Dịch giả Phạm Kim Khánh
A. Thiền Hành (Cankama)
1. Chuẩn Bị Thiền Hành
Con đường kinh hành (cankama) nên được trải rộng lối 1 thước bề ngang và dài lối 15 thước. Mặt đất nên bằng phẳng không lồi lõm, tránh cho hành giả khỏi lo phải vấp váp hay hụt chân trong khi thiền hành. Người hành thiền đứng ở một đầu con đường, mặt hướng về phía đầu kia; chắp hai tay trước ngực hoặc trước trán, tỏ lòng tôn kính Ðức Phật, và chú nguyện :
"Giờ đây con xin nguyện thực tập Thiền hành. Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Con cũng xin đảnh lễ cha mẹ, các bậc Thầy Tổ và những vị ân nhân. ơc mong rằng con sẽ có thể phát triển chú niệm, tĩnh lặng, và nhận thấy Chân lý một cách rõ ràng. Ngưỡng mong hành động trong sạch này của con sẽ là nguồn gợi hứng cho tất cả chúng sanh, ước mong tất cả mọi chúng sanh mở lượng khoan hồng tha thứ cho nhau, không gây oan trái lẫn nhau. ơc mong tất cả đều được an vui hạnh phúc."
Rồi hành giả buông xuôi hai tay dài xuống bụng, tay mặt úp trên lưng tay trái, nghiêm chỉnh đứng yên. Giữ tâm bình thản, không thỏa thích cũng không bất mãn và chú nguyện:
"Kể từ giờ phút này tôi quyết tâm thực tập thiền hành và gác bỏ qua một bên mọi vọng tưởng."
Rồi hành giả khởi niệm :
1) Chậm rãi thở vào, giữ tâm theo dõi hơi thở và niệm thầm "Bud" (Bút).
Chậm rãi thở ra, giữ tâm theo dõi hơi thở và niệm thầm "dho" (thô).
Chậm rãi thở vào, giữ tâm theo dõi hơi thở và niệm thầm "Dham" (Tham).
Chậm rãi thở ra, giữ tâm theo dõi hơi thở và niệm thầm "mo" (mô).
Chậm rãi thở vào, giữ tâm theo dõi hơi thở và niệm thầm "Sang" (Xẳng).
Chậm rãi thở ra, giữ tâm theo dõi hơi thở và niệm thầm "gho" (khô).
[Chú Thích:
Buddho (Bút-thô) = Phật bảo; Dhammo (Thăm-mô) = Pháp Bảo; Sangho (Xẳng-khô) = Tăng Bảo]2) Niệm như thế độ 10 lần, thỉnh Phật, Pháp, Tăng vững vàng nhập vào tâm.
3) Rồi, không niệm Dhammo và Sangho nữa mà chỉ niệm "Bud-dho", và bắt đầu bước chân theo một trong những phương pháp sau đây :
2. Phương Pháp Thiền Hành Thứ Nhất
Bước một bước, trong khi bước giữ tâm theo dõi và niệm thầm "Bud" (Bút); bước một bước nữa và niệm thầm "dho" (thô). Cứ thế đi dài theo đường kinh hành (cankama). Mỗi khi sự chú tâm của mình không ở trong bước đi hành giả biết rằng mình đã thất niệm, và phải kéo chú niệm (sati) trở về bước đi cho đến khi tâm vững chắc theo dõi mỗi bước. Không nên quá mau hoặc quá chậm, đi như bình thường.
Ðây là phương pháp nhằm khai triển sự gom tâm trong khi đi. Khi đến mút đầu đường kinh hành, hành giả quay trở lai, luôn luôn quay mình về phía tay mặt. Và cứ thế, đi tới đi lui.
3. Phương Pháp Thiền Hành Thứ Nhì
Trong phương pháp này, hành giả theo dõi hơi thở thay vì gom tâm vào bước chân đi. Niệm "Bud" khi thở vào, và "dho" khi thở ra. Hành giả thực hành pháp an trụ tâm bằng cách chăm chú theo dõi hơi thở và dùng hai chữ "Bud-dho" như danh từ parikamma, đề mục hành thiền, hay một chữ làm đối tượng để chú tâm vào. Ðến lúc mệt mỏi hành giả dừng chân lai, đúng yên và tiếp tục chăm chú thầm niệm "Bud-dho", "Bud-dho"như trước.
