Như những cánh thiên nga trắng bay đến rồi đáp xuống các ao hồ tĩnh lặng, Thiền từ Á Châu đã đến với Âu và Mỹ Châu trong gần nửa thế kỷ qua. Nhiều Thiền viện đã mọc lên theo dấu chân của các Ðạo sư (Guru) Ấn Ðộ hay các Thiền sư thuộc nhiều tông phái Phật Giáo như Lâm Tế, Tào Ðộng, Mật Tông.
Thiền được áp dụng trên nhiều lãnh vực khác nhau: các trung tâm Thiền, các cơ sở tôn giáo thuộc nhiều giáo phái đông và tây, các bệnh viện, trường học, tư gia, các trung tâm nghiên cứu y khoa, tâm lý học và khoa học xã hội. Hiện nay Thiền đã lan rộng đến ngành thương mãi, rất nhiều sách vở, tài liệu hướng dẫn, và cơ quan tư nhân đã ứng dụng Thiền để giúp đỡ cho các thương gia, các nhà điều hành cùng nhân viên các cơ sở thương mãi gia tăng hiệu năng sản xuất.
Như thế, ở mọi lãnh vực sinh hoạt xã hội, Thiền hiện là một đề tài rất được phổ biến về phương diện lý thuyết lẫn thực hành, từ cấp nhập môn đến các chương trình dài hạn. Người dân Âu Mỹ ở các nước kỹ nghệ tân tiến, chuộng sự thực hành và phương pháp cụ thể để có thể đem lại những kết quả rõ rệt. Thiền đã mang đến cho họ một thông điệp mới mẽ và sự ứng dụng có hiệu quả tốt đẹp nên đã được chào đón nồng hậu như thế. Trong tác phẩm Mùa Xuân của Phật Giáo Hoa Kỳ (The Spring of American Buddhism), giáo sư L. Harnand cho biết ngoài số Phật tử đến từ các nước Á Châu, hiện nay có 2 triệu Phật tử Hoa Kỳ, trong số đó nhiều người tu Thiền Phật Giáo (Zen Buddhism) cộng với 6 triệu người Hoa Kỳ thuộc đạo Công Giáo (Catholic), Chính Thống Giáo (Orthodox), Tin Lành (Protestant)... tu Thiền. Các vị linh mục nổi tiếng như Alfred Graham, Thomas Merton đã viết nhiều tác phẩm về Thiền ứng dụng cho tín đồ Công Giáo sau khi hai vị này đã thụ giáo và tham vấn các Thiền sư. Còn vị Mục sư William Johnson đã khuyên nhủ tín đồ Tin Lành nên thực hành Thiền để đem lại sự quân bình và an vui cho đời sống. Về phía người Việt Nam tại hải ngoại, Linh Mục Chu Công ở Boston có tu học tại các Thiền Viện với các Thiền Sư Nhật Bản và Ngài cũng khuyến khích tín đồ Công Giáo thực hành Thiền quán.
Ðôi cánh của Thiền thật là rộng lớn và bay bổng tuyệt vời mặc dù vẫn im lìm soi bóng trên dòng sông hiện hữu miên viễn. Về phương diện khoa học, chúng ta thử tìm hiểu ảnh hưởng của Thiền đối với đời sống thường ngày qua một vài nét về cách cấu trúc của não bộ, hệ thần kinh giao cảm, áp lực của đời sống tạo ra sự căng thẳng nơi cơ thể chúng ta làm sinh ra các bệnh tật như thế nào. Cuối cùng Thiền đã giúp được gì trong việc giải trừ các bệnh tật đó.
Khi đọc tập sách mỏng này, chúng ta tìm hiểu thêm về đời sống thể chất và tâm linh của chính mình, để rồi lên đường hướng về chốn an vui tĩnh lặng trong thế giới đầy áp lực và náo nhiệt này. Chúng ta không nên vội vã đọc cho xong tập sách mỏng này như một buổi ăn trưa vội vàng tại các tiệm thực phẩm dọn nhanh (fast food), ăn chóng. Xin hãy ra vườn, cắt một cành hoa tươi để vào bình hoa đầy nước trong mát. Nấu một ấm nước sôi, pha trà rồi chế vào một ly trà để trên chiếc khay nhỏ. Chúng ta tự đãi mình như một người khách quí, nâng chén trà thơm, để hết sự chú tâm vào hương vị của nước trà. Khi uống xong ly nước trà trong sự chú tâm và tỉnh thức như thế rồi để tách trà nhẹ nhàng trên chiếc khay, chúng ta bỗng thấy đóa hoa trở nên rực rỡ và bầu trời trong xanh hơn. Như thế chúng ta đã bước một bước trên con đường hướng về suối nguồn hạnh phúc bên trong tưởng chừng xa vạn dậm mà thực ra luôn luôn ở bên mình.
Hệ thần kinh giao cảm
Bộ óc chúng ta có từ 100 đến 200 tỷ tế bào thần kinh. Não bộ có nhiều nhiệm vụ khác nhau trong việc duy trì đời sống của cơ thể chúng ta và mỗi nhiệm vụ do một tiểu hệ thống thần kinh (subdivision) đảm nhận như:
- Hệ thần kinh kiểm soát thức và ngủ,
- Hệ thần kinh kiểm soát các cảm xúc,
- Hệ thần kinh kiểm soát các bắp thịt,
- Hệ thần kinh duy trì sự quân bình của cơ thể...
Thân và tâm vốn không tách lìa. Não bộ lại là chủ thể của thân, do đó sự hiểu biết các hoạt động, phản ứng của não bộ giúp ta hiểu rõ sự tương quan mật thiết của thân và tâm. Hệ thần kinh duy trì sự quân bình của cơ thể được gọi là Hệ Thần Kinh Giao Cảm (Autonomic Nervous System). Hệ thần kinh này có hai phần:
- Hệ trực giao cảm (Sympathetic Division),
- Hệ đối giao cảm (Parasympathetic Division).
