thở dài một tiếng rồi tiếp tục kể:
-Ba người chúng tôi xem xong bản dịch ra Hán văn rồi người nọ nhìn người kia,ai cũng ra vẻ không tin. Chúng tôi lại đi tìm một người khác thông hiểu chữ Khất
Ðan nhờ dịch miệng lại từng câu cho chúng tôi nghe hết một lượt, thì ý tứ cũng
đúng như bản dịch trước. Than ôi! Nếu sự thực đúng như thế, thì không những mười
bảy anh em mình chết uổng mà cả bọn người Liêu trước cũng vô tội mà phải vạ
can. Ðối với thân nhân những người bị nạn, chúng tôi rất lấy làm hổ thẹn và hối
hận suốt đời.
Mọi người nóng lòng nghe xem ý tứ những dòng chữ trên vách đá nói gì thì Trí
Quang lại ngần ngừ không nói nữa, thậm chí có người sốt ruột lên tiếng giục:
-Những dòng chữ đá nói gì? Xin đại sư cho biết! Làm sao mà các vị phải hối
hận?
Trí Quang nói:
-Xin liệt vị anh hùng biết cho, không phải là tôi có ý giấu giếm không chịu thổ
lộ ý nghĩa trong bản văn bằng chữ Khất Ðan. Liệt vị nên biết cho rằng ý nghĩa lời
văn trên vách đá quả thực tình. Té ra thủ lĩnh đại ca, Uông Bang chúa và tôi đây
đã lầm lớn trong những cái lầm phi thường, có thể nói là không còn mặt mũi nào
trông thấy ai nữa. Trí Quang này là tên vô danh tiểu tốt trong võ lâm làm việc lầm
lẫn không kể gì, nhưng còn thủ lĩnh đại ca cùng Uông Bang chúa ở vào địa vị nào?
Huống chi Uông Bang chúa đã qua đời, tôi không dám làm thương tổn đến thanh
danh hai vị đó. Xin anh em tha lỗi cho, tôi không thể nói việc này được.
Uông Bang chúa là Bang chúa Cái bang trước đây, oai danh lừng lẫy. Trên từ
trưởng lão dưới đến đệ tử, ai cũng chịu ơn sâu nghĩa nặng của Bang chúa. Quần
chúng Cái bang tuy nóng tính hiếu kỳ, song nghe nói việc này có hại đến thanh
danh Uông Bang chúa nên không ai dám hỏi han nữa. Trí Quang thấy mọi người
yên lặng, kể tiếp:
-Ba chúng tôi thương nghị một lúc, trong lòng ai nấy đều bán tín bán nghi, thế
rồi tạm thời hãy để cho đứa nhỏ Khất Ðan kia được toàn mạng. Chúng tôi trở về
chùa Thiếu Lâm để nghe động tĩnh. Nếu quả bọn võ sỹ Khất Ðan kéo đến tập kích
mà chúng tôi không đương nổi bấy giờ sẽ giết đứa nhỏ cũng chưa muộn.
Chủ ý đã định, chúng tôi lên ngựa đi ngay, không kể ngày đêm về đến chùa
Thiếu Lâm thì thấy anh hùng các nơi đến tiếp viện đã nhiều. Ta nên biết việc này
có liên hệ đến sự yên nguy sinh tử hàng bao nhiêu triệu bách tính đất Thần
Châu.
Một khi đã được tin cấp báo, ai nấy đề mong góp một phần hơi sức vào công cuộc
bảo vệ phái Thiếu Lâm.
Trí Quang đảo cặp mắt sáng như điện nhìn một lượt từ tả sang hữu rồi nói tiếp:
-Cuộc tụ hội tại chùa Thiếu Lâm lần này bao nhiêu bậc anh hùng nhiều tuổi hơn
tôi đến tham dự rất đông, tưởng chẳng cần phải nói rõ hết mọi chi tiết. Tất cả mọi
người có mặt tại chùa Thiếu Lâm đều phòng bị rất là nghiêm ngặt. Anh hùng khắp
nơi về tiếp viện mỗi ngày một đông, cuộc phòng thủ cực kỳ chu đáo cẩn mật.
Thế mà từ tiết Trùng dương tháng chín cho đến tháng chạp, suốt ba tháng trời
tuyệt không thấy âm hao chi hết. Mọi người toan bắt gã đưa tin ra chất vấn nhưng
tìm không thấy y đâu nữa. Chúng tôi mới biết đó là tin giả, bao nhiêu người đã bị
lừa dối. Trận đánh ngoài Nhạn Môn quan hai bên chết uổng không ít.
Nhưng chẳng bao lâu, Khất Ðan đem quân thiết kỵ vào xâm lấn công kích các lộ
quân mặt Hà Bắc. Chuyện võ sỹ Khất Ðan có vào đánh lớn chùa Thiếu Lâm nữa
hay không, không ai để ý tới nữa. Bọn chúng dù có đến tập kích hay không cũng
thế, người Khất Ðan đã thành những quân tử thù của nhà Ðại Tống ta.
Thủ lĩnh đại ca, Uông Bang chúa cùng tôi, ba người trong lòng rất hổ thẹn về
việc ngoài ải Nhạn Môn quan, chỉ đem việc này kể lại với phương trượng chùa
Thiếu Lâm và chỉ báo tin cho những thân nhân anh em tử nạn, còn tuyệt nhiên
không nói với người ngoài. Ðứa nhỏ Khất Ðan gửi cho một nhà nông thôn dưới
chân núi Thiếu Thất nuôi dưỡng.