4. Phương Pháp Thiền Hành Thứ Ba
Theo phương pháp này, hành giả gom tâm vào bất luận phần nào của thân mà mình thấy dễ dàng có thể tập trung chú niệm, rồi dùng điểm ấy làm đề mục hành thiền. Niệm và bản chất "hiểu biết" của tâm (sati và sampajanna, niệm và hay biết rõ ràng) cùng ở chung ở đó.
Ðối với hành giả sơ cơ, hãy tưởng tượng hình dáng của phần ấy: màu sắc như thế nào, nơi đó bằng phẳng, trơn bóng, sần sùi hay sao, nằm ở đâu v.v.. Tưởng tượng, nghĩ tới lui như vậy ít lâu hành giả có thể chú tâm vào nơi đó dễ dàng hơn, dầu nhắm hay mở mắt. Khi đã đủ thuần thục, hành giả có thể di chuyển điểm chú tâm ấy dến một nơi nào khác trong thân và nhìn thấy rằng tất cả những phần trong thân đều có đặc tính căn bản giống nhau. Sự kiện này sẽ giúp làm nền tảng cho trí tuệ, hay tuệ minh sát (vipassana), phát sanh. Phương pháp này không gom tâm theo dõi bước đi, tức không dùng cử động của chân làm đối tượng để chú tâm. Thay vì thế, dùng tên của một phần trong thân như "taco" da, "atthi" xương, làm danh từ parikamma, đề mục hành thiền.
5. Phương Pháp Thiền Hành Thứ Tư.
Theo phương pháp này hành giả gom tâm vào những đối tượng tinh thần -- thô thiển hay vi tế, vừa ý hay làm cho ta bất mãn -- sanh khởi trong tâm. Hãy hay biết sự sanh khởi của những đối tượng tâm linh, nhưng không suy tư nghĩ ngợi về nguồn gốc của nó, vì như vậy cảm giác càng trở nên sâu đậm hơn. Mỗi đối tượng tâm linh đều có nguyên nhân. Hành giả phải đủ thận trọng để nhận thấy rõ ràng nguyên nhân của đối tượng tâm linh và trông chừng xem nó bành trướng như thế nào.
Nguyên nhân ở đây là nguyên nhân bên trong, vốn đã ở tâm. Nhiên liệu đã có sẵn trong tâm: đó là lòng tham, khát khao ham muốn ngũ trần và nhục dục. Từ xa xưa, rất xa xưa trong vô số tiền kiếp, tâm khát khao mong tìm dục lạc trong hình sắc, âm thanh, mùi , vị, và những xúc chạm vừa lòng. Cùng thế ấy, trong kiếp hiện tại tâm thiết tha mong muốn những đối tượng tinh thần "sống động" trong mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Cho đến nay hình sắc, âm thanh, mùi, vị và những xúc chạm của thân gây cảm kích sâu đậm trong tâm và là nguyên nhân từ bên trong đưa đến hành động bằng thân khẩu ý. Khi ta cảm nhận một đối tượng xuyên qua giác quan thì tâm có chiều hướng giữ nó lại và suy tư về điều ấy, cho đến khi nó dính chặt vào tâm.
Ðối tượng tâm linh cùng ở chung với tâm. Như vậy, khi ta gom tâm vào đối tượng tâm linh (pháp), trong thực tế là ta nhìn chính cái tâm của mình. Trong khi quán chiếu nội tâm, ta phải hay biết dúng lúc khi nào tham, sân, si sanh khởi. Phải đủ giác tỉnh để nhận ra ngay kẻ "xâm lăng" nào lẻn vào tâm mình. Làm cho nó dần dần suy nhược và tan biến. Tuy nhiên điều quan trọng là không nên để tâm suy tư về nguyên nhân của đối tượng tâm linh, vốn có thể là hình sắc, âm thanh, mùi, vị hay xúc chạm của thân, bở i vì suy tưởng đến nó có thể làm cho cảm giác càng tăng trưởng mạnh mẽ và có thể gây tổn hại cho tâm nhiều hơn. Phương cách đúng là chỉ gom tâm vào đối tượng (pháp) vừa sanh khởi trong tâm. Chăm chú lưu tâm đến nó cho đến khi nhận thấy rõ ràng thật sự nó là gì. Nó sẽ sớm suy giảm và dần dần tan biến. Ðó là "trận chiến bên trong nội tâm" hay cuộc xung đột giữa niệm và pháp, sự chú niệm và đối tượng tâm linh. Ta sẽ thắng hay bại tùy theo niệm lực của tâm.
