BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times
font
Dập Tắt Núi Lửa
Tỳ kheo Na Tiên
Người ta xôn xao lo sợ, bàn tán về chuyện năm 2000, dự đoán những điều biến thiên biến địa sẽ xảy ra. Phần đông người ta lo tìm kiếm dự trữ thức ăn, cất giữ tiền bạc, dự định vào việc phòng thân. Báo chí nhiều nơi bảo California sẽ trôi ra biển, thế chiến sẽ xảy ra, động đất sẽ nứt lớn, núi lửa sẽ phun ngòi. Nhiều người đến chùa cầu trời khẩn Phật, lắm kẻ đến thánh đường xin được ban ơn.
Vận nạn năm 2000 có thể có, có thể không, nhưng cái nạn khổ tâm khổ trí trong tâm mỗi người thì luôn luôn có. Tâm người ta đang luôn bị động, núi lửa trong tâm đang luôn bùng nổ. Thay vì lo đến chuyện thay trời đổi đất, chúng ta hãy tìm cách giải quyết cái núi lửa trong tâm mình là hơn.
Con người ta là một núi lửa. Mỗi người là một cái núi lửa biết đi. Loại núi lửa này nguy hiểm hơn những núi lửa bên Hawaii nhiều, vì chúng ta khó biết đâu mà tránh. Là núi lửa thiên nhiên, lâu lâu chúng mới nổ một lần, và chỉ nổ trên chóp núi rồi nham thạch tràn xuống, sau đó lại ngủ yên. Nhưng núi lửa người thì rất đa dạng. Chúng không nổ một kiểu như núi lửa thiên nhiên mà lại nổ loạn, nổ mọi lúc, nổ mọi nơi. Núi lửa thiên nhiên thì lâu lâu mới nổ một lần, nhưng núi lửa người thì nổ mãi, mà lại thích nổ. Vì si mê, người ta thích bị đốt và thích nổ. Vì tà kiến, người ta thấy cái tốt và lạc thú trong khối lửa này.
Phật Nói Chúng Sanh Bị Thiêu Ðốt
Sau khi đắc đạo quả giải thoát không bao lâu, một lúc nọ Ðức Thế Tôn cùng tăng chúng trú tại Gàya. Trong một thời Pháp cho những tu sĩ thờ thần lửa, Ngài thức tỉnh họ rằng tất cả chúng sanh đang bị lửa thiêu đốt và cần phải thấy rõ sự thật để thoát ra:
-- Tất cả đều bị bốc cháy, này các tỳ kheo. Mắt, cảnh trần và nhãn thức bị bốc cháy. Nhãn xúc bị bốc cháy. Những cảm thọ - lạc thọ, khổ thọ và trung tính thọ - duyên từ nhãn xúc khởi lên đều bị bốc cháy. Bị bốc cháy vì đâu? Bị bốc cháy vì lửa tham, lửa sân, lửa si. Bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
-- Tất cả đều bị bốc cháy, này các tỳ kheo. Tai , âm thanh, nhĩ thức và nhĩ xúc; mũi, mùi hương, tỹ thức và tỹ xúc; lưỡi, vị, thiệt thức và thiệt xúc; thân, các xúc chạm, thân thức và thân xúc; tâm, đối tượng của tâm, tâm thức và tâm xúc đều bị bốc cháy. Những cảm thọ - lạc thọ, khổ thọ và trung tính thọ - duyên từ những loại xúc này khởi lên đều bị bốc cháy. Bị bốc cháy vì lửa tham, lửa sân, lửa si. Bị bốc cháy bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não (Kinh Lửa Cháy - Tương Ưng Bộ).
Cái Khổ Núi Lửa và Nguyên Nhân Bị Khổ
Lửa ở đây chỉ cho ô nhiễm trong tâm như tham ái, ước vọng, ái dục, phiền giận, ganh tỵ, bất mãn, sân hận, si mê, buồn chán, ngã mạn, kiêu căng, bướng bỉnh, tà kiến v.v... Từ thời cổ xưa, lúc vũ trụ vừa hình thành cho đến tương lai khi vũ trụ hoại diệt, chúng sanh luôn bị nhốt trong cái núi lửa ô nhiễm của chính mình. Giải thoát ra khỏi cái ngục lửa này luôn luôn là một vấn đề.