Nếu chúng ta bị ai chọc cho nổi giận, hoặc đang đi ngoạn cảnh vùng núi rừng thình lình gặp phải ác thú thì cơ thể chúng ta có phản ứng tức khắc:
- Tim đập nhanh và mạnh hơn để bơm máu đến các bắp thịt trong cơ thể,
- Nhịp thở gia tăng, phổi và xoan mũi nở lớn để đón nhận nhiều không khí hơn,
- Hạch mồ hôi gia tăng hoạt động, tiết nhiều mồ hôi để làm cho nhiệt độ cơ thể được quân bình,
- Cơ quan tiêu hoá ngưng hay làm việc chậm lại để dồn năng lực cho các bắp thịt,
- Các chất dinh dưỡng trong máu được đốt để chuyển thành năng lượng (biến dưỡng).
Chúng ta cảm thấy có sự căng thẳng và cơ thể có đủ năng lượng để sẵn sàng hoạt động theo quyết định của chúng ta.
Hàng triệu năm trước đây, loài người sống trong hoàn cảnh thiếu thốn an ninh và tiện nghi vật chất vì nền văn minh còn thấp kém, như cách sống của các thổ dân sống nơi hoang dã (Bushman) hiện nay còn tồn tại ở một vài nơi tại Phi Châu, Úc Châu và Á Châu. Ðể giúp cho họ sống còn trong hoàn cảnh sinh hoạt sơ khai đó, cơ thể con người đã tạo ra một cơ thể tự vệ: Hệ thần kinh giao cảm (Sympathetic Division) đã tạo ra phản ứng chiến đấu hay trốn chạy (fight or flight). Khi đi trong rừng, bất chợt gặp một ác thú như cọp, beo thì họ phải quyết định ngay: đánh nhau với chúng hay bỏ chạy để thoát nạn.
Hệ trực giao cảm: Hệ trực giao cảm tác động ngay vào các cơ quan và các hạch nội tiết (glands) làm cho năng lượng cơ thể gia tăng để thực hiện được điều ấy nhanh chóng và hữu hiệu. Hệ trực giao cảm tác động như sau:
- Làm nở con ngươi của mắt,
- Kích thích hạch nước mắt,
- Ngăn chận sự bài tiết nước bọt, gia tăng số lượng mồ hôi,
- Tăng nhịp đập của tim, phổi và đường hô hấp,
- Giảm các hoạt động tiêu hóa của bao tử và lá lách, giảm chất adrenalin để chuyển số máu cần dùng đến nơi khác,
- Giảm các hoạt động tiêu hóa của ruột non và ruột già,
- Ngừng sự co giản các cơ của bọc chứa nước tiểu (bàng quang).
Hệ thần kinh đối giao cảm: Hệ đối giao cảm (Parasympathetic division) thì hoạt động ngược lại như sau:
- Làm cho con ngươi của mắt thu nhỏ lại,
- Ngăn chặn sự hoạt động của hạch nước mắt,
- Gia tăng nước bọt (miếng)
- Làm cho tim đập chậm lại,
- Làm cho phổi và xoan mũi thu nhỏ lại,
- Gia tăng hoạt động tiêu hoá của bao tử, lá lách,
- Gia tăng hoạt động tiêu hóa của ruột non và ruột già, cơ bàng quang (bọc chứa nước tiểu) tự do co thắt.
Như thế, ngược lại với hệ trực giao cảm, hệ thần kinh đối giao cảm truyền một mệnh lệnh cho các hạch và cơ thể: hãy nghỉ ngơi! Do đó, khi ta bị xúc động như giận dữ, buồn phiền, lo lắng, sợ hãi thì mắt mở to, dễ khóc, miệng khô, tim đập mạnh, thở nhiều, bao tử thắt lại, khó tiểu tiện. Còn lúc thư thái an vui thì mắt mở vừa hay nhỏ, nước bọt gia tăng, tim đập nhẹ nhàng, phổi thở ít lại và đều, sự tiêu hóa nhanh chóng và tiểu tiện dễ dàng. Nhờ đó, chúng ta ăn thấy ngon và ngủ say hơn.
Sự căng thẳng
Chúng ta ngày nay không còn sống trong tình trạng bị đe dọa thường trực như nhân loại cổ xưa. Tuy thế, phản ứng chiến đấu hay bỏ chạy (fight or flight) do hệ thần kinh trực giao cảm tạo ra vẫn tồn tại và hoạt động. Phản ứng này rất ích lợi khi chúng ta phải đối diện với sự hiểm nghèo, nhưng nếu bị kích động nhiều lần trong các trường hợp bình thường thì tạo nên sự căng thẳng (stress) không cần thiết nơi cơ thể. Như khi học sinh lo lắng nghĩ đến kỳ thi sắp đến, người thợ bị chủ rầy nên sợ hãi mỗi khi nghĩ đến hay gặp gỡ ông ta, người vượt biển đi thuyền bị nạn hải tặc nên thấy bất an, sợ hãi vùng có bóng tối hay chốn sông biển... Các cảm xúc đó làm cho tim họ đập mạnh, áp huyết gia tăng, người bị căng thẳng vì các phản ứng của cơ thể chúng ta đã biết qua.
Ngoài ra, nhiều nhà tâm lý học và bác sĩ y khoa đã cho rằng sự căng thẳng (stress) có thể phát sinh nơi ta khi chúng ta cần phải thích nghi với hoàn cảnh sinh hoạt như sau:
Khi có sự thay đổi trong cuộc sống: Thay đổi cách sinh hoạt (như từ VN sang Mỹ), thay đổi nghề nghiệp (như từ nghề điện tử chuyển sang ngành địa ốc).