Chấm dứt buổi thiền hành, hành giả đứng ở cuối con đường kinh hành (cankamana), quay mặt về phiá cuối đường kia. Rồi chắp hai tay đảnh lễ Ðức Thế Tôn như lúc mới bắt đầu và niệm thầm.
"Con vừa đi kinh hành xong để tỏ lòng trong sạch tri ân Ðức Phật, Ðức Pháp, và Ðức Tăng. Ngưỡng nguyện rằng pháp hành này của con sẽ đem lại phước báu cho con, cho cha mẹ con, thầy tổ con và những thân bằng quyến thuộc của con. Con cũng xin hồi hướng công đức này đến chư Thiên, những con thú lớn nhỏ và tất cả những ai xem con là thù nghịch."
Sau đó hành giả vẫn giữ chánh niệm, từ từ tiếp tục đi đến nơi ngồi lại Thiền Tọa.
B. Thiền Tọa
1. Chuẩn Bị Ngồi Thiền
Tọa cụ để ngồi phải gọn ghẽ và sạch sẽ, nhằm giúp hành giả khỏi e ngại trong khi ngồi thiền. Ðể bắt đầu, hành giả đảnh lễ Ðức Thế Tôn và đọc một vài bài kinh, dài hay ngắn tùy ý. Ðọc kinh xong, hồi hướng công đức ấy đến chính mình rồi đến tất cả mọi chúng sanh, ước mong rằng tất cả đều an vui hạnh phúc. Sau đó người tại gia cư sĩ đọc kinh thọ ngũ giới, tự thanh lọc thân khẩu để vững lòng gom tâm an trụ.
Ðây là phương cách nhằm loại trừ mọi lo âu về những hành động và lời nói bất thiện của mình trong quá khứ. Vào lúc bấy giờ hành giả phải tin chắc nơi công phu nghiêm trì giới luật của mình và hãy quên đi những hành động bất thiện trong quá khứ. Hành giả nên hồi nhớ những nghiệp thiện mà mình đã tạo như bố thí, trì giới, hay có ý nghĩ đại độ khoan hồng với kẻ khác v. v... để đặt tâm vào trạng thái an lạc.
2. Chú Nguyện Nghiêm Trì Tam Quy và Ngũ Giới.
Tự nguyện nghiêm trì Ngũ giới bằng cách đọc lại những câu Pali như sau:
Namo tassa Bhagavato Arahato Sammasambudhassa
Namo tassa Bhagavato Arahato Sammasambudhassa
Namo tassa Bhagavato Arahato SammasambudhassaBuddham saranam gacchami
Buddham saranam gacchami
Buddham saranam gacchamiDutiyampi Buddham saranam gacchami
Dutiyampi Buddham saranam gacchami
Dutiyampi Buddham saranam gacchamiTatiyampi Buddham saranam gacchami
Tatiyampi Buddham saranam gacchami
Tatiyampi Buddham saranam gacchami
Panatipata veramani sikkhapadam samadiyami
Adinnadana veramani sikkhapadam samadiyami
Kamesu micchacara veramani sikkhapadam samadiyami
Musavada veramani sikkhapadam samadiyami
Sura meraya-majja pamadatthana veramani sikkhapadam samadiyami
Những vị không quen thuộc với tiếng Pãli có thể đọc như sau :
Lạy Phật:
Con đem hết lòng thành kính làm lễ Ðức Thế Tôn. Ngài là bậc A La Hán cao thượng, chứng quả Chánh Biến Tri do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy. (3 lần)
Quy Y Tam Bảo:
Con đem hết lòng thành kính quy y Phật
Con đem hết lòng thành kính quy y Pháp
Con đem hết lòng thành kính quy y TăngCon đem hết lòng thành kính quy y Phật, lần thứ nhì
Con đem hết lòng thành kính quy y Pháp, lần thứ nhì
Con đem hết lòng thành kính quy y Tăng, lần thứ nhìCon đem hết lòng thành kính quy y Phật, lần thứ ba
Con đem hết lòng thành kính quy y Pháp, lần thứ ba
Con đem hết lòng thành kính quy y Tăng, lần thứ ba
Ngũ Giới:
1. Con nguyện vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh.
2. Con nguyện vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp.
3.Con nguyện vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự tà hạnh.