Ðức Phật có bi quan không khi Ngài dạy rằng tất cả những gì nơi thân và tâm chúng ta đều đang bị bốc cháy? Tại sao Ðức Phật không nói có cái bị đốt cháy nhưng cũng có cái rất sung sướng? Tại sao Ngài không nói hưởng thụ vật chất và ăn uống ngủ nghĩ là sướng, vui chơi giải trí là sướng, sống một cuộc đời dư dã tiền của là sướng, có nhiều người thương mình là sướng, muốn gì được nấy là sướng? Nhưng Ngài lại dạy rằng: những cảm thọ sướng, cảm thọ khổ, ngay cả cảm thọ trung tính (không sướng không khổ) đều là khổ, đều bị đốt cháy cả. Vì ô nhiễm tham sân si nên tất cả đều bị đốt cháy. Hạnh phúc từ cảm thọ chỉ là hạnh phúc của sự bị đốt cháy, như con thiêu thân đang chập chờn trên đống lửa, chỉ hưởng được một chút hạnh phúc giả tạo vài giây ngắn ngủi mà thôi.
Người không hành thiền quán, chưa từng hưởng được hạnh phúc của tâm định, chưa kinh nghiệm được hạnh phúc không điều kiện của niết-bàn, thì hạnh phúc khoái lạc của người ấy chỉ nằm trên cảm thọ của thân và tâm, phát sanh từ sự xúc chạm giữa sáu giác quan nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và tâm và các đối tượng của chúng. Ví dụ, một người đã hưởng được điều gì sung sướng trong quá khứ, nay hồi tưởng lại, củng cảm thấy đôi chút vui thích. Ðây là lạc thọ về tâm. Hay người ấy chợt nhớ đến lời nói chọc ghẹo của ai đó, bổng nhiên nổi tức, thì đây là khổ thọ về tâm. Hay khi đang đi ngoài trời tuyết lạnh giá, khi vào nhà liền thấy ấm áp dễ chịu. Ðó là lạc thọ của thân. Tất cả những cảm thọ này đều luôn sanh lên rồi diệt mất ngay, sanh diệt không ngừng. Nhưng khi tâm đã hưởng được cảm thọ ấy rồi thì liền phát sanh ưa thích (ái), trở nên dính mắc vào đó (thủ) rồi không ngừng vươn tới chụp bắt cảm thọ đang sanh diệt phía trước để được hưởng nhiều hơn.
Chúng ta có thể ví ô nhiễm tham sân si như nham thạch nóng đỏ nằm trong lòng núi, và sự phản ứng của tham sân si khi thân tâm xúc chạm đối tượng tốt xấu cũng giống như núi lửa đang bùng nổ. Ô nhiễm tham sân si khi còn nằm yên dưới bề sâu của tâm được gọi là ô nhiễm ngũ ngầm, khi gặp đối tượng gì kích thích làm tâm khởi lên sự ưa thích hay ghét bỏ, gọi là ô nhiễm khởi động. Lúc này, tâm người ta ví như ngọn núi lửa tuy chưa nổ nhưng nham thạch bên trong đang cuồng lên cuộn xuống, sắp sửa trào ra. Lúc này, người ấy là một nạn nhân đang bị thiêu đốt khổ sở vì chất nóng đang phát động trong tâm mình. Rồi khi quá thích hay quá giận, hay quá si mê, và vì không chánh niệm lại chẳng biết hổ thẹn, người ấy bất chấp đạo đức cứ làm quấy nói bậy cho hả cơn tham sân. Ðó là ô nhiễm nổ bùng. Rồi dã sữ một người khi lo sợ điều gì quá đáng, thất tình ai, hay thù hận ai quá độ, đến nổi tâm không còn khả năng trở về trạng thái ngơi nghĩ mà chạy luôn theo ô nhiễm như diều đứt dây, thì người ấy đã trở thành điên.