Không kiểm soát được đời sống: Các chuyện xảy ra trong cuộc sống ngoài tầm kiểm soát của chúng ta (như người tị nạn từ lúc đóng tiền ra khơi phó mặc cho sự may rủi. Họ có thể bị lạc đường, thiếu thực phẩm, bị hải tặc cướp giết. Lúc đến trại tị nạn và được một nước nào nhận cho tị nạn thì đa số sự việc xảy ra hoàn toàn may rủi, ngoài tầm quyết định của họ).
Không thể tiên liệu được: Có những ngành hoạt động luôn luôn tạo sự căng thẳng vì không thể tiên liệu được điều gì sẽ xảy ra (như các người mua bán chứng khoán, giá cả lên xuống từng giờ một, các người kiểm soát không lưu, các máy bay đến và đi không thể nào biết trước).
Xung đột nội tâm: Muốn hai hay nhiều thứ cùng một lúc nên khó lựa chọn cho dứt khoát (như trường hợp tiếp tục lãnh trợ cấp xã hội hay đi làm việc khi cả hai bên đều có những cái 'lợi' và 'hại' đồng đều nhau, hoặc một người phải quyết định lập hôn thú hay sống với nhau không có hôn thú khi vấn đề này liên hệ đến việc cấp dưỡng, bảo hiểm...
Ðời sống tại các đô thị lớn: Áp lực thời gian, kẹt xe cộ, kỳ thị chủng tộc, vấn đề tội ác, xung đột cộng đồng...
Ðo lường sự căng thẳng
Hai nhà tâm lý học Rahe và Holmes đã nghiên cứu về sự căng thẳng (stress) và hậu quả tai hại của nó. Hai ông đã lập ra một bản đo lường mức độ căng thẳng nơi các biến cố trong ngày. Mỗi biến cố xảy ra đều đòi hỏi chúng ta có thái độ thích nghi do đó sự căng thẳng đã phát sinh.
Sau khi nghiên cứu họ thấy rằng biến cố mất người phối ngẫu (chồng hay vợ) có điểm số căng thẳng cao nhất là 100 điểm; thấp nhất là nhận lãnh một giấy phạt vi cảnh với điểm số 11. Hai nhà tâm lý học đã liệt kê độ 30 trường hợp điển hình và kết luận rằng: Nếu chúng ta chịu đựng sự căng thẳng tổng số 300 điểm kéo dài trong một năm thì năm kế tiếp chúng ta sẽ mắc phải rất nhiều bệnh tật.
Nếu quan sát sinh hoạt của người tị nạn, chúng ta thấy mức độ bệnh tật của họ cao hơn mức độ bệnh tật trung bình của người Hoa Kỳ. Ðiều này rất dễ hiểu vì họ chịu đựng quá nhiều sự căng thẳng trước khi được đến định cư tại Hoa Kỳ. Ngay cả khi sinh sống một thời gian nơi đây, sự căng thẳng vẫn tiếp tục vì họ phải thích nghi với hoàn cảnh mới, có sự khó khăn về ngôn ngữ, tập quán, sự buồn phiền vì nhớ người thân, xa xứ sở và tưởng niệm các người bị tù đày, chết chóc. . .
Bệnh tật
Sự căng thẳng kéo dài thì tim tiếp tục đập nhanh, các hạch nội tiết bị kích thích hay ngăn chặn, các cơ quan của các bộ phận tiêu hóa và bài tiết ngưng hay hoạt động chậm lại, máu di chuyển nhanh hơn trong các bắp thịt. Hậu quả của tình trạng này là chúng ta sẽ mắc phải chứng huyết áp (máu cao).
Chứng bệnh huyết áp được xem là kẻ thù số một tại các nước kỹ nghệ. Nếu nhìn vào hình số 2 chúng ta thấy nó tạo ra các chứng bệnh như sau: Làm xuất huyết não (brain hemorrhage) đưa đến sự kích ngất (stroke), Làm cho tim nở lớn và yếu đi, Làm cho thận bị teo lại. Có thể nói tỷ số các nhà làm chính trị, đại thương gia, kiểm soát viên không lưu thường bị chứng huyết áp nhiều hơn người làm các ngành khác vì họ phải đối phó với nhiều vấn đề bất ngờ, và thường đưa đến hậu quả bị kích ngất (stroke), tim ngưng đập cấp tính (heart attack)...
Phản ứng thoải mái
Chúng ta đã biết hệ thống đối giao cảm tạo ra một phản ứng quá độ: phản ứng buông xả (relaxation response). Khi phản ứng này xuất hiện, ta thấy các hiện tượng sau đây xảy ra:
- Tim đập chậm lại,
- Phổi thở chậm lại, điều hòa,
- Máu chảy chậm lại,
- tiêu thụ các chất dinh dưỡng trong máu chậm lại (metabolism: biến dưỡng, sự chuyển hóa chất đường, mỡ và đạm thành năng lượng).
- Làn sóng Alpha của não bộ gia tăng.
Phản ứng buông xả thoải mái đó đưa chúng ta trở về trạng thái bình thường trước đây và giúp cơ thể của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Ðiều này mỗi chúng ta đều có kinh nghiệm sau những phút giây căng thẳng vì xúc động trước các biến cố xảy ra trong đời sống chúng ta như khiếp sợ, tức giận, lo lắng quá mức, v.v...
Cơ thể tạo phản ứng thoải mái
Trước đây các nhà thần kinh học cho rằng vì hệ đối giao cảm thuộc vào hệ thống thần kinh độc lập, không tùy thuộc vào ý chí của chúng ta nên không thể tạo ra sự thoải mái theo ý muốn được. Ngày nay các chuyên gia thần kinh và tâm lý học sau các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm lại nhận thấy kết luận trên là sai lầm: Chúng ta có thể tạo ra phản ứng thoải mái bằng cách ngồi thiền.