4.Con nguyện vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời nói dữ, chửi rủa mắng nhiếc, nói lời vô ích.
5.Con nguyện vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự dễ duôi uống rượu, và dùng các chất say.
Hành giả phải thành thật với chính mình và thật lòng chú nguyện. Ðó là thọ giới theo đúng phương cách. Sau đó hành giả đọc câu kinh Pãli sau đây ba lần :
Imãni panca sikkhãpadãni samãdiyãmi cetanãham sĩlam vadãmi. (3 lần)
(Con thành tâm nghiêm trì năm điều giới luật)
Rồi khấu đầu lạy ba lạy để tỏ lòng tôn kính Ðức Phật, Ðức Pháp và Ðức Tăng. Ðối với hàng xuất gia, Tỳ khưu và Sa di, hãy vững chắc trong sạch theo giới luật (vinaya). Không nên để cho điều này làm cho mình bàng hoàng lo sợ trong khi hành thiền.
Giờ đây, hành giả đã sẵn sàng ngồi lại hành Thiền. Nhớ rằng thiền tọa có thể được thực hành trước, hoặc sau thiền hành. Hoặc giả, nếu không thuận tiện, có thể chỉ ngồi Thiền mà không kinh hành cũng được.
Ðối với nam giới, có thể đặt chân mặt lên vế trái trong khi ngồi Thiền. Nữ giới có thể ngồi giống như Nam giới cũng được, hoặc ngồi bỏ hai chân ra phiá sau (như lối ngồi thông thường của người phụ nữ Thái). Ðiều quan trọng là chọn tư thế ngồi thoải mái.
Giờ đây thong thả và chắp hai tay lên trước ngực hay trước trán để tỏ lòng tôn kính Ðức Thế Tôn và thành tâm chú nguyện :
"Giờ đây con xin nguyện thực tập Thiền Tọa. Con hết lòng thành kính đảng lễ Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Con cũng xin đảnh lễ cha mẹ, các bậc cha mẹ, các bậc Thầy Tổ và những vị ân nhân. ơc mong rằng con sẽ có thể phát triển chú niệm, tĩnh lặng, và nhận thấy Chân lý một cách rõ ràng. Ngưỡng mong hành động trong sạch này của con sẽ là nguồn gợi hứng cho tất cả chúng sanh, ước mong tất cả mọi chúng sanh mở lượng khoan hồng tha thứ cho nhau, không gây oan trái lẫn nhau. ơc mong tất cả đều được an vui hạnh phúc."
Rồi đặt ngửa hai bàn tay lên vế, tay mặt trên tay trái. Giữ thân mình ngay ngắn. Chăm chú nhìn thẳng vào nội tâm. Không nên để tâm phóng ra ngoại cảnh bởi vì nhìn ra ngoài nó sẽ mở đường cho tham vọng, oán hờn, sân hận v.v... xâm nhập vào tâm, gây tình trạng chán nản, mất tinh thần, bất mãn và áy náy bồn chồn. Hãy niệm thầm: "Giờ đây ta nguyện ngưng tất cả mọi suy tư về những sự việc bên ngoài và luôn luôn giữ tâm trong hiện tại".
3. Phương Pháp Tọa Thiền Thứ Nhất
1) Chậm rãi thở vào, giữ tâm theo dõi hơi thở và niệm thầm "Bud" (Bút).
Chậm rãi thở ra, giữ tâm theo dõi hơi thở và niệm thầm "dho" (thô).
Chậm rãi thở vào, giữ tâm theo dõi hơi thở và niệm thầm "Dham" (Tham).
Chậm rãi thở ra, giữ tâm theo dõi hơi thở và niệm thầm "mo" (mô).
Chậm rãi thở vào, giữ tâm theo dõi hơi thở và niệm thầm "Sang" (Xẳng)
Chậm rãi thở ra, giữ tâm theo dõi hơi thở và niệm thầm "gho" (khô).
