BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Cảm Thọ dính như dầu hắc

Kee Nanayon

Huyền Quang dịch


 

Nữ cư sĩ Kee Nanayon (1901-1978) là một trong những thiền sư nổi tiếng của Thái Lan ở thế kỷ 20 này, và là tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng với bút hiệu là Kor Khao-Suan-Luang. Năm 1945, bà thành lập một trường thiền và một làng tu cho các nữ cư sĩ trên đồi Suan-Luang, tỉnh Rajburi, Thái Lan.Thiền sinh từ khắp nơi trên đất nước Thái Lan tụ về đó để nghe bà giảng pháp cho đến khi bà mất. Bài giảng này được trích dịch từ quyển "Cái biết sai lầm: Các bài giảng của một nữ cư sĩ Thái Lan" (An Entangled Knowing: The Teaching of a Thai Buddhist Lay Woman), do Tỳ kheo Thanissaro dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh.

-oOo-

Dầu có tu tập, ta vẫn bị sa ngã vì những lạc thọ. Xét về nhiều mặt, các cảm thọ chỉ là ảo tưởng. Chúng vô thường và không xác thực. Thay vì mang đến cho ta sự thỏa mãn, chúng chỉ mang đến cho ta stress - vậy mà ta vẫn bám víu vào chúng. Hãy suy gẫm cho thấu đáo về sự chấp chặt vào thọ ấm của chúng ta.

Ðôi khi ta phải thử nghiệm với những khổ đau hơn cả sức chịu đựng của ta. Khi những cảm giác đau đớn, khó chịu dạy khởi, tâm ta sẽ phản ứng ngay vì nó không thích sự đau khổ. Nhưng khi sự đau đớn đó biến thành dễ chịu thì tâm chấp nhận, ưa thích điều đó. Vì thế tâm tiếp tục chạy tìm các cảm thọ, dầu như ta đã biết, cảm thọ luôn biến đổi, gây căng thẳng và không thật sự là của ta. Nhưng tâm không biết đưôc điều đó, nó chỉ biết đến sự dễ chịu của các cảm thọ, và nó đòi hỏi được có thêm. Hãy quán xét xem các cảm thọ đã dấy khởi trong lòng ta bao ham muốn. Vì chúng ta muốn được các lạc thọ nên lòng ham muốn luôn rót bên tai ta những lời khuyến khích. Nhưng nếu ta có thể diệt được lòng ham muốn các cảm thọ, thì đó là con đường dẫn tới Niết bàn.

Ðức Phật nói rằng vô minh giống như cơn lụt lớn. Rồi Ðức Phật dạy ta những phương tiện, cách thực hiện để vượt qua những cơn lũ lụt đó, đơn giản là đoạn diệt được lòng ham muốn trong mỗi hành động. Ngay chính trong các cảm thọ, ta cần phải thực tập sự buông bỏ lòng ham muốn.

Hãy thực tập ngay ở ta. Khi có được cảm giác yên tĩnh, bình an, đó là một cảm thọ dễ chịu hay sự buông thả, hãy cố quan sát xem cảm thọ đó vô thường như thế nào, tại sao nó không phải là ta hay của ta. Khi ta có thể ngưng lại ngay nơi đó, ngay nơi chỗ tâm đang thụ hưởng những gì lạc thọ đã mang đến, và phát khởi lòng ham muốn. Ðó là lý do tại sao tâm hồn ta cần luôn tỉnh thức, quan sát chính nó và những gì xảy ra quanh nó trong sự chú tâm để nhìn thấy cảm thọ chỉ là trống không.

Việc ta thích hay không thích một cảm thọ là một căn bệnh khó khám phá, vì nỗi say mê của ta với các cảm thọ quá mạnh mẽ. Ngay cả khi tâm ta trống vắng hay bình lặng, chúng ta vẫn tràn ngập các cảm giác. Những cảm giác mạnh mẽ, căng thẳng do vô minh gây ra, có thể dễ dàng nhận biết. Nhưng khi tâm bình lặng - sáng suốt, thoải mái, không dao động v.v... - chúng ta vẫn gắn chặt vào các cảm thọ. Ta muốn được có những cảm thọ dễ chịu và thụ hưởng chúng. Ngay chính ở trong trạng thái chú tâm mạnh mẽ hay thiền định, ta cũng bám víu vào cảm thọ.

Lòng ham muốn có sức hút nam châm để gắn bó mọi thứ lại với nhau. Sự gắn bó này khó biết được vì lòng ham muốn luôn thầm thì bên trong ta "Tôi không muốn gì hơn là những cảm giác dễ chịu". Ðiều đó rất quan trọng, vì chính những con vi trùng của lòng tham thủ đã đưa chúng ta đi mãi trong vòng luân hồi sinh tử.