Trong các cuộc nghiên cứu, Bác sĩ Benson thuộc viện Ðại Học Y Khoa Harvard và cũng là giám đốc phòng nghiên cứu thuộc bệnh viện Beth Israel Hospital tại Boston, thuộc tiểu bang Massachusetts, đã tìm thấy lợi ích lớn lao của Thiền trong việc làm giảm trừ các căng thẳng.
Bác sĩ Benson đối chiếu các phương pháp Thiền hiện đang được hàng triệu người Hoa Kỳ tu tập và thấy hiệu quả như sau: giảm mức tiêu thụ dưỡng khí, giảm nhịp thở, giảm nhịp tim, giảm áp huyết, và tăng làn sóng Alpha nơi não bộ.
Thiền Siêu Thoát (Transcendental Meditation gọi tắt là T.M.) là do một vị đạo sư người Ấn tên là Maharishi Mehesh Yogi đã đến xứ Hoa Kỳ dạy đạo. Vào thập niên 60, Thiền Siêu Thoát rất thịnh hành, có trên 2 triệu người Mỹ đang thực hành loại thiền này. Họ đóng tiền theo học các khóa hướng dẫn. Thiền Du Già (yoga) cũng phát xuất từ Ấn Ðộ vào thời xưa. Các đạo sư (Guru) Ấn Ðộ Giáo truyền bá phương pháp này.
Riêng về thiền Phật Giáo thì như chúng ta đã biết, theo giáo sư Harnand, trong tác phẩm Mùa Xuân của Phật Giáo Hoa Kỳ, cho thấy có 2 triệu Phật tử Hoa Kỳ cùng 6 triệu người Mỹ thuộc các tôn giáo khác nhau như Tin Lành, Công Giáo, Chính Thống Giáo (Orthodox), Do Thái Giáo và Hồi Giáo tu Thiền Phật Giáo (Zen Buddhism)
Số tăng sĩ người Hoa Kỳ xuất gia với các Thiền Sư làm môn đệ tu tập trong các Thiền viện tại Hoa Kỳ hiện nay có trên 100 người. Ðó là chưa kể một số khác đông nam nữ người Hoa Kỳ hiện đang tu tập tại Nhật Bản, Ðại Hàn, Miến Ðiện, Thái Lan, Tích Lan, Ấn Ðộ trên hơn 10 năm qua sẽ trở về Hoa Kỳ để hướng dẫn môn sinh.
Tại sao có sự quay về với đạo Phật một cách thầm lặng nhưng vững chải như thế tại các nước Mỹ và Âu Châu? Ðạo Phật, nhất là Thiền Phật Giáo đã mang đến cho nhiều thanh niên Hoa Kỳ một thức ăn tinh thần nào mà họ đã bừng dậy giữa cơn mê vật chất?
Tinh thần của người Hoa Kỳ là tinh thần thực dụng (pragmatism): Chuộng sự giản dị, thực tế, ứng dụng dễ dàng và đem lại kết quả tốt. Do đó, chúng ta thử thực hành cách thiền giản dị nhất để thấy ngay kết quả thay vì phải giải thích trừu tượng.
Thiền giản dị
Bác sĩ Benson, sau khi nghiên cứu các loại Thiền khác nhau, đã chọn một phương pháp Thiền hết sức giản dị. Bạn ngồi trên ghế thoải mái rồi:
- Nhắm mắt lại,
- Buông xả mọi bắp thịt,
- Thở bằng mũi và chú tâm theo dõi hơi thở vào và thở ra. Khi thở ra nói thầm M-ộ-T (kéo dài một tí). Thở đều và tự nhiên, không cần cố gắng kéo dài.
- Tiếp tục như thế từ 10 đến 20 phút. Sau đó từ từ mở mắt ra, cử động nhẹ nhàng và đứng dậy.
- Ðừng quan tâm đến việc mình đã thành công hay thất bại trong việc ngồi thiền. Ðể cho sự buông xả tự nó xuất hiện một cách tự nhiên.
Các bạn nếu chưa đi thiền viện hoặc ngôi chùa nào để tập Thiền thì có thể sử dụng phương pháp trên. Nếu trong địa phương bạn cư ngụ có thiền viện hay chùa thì chúng ta nên đến đó tu tập. Các nơi này thường có chương trình tọa thiền mỗi ngày hay hàng tuần, có các thiền sư hay quý thầy hướng dẫn thiền tọa và trả lời các câu hỏi cần thiết. Trong trường hợp chúng ta thấy các ảo giác (illusion...) như thấy mình trở thành to lớn, thấy các loại ánh sáng, mơ màng thấy mình bay trên không, v.v... thì họ sẽ giải thích rõ ràng về các ma chướng ấy (các ảo giác gây trở ngại) vốn không có thật để giúp chúng ta vững tiến và an tâm tiến bước dũng mãnh hơn trên đường tu tập an vui. (Những người bị bệnh tim, áp huyết, v.v... vẫn được bác sĩ khuyến cáo là phải tiếp tục chữa trị tại bệnh viện song song với việc hành thiền).
Thật ra, đôi lúc thấy một vài ảo giác như trên không có gì đáng quan tâm. Chỉ khi nào chúng ta dính mắc (attach) vào các ảo giác ấy, muốn tìm cách trốn tránh đời sống thực tế trong các ảo giác ấy thì chúng trở thành nguy hiểm cho đời sống lành mạnh của mình. Cho nên các vị Thiền sư thường dạy các đệ tử tuyệt đối không được tưởng tượng thấy mình bay lên không hay chui xuống đất hoặc thấy mình làm các phép lạ khi ngồi thiền. Các hình ảnh đó xuất hiện khi tâm ta không được tỉnh táo, đó chỉ là ảo giác (ảnh giả) chứ không phải thiệt, mà Ðức Phật nói rõ trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Ðừng để ý nếu chúng xuất hiện, để tâm vào hơi thở, thì ảo giác tan biến ngay.