[Chú Thích:
Buddho (Bút-thô) = Phật bảo, Dhammo (Tham-mô) = Pháp Bảo, Sangho (Xẳng-khô) = Tăng Bảo]
2) Rồi, không niệm Dhammo và Sangho nữa mà chỉ niệm "Bud-dho". Thở tự nhiên như thường, không dài hay ngắn hơn cũng không mạnh hay yếu hơn thường.
Chú tâm vào hai chữ "Bud" và "dho" và hơi thở. Luôn luôn giữ chánh niệm. Không nên để tâm phóng nhảy hoang dại. Hãy ghi nhớ: Thở vào niệm "Bud" (Bút); thở ra niệm "dho" (thô).
Phải theo dõi, niệm ngay trong lúc thở vào hay thở ra, luôn luôn sống trong hiện tại. Bất luận lúc nào ta không thận trọng chú niệm -- thí dụ như chưa thở vào mà đã niệm trước "Bud" -- là đã thất niệm. Mỗi khi thở ra mà không đặt hết tâm theo dõi và không niệm cùng lúc "dho" là chú niệm bị gián đoạn. Như vậy ta phải vững chắc chú tâm vào hơi thở cùng với danh từ parikamma thích nghi. Hãy lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi trở nên thuần thục. Một hành giả đã thuần thục có thể giữ tâm niệm vào hơi thở và danh từ parikamma khá lâu.
Ðây là một phương pháp có hiệu nghiệm. Mỗi khi thất niệm là hành giả hay biết liền. Vào lúc ban sơ có thể xem hình như khó, nhưng khi thực hành thương xuyên sẽ thấy dễ dàng. Ðây là phương cách tăng cuờng chú niệm và bản chất "hay biết" của tâm, dùng hơi thở làm đối tượng của sự chú tâm. Khi đã thuần thục, hành giả có thể bỏ hai danh từ parikamma và chỉ giữ tâm theo dõi hơi thở. Tâm được rèn luyện bằng cachnầy sẽ kinh nghiệm trạng thái vắng lặng càng lúc càng nhiều, và niệm ngày càng cũng chắc.
4. Phương Pháp Tọa Thiền Thứ Nhì.
Theo phương pháp này hành giả không dùng hai danh từ parikamma "bud" và "dho" nữa. Chỉ gom tâm chăm chú vào hơi thở mà thôi. Hay biết luồng hơi thở, lúc ban đầu nặng, và theo dõi xem chừng cho đến khi cảm nghe nó nhẹ. Hay biết khi hơi thở nhẹ và theo dõi, càng lúc càng nhẹ hơn cho đến khi thật vi tế. Vào lúc này tâm đã đạt đến trạng thái ekaggata, nhất điểm. Hơi thở nhẹ là dấu hiệu tâm vi tế. Khi ở vào trạng thái này hành giả có thể kinh nghiệm nhiều ấn chứng tâm của vắng lặng, như cảm thấy thân mình, tay chân mình, hay đầu, hình như to lên. Nếu thấy vậy, không nên lo sợ. Hãy cứ tiếp tục gom tâm niệm hơi thở vi tế -- không cần niệm gì khác hơn là hơi thở của mình. Khoảng năm phút, cảm giác thấy mình phình lên sẽ tan biến. Trong những trường hợp khác, vài hành giả cảm nghe mình cao lên, vài người thấy mình lùn xuống; vài người thấy mình quay tròn, cũng có người thấy mình nghiêng ngửa bên này hay bên kia. Chỉ cột tâm gắn bó vào hơi thở. Hãy lờ đi những hình thức biểu lộ khác nhau của tâm. Nó phát sanh rồi sẽ hoại diệt.