Ðó là ba trạng thái ô nhiễm luôn luôn đốt cháy chúng sanh: ô nhiễm ngủ ngầm, ô nhiễm khởi động và ô nhiễm bộc phát. Phật dạy rằng tất cả chúng sanh trong tam giới bị đốt vì ô nhiễm. Nhưng vì si mê, người ta không thấy mình bị đốt nên chẳng cần tìm cách chữa lửa. Hoặc vì tà kiến, hiểu sai, người ta thấy mình bị đốt, lại tưởng rằng phải bị đốt nửa mới hết cháy - bằng cách hưởng thọ ngũ dục thật nhiều, hoặc phải thực hành nhiều phương pháp hết sức cam khổ để chế ngự các cảm thọ của thân tâm theo lối khổ hạnh hành xác. Ba loại lửa này ví như những con rắn hổ miệng đầy nọc độc, hay như dạ xoa quỉ dử nhe nanh múa vuốt sẵn sàng ăn thịt chúng sanh. Vì vậy, trong bài Kinh Lửa Cháy, sau khi Ðức Phật nói tất cả đều bị đốt, Ngài dạy tiếp rằng:
-- Thấy vậy, này các tỳ kheo, hành giả nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy. (Vị ấy nhàm chán đối với tai, các thinh, nhĩ thức , mũi, lưỡi, thân, ý..., vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy).
--Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, vị ấy biết rằng: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn tái sanh trong tam giới này nữa".
Dập Tắt Núi Lửa
Chúng ta thấy trong đoạn kinh trên có ba chữ chính yếu là nhàm chán, ly tham và giải thoát.
Chúng ta sẽ không bao giờ chán một điều gì khi thấy nó luôn đem lại nguồn an lạc hạnh phúc mà chẳng hề vương vấn não phiền. Nhưng điều này thì không bao giờ có trong thế giới hữu vi. Những gì thuộc về hữu vi (tâm và các thể vật chất) đều là vô thường, khổ và vô ngã. Vì chúng là vô thường, nên chi phát sanh ra khổ. Bất cứ cái gì mà tự nó thay đổi hoài và có nhiều khổ não, nó không thuộc quyền cai quản của ta thì là vô ngã.
Nhưng vì không có thiền trí, hay là trí tuệ bát nhã (Phạn ngữ Pali: Panna- bhavanamayapanna, âm Tàu chuyển Việt thành Bát-nhã) nên người ta lầm tưởng dù sự việc trên đời có khổ nhưng vẫn có sướng, nếu cứ cố gắng tìm kiếm cái sướng và khôn khéo tránh né cái khổ thì thế nào cũng sẽ được hưởng nhiều hơn. Vì vậy mà người ta luôn kiếm tìm. Như người đã đứng tuổi mà vẫn còn thèm khát ái tình, suốt cuộc đời đã trãi qua biết bao cơn chua cay chát đắng, đau khổ đã nhiều, nhưng cũng mãi hoài xông pha tìm kiếm cho được một giọt tình thương. Sự thật thì cái gốc khổ não nằm nơi vô minh và tham ái trong tâm mình chứ không phải ở đâu bên ngoài. Vì không thẳm thấu được rằng tất cả các pháp hữu vi đều là vô thường, khổ não và vô ngã nên người ấy chưa nhàm chán với các dục trần. Vì không biết rằng cái khổ nằm nơi ô nhiễm tham sân si trong tâm mình, hạnh phúc nằm nơi sự đoạn diệt tham sân si, nên người ấy chẳng hề chịu quay trở lại nhìn vào bên trong hầu giải quyết vấn đề.
Khi hành thiền quán, tập trung chánh niệm chìm vào những đối tượng trong thân và tâm của mình, dần dần tâm hành giả được an tịnh định tỉnh. Hành giả sẽ thấy rằng những thể vật chất nơi thân (phẩm dạng đất nước gió lửa) đều thay đổi sanh diệt nhanh chóng. Hành giả sẽ kinh nghiệm được Khổ từ sự thấy rõ hiện tượng vô thường. Khi có thiền trí thấy rõ vô thường, hành giả sẽ đồng thời có tuệ giác thấy rằng cái gì mà sanh diệt mau chóng thì đều bất toại nguyện. Hành giả kinh nghiệm được sự áp bức và khổ sở phát sanh từ những hiện tượng này. Ðây là hiện tượng khổ. Ðồng thời, tâm hành giả bừng sáng thấy rằng bất cứ cái gì (thân và tâm) mà thay đổi và khổ thì không phải là ta hay của ta. Chúng không theo ý muốn hay sự kiểm soát của ta, chúng chẳng có cái gì là thực thể. Chúng hoàn toàn rỗng không, không cội rễ, nhưng lại thay đổi và khổ. Ðây là hiện tượng vô ngã hành giả kinh nghiệm được.