Các trung tâm thiền và ngôi chùa
Có rất nhiều trung tâm Thiền và chùa chiền rải rác khắp Hoa Kỳ. Tại California có 320 ngôi chùa, thiền viện và giảng đường. Các tiểu bang còn lại có tổng số là 258. Một cách tổng quát, ngoài Tịnh Ðộ Tông hiện có bốn tông phái Phật giáo đang tổ chức các khóa tu tập thường xuyên: Mật Tông, Lâm Tế, Tào Ðộng và Nam Tông (Nguyên Thủy - Theravada). Ngoài ra, Phật giáo Việt Nam đã góp mặt với Ðại Học Ðông Phương do Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân sáng lập, tu viện Kim Sơn do Thượng Tọa Thích Tịnh Từ xây dựng và điều hành cùng Ðại Tùng Lâm do Thượng Tọa Trí Hiền xây dựng.
Thiền viện ngoại quốc
Chúng ta có thể nhìn sơ lược một vài trung tâm Thiền điển hình như sau:
Thiền Viện Dòng Lâm Tế: Theo lời mời của một số đệ tử Hoa Kỳ, thiền sư Soju Sasaki đã đến vùng California vào thập niên 1950 và dạy thiền cho họ. Sau đó họ đã tạo mãi được một cơ sở của Hướng Ðạo Hoa Kỳ ở trên ngọn núi Mount Baldy làm Thiền viện. Nơi đây cảnh trí rất hùng vĩ với núi đá và cây thông, tùng cao lớn. Có một số đệ tử Hoa Kỳ thường xuyên tu tập, mỗi năm vào mùa hè và đông. Họ tổ chức các Tuần Quán Niệm cho rất nhiều người Mỹ tu khắp nơi đến tu. Dòng Lâm Tế nổi tiếng với kỷ luật cứng rắn như quân kỷ và đòi hỏi thiền sinh phải nỗ lực tối đa nên đa số người về tu tập là các thanh niên và trung niên, chấp nhận mối thử thách gian khổ.
Thiền Viện Dòng Tào Ðộng: Trung tâm Thiền San Fransisco (San Francisco Zen Center). Ngoài trung tâm Thiền ở Los Angeles do Thiền sư Maezumi lãnh đạo thuộc phái Tào Ðộng, Trung Tâm Thiền này do Thiền sư Shunryu Suzuki thành lập (Thiền sư Shunryu Suzuki khác với nhà học giả kiêm hành gia Daisetz Suzuki nổi tiếng với các tác phẩm Thiền. Một số tác phẩm này được cụ Trúc Thiên dịch ra tiếng Việt vào năm 1959.) Sau đó phát triển thêm các chi nhánh khác như Thiền Viện Tassajara ( nơi mà thống đốc California Jerry Brown nhiều lúc đến tọa thiền khi còn tại chức), thiền sơn Zenshinji, quán ăn chay nổi tiếng ở San Fransisco, v.v...
Thiền Mật Tông: Thiền viện do các nhà tu Tây Tạng sáng lập. Có rất nhiều vị Lạt Ma (Lama) Tây Tạng dạy đạo tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ. Có hai trung tâm nổi tiếng là Trung Tâm Thiền Nyingmapa Meditation Center ở San Francisco và trường Ðại Học Phật giáo ở Colorado.
Ðạo sư Tarthang Tulku theo truyền thống Cổ Phái (Nyingmapa) hiện là người điều hành trường Ðại Học Phật Giáo trong tinh thần phối hợp Trí Tuệ Giác Ngộ và Khoa Học Hiện Ðại. Các tác phẩm đó đã trở thành rất nổi tiếng và được giảng dạy trên 40 trường đại học. Ngoài ra các tác phẩm này cũng được dịch ra tiếng Pháp, Ðức, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Phần Lan..., cùng rất nhiều ngôn ngữ để giảng dạy tại các trường đại học nổi tiếng, như đại học Heidelberg ở Ðức, đại học Sorborne ở Pháp, v.v...
Cố sư trưởng Mật Giáo Chogyam Trung Pa, qua đời tháng 6 năm 1989, thuộc phái Kargyutpa (phái áo vải truyền thừa từ ngài Bồ Tát lừng danh Milarepa) xây dựng một viện đại học Phật Giáo Tây Tạng tại tiểu bang Colorado giảng dạy Phật Pháp và thực hành Thiền. Chương trình Shambala là một chương trình tu tập đặc biệt do vị sư trưởng này soạn thảo.
Thiền Nam Tông: Các Thiền viện Nguyên thủy (Theravada) do các vị thiền sư Nam Tông Tích Lan, Miến Ðiện và Thái Lan thành lập nhiều nơi trên nước Mỹ. Một số lớn Thiền viện Nam Tông ở vùng California do các vị Thượng Tọa và Ðại Ðức Miến Ðiện, Tích Lan và Thái Lan điều hành. Riêng về phía người Việt Nam, Thượng Tọa Kim Triệu hiện đang hướng dẫn một số các Phật tử VN và ngoại quốc tu Thiền Nguyên Thủy. Theo truyền thống này, các vị Thầy Nam Tông thường lặng lẽ tu hành, ít chú trọng đến sinh hoạt bên ngoài, dồn hết khả năng vào việc sống đạo và hướng dẫn đệ tử tu tập.
Trên đây là vài thiền viện điển hình của các tông phái. Hàng trăm, thiền viện như thế đã có mặt và phát triển tại Hoa Kỳ.