Ðôi khi hơi thở vi tế đến nỗi hình như tan biến đi. Có người đến giai doạn này thì sợ chết, xuất ra khỏi Thiền. Trong thực tế đây là dấu hiệu cho thấy rằng tâm đã an định đầy đủ. Không nên sợ. Chỉ tiếp tục gom tâm theo dõi hơi thở vi tế -- không có gì khác -- cho đến cuối cùng không còn nghe hơi thở gì hết. Vào thời điểm này hành giả cảm nghe như không còn thân nữa. Chỉ còn bản chất "hiểu biết" của tâm. Ðôi khi một ít ánh sáng phát hiện quanh mình, mặc dầu không có thân. Ánh sáng này phát lộ bản chất thật của tâm"hiểu biết". Ánh sáng và trạng thái thanh thoát nhẹ nhàng của tâm vào lúc bấy giờ quả thật là kinh nghiệm vô cùng thần diệu trong đời. Trên thế gian này không gì có thể so sánh. Trạng thái tĩnh lặng này kéo dài độ 10 phút, và hành giả nghe hơi thở trở lại. Hạnh phúc thanh bình an lạc của thân và tâm mà hành giả vừa chứng nghiệm, không có gì trong đời sống hàng ngày có thể tương tợ. Thân vắng lặng, tâm vắng lặng, hạnh phúc kỳ diệu nầy làm cho những vị hành giả kém trí tuệ có chiều hướng mê say, muốn lặp đi lặp lại chìm đắm trong đó. Nhưng người có được rèn luyện, có tu tập phân biện đầy đủ sẽ quán chiếu nó và suy niệm với trí tuệ, dùng trạng thái tâm định ấy làm nền tảng để phát triển trí tuệ, càng lúc càng thêm lên. Các vị nầy không luyến ái, bám níu vào hạnh phúc của tâm vắng lặng, mà dùng tâm định như một dụng cụ để phát triển thêm trí tuệ.
Nơi đây Sư muốn gợi ý quý vị đọc giả quyết tâm hành thiền vắng lặng với lòng ước mong rằng "Ðịnh" sẽ đương nhiên sanh "tuệ". Nếu quý vị chưa bao giờ suy niệm phân biện những sắc thái khác nhau của Giáo Pháp, dầu tâm định của quí vị đã được phát triển đến mức toàn hảo, nó chỉ đem lại hạnh phúc cho thân và tâm. Phát triển đến một mức độ nào, vài người có thể đắc thần thông (abhinnã, những năng lực siêu phàm) như có khả năng biết những diễn biến quá khứ và vị lai, khả năng thấy sự vật ở xa bằng "thiên nhãn", hay nghe được từ xa bằng "thiên nhĩ", hoặc có năng lực làm được những việc phi thường, như đọc tâm người khác hay đọc tâm loài thú. Ðã có những năng lực phi thường ấy họ dễ dàng có thể khoe khoang rằng mình đã đắc quả A La Hán.
Vào thời Ðức Phật có 30 vị Tỳ Khưu hành thiền đến mức toàn định. Các Ngài chứng nghiệm hạnh phúc được thân và tâm thanh bình an lạc trong nhiều ngày và chắc chắn rằng mình đã tận diệt mọi nhiễm ô, ái dục và vô minh, đã trở thành A La Hán. Rồi các vị ấy muốn bạch lại cho Ðức Phật biết. Khi Ðức Phật hay các vị nầy đến thì bảo Ðức Ananda ra đón trước ngỏ, dặn các Ngài rằng trước khi vào yết kiến Ðức Phật hãy vào nghĩa địa. Ðược lệnh, ba mươi vị tỳ khưu vào nghĩa địa (*). Lúc bấy giờ có một thiếu nữ xinh đẹp vừa mới chết và được bỏ lõa thể trong nghĩa địa. Xác chết xem hình như một phụ nữ đang ngủ. Lúc ban đầu, các nhà sư nhìn vì tánh tò mò, nhưng rồi dục vọng nổi dậy! Ðến đây các ngài ngượng ngùng nhận thức rằng mình chưa phải là A La Hán, bởi vì tâm mình vẫn còn khát vọng, ái dục và vô minh. Rồi các Ngài suy niệm về sự việc vừa xảy diễn, lặp đi lặp lại cho đến khi tất cả 30 vị đều chứng đắc đạo quả A La Hán, ngay tại đó, trong nghĩa địa.
[ * Lời người dịch: Vào thời Ðức Phật không có phong tục chôn cất hay hỏa thiêu người chết, mà đem bỏ ở nghĩa địa. Chư Tăng thường vào bãi tha ma nhìn xác chết sình thúi, rục rã, bị giòi rỉa, đục khoét v..v.. lấy đó làm đề mục hành thiền, niệm về sự chết.]