Khi đi sâu vào lộ trình thiền quán, kinh nghiệm rõ tam tướng vô thường, khổ và vô ngã, hành giả phát sanh sự chán nãn đối với các pháp hữu vi. Khi chán nãn thì hành giả sẽ không tham ái bám níu vào những đối tượng ấy nữa. Ðây là ly tham: không tham chấp vào ngũ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, những tập hợp tạo nên cái gọi là con người. Khi không tham ái chấp thủ nữa thì giải thoát vậy. Tham ái là dính lại, là khổ. Xả ly là thoát ra, là yên. Có vậy thôi. Nhưng muốn được giải thoát thật sự thì phải hành thiền quán mới có trí tuệ xả ly.
Phương Pháp Dập Tắt Núi Lửa
Làm sao để áp dụng bài kinh này hầu dập tắt những núi lửa đang đi đứng nằm ngồi của chúng ta? Ðầu tiên, chúng ta cần phải nhận định rằng chúng ta đang bị đốt thật sự. Bị đốt vì sanh già bệnh chết. Bị đốt vì ô nhiễm tham sân si. Những đối tượng bên ngoài kích thích các giác quan làm phát động tham sân si cũng đều là lửa, là khổ nốt. Nếu nhận thức được rằng chúng ta đang bị đốt thì chúng ta sẽ hết lòng tìm cách chữa lửa. Vậy là chúng ta đã thành công trong bước đầu.
Bước kế tiếp, muốn chửa lửa thì phải làm hai điều:
1. Tránh xa những nguyên nhân phát hỏa, đừng làm nó cháy thêm. Xa lánh những gì ồn ào phiền toái, xa lánh những gì kích thích tham sân si trong tâm ta, xa lánh những gì làm tâm không được an tịnh. Vào chùa, thiền viện, hay đến những nơi thanh tịnh tĩnh lặng để hành đạo. Hoặc dọn một căn phòng cho sạch sẽ, chưng bày đơn giản, tạm thời ở một mình yên tịnh nơi đó để hành thiền. Hành giả trở về với sự an tịnh thanh bình. Ðây là thân ẩn cư.
2. Tưới nước dập tắt lửa. Khi có thân ẩn cư, hành giả hành thiền sẽ được tâm ẩn cư. Muốn hành thiền, trước tiên, hành giả cần phải phát nguyện giữ giới và giữ giới đã nguyện cho trong sạch. Ít nhất cũng là ngũ giới. Ðối với người tại gia cư sĩ, trong thời gian hành thiền thì nên giữ bát quan trai giới.
Ðiều quan trọng không thể thiếu sót được khi hành thiền là sự thu thúc lục căn. Nhờ có chánh niệm thu thúc lục căn, tâm hành giả không dễ dàng bị trần cảnh cuốn trôi đi về quá khứ vị lai, cũng không để trần cảnh kích thích làm bốc lửa tham sân si. Nhờ vậy, tâm hành giả sẽ được nguội dần và tịnh lại.
Vì vấn đề ở đây là dập tắt lửa ô nhiễm chứ không phải chỉ tạm thời đè nó xuống nên hành giả cần thực hành thiền quán minh (thiền quán tứ niệm xứ - minh sát tuệ, Phạn ngữ Pali gọi là Satipatthana-vipassana) để có trí tuệ giải thoát. Nếu hành giả chỉ muốn cho tâm tạm thời được an tịnh chứ không muốn có trí tuệ để giải thoát thì hành giả hành thiền vắng lặng (samatha), như niệm Phật, niệm tâm từ v.v... Tuy nhiên, thiền quán cũng đem lại cho hành giả tâm bình an, định tỉnh rất sâu xa.
Vì đây không phải là bài viết nói chi tiết về thiền nên lúc này chúng ta chỉ đề cập đến vài nét đại cương. Hành giả ngồi nơi thích hợp, trong tư thế ngay thẳng và thoải mái, chú tâm quan sát tiến trình hơi thở vào thở ra nơi đầu mũi hay nơi vùng bụng. Ðối với hành giả sơ cơ, khi ngồi thiền, hơi thở là đề mục chính, các đề mục khác như suy nghĩ, phóng dật, buồn ngũ, đau, nhức, mỏi, vui, sướng, khổ v.v... đều là đề mục phụ. Hành giả cần chú tâm theo dõi tiến trình nơi đề mục chính càng lâu càng tốt. Chỉ khi nào các đề mục phụ quá rõ ràng, chúng kéo tâm hành giả rời khỏi đề mục hơi thở thì hành giả mới niệm các đề mục phụ ấy. Khi đề mục phụ chấm dứt thì hành giả lại chú tâm trở về với đề mục chính là tiến trình của hơi thở nơi đầu mũi hay vùng bụng.