Vì vậy chúng ta phải tìm hiểu xem sự diễn biến của lòng tham thủ nầy, xem nó tạo tác ra sao - thôi thúc ta muốn thế nầy thế kia - và xem nó đã dẫn dụ chúng ta chấp chặt vào đó như thế nào, làm cho ta khó tách rời khỏi nó. Ta phải quán niệm xem lòng tham thủ nầy đã cột chặt tâm ta vào các cảm thọ mạnh mẻ như thế nào, đến nỗi ta không bao giờ biết mệt chán về các cảm thọ lạc và khổ đó. Nếu ta không chú niệm để thấy rõ ràng rằng tâm ý ta vẫn bị dính chặt ngay tại đây với các cảm thọ và lòng tham thủ, thì ta sẽ không bao giờ được giải thoát.

Chúng ta gắn bó với cảm thọ như một con khỉ bị dính bẩy có trét dầu hắc. Khi tay khỉ bị dính dầu hắc, nó đưa tay kia để gỡ, thì tay đó cũng dính luôn; rồi đến chân, đến miệng nó cũng bị dính. Hãy suy gẫm về những điều sau đây:

"Bất cứ chúng ta làm gì, cuối cùng ta cũng bị dính vào cảm thọ và lòng ham muốn. Ta không thể tháo gỡ chúng ra. Nếu ta không cẩn thận với lòng ham muốn, ta cũng giống như con khỉ bị dính dầu hắc, càng lúc càng bị dính chặt vào nó."

Vì thế nếu ta quyết tâm đi theo bước chân của các vị A-la-hán, ta phải chú tâm vào cảm thọ cho đến lúc ta có thể hoàn toàn thoát khỏi các cảm thọ. Ngay với các cảm thọ khổ, ta cũng phải huân tập; vì nếu ta sợ các khổ thọ, luôn muốn biến nó thành các lạc thọ, thì ta càng trở nên vô minh hơn trước nữa.

Ðó là lý do tại sao ta phải can đảm trong việc đối mặt với các khổ thọ nơi thân và nơi tâm. Khi khổ thọ dấy khởi ngùn ngụt, như một căn nhà đầy lửa, ta có thể buông nó không? Ta phải nhìn cả hai mặt của một cảm thọ. Khi nó nóng đỏ, thiêu đốt ta, ta phải đối mặt với nó như thế nào? Và khi nó tươi mát, êm ái, ta phải nhìn xuyên suốt nó làm sao? Ta phải cố gắng chú tâm vào cả hai mặt đó, quán cho đến khi nào ta biết làm thế nào để buông chúng. Nếu không, ta sẽ chẳng hiểu biết gì cả, vì lúc nào ta cũng muốn cái phần mát mẻ, dễ chịu của cảm thọ, càng nhiều càng tốt. Nếu lúc nào ta cũng muốn có lạc thọ thì làm sao mà ta được giải thoát khỏi vòng sinh tử?

Niết bàn là sự đoạn diệt của sự ham muốn, vậy mà ta cứ muốn bám vào ham muốn - như thế làm sao ta có thể đi được đến đâu? Ta sẽ ở đây trong thế giới này, ngay trong sự khổ đau và căng thẳng, vì lòng ham muốn là một thứ nhựa cây dính chặt. Nếu không có lòng ham muốn, thì không còn vấn đề gì nữa: không có stress, không có tái sinh. Ta phải chú niệm vào sự tham thủ nầy. Ðó là một loại nhựa cây keo dính, một loại dầu hắc, một loại màu sơn rất khó gột rửa.

Ðể mở được cánh cửa nhìn vào nội tâm ta không phải dễ, nhưng cũng có thể làm được, nếu ta biết cách huấn luyện mình. Nếu ta có chánh niệm để tự soi xét mình, biết mình thì sự việc sẽ dễ dàng hơn, lòng ham muốn khó thể thành hình. Dầu nó được ngụy trang thế nào, ta cũng sẽ nhận được nó, biết nó và đoạn diệt, buông bỏ nó.

Ỏ giai đoạn bắt đầu, chỉ cần quan sát sự vật, chỉ cần tỉnh thức. Nếu ta náo nức, ta sẽ làm hỏng hết mọi việc, khiến ta không còn có thể nhìn sự vật một cách rõ ràng. Ta chỉ dừng lại ở chỗ nhận xét và không đi xa hơn nữa. Vì lý do đó, ta phải luyện tâm, chú tâm đến độ ta có thể nhận biết sự việc một cách rõ ràng, coi như chúng chỉ là các đối tượng để ta quan sát.

(Lược dịch theo "A Glob of Tar", Tricycle Review, Winter 1997)


Bình Anson hiệu đính, tháng 12-1998, dựa theo quyển "Reading the mind - Advice for meditators", Wheel No. 388/389, BPS, Sri Lanka.


[Trở về trang Thư Mục]