Các Thiền Viện Việt Nam
Viện Ðại Học Ðông Phương: Nhiều người Việt Nam ngạc nhiên khi biết rằng trước biến cố năm 1975, tại Hoa Kỳ đã có một viện Ðại Học Ðông Phương do một tu sĩ Việt Nam làm viện trưởng, cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân. Ngoài việc điều hành Viện Ðại Học này, cố Hoà Thượng Thích Thiên Ân còn dạy về Phật Giáo tại các trường Ðại học ở California: University of California, California State College, UCLA, University of Irvine, Los Angeles, v.v... Mỗi lần Ngài giảng dạy, các sinh viên Hoa Kỳ đứng tràn ra cả phía ngoài để nghe.
Hòa Thượng qua đời năm 1980 để lại bao mối thương tiếc cho đệ tử Việt Nam và Hoa Kỳ. Công việc của Ngài hiện nay được các đệ tử tiếp nối dù bị thu hẹp hơn nhiều so với thời trước.
Tu Viện Kim Sơn: Tu viện Kim Sơn tọa lạc trên 30 mẫu núi đồi thuộc vùng Watsonville, bắc California. Tu viện này do Thượng Tọa Thích Tịnh Từ điều hành. Ngoài số 15 môn sinh thường trú tu tập, tu viện tổ chức các Ngày Quán Niệm hay Tuần Quán Niệm cho các Phật tử và thân hữu đến tu Thiền. Thượng tọa Tịnh Từ chủ trương pháp môn Thiền Tịnh song Tu theo truyền thốngViệt Nam. Ngoài chương trình tu tập và phát triển tu viện, Ngài còn đến nhiều địa phương khác để hướng dẫn Phật tử tu tập.
Ngoài ra Thiền sư Nhất Hạnh trong chương trình hướng dẫn hàng năm trên 20 thiền viện và viện đại học Hoa Kỳ, đã đến hướng dẫn cho Phật tử cùng thân hữu tham dự các Tuần Quán Niệm nơi đây. Thiền sư Nhất Hạnh thành lập Thiền Viện Làng Hồng ở Pháp tu theo truyền thống Thiền Việt Nam, khước từ danh xưng Thượng Tọa hay Thiền sư. Một số các tác phẩm như Trái Tim Mặt Trời, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, Thiền Hành Yếu Chỉ, v.v... đã dịch ra tiếng Ðức, Anh, Pháp, Bồ Ðào Nha, Hòa Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, v.v...
Dòng Tiếp Hiện của Ngài thành lập hiện có nhiều người Hoa Kỳ và Âu Châu tu tập. Với những kinh nghiệm hoạt động xã hội có sẵn, dòng này chủ trương tuyệt đối không sinh hoạt chính trị, chỉ đem từ bi và trí tuệ giúp hàn gắn mối khổ đau và hướng về sự an vui giải thoát trong đời sống bình thường.
Kỳ Viên Tự: Thượng Tọa Kim Triệu là một vị danh tăng Việt Nam thuộc truyền thống Nguyên Thủy (Theravada) hiện hướng dẫn môn đệ tu học tại Kỳ Viên Tự thuộc vùng thủ đô Hoa Thạnh Ðốn và nhiều nơi khác tại Hoa Kỳ. Chính sự lặng lẽ tu hành của Ngài đã thắp sáng ngọn đuốc Phật Pháp tại vùng thủ đô Hoa Kỳ đầy náo nhiệt này. Ðức độ của Thượng Tọa đã cảm hóa rất nhiều Phật tử Việt Nam và Mỹ đến tu tập và lo công việc Phật sự nơi đây. Họ dùng chữ 'Thánh Tăng' khi nói về Ngài. Ðời sống giản dị, đức độ, sự tu tập và hướng dẫn đồ chúng theo ánh sáng giác ngộ Nguyên Thủy đã đưa đến sự cảm mộ ấy. Nếu chúng ta đến tu tập một ngày, mười ngày, một tháng dưới sự hướng dẫn của Ngài theo Pháp Môn Thiền Minh Sát (Vipassana) thì chúng ta sẽ không bao giờ quên các kinh nghiệm tâm linh tỏa sáng.
Trung tâm phật giáo Khuông Việt: Thượng tọa Thích Trí Hiền là viện chủ của Trung Tâm Phật Giáo Khuông Việt. Thượng tọa du học tại Nhật Bản từ năm 1967. Sau đó ngài về Shijuoka tu thiền tại một thiền viện nổi danh của dòng Lâm Tế. Sau khi tu học 13 năm ngài sang Hoa Kỳ xây dựng chùa Pháp Quang, ở vùng Grand Prairie, thuộc tiểu bang Texas và thành lập Ðại Tòng Lâm Phật Giáo VN rộng 106 mẫu đất. Chương trình to lớn này nếu hoàn thành thì sẽ gồm có nhiều cơ sở như Viện Ðại Học Phật Giáo, cơ sở huấn luyện Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử, Thiền Ðường, v.v...
Hiện nay ngài đang hướng dẫn một số thiền sinh Mỹ và Việt Nam tu tập thường xuyên tại chùa Pháp Quang. Trung tâm phát hành bản tin bằng Anh và Việt Ngữ để thông báo chương trình tu tập và hoạt động Phật sự.
Ngoài các Trung Tâm Thiền nói trên, chúng ta có thể đến các chùa Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan hay Ðại Hàn để tham dự chương trình sinh hoạt tu tập. Pháp môn Thiền Tịnh Song Tu là một phương pháp tu hành rất gần gũi với người Phật tử VN. Pháp môn này có đặc điểm là đáp ứng cả nhu cầu tín ngưỡng tâm linh lẫn nhu cầu an vui giải thoát trong đời sống hằng ngày.