Vấn đề khó giải quyết là ở chỗ sau này sẽ xử trí với đứa nhỏ đó ra sao? Chúng
tôi đối với cha mẹ nó quả tàn nhẫn, nếu lại hạ thủ giết cả nó thì thật là quá độc ác.
Bằng nuôi cho nó lớn khôn mà người Khất Ðan đã thành kẻ tử thù của chúng ta thì
phỏng có khác gì nuôi ong tay áo?
Sau thủ lĩnh đại ca lấy trăm lạng bạc giao cho nhà nông để y nuôi dưỡng đứa
nhỏ và bảo vợ chồng y nhận nó làm con chính thức. Khi nó khôn lớn cũng không
cho nó biết là đã lãnh tiền để nuôi nó. Vợ chồng nông gia này không có con, mừng
như bắt được của, liền vâng lời ngay, vì vợ chồng ấy không biết đứa nhỏ này là
dòng máu Khất Ðan.
Trước khi đem đứa nhỏ đến núi Thiếu Thất, chúng tôi đã thay quần áo như trẻ
con bên Hán. Nên biết rằng nhân dân Ðại Tống thâm thù người Khất Ðan đến tận
xương tuỷ. Ai biết nó là dòng dõi Khất Ðan giả trang cũng tìm cách giết nó...
Kiều Phong nghe đến đây đã đoán ra được tám chín phần, giọng run run hỏi:
-Trí Quang đại sư! Tôi... tôi... xin hỏi, nhà nông ở chân núi Thiếu Thất đó họ gì?
Trí Quang đáp:
-Bang chúa đã đoán ra, tôi chả giấu làm gì vô ích, nà nông đó họ Kiều tên gọi
Tam Hoè.
Kiều Phong lớn tiếng la lên:
-Không! Không phải!... đại sư chớ nên bịa chuyện hồn ma để vu hãm tôi. Tôi
đường đường là người Hán tộc, sao lại bảo tôi là dòng giống mọi rợ Khất Ðan. Nếu
đại sư còn nói lăng nhăng thì tôi... tôi... sẽ... Tam Hoè công là gia gia thân sinh ra
tôi, đại sư còn nói...
Ðột nhiên Kiều Phong nhảy lại trước mặt Trí Quang, túm lấy ngực áo. Ðơn
Chính cùng Từ trưởng lão la lên:
-Không được! Không được!
Rồi sấn đến toan cướp Trí Quang lại. Kiều Phong chân tay rất mau lẹ, túm lấy
mình Trí Quang kéo đi xa ra. Con Ðơn Chính là Ðơn Trọng Sơn, Ðơn Thúc Sơn,Ðơn Quý Sơn, ba gã nhảy xổ tới sau lưng Kiều Phong để cứu Trí Quang. Kiều
Phong giận như điên cuồng, nắm lấy Ðơn Thúc Sơn quăng ra xa, rồi lại nắm lấy
Ðơn Trọng Sơn đẩy mạnh một cái. Lần thứ ba, ông nắm lấy Ðơn Quý Sơn ném
xuống đất, chân dậm lên đầu gã.
Ðơn thị ngũ hổ tiếng tăm lừng lẫy một dải Sơn Ðông. Năm anh em thành danh
đã lâu, nào phải hạng hậu bối ở lều tranh túp cỏ mới ra đời. Thế mà Kiều Phong
tay trái nắm Trí Quang, tay phải túm luôn ba gã đại hán như cầm nắm rơm ném đi,chẳng ai chống cự được mảy may. Mọi người trông thấy đều hết hồn, miệng há hốc
ra.
Ðơn Chính cùng Ðơn Bá Sơn và Ðơn Tiểu Sơn, ba người xót tình máu mủ, toan
nhảy xổ vào cứu viện nhưng thấy Kiều Phong dẫm lên đầu Ðơn Quý Sơn, biết rõ
thần lực của ông ghê gớm, chỉ khẽ vận động kình lực xuống chân là Ðơn Quý Sơn
sẽ bị gãy xương toi mạng. Vì thế mà ba cha con Ðơn Chính phải dừng chân không
dám tiến lại nữa.
Ðơn Chính kêu lên:
-Kiều Bang chúa! Ta hãy lấy điều phải chăng nói chuyện với nhau, sao lại hành
động nóng nảy như thế? Ðơn gia tôi với Bang chúa vốn không thù không oán, vậy
Bang chúa buông tha con tôi ra.
Từ trưởng lão cũng nói:
-Kiều Bang chúa! Trí Quang đại sư là người khắp giang hồ ai cũng kính trọng,Bang chúa không được hại đến tính mạng đại sư.
Kiều Phong căm tức máu sôi, lớn tiếng nói:
-Ðúng rồi! Kiều Phong này với nhà họ Ðơn không oán không thù, Trí Quang đại
sư là người mà tôi vẫn tôn kính. Các ông... các ông... muốn cất ngôi Bang chúa của
tôi thì tôi xin chắp tay nhường lại. Sao phải bày đặt ra câu chuyện này để khinh
miệt tôi? Tôi... tôi... Kiều mỗ này có làm điều chi mờ ám bại hoại... sao các ông lại
bức bách tôi đến thế?
Mấy câu sau Kiều Phong nói với giọng nghẹn ngào. Mọi người nghe không khỏi
tỏ ý đồng tình. Khi nghe thấy Trí Quang đại sư xương cốt trong mình kêu rắc rắc,ai nấy đều biết rằng tính mệnh đại sư chỉ một hơi thở là xong. Ðại sư sống hay chết
đều ở trong tay Kiều Phong.
Hết Hồi 7 - Lục Mạch Thần Kiếm - Nguyên Tác: Kim Dung
Chép Lại Từ http://hello.to/kimdung
Xem Hồi 8