Ðấy, quí vị cò thể thấy thiền vắng lặng có thể phỉnh lừa ta như thế nào. Trong thời Ðức Phật có rất nhiều trường hợp tương tự như chuyện 30 vị Tỳ khưu. Nếu câu chuyện này xảy diễn vào thời nay ắt ba mươi vị Tỳ Khưu không có cơ hội để sửa sai, và sẽ mang lốt A La Hán giả hiệu suốt kiếp sống. Ngày nay không có xác chết còn tươi bỏ nằm trong nghĩa địa. Vậy, những ai nhẫn nại thực hành thiền vắng lặng với lòng mong chờ trí tuệ phát sanh đến tâm định hãy dừng chân lại, bình tâm suy gẫm. Vào thời Ðức Phật có vị sư nào chỉ hành thiền vắng lặng mà chứng đắc Ðạo quả A La Hán không? Sự thật là tất cả các vị A La Hán trong quá khứ đều phải hành thiền Minh Sát để phát triển trí tuệ.
Ngày nay vẫn còn nhiều vị thiền sư tài giỏi. Các vị này thực hành xen kẽ Thiền Vắng Lặng (Samatha) và Thiền Minh Sát (Vipassana). Sau khi xuất ra khỏi thiền vắng lặng, quán chiếu và minh sát sự vật đến Chân Lý cùng tột: tức đau khổ, vô thường và vô ngã. Các vị này không đợi chờ trí tuệ tự nó đương nhiên phát sanh. Vậy, quí vị phải nhận thức sự khác biệt giữa các phương pháp và tùy theo đó mà thực hành. Không có trái dừa ắt không thể nào trồng cây dừa, dầu có chuẩn bị đất đai hoàn bị như thế nào. Muốn có đúng cây phải gieo trồng đúng hột.
5. Phương Pháp Tọa Thiền Thứ Ba
Theo phương pháp này, hành giả gom tâm vào một điểm trong thân. Hãy chọn bất luận phần nào dễ dàng cho mình hình dung, rồi vững chắc đặt chú niệmvà bản chất "hiểu biết" của tâm vào nơi ấy. Hơi thở và những danh từ parikamma chỉ đóng vai trò tán trợ. Tập trung tâm vào một phần của thân cho đến khi tâm nhận thấy rõ ràng và tường tận phần này. Nếu còn lưu tâm lo lắng về hơi thở và những danh từ parikamma, hành giả sẽ bị sao lãng và không thể thấy rõ đề mục. Phần trong thân được chọn có thể là cái thẹo, có thể ở phía trước hay phía sau lưng. Hoặc bất luận phần nào mà hành giả cảm thấy dễ dàng gom tâm vào. Trước tiên, nghĩ đến phần ấy nằm ở chỗ nào trong thân, màu gì và hình dáng ra sao. Nếu không thấy được rõ ràng, đó là vì sự quyết tâm và chú niệm của hành giả chưa đủ vững chắc. Tốt hơn hết nên chọn một phần nhỏ để chỉ gom tâm vào điểm ấy, giống như ta chú tâm vào cái lỗ của cây kim để xỏ chỉ.
Trước tiên hành giả tưởng tượng một đốm nhỏ trong thân mình. Làm như vậy và lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi tâm nhận thấy một cách tự nhiên và tức khắc. Giờ đây hành giả có thể suy niệm như thế nào tùy ý: thí dụ như thấy nó hư thúi, mục nát, tách rời nó ra khỏi xương v..v... Ðây có thể làm nền tảng cho sự suy niệm nhằm phát triển trí tuệ. Phương pháp chú tâm vào một phần trong thân tạo cho tâm một điểm để nghỉ ngơi. Cũng giống như chim, sau khi bay đầu nầy đầu kia, cần một nhánh cây để dưỡng cánh. Tâm luôn luôn bay nhảy. Ðến lúc mệt mỏi cũng cần một điểm nào trong thân để làm nơi an nghỉ.