Ngoài ra, kể từ khi Bác sĩ Roger Sperry thuộc Viện Nghiên Cứu Kỹ Thuật California (California Institute of Technology) nhận được giải Nobel Y khoa vào năm 1981 về các cuộc nghiên cứu các hoạt động của bán não bộ bên phải và bên trái liên quan đến cảm giác của hai bàn tay phải và trái, sự nhận thức, suy nghĩ, nói năng, sức khỏe, v.v... thì nhiều bác sĩ và tâm lý gia đã căn cứ vào đó mà phát triển những phương pháp trị liệu trong ngành y tế. Một trong các phương pháp đó là gởi những thông điệp tích cực vào vùng vô thức (subliminal learning), ứng dụng vào các ngành thương mại, giáo dục, y khoa, v.v...
Trên thực tế, phương pháp này có tính cách thụ động, thực sự không có hiệu quả bằng một người thành tâm áp dụng pháp môn Thiền Tịnh Song Tu, đưa đến niềm an vui rộng lớn, lâu bền và sâu xa cùng sự thanh tịnh an vui cũng như thành công và phát triển trong cuộc sống hiện tại.
Niềm an vui rộng lớn
Mỗi chúng ta lúc lớn lên ai cũng đi tìm hạnh phúc. Có người tìm về đời sống tôn giáo, sống đời độc thân, an vui nơi chốn Thiền môn. Có người lại gây dựng tình yêu, lập gia đình, có con cái để nối dõi tông đường. Mỗi người chọn một con đường và ai cũng ước mong đạt đến chốn yên vui hạnh phúc.
Nhưng nếu có ai hỏi thế nào là hạnh phúc, và ta có hạnh phúc chưa thì điều ấy có thể làm cho chúng ta bâng khuâng suy nghĩ. Thông thường, chúng ta thấy mình đạt được những gì mình mong muốn thì đó là có cuộc sống hạnh phúc. Nhiều lúc chính chúng ta không biết được mình có hạnh phúc hay không, chỉ nghe người khác thường có ý kiến về đời sống hạnh phúc hay đau khổ của chúng ta và các người chung quanh.
Nếu cho rằng thỏa mãn tất cả những gì mình mong muốn là sống hạnh phúc thì ta cứ thử xem các loại nhu cầu về tinh thần, tình cảm và thể chất chúng ta như thế nào.
Theo nhà tâm lý học Abraham Maslow, thì tất cả nhu cầu con người được xếp vào năm loại chính theo thứ tự đẳng cấp (từ dưới lên trên) như sau: trước hết con người phải thỏa mãn các nhu cầu thể chất như ăn uống đầy đủ, có nơi trú ẩn (nhà cửa), v.v... rồi thì nhu cầu an ninh (không sống trong tình trạng bị đe dọa, khủng bố) mới xuất hiện. Sau đó thì đến nhu cầu thương yêu và nhu cầu kính trọng. Cuối cùng là nhu cầu tự thể hiện (thực hiện khả năng có sẵn nơi mỗi chúng ta).
Sự sắp xếp các nhu cầu theo thứ tự ưu tiên như trên cho ta một ý niệm về sự cần thiết của mọi loại nhu cầu cần phải được thỏa mãn. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhu cầu không xuất hiện theo thứ tự ưu tiên như thế. Có những người có thể chấp nhận đói rét, thiếu tiện nghi, sống kề cận với sự hiểm nguy để thực hiện lý tưởng của họ. Có kẻ lại không màng đến tình cảm hay sự thỏa mãn nghề nghiệp sau khi họ đã đầy đủ thực phẩm, phương tiện cư trú, chuyển vận và an ninh.
Do đó, có thể nói rằng tùy trường hợp, tùy tính tình, tùy sự đòi hỏi của cơ thể mà mỗi người có sự khác biệt trong các thứ tự ưu tiên các nhu cầu cần được thỏa mãn.
Nếu nhìn vào đời sống dân chúng tại Hoa Kỳ, chúng ta thấy hầu như đa số đều có đủ hoặc dư thừa thực phẩm, áo quần, nhà cửa, xe cộ. Tuy vậy, sự an vui hình như không tương xứng với mức độ gia tăng về vật chất này. Các chứng bệnh tâm thần như điên loạn, buồn chán, cùng các thứ nghiện ngập, bạo động, tội ác mỗi ngày một gia tăng. Niềm an vui mà chúng ta kiếm tìm hình như vẫn còn xa vời dù chúng ta có mọi thứ trong tầm tay.
Tình thương yêu rộng lớn
Nếu chúng ta cứ mãi kiếm tìm hạnh phúc bằng những gì bên ngoài mà chúng ta chấp hữu được thì hạnh phúc vẫn còn xa cách.
Chúng ta có thể có của cải, được yêu thương, được sự ngưỡng mộ, v.v... Nhưng điều ấy làm cho ta thấy sung sướng khi nghĩ tưởng đến lúc ban đầu, rồi dần dà ta quen với các niềm vui đó, sự sở hữu đó, và mọi thứ lại trở nên bình thường. Chưa kể nếu mất đi, chúng ta lại đau khổ tiếc nuối.
Có một niềm vui không tùy thuộc và bất cứ vật gì bên ngoài. Có thể đã có những lúc ta thấy lòng mình tràn đầy tình thương yêu, tràn đầy sự ấm áp, tràn đầy sự êm dịu chiếu sáng, rộng lớn bao la. Tình yêu đó bỗng đến mà không chờ đợi, không mong cầu, không nghĩ tưởng, không do một hình ảnh, một ý tưởng, một sự suy tư nào mang đến. Tình yêu đó tự nó hiện hữu, tràn đầy, rộng lớn, không chủ thể đối tượng. Nó như mặt trời tỏa chiếu mười phương thế giới, tràn đầy không phân biệt, ấm áp, êm dịu, ngất ngây trong sự hoan hỉ vô cùng.