Sau khi tọa thiền, hành giả cần đi thiền hành. Khi thiền hành thì đề mục chính là tiến trình bước chân, thay vì tiến trình hơi thở như khi tọa thiền. Phương thức di chuyển chánh niệm từ đề mục chính qua đề mục phụ cũng giống như lúc tọa thiền. Nhớ là cần phải hành thiền cho nghiêm túc, phải thu thúc lục căn, phải có chánh niệm kỷ lưởng, khắng khít, sâu xa, thấu đáo và xuyên suốt qua đề mục. Không nên vừa thiền hành vừa tưởng tượng đến những chuyện hồn bướm mơ tiên!
Ngoài ra, những động tác khác cũng cần phải chú tâm chánh niệm. Tất cả các tiến trình cử động như ăn, uống, quay, cúi, co, duỗi, đi, đứng, nằm, ngồi v.v... cũng đều được chú tâm theo dõi quan sát thật thấu đáo.
Nhờ có chánh niệm liên tục, khắng khít trên đề mục sanh khởi không gián đoạn, tâm hành giả dần dần tập trung trên đề mục chánh niệm được lâu hơn, định trở nên vững và sâu hơn, hành giả kinh nghiệm được sự an lạc hĩ mãn, hạnh phúc tuyệt vời của tâm định. Tâm hành giả lúc ấy rất trong sáng đầy năng lực. Năm triền cái (tham ái, sân hận, hôn trầm, phóng dật, hoài nghi) vắng bóng, hành giả tạm thời thoát ra được sự áp bức của tham sân si. Tâm hành giả không chạy về quá khứ, chẳng ước vọng ở tương lai. Hành giả cảm thấy nguồn hạnh phúc, an lạc đầy ắp thấm nhuận toàn thân tâm. Ðây là tâm ẩn cư.
Lúc này đức tin hành giả càng mạnh, tinh tấn càng nhiều, chánh niệm càng nhanh, sắc bén và liên tục, định càng sâu và bền, thiền trí sẽ tự động hiển lộ. Hành giả tự mình kinh nghiệm được tam tướng vô thường, khổ não và vô ngã, rồi theo đà tuần tự của pháp hành, hành giả vượt qua các giai đoạn tiến triển trong tuệ minh sát, tâm ngày càng xả ly và sẽ đến giai đoạn chứng đạt đạo tuệ, quả tuệ và niết-bàn. Có bốn đạo tuệ. Mỗi đạo tuệ bứng gốc được một số ô nhiễm. Ðến khi chứng ngộ đạo quả Alahán thì tất cả ô nhiễm ngũ ngầm đều được dứt sạch. Ðây gọi là tỵ phiền não ẩn cư.
Ðến đây, Ðức Phật dạy: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn tái sanh trong tam giới này nữa".
Chúng Ta Hãy Làm Theo Lời Phật Dạy
Hành thiền đâu có khó khăn gì, chẳng tốn tiền mua mà lại hưởng được rất nhiều hạnh phúc cao thượng. Hạnh phúc trong thiền thì nhiều gấp tỷ lần hạnh phúc bên ngoài. Không hành thiền thì chúng ta chỉ là những núi lửa di động. Rất khổ. Ðức Phật ra đời với mục đích giúp giải thoát chúng sanh ra khỏi nhà lửa ô nhiễm. Nhưng Ngài chỉ chỉ cho chúng ta phương pháp và lộ trình để đi đến nơi thoát khổ, còn thực hành hay không là phận sự của mỗi người chúng ta.
Năm 2000 đã đến. Núi lửa thiên nhiên muốn nổ thì cứ nổ, nhưng với pháp hành Phật dạy, núi lửa người sẽ được dập tắt. Khi ô nhiễm phiền não trong tâm không còn, thì những chuyện thay trời đổi đất, dù cho tam giới có đảo ngược, thì chuyện ấy cũng chẳng còn là vấn đề. Vì vấn đề chính đã nhờ thiền mà giải quyết được rồi.
Nguyện cho tất cả chúng sanh hãy cho được sự yên vui.
Sư Na Tiên
Hoa Kỳ, tháng 12-1999
email: sunatien@usa.net