6. Phương Pháp Tọa Thiền thứ Tư
Theo phương pháp này, hành giả gom tâm vào những đối tượng của tâm, giống như trong phương pháp thiền hành thứ tư, chỉ khác ở chỗ là lần này hành giả ngồi, thay vì đi, thân mình không có cử động và không làm cho tâm sao lãng như khi thiền hành. Tâm có thể tập trung vào đề mục dễ dàng hơn nhiều. Hành giả giác tỉnh hay biết khi tâm hạnh phúc, đau khổ hay vô ký, hay biết khi khát vọng và ái dục khởi sanh. Biết trạng thái sanh diệt của những cảm giác (thọ). Hay biết cái gì là nhân và điều gì là quả. Ghi nhận rằng tất cả đều liên tục tiếp diễn trong một vòng quanh, từ quá khứ đến hiện tại và vị lai. Nhân trổ quả, quả trở thành nhân, và cứ thế xoay vần vô cùng tận. Vài cảm thọ đã xưa cũ từ lâu mà ta vẫn còn xem như mới, bởi vì không hay biết vòng quanh tiếp diễn của nhân và qua. Chúng ta thật sự bị kéo lôi, lăn trôi trong bánh xe của đời sống vì say mê lầm lạc trong những suy tư tưởng tượng này. Ô nhiễm ái dục và vô minh là nguyên nhân làm phát sanh thương và ghét, tiềm tàng ẩn hiện trong tâm.
Trau giồi chú niệm bằng cách dùng những đối tượng của tâm (pháp) làm đề mục hành thiền là một lối thực hành thích ứng để suy luận về định luật nhân sanh quả trong những sự việc xẩy ra trong đời sống. Ðã hiểu biết các đối tượng tâm linh phát sanh như thế nào, ta có thể tìm phương cách để cắt đứt dòng trôi chảy của ô nhiễm và ái dục, hay chận ngang nhịp cầu mở đường cho ái dục và ô nhiễm xâm nhập vào tâm. Nếu không biết nguyên nhân ắt không biết làm thế nào để ngăn ngừa hậu quả. Muốn dao được sắc bén, phải mài dũa. Muốn không bị nóng phải dặp tắt ngọn lửa. Vậy, muốn loại trừ đau khổ, phải tận diệt nguyên nhân sanh ra nó.
Cũng như hơi nóng cùng ở với ngọn lửa, đối tượng tâm linh cùng ở chung với tâm. Vậy muốn thấy tâm mình, hãy nhìn các đối tượng tâm linh, Hãy niệm, theo dõi đối tượng tâm linh khi nó vừa sanh khởi. Hãy trông chừng nhìn đủ lâu, chí đến khi nhận ra nguyên nhân sanh ra nó. Rồi dừng lại không nhìn nữa, mà phân tích. Giống như ra trận địa: Khi chiến sĩ vừa nhận ra quân địch thì không còn đi tìm nữa mà tức khắc nổ súng. Khi người thợ săn nhìn thấy con mồi thì nhanh chóng nhắm bắn. Khi thấy vật gì bị cháy thì ta vội vã dặp tắt ngọn lửa.
Ðây là phương pháp phân tích và biện giải nhằm diệt trừ ô nhiễm và ái dục -- vốn là nguyên nhân làm sanh khởi lòng khao khát nhục dục ngũ trần -- và giúp trí tuệ phá tan vòng luân hồi, sanh tử vô cùng tận. Phương pháp này giúp hành giả khám phá "tổng hành dinh" của ô nhiễm và ái dục. Trí tuệ, ý chí cương quyết và hạnh tinh tấn chuyên cần cùng chung hợp lại, mở cuộc tấn công oanh tạc khủng khiếp và phá tan "trụ sở trung ương" này. Trong một trận đấu quyền thuật, người võ sĩ cố tìm nhược điểm của đối thủ dể tấn công. Nếu thua trận này, anh ta sẽ tìm cách đánh bại đối thủ trong một trận khác. Thực hành Giáo Pháp, ta phải quyết tâm trì chí, bền bỉ và vững chắc trau dồi trí tuệ; nếu không vậy ô nhiễm và ái dục sẽ mãi mãi là kẻ chiến thắng.
Là người gia công thực hành Giáo Pháp, quý vị phải là chiến sĩ cang cường, dũng mãnh xông pha vào trận địa và diệt trừ tên địch thủ nguy hiểm nhất: Ô nhiễm. Hãy hướng pháp hành và nội tâm, nhìn thẳng các đối tượng tâm linh và quyết chí quét sạch mọi bợn nhơ.
(Trích: Acharn Thoon Khippananno, "Cắt Ðứt Dòng Ðời",
Phạm Kim Khánh chuyển dịch,
Trung Tâm Narada, Seattle, USA, 1996)