Ðó là lúc mà tâm ta chợt buông thả mọi sự tìm cầu, mọi sự so sánh, mọi sự biện minh lý luận. Lúc đó các ý tưởng đã thôi xuất hiện, sự tư duy cũng không còn phân chia, tạo một bức tường ta (chủ thể, ngã) và người, vật (đối tượng, sở). Tất cả những thù hận giận hờn, thương nhớ, vui buồn, tiếc nuối, phân biệt, mâu thuẫn, tranh chấp, v.v... lâu nay quấn quít vào nhau tạo thành một bức tường không thực có đó bỗng tan biến đi. Khi không còn có sự chia cách thì ta và thế giới bên ngoài là một. Từ thế giới rộng lớn, khoảng không gian bao la ấy tình thương yêu và sự hiểu biết chân thật bừng dậy. Tình thương yêu rộng lớn đó (đại bi) cùng sự hiểu biết chân thật ấy (đại trí) là bản thể chân thật của ta, đó là con người thật sự của ta. Bi và trí thuần là một sự an vui, chiếu sáng, tỏa rộng, rỗng lặng nên chứa đựng tất cả mà chẳng có chút nào ngăn ngại.
Ðó chính là nguồn hạnh phúc uyên nguyên, nồng ấm, êm dịu, chiếu sáng, rộng lớn, không có bắt đầu và chấm dứt, ta luôn luôn là niềm an vui rộng lớn đó, niềm hạnh phúc không bờ bến đó, sự nồng ấm chiếu diệu đó.
Trở về nguồn an vui
Thiền giúp ta trở về với niềm hạnh phúc ấy, chốn thiên đàng ta đã đánh mất khi lớn lên rồi mãi lạc xa không còn biết chốn quay về.
Ðức Phật là người đã nhắc nhở chúng ta rất nhiều về điều ấy. Ngài nói rõ về niềm hạnh phúc bao la, chỉ cho chúng ta thấy và dạy cách thực hành.
Sự tích truyền thừa đầu tiên xảy ra khi đức Phật Thích Ca đưa một cành hoa lên và ngài Ca Diếp mỉm cười, và kể từ đó môn đệ của Ngài được khuyến khích nhìn vào bên trong mà tìm ra chân lý tối thượng.
Ðức Phật luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải trực thức (tự mình biết lấy một cách trực tiếp) niềm an vui rộng lớn đó mà không cần phải dùng các triết thuyết, các lý thuyết siêu hình, các lời giải thích biện bạch, những điều suy diễn, lý luận, biện minh theo bất cứ một hệ thống tư tưởng nào. Chính sự nhận biết trực tiếp đó là chìa khóa mở cánh cửa tâm linh rộng lớn nơi chúng ta, giúp chúng ta thấy suốt bản chất của sự khổ đau, oán ghét, tức giận, nhớ mong sầu não nào phát hiện nơi ta. Chúng ta thường gán cho chúng một danh từ (tên) nào đó, giải thích do ai làm cho ta phải bị khổ sở như thế, bực bội như thế, để rồi tiếp tục đắm mình trong khổ não, giận dữ, buồn phiền, thù hận hay đè nén cho lãng quên.
Phiền não quả thật đã tạo ra sự căng thẳng nơi ta, một áp lực bên trong rất khó chịu mà ta muốn loại trừ, và việc quy tội trách móc kẻ khác là điều hay xảy ra như là một phương cách hữu hiệu để cho ta vơi đi sự khổ đau đó. Tuy nhiên, chúng ta biết cách ấy không thật sự giúp ta giải trừ phiền não, khổ đau nên chúng ta tìm về sự thực hành môn giải thoát. Ðức Phật dạy, 'xoay cái nghe mà nghe tự tánh' (phản văn văn tự tánh). Trong mọi hoàn cảnh, phiền não, chúng ta không trốn tránh các cảm giác bức rức, bất an, giận hờn, buồn tủi bằng cách tìm sự giải trí để quên chúng đi, qua các cách tiêu khiển như xem truyền hình, chớp bóng, đọc sách truyện, nói năng bày tỏ hay trách móc thở than, than thân trách phận, v.v... mà chỉ cần lặng lẽ quan sát (ngắm nhìn) và trực nhận (biết trực tiếp) tất cả mọi biến chuyển, rung động, xúc cảm nội tâm. Với sự thấy biết trực tiếp (trực thức) như thế thì tất cả các ý tưởng, các sự biện minh, giải thích, trốn tránh, sợ hãi, bất an hoặc tìm cầu tự chúng dần dần trở nên yên ổn.
Bản tánh chân thật đó luôn luôn hiện hữu nơi mỗi chúng ta. Ðức Phật ra đời chỉ cho chúng ta suối nguồn an vui vô tận mà mỗi chúng ta phải tự mình uống lấy chén nước hạnh phúc đầu nguồn đó. Khi tâm đã tràn đầy tình thương yêu rộng lớn (Bi) thì mọi sự phân biệt, mâu thuẫn, tương tranh, chia cách cũng không còn. Sự tỉnh thức chiếu soi (Trí) tự nó xâm nhập vào thực tánh của vạn vật để thấy biết tính cách thường hằng, rỗng lặng, trong sạch, chiếu sáng của tất cả mọi sự vật, mọi tương giao, mọi chuyển biến, mọi ý tưởng, mọi tình cảm. Với tâm tràn đầy tình thương yêu rộng lớn và sự tỉnh thức chiếu soi đó thì lời Ðức Phật vào ngày Ðản Sanh 'Trên trời, dưới trời, chỉ có mình ta là tôn quý' tự chúng trình bày, hé lộ ý nghĩa: Khi ta sống trong nguồn hạnh phúc rộng lớn vô cùng đó thì toàn thể thế giới này chỉ là một cõi bình an hạnh phúc, mười phương thế giới chỉ là chốn trong sáng an vui, tất cả đều trở thành cái Ta (Một) vô cùng tận, không còn gì tôn quý hơn.
Source: Phat Hoc Magazine, 1997, Kentucky, USA
http://www.win.net/phathoc/